Liban sẽ thoát khỏi khủng hoảng sau khi có Tổng thống mới

Thứ Tư, 11/06/2008, 13:00
Sau 18 tháng khủng hoảng chính trị, các vụ bạo động chết chóc xảy ra liên miên, ngày 25/5 vừa qua, tướng Michel Sleimane đã được bầu làm Tổng thống Cộng hòa Liban. Nhiệm vụ lớn nhất của tân Tổng thống là hòa giải, giữ cho các phe phái trong nước không chống nhau đến nỗi làm tê liệt sinh hoạt quốc gia. Tuy nhiên, ông Sleimane cho rằng cá nhân ông không làm được điều này, mà nó đòi hỏi sự đóng góp của toàn dân trong nước.

Với kết quả 118 phiếu thuận trên tổng số 127 đại biểu Quốc hội Liban trước sự chứng kiến của nhiều quan chức Arập và quốc tế, ông Michel Sleimane, Chỉ huy trưởng các lực lượng quân sự Liban, đã chính thức trở thành vị Tổng thống thứ 12 của đất nước này.

Trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, tướng Sleimane đã tuyên bố từ bỏ mọi chức vụ trong quân đội. Việc ông Sleimane được bầu làm Tổng thống Liban đã được giới chuyên môn dự báo trước đồng thời nó là kết quả tất yếu của một thỏa thuận quan trọng được ký kết ngày 18/5 vừa qua trong một hội nghị tại Doha, thủ đô Qatar, giữa một bên là phe đa số trong Quốc hội Liban do phương Tây và Arập Xêút hậu thuẫn và bên kia là phe đối lập dưới sự bảo trợ của Iran và Syria.

Chính vì vậy, kết quả bầu cử này có thể nói đã làm hài lòng tất cả, kể cả các đảng phái trong nước cũng như các nước đồng minh quốc tế và nó có thể mở đường cho một nền hòa bình thực sự tại Liban.

Các phe phái Liban ký thỏa thuận hòa giải quan trọng tại Doha ngày 18/5.

Những lý do dẫn đến hội nghị hòa giải trên do Qatar làm trung gian xuất phát từ cuộc khủng hoảng chính trị tại Liban trong suốt hơn một năm qua. Kể từ ngày 23/11/2007, thời hạn cuối nhiệm kỳ tổng thống của ông Emile Lahoud - một đồng minh thân cận của Syria và Iran, chiếc ghế tổng thống của Liban đã bị bỏ trống vì các đảng phái trong Quốc hội mâu thuẫn sâu sắc dẫn đến không thể bầu ra một vị nguyên thủ mới.

Hai tuần trước khi diễn ra hội nghị này, các cuộc xung đột giữa các phe phái đối lập đã làm ít nhất 65 người chết đẩy tình hình Liban gần như rơi vào một cuộc nội chiến mới. Trong các cuộc giao tranh, đảng đối lập Shiite do quân Hezbollah dẫn đầu đã kiểm soát được khu vực phía tây thủ đô Beirut, đây lại là thủ phủ của phe Sunni ủng hộ chính phủ đa số. Ngay sau khi thỏa thuận giữa hai phe được ký kết, Chủ tịch Quốc hội Liban Nabih Berri thông báo việc dỡ bỏ toàn bộ các khu lều trại được phe đối lập dựng lên ở trung tâm Beirut từ cuối năm 2006.

Ngoài việc bầu ra một vị tổng thống, thỏa thuận giữa hai phe đa số và đối lập Liban còn đưa ra lộ trình thành lập một chính phủ liên hiệp với việc trao cho phe đối lập một quyền hạn mới gọi là thiểu số phong tỏa. Theo đó, với 11 ghế trong tổng số 30 bộ trưởng trong chính phủ mới, phe thiểu số có thể áp đặt quan điểm lên một số quyết định quan trọng như những vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia, nhưng họ lại không thể phong tỏa tiến trình của những vụ việc đang diễn ra, và điều này chỉ có phe đa số mới có quyền can thiệp.

Cũng theo thỏa thuận trên, mọi hành vi sử dụng vũ lực phục vụ mục đích chính trị của cả hai phe đều bị cấm. Điều này báo hiệu sự đối thoại giữa các thế lực nhằm củng cố quyền lực của nhà nước. Cuối cùng, hai bên cũng nhất trí trong việc sửa đổi Luật bầu cử cho cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra vào năm 2009.

