Libya: Cuộc chiến vẫn tiếp tục

Thứ Năm, 21/11/2013, 06:50

Hai năm sau khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ và giết chết, Libya vẫn chìm trong hỗn loạn và xung đột do các nhóm phiến quân vũ trang tham gia lật đổ ông Gaddafi cho đến nay vẫn không chịu giải tán và đang cố bám lấy địa bàn cát cứ, đe dọa dùng vũ lực bất cứ lúc nào.

Loạt biểu tình, xung đột trong mấy ngày vừa qua tiếp nối chuỗi những bất ổn triền miên tại Libya do sự vô trách nhiệm của những kẻ gây chiến từ phương Tây.

Trong 2 ngày 15 và 16/11, hàng ngàn người dân tại thủ đô Tripoli đã xuống đường biểu tình ở khu phố Gharghour để phản đối sự hiện diện quá lâu của các tay súng thuộc các tiểu đoàn dân quân vũ trang từ thành phố ven biển Misurata tại thủ đô.

Giới quan sát ghi nhận đây là cuộc biểu tình rầm rộ nhất của người dân Tripoli kể từ sau khi ông Gaddafi bị lật đổ. Cuộc biểu tình đã nhanh chóng biến thành đụng độ bạo lực sau khi các tay súng Misurata xả súng bắn vào người biểu tình làm 43 người chết, hàng trăm người bị thương.

Ngày 17/11, dư luận Libya tiếp tục chấn động trước tin Phó giám đốc Cơ quan Tình báo Mustafa Noah bị bắt cóc. Ông Mustafa Noah đã bị những kẻ tấn công chưa rõ danh tính kéo vào một chiếc xe trong bãi đỗ xe khi ông này không có vệ sĩ đi kèm.

Người chủ mưu bắt cóc ông Mustafa chính là cựu chỉ huy phiến quân Alaa al- Hafs. Nhờ có sự can thiệp của Hội đồng Shura với sự có mặt của các trưởng lão địa phương, ông Mustafa đã được trả tự do và được các tay súng ở thị trấn phía Tây Zintan đưa về an toàn.

Tình hình diễn biến ngày càng phức tạp. Hôm Chủ nhật 17/11, các ủy viên Hội đồng thành phố Tripoli đã thống nhất kêu gọi tổng bãi công, yêu cầu các tay súng Misurata giải giáp và rời khỏi thành phố. Theo lời kêu gọi trên, hàng ngàn người tiếp tục biểu tình ở Quảng trường Algeria ở trung tâm thành phố, trong khi trường học, cửa hàng, nhà băng và nhiều hoạt động khác vốn mở cửa vào chủ nhật cũng đóng cửa.

Sau vụ đụng độ hôm 16/11, các tay súng Misurata đã tạm thời rút về Misurata. Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa thể yên ổn vì các tiểu đoàn phiến quân Misurata chắc chắn không dễ dàng từ bỏ quyền lực. Người dân ở các khu phố đã dựng chướng ngại vật để tự bảo vệ nhà cửa đề phòng xảy ra đụng độ mới khi các nhóm dân quân địa phương xây dựng chiến lũy sẵn sàng đánh trả sự xâm nhập trở lại của phiến quân Misurata.

Vấn đề làm nảy sinh sự phản đối chính là việc các tay súng Misurata sau khi tiến vào Tripoli tham gia lật đổ ông Gaddafi đã không quay trở về Misurata như đã hứa mà ở lại Tripoli lâu và có những hành động ngang ngược, bạo lực, gây ra nhiều vụ việc bất ổn tại Tripoli.

Sau cuộc vây hãm Tripoli và lật đổ ông Gaddafi tháng 8/2011, phiến quân Misurata nổi lên là lực lượng chiến đấu mạnh nhất. Vài tiểu đoàn với hàng trăm tay súng Misurata đã chiếm các kho vũ khí hạng nặng, các tòa nhà, biệt thự cũ của ông Gaddafi để lập căn cứ riêng của mình và tính chuyện ở lại lâu dài ở Tripoli. Hầu hết các tay súng này hiện nay lĩnh lương của Chính phủ nhưng không chịu tham gia trong thành phần quân đội quốc gia.

Trong bối cảnh an ninh bất ổn, chính quyền trung ương tại Tripoli lại luôn trong tình trạng yếu kém và chia rẽ sâu sắc. Nội các chính phủ và cơ quan lập pháp bao gồm nhiều bộ trưởng và nghị sĩ xuất thân từ phiến quân hoặc từng một thời có quan hệ mật thiết với các nhóm phiến quân khác nhau, kể cả các tổ chức có liên hệ với Al-Qaeda. Các mối liên hệ này hiện nay vẫn được duy trì, và nhiều lúc đã xảy ra xung đột, đấu đá giữa các quan chức chính phủ, Quốc hội với nhau liên quan đến sự cạnh tranh quyền lực của các nhóm phiến quân có liên quan.

Chính phủ Libya mới đã cố gắng xây dựng lực lượng quân đội, cảnh sát và an ninh quốc gia, cùng với các cơ cấu quyền lực khác nhằm hoàn thiện hệ thống, bộ máy quản lý, điều hành đất nước như mong muốn của các thế lực hỗ trợ từ phương Tây, để được rót tiền cho guồng máy hoạt động. Tuy nhiên, do có liên kết với một số bộ trưởng nội các chính phủ và nghị sĩ, các nhóm phiến quân tiếp tục duy trì hoạt động riêng mà không chịu giải giáp để tham gia quân đội, cảnh sát quốc gia.

Nguy hiểm hơn, các nhóm phiến quân ngày nay đã phát triển liên kết chặt chẽ hơn, có tổ chức tốt hơn và ngày càng mạnh hơn để cạnh tranh quyền lực lẫn nhau và với chính quyền. Họ thường xuyên đe dọa dùng vũ lực để khống chế giới chính khách, các quan chức chính phủ và đe dọa tấn công lẫn nhau; gần đây thậm chí các tay súng phiến quân đã dùng vũ lực đóng cửa các cơ sở khai thác dầu để gây áp lực đòi chính phủ đáp ứng yêu cầu của mình.

Sự lộng hành của các nhóm phiến quân là nguyên nhân chính khiến cho Libya luôn trong tình trạng an ninh bất ổn. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Libya đã chứng kiến hàng loạt vụ việc bất ổn an ninh do các nhóm phiến quân gây ra khắp nơi. Vụ bắt cóc Phó giám đốc Cơ quan Tình báo Mustafa Noah là vụ thứ hai, sau vụ bắt cóc Thủ tướng Ali Zeidan hồi tháng 10/2013.

Tình hình hiện tại ở Tripoli vẫn đang tiềm ẩn những nguy cơ xung đột mới. Theo báo chí nước ngoài, một đoàn xe cơ giới vận chuyển vũ khí hạng nặng, chiếm được từ các kho vũ khí cũ của ông Gaddafi, đã rời Misurata trên đường tiến về Tripoli

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.