Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII: Bức xúc của cuộc sống trên bàn nghị sự

Thứ Bảy, 05/11/2011, 10:30
Vẫn biết mỗi kỳ họp Quốc hội đều quyết những vấn đề trọng đại của đất nước. Nhưng Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII này có ý nghĩa rất quan trọng bởi không chỉ đưa ra nhiều vấn đề bức xúc của cuộc sống để bàn luận, tìm giải pháp tháo gỡ mà kỳ họp lần này còn bàn thảo tới một chiến lược phát triển dài hạn, đó là kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015.

Có lẽ vì thế mà phiên thảo luận tại hội trường về vấn đề này diễn ra hai ngày cuối tuần qua, rất nhiều vấn đề bức xúc của đời sống đã được đặt lên bàn nghị sự với rất nhiều ý kiến của các đại biểu…

Lạm phát đang ảnh hưởng tới cuộc sống của từng gia đình

Có lẽ chưa bao giờ, những khái niệm chuyên sâu của lĩnh vực kinh tế như "lạm phát", "tái cấu trúc nền kinh tế", "cắt giảm đầu tư công"… lại được nhắc nhiều trên báo chí như những ngày này vì không chỉ các chuyên gia kinh tế mà giờ đây mỗi người dân cũng rất quan tâm tới những vấn đề nghe rất "kinh tế vĩ mô" này.

Nhìn ở tầm vĩ mô, nếu tình trạng lạm phát tăng cao sẽ tác động xấu tới cả nền kinh tế. Nhưng ở tầm "vi mô", khi mà với khoản thu nhập cố định hàng tháng, đáng ra ngoài một phần dành cho sinh hoạt hàng tháng, mỗi người sẽ còn phải dành ra để mua sữa cho con, biếu cha mẹ già hay tích cóp để phòng khi "trái gió trở trời" thì vì lạm phát mà thịt, gạo tăng giá, mớ rau cũng tăng vài ngàn đồng… khiến cho chi tiêu hàng ngày phải căn cơ hơn.  Nôm na như vậy để thấy rằng "lạm phát", một khái niệm kinh tế tưởng rằng chỉ có những người nghiên cứu kinh tế mới quan tâm nhưng giờ đây đang tác động trực tiếp tới cuộc sống hàng ngày của mỗi gia đình.  

Giá cả tăng cao cũng đang là áp lực đè nặng lên các doanh nghiệp, nơi đang tạo việc làm cho hàng triệu người và nộp thuế cho nhà nước. Tại Hội nghị giao ban tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2011 do Bộ KH-ĐT tổ chức tại Hà Nội hôm 26/10 vừa rồi, Bộ này đánh giá tình hình kinh tế 10 tháng qua vẫn tiếp tục ổn định nhưng những khó khăn vẫn còn rất lớn.

Vì thế mà trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII này, khi báo cáo trước Quốc hội, ông Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban TWMTTQ Việt Nam cho biết  trong số những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội là kiến nghị Chính phủ tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời có biện pháp cụ thể, hữu hiệu để bình ổn giá cả trong những tháng cuối năm và có giải pháp ngăn ngừa lạm phát cao trở lại...

Thực ra, trước những khó khăn này, Chính phủ đã và đang có nhiều giải pháp để giải quyết đồng bộ. Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đánh giá bên cạnh những kết quả rất quan trọng đã đạt được thì một số chỉ tiêu quan trọng của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 chưa hoàn thành. Kinh tế vĩ mô chưa ổn định; lạm phát và lãi suất tín dụng còn cao; nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng, thanh khoản của một số ngân hàng thương mại khó khăn...

Theo Thủ tướng, tình hình trên có nguyên nhân khách quan là do tác động nặng nề, phức tạp của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu; nguyên nhân chủ quan là do những yếu kém nội tại của nền kinh tế với mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư kém hiệu quả tích tụ từ nhiều năm, chậm được khắc phục và do những hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, quản lý, nhất là trong quản lý kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách tài chính, tiền tệ, trong quản lý đầu tư công, quản lý doanh nghiệp nhà nước, quản lý tài nguyên và trong chỉ đạo giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc. Việc khắc phục những khuyết điểm, yếu kém, bảo đảm phát triển bền vững đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị trong năm 2012 và những năm tiếp theo.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, đại biểu TP HCM phát biểu ý kiến.

Khi đại biểu Quốc hội "nổi giận" với tai nạn giao thông

Trong những ngày qua, một vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, đó là ùn tắc và tai nạn giao thông.

Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, ít nước trên thế giới có quy mô dân số gần 90 triệu người mà năm nào cũng hơn 10.000 chết, hơn 10.000 người bị thương. Chết nhiều nhất vẫn là ở tuyến đường 1A, lòng đường thì nhỏ mà ở giữa không có giải phân cách nên rất dễ xảy ra tai nạn. Nói nâng cao nhận thức đạo đức cho người tham gia giao thông như không uống rượu bia khi lái xe, không phóng nhanh vượt ẩu, nhưng không mấy ai nói cần phải nâng cao nhận thức đạo đức cho những cơ sở đào tạo cấp phép lái xe, đào tạo sơ sài, cấp bằng lái. Những tài xế tay nghề non gây ra không biết bao nhiêu vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng...

