Lại một nhân vật quyền lực của Trung Quốc bị rơi đài

Thứ Năm, 14/08/2014, 18:30

Khi điều tra cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang, Đảng Cộng sản Trung Quốc (TQ) đã giáng một đòn mạnh vào giới quan chức cao cấp tham nhũng. Nhân vật hùng mạnh đó đã xây dựng quyền hành từng bước, và như thế sự rơi đài lại càng đau đớn hơn.

Trong gần 10 năm, con người  xuất thân từ một gia đình nghèo khổ ở Giang Tô đó là một trong những quan chức quyền thế nhất TQ. Nhưng giờ đây ở tuổi 71, Chu Vĩnh Khang không còn là một "ông hùm một cõi" nữa mà là một tù nhân nằm trong tay bộ phận chống tham nhũng của Đảng Cộng sản TQ.

Sự đảo ngược của số phận đó đã bắt đầu từ tháng 12/2013, khi Chu Vĩnh Khang và vợ là Cổ Hiểu Diệp bị bắt giam tại Bắc Kinh. Thật ra từ tháng 8/2013, giới quan chức cao cấp của đảng đã quyết định phải phế truất càng nhanh càng tốt Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị đảm trách an ninh quốc gia.

Chiến dịch chống tham nhũng cứng rắn của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã phá vỡ một điều cấm kị trong đảng khi trừng phạt một nhân vật quyền thế về một tội trạng xã hội hay kinh tế.

Là con cả của một gia đình ở Giang Tô, Chu Vĩnh Khang thoát khỏi cảnh khổ cực nghèo đói nhờ học giỏi và thi đỗ vào đại học. Ba năm sau khi vào Trường Tô Châu, năm 1961 ông đăng ký vào Viện Dầu khí Bắc Kinh, giờ là Đại học Dầu khí TQ. Dấu hiệu cho thấy Chu Vĩnh Khang chưa hề quên quãng đời đó là ông đã xuất hiện trước công chúng 2 lần tại nơi từng theo học sau khi bước vào con đường chính trị. Sau khi ông ghé thăm Trường Tô Châu vào tháng 4/2013, các cán bộ trong trường cho biết Chu Vĩnh Khang  duy trì một "mối quan hệ độc nhất với ngôi trường đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời của ông".

Chắc chắn rằng sự thất sủng của Bạc Hy Lai không chóng thì chầy sẽ kéo theo Chu Vĩnh Khang. Đó là một cú lật ngược bi thảm đối với nhân vật từng bắt đầu sự nghiệp tại vùng dầu khí Đại Khánh ở tỉnh Hắc Long Giang. Sau đó Chu Vĩnh Khang làm việc tại Liêu Hà và dần bước lên từng bậc thang hệ cấp. "Ông Khang làm việc rất nhiệt tình. Đó là một người dẫn dắt. Tại miền Đông Bắc TQ, mùa đông rất lạnh giá và dài nhưng ông ấy luôn ở tuyến đầu và không bao giờ bỏ rơi thuộc cấp" - một quan chức tại đấy kể lại.

Chu Vĩnh Khang có tiếng là một người lao động không biết mệt mỏi, quả cảm nhưng cũng rất hào phóng. "Điều kiện sống tại đấy rất tệ vào thời ấy, công nhân ăn không đủ no. Ông Khang cũng nghèo nhưng ông thường mang bánh mì hấp đến cho bạn bè".

Được đề bạt lên làm lãnh đạo Đảng ủy Liêu Hà, Chu Vĩnh Khang thiết lập quan hệ với cựu Phó chủ tịch Tăng Kính Hồng lúc ấy nằm trong Ủy ban Năng lượng Quốc gia. Đến năm 1996, Chu Vĩnh  Khang lãnh đạo Công ty Dầu khí Quốc gia TQ, hiện nay là nhà sản xuất dầu hỏa hàng đầu trong nước.

Đến đầu tháng 10/2013, khi xuất hiện lần cuối cùng tại Đại học Dầu khí, Chu Vĩnh Khang đã trải qua suốt buổi sáng tại ký túc xá để dự lễ mừng sinh nhật lần thứ 70 của mình. Lúc ấy ông ta bày tỏ sự ủng hộ Chủ tịch Tập Cận Bình hết lòng, đồng thời kêu gọi các giáo sư và sinh viên hãy gìn giữ sự thống nhất của đảng. Những lời tuyên bố đó có vẻ như bị đánh giá là chưa đủ và quá trễ vì Chu Vĩnh Khang nằm trong số những người thân cận với Bạc Hy Lai.

Sự rơi đài của Bạc Hy Lai và vợ là scandal chính trị gây tiếng vang nhất TQ từ sau phiên tòa xử bè lũ 4 tên sau cuộc Cách mạng Văn hóa. Nhiều người cộng tác với ông ta và từng được ông ta che chở đã bị đưa vào diện điều tra về tham nhũng, điều này xác nhận tin đồn rằng không sớm thì muộn Chu Vĩnh Khang cũng bị liên quan. Đa số những người cộng tác cũ với Chu Vĩnh Khang trong lĩnh vực dầu khí cũng đã bị bắt giữ. Nhiều thành viên trong gia đình Chu Vĩnh Khang cũng bị điều tra.

Tưởng Khiết Mẫn, cựu Giám đốc Công ty Dầu khí, đã bị Ủy ban Thanh tra Kỷ luật Trung ương thẩm vấn vào năm 2012. Ông ta bị nghi ngờ đã mua chuộc gia đình các nạn nhân sau một tai nạn giao thông tại Bắc Kinh làm chết con trai của Linh Kế Hoa - Cố vấn của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Sau đó Tưởng Khiết Mẫn bị khai trừ khỏi đảng và cuộc điều tra vẫn tiếp tục. Hàng triệu đôla chuyển bất hợp pháp từ tài khoản của Công ty Dầu khí khiến người ta nghi ngờ Chu Vĩnh Khang đã có mối liên kết với Linh Kế Hoa.

Vào năm 1999, Chu Vĩnh Khang được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng ủy Tứ Xuyên. Năm 2001, ông là Bộ trưởng Công an. 5 năm sau, ông ta nằm trong số 9 thành viên của Ủy ban thường trực Bộ Chính trị.

Thế nhưng mọi việc diễn ra không suông sẻ, năm 2008, một thanh niên 28 tuổi giết chết 6 sĩ quan cảnh sát tại Thượng Hải và trở thành người hùng trên Internet. Sau vụ bê bối này một sĩ quan cảnh sát ở Bắc Kinh vẫn bênh vực Chu Vĩnh Khang, cho rằng ông đã cải thiện ngành cảnh sát, đồng thời cũng cho biết rằng Thứ trưởng Công an Lý Đông Sinh là người thân cận của Chu Vĩnh Khang.

Lý Đông Sinh bị bắt giữ vào cuối tháng 12/2012. Sau đó đến lượt giám đốc mật vụ Lương Kha. Lương Kha bị nghi ngờ tham nhũng với quy mô lớn nên đã bị bãi nhiệm. Nhiều nguồn tin cho rằng Lương Kha đã giúp đỡ Lý Đông Sinh và Chu Vĩnh Khang nghe lén những cuộc điện đàm của các quan chức cấp cao trong Đảng.

Với đòn quyết định này, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có một chiến thắng quyết định

Minh Luân (tổng hợp)
.
.