Kinh tế thế giới: Khi đầu tàu giảm tốc

Thứ Sáu, 12/10/2012, 15:15

Trong khi kinh tế châu Âu và Mỹ vẫn tiếp tục èo uột, châu Á vốn được coi là đầu tàu kéo nền kinh tế thế giới thoát khỏi khủng hoảng nay lại bắt đầu… ì ạch. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) một lần nữa vừa hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á. Theo đó năm 2012 và 2013, mức tăng trưởng dự báo lần lượt là 6,1% và 6,7% thay vì 6,9% và 7,2% như dự báo hồi tháng 4/2012.

ADB ghi nhận nguyên nhân chính do nhu cầu thế giới giảm đã tác động đến xuất khẩu của các nền kinh tế mới nổi châu Á. Trong vòng 42 tháng liên tiếp, lượng đơn đặt hàng từ bên ngoài với Trung Quốc đã tụt giảm mạnh. Theo giải thích của chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng Société Générale của Pháp phụ trách về châu Á, thì việc vực dậy ngành xuất khẩu của Trung Quốc còn lệ thuộc nhiều vào sự cải thiện tình hình kinh tế tại Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Và điều đó dường như khó có thể thực hiện được trong ngắn hạn.

GDP của Trung Quốc trong quý 2 năm nay chỉ đạt 7,6%. Đây là mức yếu kém nhất kể từ đầu cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu năm 2008-2009. Đây cũng là quý thứ 6 liên tiếp GDP của Trung Quốc tăng chậm. ADB nhận định: Trong thời gian ngắn hạn, Trung Quốc sẽ chịu nhiều rủi ro nhưng Trung Quốc khó rơi vào khủng hoảng bởi tình hình ngân sách vững vàng, lạm phát giảm và thực hiện nhiều biện pháp kích thích kinh tế. Tuy nhiên, tập đoàn dịch vụ tài chính đa quốc gia hàng đầu của Mỹ Citigroup Inc cũng vừa công bố báo cáo dự báo triển vọng của nền kinh tế thế giới trong vòng 3 năm tới, trong đó đưa ra nhận định rằng, kinh tế toàn cầu sẽ khó đạt được tốc độ tăng trưởng tích cực hơn và hai trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Nhật Bản sẽ tiếp tục đi xuống.

Theo Citigroup Inc, các biện pháp kích thích kinh tế mới đây của Bắc Kinh có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý cuối cùng của năm và giúp Trung Quốc vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2012. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng sẽ không bền vững và liên tiếp chậm lại trong các năm tiếp theo.

Kinh tế Trung Quốc chựng lại cũng không làm cho các nước láng giềng cảm thấy vui sướng gì hơn. Trong tháng 9 vừa qua, chỉ số Tankan của Nhật Bản - được công bố hàng quý cho thấy tình trạng sức khỏe của các doanh nghiệp lớn đã rơi xuống mức -3 thay vì là -1 trong tháng 6. Lần thứ tư liên tiếp - chỉ số Tankan nằm dưới mức 0. Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho biết, sản lượng công nghiệp nước này cùng bị sụt giảm trong tháng 9/2012. Xuất khẩu của Nhật sang các thị trường Âu - Mỹ và gần đây nhất là sang Trung Quốc đang gặp khó khăn. Những khó khăn trong lĩnh vực xuất khẩu sẽ khiến tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản giảm đáng kể, từ mức 2,1% trong năm nay, xuống còn 1,3% trong năm 2013.

Những vụ tranh chấp lãnh thổ, biển đảo ở châu Á đang đe dọa không chỉ tới mục tiêu tăng trưởng của khu vực mà còn cả thế giới.