Ông Thanh đề nghị sớm làm đường bộ cao tốc Hà Nội - TP HCM, thuê công ty tư vấn có uy tín của nước ngoài thiết kế, giám sát và đưa ra đấu thầu quốc tế, chắc chắn đất nước ta sẽ có một khuôn đường bộ cao tốc Bắc - Nam có chất lượng tốt.

"Có người nói đường bộ cao tốc thì đúng rồi nhưng tiền đâu mà làm? Nói tiền đâu thì cũng vô cùng, cứ bỏ tiền ra giải phóng mặt bằng trước đi rồi kêu gọi nước ngoài vào đầu tư và cho họ thu phí, có chính sách tốt họ sẽ vào, ta không mất tiền để đầu tư, việc này ở các nước trên thế giới họ cũng làm nhiều rồi".

Với kinh nghiệm của Đà Nẵng, ông Thanh cho rằng muốn giải quyết căn cơ vấn nạn ùn tắc giao thông thì phải kiểm soát chặt chẽ việc nhập cư vào nội thành, không cho xây thêm nhà cao tầng ở khu vực trung tâm, hình thành sớm đô thị vệ tinh để giãn dân ra. Ở nội thành thì giữ lại những cơ quan đầu não chính trị, còn các cơ quan khác, các bệnh viện, trường đại học, ga đường sắt nên chuyển ra ngoài. Làm thêm cầu, làm thêm đường, làm tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, một số tuyến vành đai ra vào thành phố phải xây dựng đường bộ hai tầng, rồi phải có bãi đỗ xe ngầm, không cho ôtô đỗ trên vỉa hè, đậu dưới lòng đường, kẻ vạch phân làn xe ôtô đi riêng, xe máy đi riêng, ai vi phạm thì giam xe và phạt nặng.

Còn bà Lê Thị Nga, đại biểu tỉnh Thái Nguyên, rất gay gắt khi nói về yếu kém trong quản lý nhà nước về giao thông. Theo bà Nga, pháp luật về giao thông được Quốc hội xây dựng khá đồng bộ, Chính phủ liên tục có các nghị quyết chuyên đề số 13, 32, 16, 88 với những giải pháp đúng và đồng bộ, song trên thực tế rất nhiều quy định không được thực hiện nghiêm túc nhưng về cơ bản không ai phải chịu trách nhiệm kỷ luật. "Nếu trách nhiệm cá nhân không nghiêm và quy định Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm Bộ trưởng không được thực hiện trên thực tế thì khó có thể giải quyết tình trạng này".

Trao đổi với báo chí chiều 27/10, khi được hỏi về việc bà Nga nói nếu để giao thông tắc nghẽn, tai nạn giao thông tăng thì bộ trưởng phải chịu trách nhiệm, thậm chí Quốc hội phải lấy phiếu tín nhiệm, Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng rất thẳng thắn khẳng định ông ủng hộ điều đó. 

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP HCM thì phải đầu tư xây dựng được các loại hình vận tải chở được khối lượng lớn, đó là tàu điện ngầm và đường sắt trên cao. Nhưng điều đó đòi hỏi thời gian, tiền bạc. 

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, trước ý kiến về chất lượng và sai phạm ở các trung tâm đào tạo lái xe và trung tâm đăng kiểm, Bộ đã chỉ đạo kiểm tra và giải tán 3 trung tâm đào tạo lái xe. "Kiểm tra, xử lý đương nhiên là việc quản lý nhà nước của Bộ. Cũng phải xử lý nghiêm tình trạng nhận tiền lót tay ở các trung tâm đăng kiểm. Muốn người dân thực hiện tốt luật pháp thì những người thực thi công vụ (bao gồm cả cán bộ, thanh tra ngành giao thông vận tải, ngành công an) phải thực hiện gương mẫu".

Xử lý ngân hàng yếu kém và "cứu" doanh nghiệp

Làm thế nào để đạt được mục tiêu cho năm 2012, là phấn đấu kiềm chế lạm phát dưới 10%, các năm sau thấp hơn, đến năm 2015 lạm phát khoảng 5 - 7%. Chỉ tiêu tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP): Năm 2012 tăng GDP khoảng 6 - 6,5%....

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm với mái tóc bạc trắng là người đã quá quen mặt trên báo chí, truyền hình với tư cách là một chuyên gia kinh tế với nhiều ý kiến phản biện.

Là đại biểu tỉnh Thái Bình, theo ông Kiêm qua 3 lần tiếp xúc cử tri năm nay và tiếp cận với dư luận chung bây giờ đang có một tâm trạng mừng, lo và hy vọng, nó đan xen và lẫn lộn nhau. Mừng vì trong điều kiện khó khăn trong nước và ngoài nước đang tăng, kể cả cái mới xuất hiện và những cái tích tụ từ lâu mà chúng ta đã có kết quả như báo cáo, chúng ta đã có một vị thế được thế giới đánh giá, nhất là giải pháp tình thế là điều đáng mừng. 

