Ukraine: Le lói cơ hội hòa bình

Thứ Hai, 02/03/2015, 16:45
Cách đây không lâu, thỏa thuận ngừng bắn mới được "nhóm bộ tứ" Nga, Đức, Pháp và Ukraine ký kết tại Minsk (Belarus) sau gần 17 giờ đồng hồ đàm phán căng thẳng. Thỏa thuận được các nước ví là cơ hội hòa bình cuối cùng cho Ukraine và được các lãnh đạo dồn hết tâm lực để nó thành hình.

Mặc dù nó bị vi phạm khi hai bên tranh giành thành phố Debaltsevo ngay khi vết mực còn chưa ráo, nhưng ít ra “thỏa thuận Minsk 2.0” cũng khiến xung đột ở miền Đông Ukraine lắng dịu tạm thời sau khi giao tranh ở Debaltsevo đã ngã ngũ: nó đã nằm trong tay của phe ly khai.

Hai bên từ đó bắt đầu thận trọng thực hiện các điều khoản trong thỏa thuận Minsk.

Lực lượng dân quân của Donetsk và Lugansk tự xưng ngày 25/2 tuyên bố đã rút gần 400 vũ khí hạng nặng từ các khu vực tiếp giáp với đường giới tuyến kể từ khi thỏa thuận Minsk có hiệu lực ngày 15/2.

Trong một tuyên bố chung, đại diện toàn quyền hai nước này trong Nhóm Tiếp xúc về vấn đề Ukraine là ông Denis Pushilin và Vladislav Deinego cho biết sẽ rất đáng tiếc nếu họ buộc phải quay trở lại vị trí chiến đấu một lần nữa. Hai ông đề nghị lãnh đạo Ukraine, Đức, Nga và Pháp hành động để ngăn chặn kế hoạch hòa bình bị phá vỡ.

Về phần mình, trong mấy ngày qua, quân đội Ukraine nhất quyết không chịu rút vũ khí nếu miền Đông vẫn còn tiếng súng. Tuy nhiên, đến ngày 26/2, lực lượng này cũng buộc phải thừa nhận tình hình miền Đông đang cải thiện và bắt đầu rút vũ khí. Bước đầu là trọng pháo 100mm.

Trong hai ngày qua, không có binh sĩ Ukraine nào thiệt mạng, chỉ vài người bị thương. Dù bắt đầu rút vũ khí nhưng phía Ukraine cảnh báo sẽ điều chỉnh lại kế hoạch để bảo vệ lãnh thổ nếu như bị tấn công.

Theo nhà báo David Stern thuộc BBC News, thông báo của quân đội Ukraine về việc bắt đầu rút vũ khí hạng nặng là một tin tích cực và có thể là dấu hiệu cho thấy hai bên cuối cùng cũng thực hiện thỏa thuận Minsk. Tuy nhiên, để đảm bảo thỏa thuận được tuân thủ nghiêm ngặt sẽ là một điều không dễ dàng.

Xe tăng quân đội Ukraine tại vùng Donetsk.

Nhà báo này nhận định dư luận sẽ phải chờ xem Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đánh giá thế nào về nỗ lực của quân đội Ukraine. Đến nay, OSCE vẫn từ chối công nhận phe ly khai rút vũ khí với lý do phe này cản trở hoạt động giám sát của họ.

Tuy nhiên, tình hình tương đối yên ắng ở Đông Ukraine hiện nay chỉ là vẻ ngoài và có thể không kéo dài bao lâu. Các nhà phân tích lo ngại sau Debaltsevo, thành phố cảng chiến lược Mariupol có thể sẽ trở thành điểm nóng tiếp theo.

Chính phủ Ukraine cho rằng Mariupol sẽ là mục tiêu tiếp theo của phe ly khai và cáo buộc phe này đang huy động lực lượng, vũ khí gần Mariupol - thành phố hiện nằm trong tay quân đội Kiev.

Cáo buộc này đã ngay lập tức bị bác bỏ. Phó chỉ huy lực lượng dân quân Donetsk, ông Eduard Basurin, cho biết: "Chúng tôi không chuẩn bị tấn công gần Mariupol và chúng tôi không có kế hoạch tấn công".

