Kỳ họp 2 Quốc hội khoá XIII:

Lắm băn khoăn với giáo dục đại học

Thứ Hai, 28/11/2011, 17:00
Trong khi số lượng trường tăng lên từng năm thì đội ngũ giáo viên không tăng, cơ sở vật chất không đảm bảo cho công tác đào tạo, tình trạng giáo viên "chạy sô" nên không còn thời gian nghiên cứu khoa học đã khiến chất lượng giáo dục đại học đang là vấn đề gây bức xúc.

Vì vậy, dù đã dự thảo đến lần thứ 5, nhưng khi đưa ra thảo luận tại Quốc hội, Dự thảo Luật giáo dục đại học vẫn được nhiều đại biểu đưa ra "mổ xẻ" cho thấy dự thảo luật còn rất nhiều bất cập…

Trường đại học mọc tràn lan và thủ khoa 14 điểm

Chưa bao giờ, số lượng các trường đại học được thành lập lại nhiều như những năm gần đây. Giờ đây, hầu như ở tỉnh nào cũng có trường đại học bởi ngoài các trường đại học được thành lập trên cơ sở "lên đời" trường cao đẳng thì còn có một số lượng lớn các trường đại học ngoài công lập.

Ngoài chuyện số lượng, thì chất lượng đại học đang là vấn đề gây bức xúc dư luận. Nhìn lại mùa tuyển sinh năm 2011 vừa qua, có thể thấy chưa bao giờ tuyển sinh đại học lại có lắm chuyện bi hài như vậy, bởi trong khi các trường thuộc tốp trên vẫn lấy điểm chuẩn rất cao, thì có một trường đại học ngoài công lập, lần đầu tiên tổ chức thi tuyển nhưng thủ khoa chỉ đạt có 14 điểm.

Rất nhiều trường đại học đa ngành không tuyển được sinh viên, thậm chí có nhiều ngành "trắng" thí sinh dẫn đến hàng loạt ngành học có nguy cơ đóng cửa. Trường công lập đã khó, với các trường đại học ngoài công lập việc tuyển sinh còn khó hơn. Thế mới có chuyện có trường đại học ngoài công lập để tuyển được sinh viên đã công bố sẽ tặng tiền mặt theo mức  điểm càng cao, tiền thưởng càng nhiều. Cụ thể mỗi thí sinh nhập trường có điểm từ điểm sàn (13 điểm khối A, D và 14 điểm khối B, C) được thưởng 550.000 đồng; điểm từ 16 đến 19,5 thưởng 700.000 đồng và từ 20 điểm trở lên thưởng 1 triệu đồng. Các thí sinh đăng ký vào hệ cao đẳng cũng được thưởng 500.000 đồng.

Không chỉ thưởng trực tiếp cho những sinh viên "dũng cảm" vào học, có trường còn công bố sẽ thưởng các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, phòng giáo dục, nếu khuyến khích được thí sinh vào học tại trường sẽ được thưởng 250.000 đồng/thí sinh.

Để khuyến khích sinh viên vào học, có trường lại "khuyến mại" bằng cách giảm 1 năm học phí cho những em học sinh ở vùng sâu vùng xa, giảm 30% cho các em học sinh nông thôn, và 15% cho các em ở thành phố…. Nhìn vào thực trạng này, nhiều người đã phải thốt lên rằng đây là cách làm hạ giá đại học và là hệ lụy của việc thành lập nhiều trường đại học trong thời gian qua.

Dài dòng một chút như vậy để thấy rằng việc các đại biểu Quốc hội tranh luận gay gắt khi tham gia ý kiến vào dự thảo Luật giáo dục đại học cũng là điều dễ hiểu bởi đây cũng là điều quan tâm của toàn xã hội.

Vì vậy, khi đề cập tới vấn đề trường đại học mọc tràn lan, ông Nguyễn Đình Quyền, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nhận định: trường mọc tràn lan, chất lượng có vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT). Dư luận bức xúc từ rất lâu nhưng vẫn chưa có chuyển biến hoặc chuyển rất chậm. Ông Quyền cho rằng dự luật còn nhiều điều luật khung và giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết là bất hợp lý. Ví dụ, việc quy hoạch trường đại học là vấn đề mang tính chiến lược nên phải được luật hóa với các tiêu chí rõ ràng chứ không thể giao cho Thủ tướng Chính phủ quy hoạch mạng lưới các trường đại học được. Văn bản hướng dẫn rất dễ tạo kẽ hở cho việc xin - cho. Thời gian vừa qua cho thấy một thực tế là ở nước ta tỉnh nào, ngành nào cũng đua nhau lập trường đại học. "Nếu cứ đà này thì cả 63 tỉnh, thành đều có trường đại học trong khi không rõ thành lập để làm gì. Do vậy, phải luật hóa vấn đề này một cách cụ thể".

Ông Trịnh Thế Khiết, đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị: Bộ GD-ĐT phải trả lời câu hỏi vì sao vừa qua chúng ta mở trường đại học nhiều như vậy và nhu cầu thực tế thì nước ta cần bao nhiêu trường đại học là vừa. Trên cơ sở đó, ngành GD-ĐT phải hoạch định nhu cầu và cho biết có nên mở tiếp các trường nữa hay không.