Lo vì đã chỉ đạo rất quyết liệt mà lạm phát vẫn cao, đứng thứ hai thế giới và cách xa các nước trong khu vực. Kinh tế thế giới chuyển biến chậm, suy giảm đang là dấu hiệu tiếp và tiềm ẩn một cuộc khủng hoảng mới có thể diễn ra.

Hy vọng kế hoạch năm 2012 và kế hoạch 5 năm Quốc hội, Đảng và Chính phủ thể hiện quyết tâm rất cao trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng trong việc tái cơ cấu lại phân bổ vốn ngân hàng thương mại và tập đoàn, các doanh nghiệp nhà nước. Cũng như đi vào đột phá những khâu rất quan trọng như thể chế, hạ tầng, chất lượng nguồn lực. Đặc biệt đã dỡ ra rào cản về tư duy nhiệm kỳ, về lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm và bệnh thành tích. Đây là những vấn đề rất cơ bản, nó sẽ tạo bước ngoặt lớn cho đất nước chúng ta. Nhưng so với việc thực hiện thì nó rất khó khăn và có nhiều cản trở, chắc chắn có nhiều động chạm trên quá trình thực hiện.

Là người nổi tiếng với nhiều quyết định táo bạo, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh cho rằng lạm phát cao thì có nhiều nguyên nhân, giá thế giới biến động tăng, do chúng ta nhập siêu tăng, do bội chi ngân sách lớn, do đầu tư công, chi tiêu công dàn trải, lãng phí và thiếu hiệu quả, do năng suất lao động thấp v.v... nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn nằm ở vấn đề chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa nới lỏng và cơ cấu bản thân nền kinh tế của chúng ta còn nhiều bất hợp lý, phát hành tiền nhiều, đưa tiền mặt vào lưu thông nhiều, hàng thì ít mà tiền thì nhiều đã dẫn đến lạm phát cao.

Ngân hàng ôm mấy miếng đất của mình mua rồi ôm luôn mấy miếng đất của người vay mang thế chấp, thị trường nhà đất thì đóng băng, không bán được thế là nợ xấu tăng lên. Nới lỏng chính sách tiền tệ thì bị lạm phát còn thắt chặt tiền tệ thì nợ xấu tăng lên, sức mua giảm sút, các nguồn tín dụng đen phát triển mạnh và nguy cơ đổ vỡ, sự tăng trưởng có nguy cơ bị đe dọa, kinh tế chậm tăng trưởng thì sản xuất bị đình đốn, sức mua giảm, lao động thì thiếu việc làm, nguồn thu cho ngân sách bị giảm sút, còn lạm phát cao thì đồng tiền bị mất giá, đời sống của nhân dân bị ảnh hưởng đặc biệt là những hộ nghèo, những đối tượng chính sách, các công nhân lao động, cán bộ hưu trí, cán bộ công nhân viên chức hưởng lương Nhà nước.

Theo ông Thanh, chấp nhận kinh tế tăng trưởng chậm lại để tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội là một hướng đi rất đúng. “Hạ nhiệt lạm phát cần nhiều giải pháp đồng bộ như việc tái cơ cấu lại ngành ngân hàng là việc cần làm ngay, làm kiên quyết, nhưng lưu ý đây là vấn đề rất khó, khó nhất là động chạm đến lợi ích nhóm và không khéo một ông chết sẽ kéo theo hàng loạt ông chết gây hậu quả cho xã hội”.

Vì vậy, ông Thanh cho rằng cần cải tổ nhưng phải hết sức thận trọng và có bước đi thích hợp. Sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua có sự đóng góp quan trọng của ngành ngân hàng, nhưng sự bất ổn của nền kinh tế nếu có xảy ra trong tương lai sẽ bắt đầu từ chính ngân hàng yếu kém này.

Đặt vấn đề về áp lực của lạm phát đối với doanh nghiệp, ông Mai Hữu Tín, đại biểu tỉnh Bình Dương cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, lực lượng tạo việc làm lớn nhất của chúng ta đã phải chịu quá nhiều khó khăn trong suốt 3 năm qua và đặc biệt trong năm nay. Vì vậy "nếu không có thêm các hỗ trợ tích cực hơn, nếu không giảm được lãi suất xuống dưới 15% một năm và lạm phát xuống dưới 10% một năm thì tôi e rằng phần lớn số doanh nghiệp này sẽ không còn tồn tại sau một năm nữa với hậu quả cực kỳ nghiêm trọng cho cả nền kinh tế".

Vì vậy, ông Tín cho rằng dù hiểu rằng một trong những lý do Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng từ 6 đến 6,5% cho năm 2012 là để giải quyết việc làm. Nhưng việc quan trọng hơn rất nhiều là phải kéo được mức tăng giá tiêu dùng về dưới 10% cho năm 2012 và những năm sau đó, "để làm được việc này mà mức tăng trưởng không đạt 6% theo tôi đã là thành công"

Nguyễn Thiêm
.
.