Lá phiếu trừng phạt

Thứ Ba, 15/05/2012, 17:10

Hôm chủ nhật 6/5 vừa qua có thể xem là ngày "trừng phạt" ở châu Âu - ngày mà cử tri biểu thị thái độ dứt khoát của mình - nói "không" với chính sách kinh tế khắc khổ bằng lá phiếu tại các cuộc bầu cử quan trọng ở Pháp, Hy Lạp và Đức. Tại đó, các chính khách chủ trương "thắt lưng buộc bụng" đều nếm mùi thất bại cay đắng mà vẫn chưa chịu thức tỉnh rằng, cần phải làm theo nguyện vọng của dân chúng!

Ở Pháp, kết cục "không có hậu" cho đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy dường như đã được dự báo từ trước cả vòng 1 ngày 22/4. Đương kim Tổng thống Sarkozy ngay trong đêm 6/5 đã chúc mừng người thắng cuộc - François Hollande và thừa nhận thất bại. Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron đều gọi điện chúc mừng ông Hollande.

Trong khi đó, cử tri Hy Lạp đã ra đòn "trừng phạt" bằng cách gạt bỏ bớt nhiều ứng cử viên của 2 đảng chính ủng hộ kế hoạch thắt lưng buộc bụng do châu Âu đặt ra để đổi lấy khoản cứu nợ cho Hy Lạp. Kết quả sơ bộ, đảng New Democracy tuy chiếm tỉ lệ phiếu bầu cao nhất nhưng đã suy yếu đi nhiều, từ 33% năm 2009 nay chỉ còn 20% phiếu bầu.

Thê thảm nhất chính là đảng Xã hội cầm quyền, từ 44% phiếu bầu năm 2009 nay chỉ còn 14%, xếp thứ 3. Kết quả này khiến cho tổng tỉ lệ phiếu bầu của 2 đảng chính ký kết thỏa thuận ủng hộ kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” chỉ còn 34%. Cử tri đã quay sang ủng hộ các ứng cử viên thiên tả và những "chọn lựa thay thế" khác, trong đó, đảng Cánh tả cấp tiến (Radical Left) giành được 16% phiếu bầu, xếp thứ nhì cuộc bầu cử, và hàng loạt ứng cử viên của ít nhất 7 đảng nhỏ và ứng cử viên độc lập đạt tỉ lệ phiếu đủ điều kiện để có ghế trong Quốc hội, trong đó có cả đảng cực hữu Golden Dawn.

Cử tri Pháp tràn trề niềm vui và hy vọng vào tân Tổng thống.

Ngay tại nước Đức - nơi được xem là "lá cờ đầu", là "soái hạm" của châu Âu trong cuộc chiến chống khủng hoảng nợ công - đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của bà Thủ tướng Angela Merkel cũng vừa nhận thêm thất bại thảm hại tại cuộc bầu cử địa phương bang Schleswig-Holstein hôm 6/5, mà nguyên nhân cũng được cho là xuất phát từ các chính sách kinh tế của bà Merkel. Trước đó, Chính phủ Hà Lan của Thủ tướng Mark Rutte đã sụp đổ vì không thỏa thuận được chi tiêu ngân sách thời khủng hoảng.