Trong khi đó, tăng trưởng của Ấn Độ sẽ giảm còn 5,6% và 6,7% trong năm 2012 và năm 2013 so với dự báo trước 7% và 7,5%. Nguyên nhân do Ấn Độ chưa kích thích tiêu dùng nội địa, chưa kiềm chế lạm phát và tình hình thiếu hụt ngân sách. Khó khăn của nền kinh tế Ấn Độ được tờ Les Echos (Pháp) chỉ ra như sau: Từ tháng 6/2011 đến tháng 6/2012 đầu tư nước ngoài giảm 78%, lạm phát ở mức 7,6%, thâm hụt ngân sách tương đương 5,9% GDP, thâm hụt thương mại 2,4%, tình trạng thâm hụt đang có xu hướng gia tăng, đồng rupee ngày càng mất giá.

Les Echos nhận định, một trong những khó khăn của nền kinh tế Ấn Độ là tình trạng èo uột của lĩnh vực sản xuất. Bởi thế, giới kinh doanh luôn mong mỏi chính phủ có những cải cách quyết liệt hơn. Ngày 14/9 vừa qua, Chính phủ Ấn Độ thông báo mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó chủ yếu là ngành bán lẻ và hàng không.

Liên quan đến lĩnh vực bán lẻ, sắp tới các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có thể nắm giữ tỉ lệ cổ phần trên 51% tại các công ty của Ấn Độ. Quyết định này rất quan trọng đối với kinh tế Ấn Độ, bởi nước này có đến 12 triệu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ mà đa phần có quy mô nhỏ, sử dụng đến 40 triệu lao động với doanh thu đạt 400 tỉ USD. Bên cạnh đó, chính phủ còn thông báo mở cửa lĩnh vực hàng không dân dụng cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với Đông Nam Á, ADB vẫn giữ mức dự báo tăng trưởng như cũ là 5,2% trong năm 2012, tuy nhiên khu vực này đang có dấu hiệu khó khăn do đà suy giảm chung của kinh tế thế giới.

Không chỉ có hai cường quốc kinh tế Trung Quốc và Nhật Bản đang phải chịu đựng, mà xuất khẩu Hàn Quốc cũng đang có hướng đi xuống, bất chấp sự thành công của Samsung. Theo dự báo, nền kinh tế theo định hướng xuất khẩu của Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức khi nhu cầu của cả trong và ngoài nước yếu hơn, đặc biệt là nhu cầu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn có thể duy trì được sự ổn định trong tăng trưởng .

ADB nhận xét Đông Á sẽ vẫn tiếp tục là khu vực phát triển nhanh hơn ở châu Á với mức tăng trưởng 6,5% năm 2012 và 7,1% năm 2013.

Theo ADB, khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng euro và thâm hụt ngân sách ở Mỹ là hai rủi ro lớn hàng đầu đối với tăng trưởng châu Á. Tuy nhiên, ADB cho rằng, hầu hết các nền kinh tế châu Á vẫn có khả năng sử dụng các chính sách tiền tệ và ngân sách để bảo vệ tăng trưởng nội địa khi cần thiết.

Trong bối cảnh kinh tế ảm đạm như thế, ngày 3/10, trả lời Hãng tin Kyodo của Nhật, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã nhận định tình hình kinh tế thế giới hiện tại rất cần Nhật và Trung Quốc nỗ lực nhiều hơn nữa. Bà Lagarde đã kêu gọi hai nền kinh tế lớn của thế giới trên cần có một mức độ khoan dung để cùng sống chung hòa bình và tập trung cho tăng trưởng toàn cầu thay vì cứ chăm chăm tranh chấp lãnh thổ.

Setsuo Iuchi, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Nhật tại Thái Lan (Jetro) và Joe Mannix, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thái Lan (AmCham) đều tỏ ra lo lắng về việc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Họ hy họng rằng 2 nước sẽ sớm có biện pháp giải quyết vấn đề này để đảm bảo và duy trì sự tăng trưởng của khu vực, nhất là trong thời điểm khủng hoảng tài chính tại châu Âu vẫn chưa chấm dứt

M.T.
.
.