Kịch tính mới trong đàm phán Mỹ – Triều

Thứ Hai, 03/02/2020, 11:10
CHDCND Triều Tiên khởi đầu năm 2020 bằng tuyên bố chuyển hướng sang một biện pháp tiếp cận chính sách đối ngoại cứng rắn hơn. Bình Nhưỡng cũng đã tuyên bố lần đầu tiên tham dự Hội nghị Munich. Đó là những “vũ điệu” mới trong đàm phán Mỹ-Triều Tiên, mở màn cho năm 2020 đầy kịch tính.

Màn đấu trí căng thẳng

Tháng 2 này, CHDCND Triều Tiên sẽ lần đầu tham dự Hội nghị An ninh Munich (Đức). Động thái này khiến dư luận hết sức quan tâm trong bối cảnh đối thoại Mỹ-Triều bế tắc. Việc Bình Nhưỡng tham dự sự kiện này mang ý nghĩa lớn, thu hút sự chú ý của toàn thế giới.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un gần đây đã thay thế các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng. Hành động này cho thấy lập trường cứng rắn về vấn đề phi hạt nhân hóa. Trong các ngày 18 và 22-1, Ngoại trưởng Ri Yong-ho đã được thay thế bởi ông Ri Son-gwon và Bộ trưởng Quốc phòng No Kwang-chol được thay thế bởi ông Kim Jong-gwan. Ông Ri Son-gwon là cựu Chủ tịch Ủy ban Thống nhất Hòa bình Triều Tiên và ông Kim Jong-gwan là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un phát biểu rằng việc CHDCND Triều Tiên tự áp đặt lệnh cấm thử tên lửa đạn đạo tầm xa và hạt nhân đã kết thúc và trong “tương lai gần” nước này có thể đưa những loại vũ khí “chiến lược” mới vào kho vũ khí của mình. Ông Kim Jong-un đe dọa nếu chính sách thù địch của Mỹ đối với CHDCND Triều Tiên không thay đổi thì “sẽ chẳng bao giờ có phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên”.

Về phía Mỹ, trong một số trường hợp, Washington đã cáo buộc rằng thời hạn chót cho các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa do CHDCND Triều Tiên đặt ra là 31-12-2019 chỉ mang tính “giả tạo”. Mỹ vẫn không sẵn sàng thể hiện sự linh hoạt và thực tế họ đã chuẩn bị để đối phó với một kịch bản thay thế. Tổng thống Trump và các quan chức cấp cao trong chính quyền của ông đã công khai bày tỏ hy vọng Bình Nhưỡng chọn hòa bình thay vì chiến tranh.

Tuy vậy, một số người đã lập luận rằng chính quyền Trump lợi dụng cuộc đàm phán để đánh lạc hướng sự chú ý về tình hình và “câu giờ” cho đến bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, chính cuộc bầu cử 2020 cũng sẽ trở thành “lá bài” trong tay ông Kim Jong-un khi Bình Nhưỡng nhận thức được tầm quan trọng của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và do đó coi đây là thời cơ thích hợp để gây áp lực với Washington.

Hội nghị an ninh Munich tới đây có nhiều kỳ vọng cho vấn đề Triều Tiên.

Ông Kim Jong-un có khả năng cho rằng chính quyền Tổng thống Trump sẽ không chọn hành động quân sự trong năm bầu cử. Vì vậy, CHDCND Triều Tiên sẵn sàng leo thang và tăng cường khả năng tấn công chiến lược. Những tuyên bố gần đây của Chủ tịch Kim Jong-un cũng như lựa chọn ngoại trưởng mới phản ánh kế hoạch này. Ông Ri Son-gwon, không giống những người tiền nhiệm, xuất thân từ quân đội và là một người có quan điểm cứng rắn cũng sẽ là thông điệp thích hợp để gửi đến Mỹ.

