Khủng hoảng tại Catalonia: 90% muốn ly khai

Thứ Tư, 04/10/2017, 10:25
Cuộc trưng cầu ý dân ngày 1/10 tại xứ Catalonia đang đẩy Tây Ban Nha vào cuộc khủng hoảng hiến pháp sâu sắc nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây, đồng thời khoét sâu mâu thuẫn kéo dài hàng thế kỷ giữa Madrid và Barcelona.

Mặc dù chưa có kết quả cuối cùng và có tới 90% trong số hơn 2 triệu cử tri (chiếm 42% số cử tri đủ tư cách) trả lời “Có”, và chỉ 7,8% cử tri lựa chọn “Không” với câu hỏi: “Bạn có muốn Catalonia trở thành một nền cộng hòa độc lập hay không?” song giới phân tích nhận định sở dĩ kết quả đồng ý độc lập cao như vậy là do hầu hết những người ủng hộ đều hào hứng và quyết tâm đi bỏ phiếu, trong khi những người phản đối mục tiêu này lại khá thờ ơ.

Tại sao Catalonia muốn độc lập

Sáng 2-10, lãnh đạo xứ Catalonia Carles Puigdemont tuyên bố khu vực này đã có lý do chính đáng để rời khỏi Tây Ban Nha khi có tới 90% cử tri ủng hộ một nền độc lập cho Catalonia. Ông Carles Puigdemont trước đó tuyên bố nếu đa số phiếu là kết quả “Có”, Chính quyền Catalonia sẽ tuyên bố độc lập trong vòng 48 giờ kể từ khi kết quả được công bố. Tuy nhiên, giới chức địa phương sau đó đã thừa nhận quyết định và lý lẽ Madrid đã ảnh hưởng đáng kể tới cuộc trưng cầu ý dân này.

Giới phân tích cho rằng các cuộc thăm dò dư luận được tiến hành trước đó tại khu vực phía đông bắc Tây Ban Nha này cho thấy chỉ 40% số người được hỏi muốn tách khỏi Tây Ban Nha, dù rằng đa số người dân muốn tiến hành một cuộc bỏ phiếu.

Thực tế cuộc trưng cầu ý dân lần này không có bất kỳ tư cách pháp lý nào bởi nó đã bị Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha phủ nhận khi cho rằng cuộc bỏ phiếu vi phạm Hiến pháp 1978, văn bản giúp Tây Ban Nha khôi phục dân chủ sau giai đoạn thống trị của nhà độc tài Francisco Franco. Vậy nên bất kể cuộc trưng cầu ý dân tại Catalonia được công bố với kết quả như thế nào, chính quyền Tây Ban Nha cũng không bao giờ công nhận.

Mặc dù tuyên bố sẽ xem xét kêu gọi tiến hành một cuộc đàm phán giữa tất cả các bên về “tình hình trong tương lai” trong khuôn khổ luật pháp, được xem là bước đi nhằm giảm căng thẳng giữa chính quyền trung ương và khu vực tự trị này, song ông Rajoy khẳng định không nhượng bộ cũng như không thể để 40 năm chung sống hòa bình tiêu tan chỉ vì những hành vi đe dọa đối với đất nước... xứ Catalonia sẽ lùi bước khỏi con đường này, bởi đúng như những gì thực tế, nó sẽ chẳng bao giờ dẫn tới đâu. Ông Rajoy đã hoan nghênh trách nhiệm của lực lượng cảnh sát trong việc đảm bảo an ninh và can thiệp sự kiện vừa diễn ra trong ngày 1-10.

Tuy nhiên, đi tìm nguyên dẫn đến việc chính quyền Catalonia đòi độc lập, giới phân tích cho rằng dù được hưởng quyền tự quyết trong các lĩnh vực như giáo dục, chăm sóc sức khỏe và phúc lợi, tuy nhiên, chính quyền của khu vực 7,5 triệu người, với nền kinh tế thậm chí còn lớn hơn của Bồ Đào Nha này vẫn bất bình với việc họ phải đóng số thuế lớn hơn nhiều những gì họ được nhận từ Madrid.

Biểu tình ở Tây Ban Nha liên quan đến trưng cầu dân ý đòi độc lập cho Catalonia.

