Khủng hoảng chính trị tại Ukraina: Lợi ích chiến lược mang hơi hướng kim tiền

Thứ Tư, 05/03/2014, 17:10

Coi như phương Tây đã giật được Ukraina từ tay Nga. Vậy thì sao? Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính tại quốc gia này giờ đây Mỹ và EU sẽ “ăn cho hết”. Nếu bảo Tổng thống Yanukovych “bán linh hồn” cho Nga khi không chơi với EU, thế giới hãy xem Mỹ và EU sẽ “sai bảo” chính quyền mới ở Ukraina như thế nào nếu muốn nhận được những đồng tiền cứu trợ của họ!

Nguồn cơn bắt đầu từ khủng hoảng kinh tế - tài chính

Cần phải nói ngay rằng, cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraina hiện nay bắt nguồn từ một cuộc khủng hoảng khác, khủng hoảng kinh tế và tài chính. Để hiểu được điều này, cần phải trở lại trước thời điểm nổ ra các cuộc biểu tình phản kháng của phe đối lập thân châu Âu tại Ukraina.

Tháng 11/2013, kinh tế Ukraina mấp mé bờ vực phá sản. Nợ công bằng gần 180% GDP và dự trữ ngoại tệ chỉ còn đủ cho 2 tháng rưỡi nhập khẩu. Các phe phái chính trị chưa có mâu thuẫn gì gây căng thẳng.

Để cứu nguy nền kinh tế, Chính phủ Ukraina cần ít nhất 10 tỉ USD để trả nợ. Chính quyền Yanukovych đành "muối mặt" đi hỏi vay thêm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (trước đó Kiev đã có nợ IMF rồi) số tiền 11,8 tỉ USD. Nhưng IMF (nơi giữ tiền đóng góp của Mỹ và EU là chủ yếu) "xua đuổi" vì cho rằng Ukraina tăng lương cho viên chức, giữ giá đồng tiền quá cao và không tạo thuận lợi cho kinh doanh…

Bị IMF khước từ, Ukraina gõ cửa Liên minh châu Âu. Nhưng khối này chỉ hứa hẹn những khoản trợ giúp nhỏ bé (khoảng 2 tỉ USD) đi kèm với cả tá điều kiện vì nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, Ukraina không thuộc khối EU nên không được hưởng những quy chế cấp cứu của các thành viên. Kiev chỉ ký hiệp ước liên kết với EU. Thứ nữa, các thành viên EU lúc này cũng chia rẽ về khả năng cứu trợ Ukraina, nhiều nước giàu có thì đồng ý nhưng một số thành viên còn đang khủng hoảng nợ chẳng kém gì Ukraina thì nhất mực từ chối. Với lãnh đạo Ukraina, lúc này mà chờ được tiền của EU chắc nền kinh tế Ukraina "chết mất xác".

Có bệnh thì vái tứ phương. Trong tình thế cấp bách này, Ukraina cầu cứu Nga. Trái ngược với những điều kiện hà khắc đi kèm với những khoản vay "hà tiện" của EU, Nga sẵn sàng cấp cho Ukraina 15 tỉ USD vô điều kiện, đồng thời cũng cho biết sẽ giảm 1/3 giá bán khí đốt cho Kiev. Vì lợi ích người dân, vì sự tồn vong của kinh tế đất nước, đây là lúc lãnh đạo Ukraina từ chối ký một thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu và thay vào đó đã quyết định thắt chặt quan hệ với Nga. Đây là một quyết định mà ngay cả giới quan sát viên phương Tây trung lập cho là sáng suốt, phù hợp với lợi ích dân tộc. Tuy nhiên, đây cũng là quyết định làm bùng phát sự phản kháng của phe đối lập thân châu Âu và những gì tiếp theo chúng ta đã được chứng kiến trong suốt 3 tháng rưỡi qua.

Như vậy rõ ràng cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Ukraina không bắt nguồn từ nguyên nhân chính trị mà là kinh tế. Giờ đây, việc phe đối lập thâu tóm Quốc hội, phế truất Tổng thống và kêu gọi bầu cử sớm dường như chỉ là những giải pháp mang tính chính trị, tuyệt nhiên không đả động gì đến hướng sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế như thế nào.

Trở lại gói cứu trợ của Nga, một ngày sau khi Tổng thống Yanukovych bị phế truất, Bộ trưởng Tài chính Liên bang Nga Anton Siluanov ngày 23/2 cho biết, Nga sẽ xem xét về việc phân bổ đợt hỗ trợ tài chính tiếp theo cho Ukraina chỉ sau khi chính phủ mới được thành lập ở Kiev.