Dự thảo Luật còn chung chung

Đăng đàn với bài phát biểu đầy ấn tượng, ông Huỳnh Ngọc Đáng, đại biểu tỉnh Bình Dương thẳng thắn góp ý với ban soạn thảo Luật giáo dục đại học rằng "hãy cứ bình tĩnh nghe góp ý của các đại biểu Quốc hội". Theo ông Đáng, trông đợi lớn nhất của giới làm giáo dục vào dự luật là việc làm rạch ròi quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. "Đây là linh hồn của giáo dục đại học, nhưng luật lại chỉ thể hiện rất chung chung. Hầu hết các vấn đề chính vẫn giao cho Chính phủ quy định". Vì vậy, riêng quy định về giao quyền tự chủ đã xứng đáng để viết thành một chương, cụ thể, rạch ròi về đối tượng, lộ trình cũng như việc kiểm tra, giám sát và chế tài xử lý vi phạm các điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tự chủ. Việc giao quyền tự chủ phải thực hiện có lộ trình, giao đến đâu và giao ở mức độ nào là phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Kim Bé, đại biểu tỉnh Tiền Giang, tỏ ra lo lắng, bởi hệ thống luật về giáo dục lâu nay vốn đã chung chung, mà luật này lại cũng không cụ thể, "e rằng giáo dục đại học lại tiếp tục đi trên con đường luẩn quẩn".

Theo ông Huỳnh Nghĩa, đại biểu TP Đà Nẵng, nhiều quy định trong luật giáo dục đại học chưa được quy định cụ thể, rõ ràng. Ví dụ tầm quan trọng của Hội đồng trường. Nếu không có hội đồng trường thì như một quốc gia muốn thực hiện dân chủ mà chỉ có Chính phủ, không có Quốc hội. Chính vì vậy, theo đại biểu Nghĩa, cần phải bổ sung lấy ý kiến cụ thể hơn về nhiều khía cạnh của dự thảo luật để luật hoàn thiện và có chất lượng hơn.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nghĩa, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa -  Vũng Tàu) bày tỏ quan điểm: Luật giáo dục đại học còn nhiều điều chung chung, chưa rõ quy định cụ thể, có tới hơn 20 điều cần phải có sự hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mới thực hiện được. "Để những quy định trong Luật giáo dục đại học khi thông qua có ý nghĩa thực tiễn và hiệu quả, cần có sự tổng kết mô hình giáo dục đại học hai cấp hiện nay, thông qua các trường hợp cụ thể như Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên, Đại học Cần Thơ… và ngay cả Đại học Quốc gia cũng cần có thống kê hiệu quả, mô hình hoạt động.

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nên tổ chức cơ quan kiểm định chất lượng đại học như mô hình kiểm toán độc lập.

Cần phải phân tầng, phân cấp các cơ sở giáo dục đại học

Một vấn đề được các đại biểu quan tâm và đồng tình là việc kiểm định chất lượng đối với các cơ sở giáo dục đại học là điều bắt buộc nhằm giúp các trường nâng cao chất lượng.

Trao đổi với báo chí về dự thảo luật này, GS-TS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, người đã công tác lâu năm trong ngành giáo dục cho rằng điểm nhấn trong Dự luật giáo dục đại học là yêu cầu phải đưa vấn đề kiểm định chất lượng trở thành một yếu tố bắt buộc đối với tất cả các cơ sở giáo dục đại học.

Theo ông Thi, để giải quyết tình trạng lộn xộn, có sự đánh đồng tất cả các trường đại học, không có sự phân loại như hiện nay, giải pháp tối ưu là cần phải phân tầng, phân cấp các cơ sở giáo dục đại học. "Chúng ta không thể đánh đồng tất cả như nhau mà phải phân loại, từ chất lượng cao đến khá, thậm chí cả trung bình. Chúng ta phải chấp nhận sự khác nhau về chất lượng giáo dục đại học vì đó là thực tế và nhu cầu xã hội hiện cũng rất cần có sự phân cấp rõ ràng này. Trong xã hội hiện đã xuất hiện những giải pháp mang tính tự phát để đi tìm sự phân tầng, nhưng vì không có nghiên cứu kỹ, không có cơ sở khoa học, căn cứ thực tiễn nên có thể đi nhầm đường. Ví dụ như chúng ta vẫn cứ ấn tượng, đánh đồng đại học tại chức là chất lượng kém, hay trường công lập bao giờ cũng hơn ngoài công lập. Điều này là không thỏa đáng! Như ở nước ngoài, người ta đã phân ra, có những cơ sở uy tín và được tin tưởng tuyệt đối, như kiểu Đại học Havard. Ở Việt Nam ta cũng có những trường như vậy, nhưng chỉ khác là chưa được Nhà nước thừa nhận trên thực tế, cũng vì chúng ta chưa có sự phân cấp rành rẽ".

