Kỳ họp thứ 7 – Quốc hội khóa XIII: Nóng chuyện Biển Đông

Thứ Hai, 02/06/2014, 16:10

Khai mạc vào thời điểm Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong Vùng đặc quyền kinh tế và them lục địa của Việt Nam, vì vậy Kỳ họp thư 7 Quốc hội khóa XIII này "nóng" hơn bao giờ hết bởi mỗi người dân đang chờ đợi những quyết sách của Quốc hội...

I- Hơn 20 ngày qua, tình hình Biển Đông luôn là câu chuyện thời sự nóng bỏng không chỉ trên báo chí mà là mối quan tâm của mọi người dân. Quan tâm, bởi những ngày này, dường như ai cũng thấy mình phải có một phần trách nhiệm để góp phần bảo vệ bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc.

Vì thế, vẫn biết mỗi kỳ họp, Quốc hội đều quyết rất nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, nhưng kỳ họp này, người dân đều trông chờ những quyết sách từ Quốc hội về vấn đề Biển Đông. 

Ngay trước giờ khai mạc, bên hành lang hội trường, trao đổi với báo chí, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng Quốc hội nên ra Nghị quyết về tình hình Biển Đông. Theo ông Dương Trung Quốc thì Quốc hội phát biểu ý kiến của mình, vừa với chức năng là tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân, vừa với chức năng là cơ quan giám sát tối cao.

"Tình hình càng phức tạp bao nhiêu thì sự giám sát phải càng chặt chẽ bấy nhiêu. Hơn nữa, Nghị quyết này còn có tác động mạnh tới cuộc đấu tranh ngoại giao nữa. Tiếng nói ngoại giao nhân dân bao giờ cũng có trọng lượng. Kể cả chúng ta nói tiếng nói hữu nghị với nhân dân Trung Quốc. Chuyện đó thì ta đã có kinh nghiệm trong thời kỳ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trước đây rồi và không bao giờ được quên mặt trận ngoại giao nhân dân. Tiếng nói của Quốc hội là một tiếng nói rất quan trọng".

Thì đây, ngay trong thông cáo số 2 Kỳ họp thứ 7, một thông điệp chính thức đã được đưa ra:

Quốc hội khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong thềm lục địa và Vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982; vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); trái với thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc. Tình hình Biển Đông căng thẳng. Hòa bình và an ninh đang bị đe dọa.

Quốc hội cùng với toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài bày tỏ sự lo ngại và kiên quyết phản đối những vi phạm, sai trái của phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Quốc hội cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với các tổ chức, cá nhân, dư luận quốc tế đã đồng tình, ủng hộ Việt Nam.

Quốc hội tin tưởng và nhất trí cao với chủ trương của Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo quân dân ta có nhiều biện pháp kiên quyết trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đồng thời, kiên trì đấu tranh, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; kiên trì bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang và các đại biểu.

Diễn biến tình hình trên Biển Đông còn phức tạp và khó lường. Quốc hội đề nghị Chính phủ, các ngành, các cấp cùng đồng bào cả nước đoàn kết, thống nhất và đặc biệt quan tâm giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại của đất nước.

II- Với cánh phóng viên "đi Quốc hội", hàng ngày ngoài việc phản ánh những thông tin chính thức của kỳ họp, ai cũng tận dụng khoảng thời gian giải lao giữa các buổi họp của các đại biểu để phỏng vấn theo yêu cầu của báo nhà. Nhưng, tại kỳ họp lần này, một chủ đề chung mà tất cả các phóng viên đều phỏng vấn là chuyện Biển Đông và việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 tại Vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Nên cũng không lạ khi Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng là những người luôn được tìm phỏng vấn đầu tiên.   

Ngay trước giờ thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình Biển Đông, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cung cấp nhiều thông tin về cuộc đấu tranh ngoại giao những ngày qua.

Theo Phó thủ tướng, chúng ta vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp đấu tranh ngoại giao, và một trong những biện pháp đấu tranh ngoại giao là giao thiệp trực tiếp với Trung Quốc. Đã có 20 cuộc giao thiệp giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong các cuộc giao thiệp này, chúng ta đều kiên quyết đấu tranh yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan và tàu hộ tống, nhưng Trung Quốc vẫn duy trì giàn khoan và tăng cường tàu ở khu vực đó.

"Đấu tranh bảo vệ chủ quyền là việc không để cho nước khác xâm phạm chủ quyền của chúng ta" là lời khẳng định của Phó thủ tướng trước khi ông vào phòng họp.

Chia sẻ những khó khăn trong cuộc đấu tranh ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trần Văn Hằng cho rằng vụ việc Trung Quốc đặt giàn khoan tại Vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Trong đó, tùy tình hình cụ thể để có những phản ứng phù hợp. Dù đã có 20 cuộc giao thiệp giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhưng thái độ của Trung Quốc vẫn ngông cuồng bất chấp. Chúng ta vẫn phải kiên trì và kiên quyết, thận trọng trong đối phó.

Ông Hằng kể rằng với Trung Quốc, chúng ta đề xuất rất nhiều biện pháp tăng cường giao lưu để trao đổi, hiểu nhau sâu hơn và quan tâm đến những vấn đề chung của hai nước. Khi đón đoàn của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trung Quốc, thì các thành viên trong đoàn rất thiện chí và có yêu cầu cấp thiết là Quốc hội hai bên cần tăng cường trao đổi, giao lưu. Thực tế trên các cuộc gặp đa phương đều có trao đổi. Riêng về sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, Quốc hội Trung Quốc lựa chọn im lặng, không có chủ trương muốn gặp Quốc hội Việt Nam, mặc dù lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã nhiều lần đề xuất qua điện đàm.