Những tư tưởng bất mãn nảy sinh và càng trở nên trầm trọng hơn khi Tây Ban Nha suy thoái kinh tế, và chính điều này là một trong những nguyên nhân khiến Catalonia tìm cách ly khai. Năm 2011, thời điểm “xứ sở bò tót” đang ở trong cuộc khủng hoảng kinh tế vô cùng tồi tệ, ông Rajoy bị nhiều người cáo buộc “châm ngòi" cho kế hoạch này khi ông từ chối yêu cầu trao quyền tự trị về tài chính cho chính quyền khu vực Catalonia.

Những người chỉ trích ông Rajoy cho rằng sự cứng nhắc của ông đã kích động tư tưởng ly khai của Catalonia. Dù cũng có những biện pháp "trừng trị" giới lãnh đạo Catalonia, song ông Rajoy mới đây đã tìm cách thu hút sự ủng hộ của Catalonia bằng cách cam kết tăng cường đầu tư, khẳng định những tình cảm mà người dân Tây Ban Nha dành cho khu vực này sau các cuộc tấn công thánh chiến tại Barcelona hồi tháng 8 vừa qua khiến 16 người thiệt mạng. Tuy nhiên, những nỗ lực này cũng không đủ để làm dịu bầu không khí sôi sục trên các đường phố Catalonia.

Không có lợi cho cả Tây Ban Nha và châu  Âu

Giới phân tích cho rằng nếu kịch bản Catalonia độc lập xảy ra, bất ổn không chỉ xảy ra với Tây Ban Nha mà còn cho chính Liên minh châu Âu (EU). Rõ ràng, việc chia cắt một nền kinh tế trị giá tới hơn 1 nghìn tỷ euro (và cả khối nợ công khổng lồ) sẽ đem đến những khó khăn và hậu quả khó lường cho chính Catalonia cũng như phần còn lại của Tây Ban Nha và toàn bộ khu vực.

Catalonia chiếm gần 1/5 nền kinh tế Tây Ban Nha, và dẫn đầu tất cả các vùng sản xuất với 25% lượng hàng xuất khẩu của đất nước này. Việc rút khỏi khối sẽ làm tăng chi phí xuất khẩu hàng hóa sản xuất tại Catalonia tới các nước thành viên EU và các quốc gia khác.

Đó là chưa kể nếu rời khỏi Tây Ban Nha, Catalonia có thể bị buộc phải đăng ký thành viên EU một cách độc lập, họ sẽ phải thuyết phục tất cả các thành viên hiện tại của khối đồng ý - kể cả Tây Ban Nha.

Đề cập đến những diễn biến tại Catalonia, giới chuyên gia nhận định “cuộc đảo chính nhằm vào nền dân chủ Tây Ban Nha chính là một cuộc đảo chính đối với châu Âu”. Tây Ban Nha đang đối mặt với thách thức lớn nhất từ sau cuộc đảo chính quân sự bất thành ngày 23-2-1981.

Nền dân chủ non trẻ sau đó nằm trong tay họ. Tuy nhiên, ngày nay họ là một phần hợp nhất của EU, vốn tôn trọng và bảo vệ bản sắc dân tộc và các cấu trúc hiến pháp của mọi quốc gia thành viên. Một cuộc tấn công vi hiến nhằm vào bất kỳ thành viên nào cũng đều là một cuộc tấn công nhằm vào toàn bộ liên minh.

Cuộc ly khai của Catalonia là điều không hề có lợi cho cả Tây Ban Nha và châu Âu. Cho rằng dù Thủ tướng Rajoy có quyền dùng luật và những biện pháp cưỡng chế để ngăn chặn mục tiêu của Catalonia song sẽ là khôn ngoan hơn nếu chính quyền Madrid lựa chọn một cách hành xử kiềm chế, tránh kích động những mâu thuẫn chỉ có lợi cho các lập luận của lực lượng ủng hộ ly khai.

Lựa chọn hợp lý nhất ở thời điểm này có lẽ là thúc đẩy một cuộc đối thoại giữa chính quyền Madrid và xứ Catalonia, dựa trên khuôn khổ luật pháp, để tìm lối thoát hợp lý nhất cho cuộc khủng hoảng.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.