"Chúng tôi thực sự đã thảo luận về thương vụ mua 2 tỉ USD trái phiếu châu Âu của Ukraina vào tuần trước, nhưng vì tình hình chính trị đã đột ngột thay đổi, chúng tôi phải hiểu là sẽ hợp tác với chính phủ nào. Do đó, chúng tôi dự định chờ đợi việc hình thành chính phủ mới và sự hiểu biết về chính sách của chính phủ. Và căn cứ theo đó chúng tôi sẽ xác định sau" - trích tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Nga.

Tuyên bố này có thể hiểu được là nếu chính phủ mới tại Ukraina quyết theo châu Âu thì những lời hứa của Moskva về hỗ trợ tài chính cũng như giảm giá khí đốt dành cho Kiev khó mà giữ được. Đó là điều hiển nhiên. Trước những lời bóng gió của phương Tây về lời hứa của Nga, ngày 24/2, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã tuyên bố tất cả các thỏa thuận đã ký với Ukraina sẽ được tôn trọng.

Tại cuộc họp báo ở Sochi, ông nhấn mạnh: "Các hiệp định có tính ràng buộc pháp lý đều cần được thực hiện". Lưu ý rằng khoản viện trợ 15 tỉ USD mà Tổng thống Putin hứa với Tổng thống Yanukovych hồi tháng trước không có tính ràng buộc này. Thủ tướng Nga nói thêm, Nga và Ukraina không hợp tác ở cấp độ "các nhân vật hay cá nhân riêng lẻ", mà đó là "mối quan hệ giữa các quốc gia".

Tuy nhiên, ông Medvedev đã lưu ý đến động thái chưa từng có của Nga - triệu tập Đại sứ tại Kiev về nước để tham vấn. Ông nhấn mạnh rằng bước làm này có nghĩa sự quan ngại đặc biệt của Nga trước tình hình ở Ukraina. Thủ tướng nói: “Động thái như vậy có nghĩa chúng tôi không hiểu rõ những gì đang diễn ra, hiện hữu mối đe dọa đến lợi ích của chúng tôi, đến sinh mạng và sức khỏe của công dân chúng tôi".

Từ trái qua: Tổng thống Urkaina Yanukovych tuyên bố không từ chức bất chấp việc quốc hội do phe đối lập kiểm soát ra lệnh phế truất ông; Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde nói sẵn sàng giúp đỡ Ukraina; Thủ tướng Medvedev ngày 24/2 nói Nga sẽ hoàn thành tất cả các thỏa thuận có ràng buộc pháp lý với Ukraina.

Truyền thông châu Âu thích phẫn nộ chứ không suy nghĩ

Như bắt vị được gốc rễ của vấn đề, chỉ ít giờ sau khi Tổng thống Yanukovych bị phế truất, cả Liên minh châu Âu và IMF đều lên tiếng. Ngày 22/2, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Nghị viện châu Âu Elmar Brock tuyên bố sẵn sàng cấp cho Kiev 20 tỉ euro để tiến hành cải cách sau khi thành lập chính phủ mới ở Ukraina.

Phát biểu trên kênh truyền hình Ukraina "1+1", ông Brock nói: "Sẽ có 20 tỉ euro đặt sẵn trên bàn nghị sự dành cho cải cách, sự hỗ trợ này có thể được cung cấp ngay lập tức để tránh xảy ra suy sụp mặc định. Mọi người không nên sợ viễn cảnh suy sụp mà chẳng có gì đảm bảo cho cải cách, không nên sợ rằng Ukraina sẽ thiếu sự hỗ trợ".

Cùng ngày IMF tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ Ukraina nếu các nhà chức trách Ukraina yêu cầu. Hãng tin AFP dẫn tuyên bố của Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde nói: "Nếu nhà chức trách Ukraina yêu cầu IMF trợ giúp, cho dù là để được tư vấn, hỗ trợ tài chính cùng với thảo luận về cải cách kinh tế, tất nhiên, chúng tôi đã sẵn sàng cho việc này. Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ trong việc chẩn đoán tình hình hiện nay, dĩ nhiên là trước khi IMF sẽ thực hiện những động thái kế tiếp mà tổ chức thường tiến hành trong những tình huống tương tự".