Ngay sau khi những kết quả bầu cử được công bố, khắp châu Âu vang lên hồi chuông cảnh báo đối với những chính sách đối phó khủng hoảng hiện hành kém hiệu quả của châu lục. Cử tri ở Pháp và Hy Lạp đều thể hiện quan điểm không chấp nhận việc áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng” quá mạnh tay, quá khắt khe, khiến cho cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt là ở Hy Lạp, việc áp dụng chính sách cắt giảm chi tiêu theo yêu cầu của Liên minh châu Âu đã biến người dân lao động, những người hưu trí, người hưởng các chính sách xã hội khác thành "vật hy sinh" cho giới chính khách cầm quyền để gượng cứu lấy đất nước Hy Lạp khỏi bị phá sản và nguy cơ bị loại khỏi khu vực đồng euro. Với việc cả 2 đảng lớn đều giảm sút mạnh tỉ lệ đại biểu được bầu và không đạt đa số cần thiết, đảng dẫn đầu là New Democracy sẽ phải vận động các đảng còn lại, nhất là 2 đảng về nhì (Radical Left) và ba (Xã hội), chịu hợp tác để thành lập chính phủ liên hiệp. Trong bối cảnh này, rõ ràng là một chính phủ liên minh mới sẽ không có lợi cho việc áp dụng các chính sách kinh tế khắc khổ, vì trước mắt đảng Radical Left đã tuyên bố sẽ ngăn chặn việc áp dụng các chính sách khắc khổ theo yêu cầu của EU.

Người Hy Lạp đã thể hiện quan điểm chống "thắt lưng buộc bụng" bằng lá phiếu "trừng phạt".

Kết quả bầu cử ở Pháp có tác động mạnh nhất lên chính sách giải quyết khủng hoảng nợ công của châu Âu, vì vai trò chủ chốt của Pháp trong việc hoạch định chính sách châu lục. Xuyên suốt thời gian xảy ra khủng hoảng (tháng 9/2009), người ta thấy cách ứng phó của lãnh đạo châu Âu chủ yếu dựa trên sự hợp tác của bộ đôi Merkel-Sarkozy. Chính bộ đôi này đóng vai trò chủ chốt vạch ra kế hoạch giải cứu Hy Lạp, Ailen, Bồ Đào Nha và trong cuộc vận động ký kết bản hiệp ước siết chặt kiểm soát các khoản chi tiêu công hồi tháng 1/2011. Nhưng Sarkozy hăng hái đi theo đường lối của bà Merkel bao nhiêu thì ông Hollande làm ngược lại bấy nhiêu.

Ngay sau khi kết quả sơ bộ được công bố, Hollande đã tuyên bố ngay rằng, ông sẽ thúc đẩy việc thương thảo lại chính sách “thắt lưng buộc bụng” do bà Merkel và ông Sarkozy đề xuất, đồng thời cũng sẽ thảo luận lại hiệp ước thắt chặt kiểm soát chi tiêu nhằm hạn chế tối đa tỉ lệ thâm hụt ngân sách quốc gia.

Trong khuôn khổ nước Pháp, Hollande cũng cho thấy ông sẽ thay đổi nhiều thứ mà Sarkozy đã áp dụng, và sẽ thực thi những việc thuận theo nguyện vọng của đại đa số công chúng Pháp: hạ tuổi hưu trở về mức 60 tuổi, tăng lương tối thiểu, tạo việc làm cho 60.000 giáo viên. Đồng thời, ông cũng được dân chúng đồng tình khi đưa ra chính sách đánh thuế cao đối với doanh nghiệp lớn và thu thuế 75% đối với những người thu nhập trên 1 triệu euro/năm. Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi ông Hollande là người "mang niềm hy vọng" cho người dân Pháp trong bối cảnh đất nước gặp khó khăn như hiện nay.

Từ trước khi vòng 2 cuộc bầu cử ở Pháp, ông Hollande đã tuyên bố sẽ "định hướng lại châu Âu theo hướng thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm và tương lai cuộc sống ổn định". Đây cũng là một xu hướng mới được nhiều người ở châu Âu cổ xúy nhằm thay thế cho chính sách “thắt lưng buộc bụng” hiện đang tỏ ra không mấy hiệu quả, thậm chí phản tác dụng. Giải quyết khủng hoảng nợ công ở châu Âu, cần nhất là việc đưa ra được những chính sách hợp lý, có tác động giải quyết khủng hoảng bền vững mới có thể tạo được sự đồng thuận chung trong dân chúng

Văn Trương (tổng hợp)
.
.