Ông Đào Trọng Thi cho rằng,  trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học cũng là điều bức xúc hiện nay. "Ở các nước, việc này là bình thường, thậm chí người ta còn có khái niệm "tự trị đại học", có nghĩa còn cao hơn cả quyền tự chủ nữa. Thời gian qua, đúng là Nhà nước chưa mạnh dạn giao quyền tự chủ cho các trường đại học. Đã đến lúc ta phải trao trả lại cho các trường để khuyến khích sự năng động, sáng tạo của các trường, để họ phát huy khả năng tự có của mình".

Tuy nhiên, việc trao quyền tự chủ cho các trường cần có bước đi thận trọng. "Chúng ta sẽ trao quyền tự chủ cho các trường tương xứng với năng lực thực hiện quyền tự chủ của mỗi trường. Còn việc đánh giá năng lực tự chủ như thế nào thì lại phải thông qua kiểm định chất lượng. Việc này phải có lộ trình. Nếu ta làm tốt, làm đúng thì tự nhiên, các trường đại học sẽ phải phấn đấu để có chất lượng cao hơn, cũng đồng nghĩa họ sẽ được trao nhiều quyền tự chủ hơn, gắn với nhiều quyền lợi hơn. Chúng ta phải gắn việc trao quyền tự chủ với nâng cao chất lượng giáo dục".

Bàn tới việc kiểm định chất lượng đại học, GS-TS Đào Trọng Thi cho rằng khi chúng ta đặt ra các điều kiện về đảm bảo chất lượng, sẽ phải dùng hoạt động kiểm định để đảm bảo chất lượng. "Chúng tôi cũng đề nghị việc kiểm định chất lượng là yếu tố bắt buộc đối với tất cả các trường đại học. Ở các nước, việc kiểm định là không bắt buộc. Nhưng ở Việt Nam, vì các trường đại học khi thành lập đều do Nhà nước đứng ra cấp phép và khi anh nào có sự cố thì Nhà nước cũng phải đứng ra giải quyết hậu quả vì anh có trách nhiệm quản lý. Do vậy, chúng tôi thấy rằng việc Nhà nước yêu cầu các trường đại học bắt buộc phải kiểm định chất lượng là điều đương nhiên. Điều này cũng là vì quyền lợi người học và quyền lợi của xã hội".

Bàn tới vấn đề kiểm định, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, đại biểu tỉnh Đắk Nông, khẳng định tổ chức kiểm định giáo dục phải có sự tham gia của các tổ chức xã hội, tránh tình trạng cơ quan quản lý nhà nước đồng thời đứng ra tổ chức kiểm định.

Cùng chung quan điểm này, ông Trần Quốc Tuấn, đại biểu tỉnh Trà Vinh, góp ý nên quy định lộ trình định kỳ hai năm tổ chức kiểm định một lần để kịp uốn nắn các vi phạm khi cần thiết. "Giáo dục là ngành cung cấp dịch vụ, nhưng nếu là dịch vụ chất lượng cao thì không chỉ mang lại lợi ích cho dân mà còn cho đất nước".

Theo ông Tuấn, cơ quan kiểm định phải có vị thế độc lập với cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, luật phải bổ sung chế tài xử lý trường vi phạm sau khi được kiểm định cũng như chế tài với trung tâm kiểm định.

"Chúng ta đã nhận thức được rằng công tác kiểm định còn yếu, vậy thì sắp tới phải làm thật mạnh. Chỉ có như vậy các trường mới quan tâm giữ gìn thương hiệu. Nên tổ chức cơ quan kiểm định giống như mô hình kiểm toán độc lập", bà Nguyễn Thị Kim Bé, đại biểu tỉnh Tiền Giang, góp ý.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, sau phiên họp, Dự luật sẽ tiếp tục được thảo luận kỹ, tiếp thu tối đa các ý kiến để có thể thông qua tại kỳ họp sau. Quốc hội giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị đại biểu chuyên trách mời thành viên của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức hội nghị vào đầu năm 2012 để tiếp tục lấy ý kiến và tổ chức các hội thảo lắng nghe thêm ý kiến của các chuyên gia và nhà giáo.

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ông Nguyễn Minh Hồng, đại biểu tỉnh Nghệ An khi đăng đàn phát biểu với lời giải thích "bài phát biểu của tôi là bài phát biểu chung của tôi với đại biểu Phan Đình Trạc, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, 2 anh em chúng tôi chung nhau phát biểu. Đồng thời cũng là những gửi gắm của đồng chí Nguyễn Xuân Đường, Phó chủ tịch tỉnh Nghệ An; đồng chí Nguyễn Hồng Nhị, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An trước khi chúng tôi vào họp", cũng bày tỏ lo ngại khi nói về tình trạng mở nhiều trường đại học. Theo ông Hồng "hiện nay việc cho phép mở nhiều trường đại học nhưng còn nhiều bất cập về chất lượng, học phí tăng đều, chất lượng không tăng, mặt khác còn chưa cân đối giữa đào tạo nghề và đào tạo đại học. Chính phủ cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình của đất nước…".

Nguyễn Thiêm
.
.