Sau khi được bầu làm tổng thống, nhiệm vụ lớn lao nhất của ông Sleimane là hòa giải, giữ cho các phe phái trong nước không chống nhau đến nỗi làm tê liệt sinh hoạt đất nước. Phát biểu tại lễ tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Sleimane kêu gọi mọi người dân và các đảng phái Liban đoàn kết để tiến tới một nền hòa bình ổn định: “Chúng ta đã phải trả cái giá quá đắt cho sự thống nhất đất nước rồi. Nay chúng ta hãy đoàn kết bảo vệ nó”.

Ông Sleimane cũng đánh giá vai trò của Hezbollah trong cuộc chiến 34 ngày vào mùa hè năm 2006 với quân đội Israel, nhưng cũng cảnh báo tổ chức này không nên lợi dụng lực lượng này để chống đối các đảng phái khác trong nước.

Tổng thống Sleimane cũng bày tỏ mong muốn hợp tác ngoại giao với Syria, từng là người bảo trợ trước đây của Liban, và thiết lập một chiến lược phòng thủ chống lại những hành động xâm phạm chủ quyền của Israel. Kết luận bài phát biểu của mình ông Sleimane nhấn mạnh rằng, tất cả những gì ông và chính phủ sẽ đề ra sắp tới đòi hỏi sự đóng góp của toàn dân trong nước.

Tướng Sleimane, 59 tuổi, đã được chỉ định làm Chỉ huy trưởng quân đội Liban trong năm 1998, trong thời kỳ Syria còn kiểm soát Liban. Ông Sleimane là người cộng tác chặt chẽ với quân đội Syria cho tới khi quân đội nước này bị quốc tế áp lực phải rút về nước trong năm 2005, sau khi cựu Thủ tướng Rafik al-Hariri bị ám sát.

Với tư cách tổng thống, ông Sleimane sẽ phải có những quyết định liên quan tới một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc kêu gọi dân quân ở Liban phải được giải giới. 

Tướng Sleimane là một người theo đạo Thiên Chúa giáo Maronite, xuất thân từ làng Amchit, là người đã thi hành một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc đưa quân đội Liban xuống bố trí ở miền Nam sau khi chiến tranh giữa Israel và Hezbollah chấm dứt. Theo cách phân quyền căn cứ trên giáo phái, Tổng thống Liban phải là một người Thiên Chúa giáo Maronite. Là người thông thạo hai thứ tiếng Pháp, Anh, ông có vợ và có 3 người con, tốt nghiệp Trường Võ bị Liban trong năm 1970 và có bằng cử nhân chính trị và hành chính.

Ngay sau khi bầu cử tổng thống mới, Chính phủ của Thủ tướng Fouad Siniora đã tuyên bố giải thể nhưng sau đó vị này lại được tân Tổng thống Sleimane tín nhiệm, tiếp tục giao cho chức vụ thủ tướng. Ngày 30/5 vừa qua, Thủ tướng Fouad Siniora bắt đầu các cuộc tư vấn đối với các nhóm khác nhau trong Quốc hội để thành lập một chính phủ liên minh.

Theo thỏa thuận Doha, Chính phủ Liban mới sẽ gồm 30 thành viên, đại diện cho từng cộng đồng tôn giáo, phe đa số sẽ có 16 ghế bộ trưởng, phe đối lập có 11 ghế và có quyền thiểu số phong tỏa. 3 vị trí bộ trưởng còn lại sẽ do chính Tổng thống Sleimane bổ nhiệm.

Bất chấp nhận được sự ủng hộ cả ở trong nước cũng như nước ngoài, việc thành lập tân chính phủ mới của ông Sleimane được giới phân tích dự báo là sẽ gặp nhiều khó khăn. Thỏa thuận Doha đã thổi một luồng gió lạc quan vào Liban. Nhưng nó chỉ có thể làm giảm bớt những căng thẳng giữa các phe phái chính trị mà vẫn bỏ ngỏ một số vấn đề quan trọng khác, như việc giải giới lực lượng Hezbollah. Còn đối với phe đối lập, họ có lý do khi yêu cầu được trao quyền thiểu số phong tỏa.

Lo ngại cuối cùng được giới bình luận quốc tế nêu ra là sau Fouad Chéhab năm 1958, Emile Lahoud năm 1998, Michel Sleimane là chỉ huy quân đội thứ 3 lên nắm quyền tổng thống. Lý do lo ngại của họ là dưới thời hai người tiền nhiệm của ông Michel Sleimane, chính quyền bị các thế lực tình báo trong và ngoài nước giật dây như con rối. Còn dưới thời Tổng thống Sleimane liệu có đi vào vết xe đổ?

Quốc Hùng (Tổng hợp)
.
.