Với 460.000 dân, Mariupol là thành phố lớn thứ hai ở khu vực Donetsk và là trung tâm ngành công nghiệp luyện kim ở Đông Ukraine, có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế với các bên.

Các nhà ngoại giao phương Tây cho rằng nếu Mariupol bị tấn công, kế hoạch hòa bình Minsk sẽ bị đặt một dấu chấm hết. Giao tranh ở Mariupol sẽ kích hoạt một loạt động thái gia tăng căng thẳng ở Đông Ukraine cả ở thực địa và trên mặt trận ngoại giao.

Ngày 25/2 vừa qua, Thủ tướng Anh David Cameron đã đề cập đến khả năng loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT trong trường hợp phe ly khai chiếm thêm một thành phố nữa sau Debaltsevo. Còn Nga đã cảnh báo rằng nếu bị loại khỏi SWIFT, nước này sẽ đáp trả mạnh mẽ.

Trong khi đó, người Mỹ có thể coi một cuộc giao tranh ở Mariupol là cái cớ hợp lý để cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Ukraine. Nếu điều này xảy ra, cuộc đối đầu Đông - Tây tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh sẽ bước sang một giai đoạn mới và không thể lường trước hậu quả.

Trong khi thế giới căng mình tìm kiếm hòa bình cho Ukraine, người dân nơi đây vẫn ngày ngày tồn tại cùng tiếng bom đạn. Gần 5.800 người, trong đó có 63 trẻ em, đã thiệt mạng; 14.595 người bị thương kể từ khi cuộc chiến bùng nổ vào tháng 4/2014. Hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, còn những ai không thể đi, họ phải học cách sống chung với chiến tranh.

Trẻ em Ukraine trong một nơi tránh bom ở làng Mironovka, gần Debaltsevo.

Hàng nghìn dân thường vẫn đang mắc kẹt trong các vùng chiến sự, gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh. Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết cả quân chính phủ và phe ly khai đều dùng vũ khí bị cấm là bom chùm, đồng thời hai bên không có trách nhiệm bảo vệ dân thường.

Trẻ em Ukraine đang ở tuổi ăn tuổi chơi phải coi hầm trú ẩn là nơi sống của mình. Tại đây, các em phải học cách sơ tán, học cách phân biệt các loại vũ khí và bom chưa phát nổ, học cách phân biệt tiếng các loại bom khác nhau để ứng phó kịp thời.

Theo bà Giovanna Barberis, đại diện UNICEF ở Ukraine, trẻ em nước này sống trong tình trạng căng thẳng tột độ: "Những con người dễ bị tổn thương nhất buộc phải trú ẩn trong những hầm tránh bom lạnh giá, chật chội, bẩn thỉu. Trẻ em nhà nghèo hay nhà bị bom phá hủy phải sống vất vưởng trên đường phố".

Đa số người dân mất nhà cửa chạy về phía tây các vùng chiến sự quanh Donetsk và Lugansk. Một số gia đình lại chọn ở lại trong vùng do phe ly khai kiểm soát vì cho rằng nơi đó an toàn hơn các vùng đệm.

Cuộc sống của người dân, cả người địa phương và người tị nạn, khốn khó trăm đường trong bối cảnh nền kinh tế Ukraine dường như đang "giãy chết": thất nghiệp, đói kém tràn lan; lạm phát tăng cao; tỷ lệ thất nghiệp cao ngất ngưởng; thiếu lương thực; máy ATM không hoạt động; cửa hàng, siêu thị hết sạch hàng hóa; điện nước chập chờn…

Đa số họ khi mới đi tị nạn đều buộc phải chấp nhận cuộc sống như vậy với hy vọng cùng lắm chỉ phải ở vài tuần. Thế nhưng, cuộc chiến đã kéo dài gần một năm trời và họ vẫn phải sống mà không biết đến tương lai.

Bom đạn vẫn rền vang ở Đông Ukraine và trong thực tế, giao tranh ở đây chưa bao giờ ngừng. Ít nhất là trong tương lai gần, hòa bình vẫn là một từ quá đỗi xa xỉ với người dân Ukraine.

Dương Thùy (tổng hợp)
.
.