Trước đó, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết, Chính phủ Mỹ đã đưa ra những điều kiện chính trị cho việc Ukraina đâm đơn lên IMF, bao gồm cải cách hiến pháp và thiết lập chính phủ liên minh.--PageBreak--

Giá mà tại thời điểm cách đây 3 tháng rưỡi nếu EU, IMF và Mỹ đều sốt sắng muốn cứu nền kinh tế Ukraina như lúc này thì quý biết bao. Chả phải Mỹ và EU không có 15 tỉ USD để cứu Ukraina khỏi phá sản nhưng thứ mà họ thu hồi lại là gì? Tư bản rất thực tế. Những lợi ích chiến lược mà không quy ra được thành tiền bằng hình thức này hay hình thức khác thì còn lâu họ mới đầu tư. Vả lại, Ukraina muốn nhận được tiền của họ chắc chắn phải theo sự sai khiến của họ, về mọi mặt.

Dư luận châu Âu đã thức tỉnh sau khi lãnh đạo của họ "giành được" Ukraina. Báo Le Figaro của Pháp số ra ngày 21/2 có bài viết sâu sắc nhan đề: "Ukraina: Nên hiểu vấn đề trước khi lên án".

Theo bài viết, truyền thông châu Âu thích phẫn nộ hơn là suy nghĩ. Để kéo được Ukraina về với mình, các nhà thương thuyết châu Âu cần có một chính sách mềm dẻo hơn. Khi lựa chọn hiệp định với Moskva, Chính phủ Ukraina đã có một lựa chọn mang tính thực tế hơn là mang tính lý tưởng. Đối với một đất nước đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng và nguy cơ thường nhật mất khả năng chi trả thì hứa hẹn giúp 15 tỉ USD, cùng với việc giảm 1/3 giá khí đốt của Nga thì có lợi hơn nhiều. Ngược lại, châu Âu đã đưa ra một giải pháp vừa phức tạp vừa đầy ràng buộc: một sự trợ giúp tài chính trực tiếp, ít hơn nhiều so với số tiền mà Nga hứa hẹn.

Đối với Ukraina, đề nghị này không chỉ không đủ về mặt tài chính mà còn là một cái bẫy. Ủy ban châu Âu chấp nhận trợ giúp, nhưng Ukraina phải chấp nhận kế hoạch cải cách mà IMF đưa ra. Việc đặt Chính phủ Ukraina dưới sự giám hộ này gây hại đến đa số trong Chính phủ Ukraina hiện nay. Bài báo kết luận: Liệu ta có thể trách một chính phủ từ chối một sự tự sát chính trị như vậy hay không?

Bên cạnh đó, tờ Libération (cũng của Pháp số ra cùng ngày) chạy tít ngay trên trang nhất: "Ukraina bị châu Âu phản bội". Bài viết nhận định như sau: Từ 3 tháng nay, châu Âu để cho Chính phủ Ukraina giết người, đánh nhừ tử hàng nghìn người biểu tình sẵn sàng đấu tranh cả ngày lẫn đêm, sẵn sàng chết vì một lý tưởng liên kết với châu Âu mà ngày qua ngày đã bị chính châu Âu phản bội. Cần phải có bao nhiêu người thiệt mạng nữa thì châu Âu mới hành động? Hiện giờ, người Ukraina, thanh niên, hưu trí, thuộc cánh hữu hay cánh tả, cố gắng chống lại trấn áp của chính phủ. Họ vẫn còn muốn tin vào châu Âu. Họ muốn tin rằng châu Âu sẽ cứu lấy họ. Nhưng những thứ mà họ thấy có lẽ chỉ là bánh vẽ mà thôi!

Trở lại với vai trò của Nga, theo các nhà quan sát, dù chính phủ mới tại Ukraina theo phe nào đi chăng nữa thì vẫn sẽ phải phụ thuộc rất nhiều vào Moskva. Châu Âu và Mỹ muốn cứu Ukraina cũng phải dựa vào Nga. Việc tách Ukraina ra khỏi sự phụ thuộc vào Nga dường như là điều không thể. Xu hướng kinh tế Ukraina ngày càng gắn chặt hơn với nhóm các nước thuộc khối Liên Xô cũ, với xuất khẩu vào khu vực này tăng 36% trong 10 năm gần đây, trong khi xuất khẩu sang châu Âu giảm 25% trong cùng thời gian. Nước Nga chiếm đến 1/4 xuất khẩu của Ukraina, một loạt các ngành kinh tế chủ chốt của Ukraina sống nhờ đơn đặt hàng từ Nga.