Vì vậy, ngày 28/5 tới, trong cuộc trao đổi với Chủ tịch Tiểu ban Châu Á - Thái Bình Dương của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cùng với nhiều nội dung khác, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội sẽ trao đổi, bàn về tình hình Biển Đông để bạn hiểu sâu hơn.

"Việt Nam sẽ thể hiện thái độ kiên quyết trong vụ việc giàn khoan, đồng thời khẳng định chủ quyền thiêng liêng của mình và không thể lùi bước được. Quốc hội Việt Nam kêu gọi nghị viện các nước lên tiếng về vụ việc Trung Quốc xâm phạm, yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc cũng là một trong những nước ký kết Công ước này".

Câu chuyện liên quan tới Biển Đông cũng được nhiều đại biểu chia sẻ bên hành lang kỳ họp. Bà Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cho biết sẽ kiến nghị với Chính phủ hỗ trợ đặc biệt cho ngư dân, lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển cả về kinh tế, trang thiết bị, phương tiện để lực lượng này có thể hoạt động bảo vệ chủ quyền.

Ông Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) cũng cho rằng Chính phủ cần hỗ trợ nhiều hơn nữa về vốn, khoa học kỹ thuật, các phương tiện đánh bắt xa bờ... để ngư dân có điều kiện bám trụ được trên ngư trường. Có như vậy mới động viên được ngư dân bám biển, làm giàu từ biển, góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước, đại biểu Nguyễn Thái Học nhấn mạnh.

Theo ông Học một trong những chính sách được ngư dân quan tâm hiện nay là vấn đề vốn. Chính phủ cần có những gói vốn hỗ trợ về thời hạn cho vay dài hoặc mức lãi suất thấp; tạo điều kiện cho ngư dân có điều kiện trang bị tàu thuyền chắc chắn để ra khơi; hỗ trợ ngư dân các phương tiện máy móc hiện đại để ngư dân bám biển ở ngư trường xa. "Trong điều kiện hiện nay, khi các thế lực đang khiêu khích, chống phá, lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư cần có biện pháp hỗ trợ kịp thời, giúp ngư dân đánh bắt xa bờ cảm thấy yên tâm, tin tưởng để chủ động ra khơi".

Việt Nam không bao giờ khơi mào một cuộc đối đầu quân sự, trừ khi bị bắt buộc phải tự vệ

Ngày 21/5, tại Philippines, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời phỏng vấn của Hãng AP (Mỹ) và Reuters (Anh) về tình hình Biển Đông cũng như các biện pháp giải quyết của Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu Việt Nam có nộp đơn kiện Trung Quốc theo các cơ chế của luật pháp quốc tế hay giải quyết căng thẳng bằng biện pháp quân sự, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "Việt Nam đã chịu nhiều đau thương mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược. Vì thế, chúng tôi luôn tha thiết có hòa bình, hữu nghị để xây dựng và phát triển đất nước. Chúng tôi không bao giờ đơn phương sử dụng biện pháp quân sự, không bao giờ khơi mào một cuộc đối đầu quân sự, trừ khi chúng tôi bị bắt buộc phải tự vệ. Việt Nam luôn nhất quán sử dụng các biện pháp hòa bình và tận dụng mọi cơ hội, mọi kênh đối thoại để giải quyết tình hình hiện nay một cách hòa bình.

Chúng tôi đã hết sức chân thành, thực tâm, thiện chí và kiềm chế, nhưng câu trả lời hiện nay là Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh, các hành động uy hiếp và xâm phạm, rồi liên tục vu khống và đổ lỗi cho Việt Nam. Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói. Những hành động của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam trong nhiều ngày qua là cực kỳ nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó. Có lẽ như tất cả các nước, Việt Nam chúng tôi đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế".

Trả lời câu hỏi về việc trong bối cảnh căng thẳng leo thang hiện nay ở Biển Đông, Việt Nam có những đề nghị gì đối với cộng đồng quốc tế, có xem xét tham gia các liên minh an ninh không, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: "Việt Nam không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào để chống lại một quốc gia khác. Đây là chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam. Chúng tôi đã công khai về điều này rất nhiều lần với thế giới. Về việc Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép, xâm phạm nghiêm trọng Vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông, chúng tôi đã thông báo và thông tin trung thực đến các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước; chính giới và các học giả; truyền thông quốc tế.

Những ngày qua, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, lãnh đạo nhiều nước trên thế giới, nhiều cá nhân và tổ chức quốc tế đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc về mối đe dọa của sự việc này đối với hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực. Tôi tin tưởng rằng cộng đồng quốc tế tiếp tục có đánh giá đúng và tiếng nói thích hợp để ngăn chặn mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế, các nước, các cá nhân và tổ chức quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc".

Trả lời câu hỏi về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong vùng biển của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Tôi chỉ muốn nói rằng, Việt Nam luôn nhận thức sâu sắc mối quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng cùng có lợi giữa Việt Nam và Trung Quốc vì điều này không chỉ đem lại lợi ích cơ bản và lâu dài cho hai nước Việt - Trung mà còn đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Còn ngược lại, chắc các bạn hoàn toàn có thể hình dung điều gì sẽ xảy ra.

Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng, Việt Nam đặc biệt coi trọng và luôn làm hết sức mình đóng góp vào việc gìn giữ và tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp với Trung Quốc. Việt Nam luôn chân thành mong muốn cùng Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Đối với việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam, Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm này và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế".

(Theo Chinhphu.vn)

Nguyễn Thiêm
.
.