Kỳ vọng ở Munich

Việc CHDCND Triều Tiên tham dự một Hội nghị An ninh đa phương cũng có thể được coi là một “tín hiệu” nào đó. Hội nghị An ninh Munich có sự tham gia của nhiều quan chức cấp cao thế giới, trong đó có một số nguyên thủ quốc gia, bộ trưởng, là diễn đàn ngoại giao đa phương về các vấn đề an ninh quốc tế. Mỹ dự kiến sẽ cử Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper tham dự sự kiện này.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-hwa cũng sẽ tham dự hội nghị. Việc quan chức an ninh ngoại giao cấp cao của 3 nước Hàn-Triều-Mỹ cùng tập trung tại một sự kiện có thể dẫn tới khả năng diễn ra đối thoại bên lề hội nghị giữa các bên.

Tuy nhiên, việc Bình Nhưỡng quyết định tham dự sự kiện này có thể chỉ là một bước đi thăm dò, hơn là khả năng diễn ra một cuộc đối thoại có ý nghĩa nào đó, bởi mặc dù Mỹ và Hàn Quốc cử Bộ trưởng Ngoại giao tham dự, song CHDCND Triều Tiên lại chỉ cử quan chức cấp Thứ trưởng.

Thứ trưởng Kim Son-gyong còn là quan chức phụ trách quan hệ với châu Âu và không hề có liên quan tới đối thoại Mỹ-Triều. Do đó, dù tiếp xúc giữa quan chức Mỹ-Triều có diễn ra đi chăng nữa thì hai bên cũng khó có thể đối thoại sâu về vấn đề phi hạt nhân hóa.

Do vậy, trong khuôn khổ Munich, dư luận đang chú ý hơn tới khả năng diễn ra cuộc tiếp xúc cấp chuyên viên thay vì cấp cao giữa hai nước. Nếu cuộc hội đàm cấp chuyên viên diễn ra thì quan chức hai bên có thể thăm dò lập trường của nhau, tìm kiếm các điều kiện để nối lại đối thoại. Mỹ và CHDCND Triều Tiên từng thảo luận cấp chuyên viên nhằm nối lại đối thoại cấp cao tại Stockholm (Thụy Điển) tháng 10 năm ngoái. Hội nghị An ninh Munich sẽ diễn ra vào giữa tháng 2. Từ nay tới lúc đó vẫn còn thời gian để hai nước thảo luận việc tổ chức cuộc họp cấp chuyên viên bên lề sự kiện này.

Năm 2019 kết thúc với nhiều sự kiện dày đặc. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tháng 2-2019 đã kết thúc đột ngột. Mặc dù có một cuộc gặp khác dù rất ngắn giữa Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump tại Khu phi quân sự (DMZ) hồi tháng 6-2019 và một cuộc họp giữa các quan chức Mỹ và CHDCND Triều Tiên tại Stockholm (Thụy Điển) hồi tháng 10 nhưng không có tiến triển thực sự nào về phi hạt nhân hóa.

Sau nhiều nỗ lực như “muối bỏ bể”, CHDCND Triều Tiên đã đe dọa Mỹ rằng họ sẽ nối lại việc thử tên lửa và hạt nhân vốn tạm ngừng gần 2 năm qua. Vì thế, không có gì là bí mật khi cho rằng Bình Nhưỡng đã thất vọng, và gần 27 vụ thử tên lửa và tên lửa tầm ngắn kể từ tháng 5-2019 đã được thực hiện như một minh chứng cho sự bất mãn này.

Có vẻ rằng, “vũ điệu” phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều đã bước vào một giai đoạn mới, liên quan đến các hành động hiếu chiến và tuyên bố đe dọa từ cả hai nước. Ngược lại, nếu CHDCND Triều Tiên không tiến hành thêm các vụ thử nghiệm thì mùa bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay có thể báo hiệu những triển vọng tốt để tiến tới một thỏa thuận. Dù kết quả ra sao, những diễn biến này sẽ báo trước hoạt động trên mặt trận phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên trong năm 2020 là rất quan trọng.

Hà Phương (tổng hợp)
.
.