Nga rất hy vọng Ukraina chấp nhận gia nhập liên minh thuế quan cùng với Belarus và Kazakhstan, tiền thân của một Liên minh Âu-Á rộng lớn và hứa hẹn nhiều lợi ích cho Kiev. Chưa kể, không riêng gì Ukraina mà gần như toàn châu Âu đều phải nhập khí đốt từ Nga, một cái siết van của Moskva, cả châu Âu sẽ chết cóng. Đây là quân át chủ bài mà Nga đang nắm giữ nên dường như chính quyền của Tổng thống Putin chả hề nao núng khi chính thể của Tổng thống Yanukovych bị lật đổ.

Ukraina trước nguy cơ cát cứ

Trong khi giật dây tình hình chính trị tại Ukraina, Mỹ và phương Tây không thể lường trước được rằng Ukraina đang đứng trước nguy cơ cát cứ. Ngày 22/2, sau khi quyết định trả tự do ngay lập tức cho nhà đối lập Tymoshenko, Quốc hội Ukraina đã thông qua nghị quyết về việc truất phế Tổng thống Yanukovych và tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn vào ngày 25/5 tới.

Tuy nhiên, tại thành phố Kharkov, ông Yanukovych, đắc cử Tổng thống năm 2010 và trên nguyên tắc đến tháng 3/2015 mới hết nhiệm kỳ, tuyên bố là ông không hề có ý định từ chức, đồng thời lên án điều ông gọi là "một cuộc đảo chính". Hiện giờ không ai rõ hành tung của Tổng thống Yanukovych.

Một số nguồn tin cho biết ông Yanukovych đang lẩn trốn trong vùng Donetsk, quê hương và cũng là một trong những thành trì của phe ủng hộ ông. Ngày 24-2, quyền Bộ trưởng Nội vụ Ukraina Arsen Avakhov đã ra trát bắt giữ Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych, tố cáo ông và các giới chức khác về tội giết hại hàng loạt người biểu tình.

Hôm 23/2, Quốc hội Ukaina bỏ phiếu thông qua nghị quyết chỉ định Chủ tịch Quốc hội Olexandre Tourchinov làm Tổng thống lâm thời, chiếu theo quy định của Hiến pháp. Theo thông báo của ông Tourchinov, trong ngày 25/2, các dân biểu Quốc hội phải thành lập một chính phủ mới.

Trong khi đó tại Kharkov, lãnh đạo những vùng ở miền Đông (ủng hộ Tổng thống Yanukovych) đã không nhìn nhận "tính chính đáng" của Quốc hội Ukraina, mà theo họ, cơ quan này đã bị phương Tây thâu tóm. Họ cho rằng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina đang bị đe dọa. Quốc gia có 46 triệu dân này cho tới nay vẫn bị phân làm hai, một bên là miền Đông, với dân nói tiếng Nga và thân Nga, chiếm đa số, và bên kia là miền Tây, với dân nói tiếng Ukraina và theo phương Tây.

Như vậy, kịch bản tiếp theo tại Ukraina có thể sẽ là hai chính phủ tồn tại song song. Chính phủ thân phương Tây sẽ đóng tại Kiev, còn của ông Yanukovych sẽ được thành lập tại Kharkov. Nga hôm 22/2 cáo buộc phe đối lập Ukraina "đã không thực hiện một nghĩa vụ nào" trong thỏa thuận ký hôm 21/2 với Tổng thống Yanukovych và tố cáo những người mà họ gọi là "thành phần cực đoan vũ trang và những kẻ cướp phá đang đe dọa trực tiếp toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina".

Như một động thái “chặn đầu” trong chương trình "Meet the Press" của Đài NBC (Mỹ), bà Susan Rice, Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Obama, nói rằng, Nga sẽ "sai lầm nghiêm trọng" nếu đem quân can thiệp vào Ukraina.

Sở dĩ có suy nghĩ về khả năng Nga sẽ đem quân bảo vệ chính quyền Tổng thống Yanukovych là vì chính quyền này đảm bảo cho những quyền lợi kinh tế và địa chính trị của Nga tại Ukraina. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Tổng thống Putin chắc chắn không vui vẻ gì trước viễn cảnh phải lao vào một cuộc đấu đá với phương Tây để tranh giành Ukraina.

Ông Andrew Weiss, chuyên gia cố vấn chính sách phụ trách khu vực Nga và Đông Âu dưới thời Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush cho rằng Nga không hề muốn một kịch bản ở Nam Tư lặp lại

Đan Kô - Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.