Libya lại chìm vào bạo lực

Thứ Bảy, 02/08/2014, 16:55

Những trận đánh dữ dội không ngừng giữa các phe dân quân vũ trang đối nghịch, một đoàn xe ngoại giao Anh bị bắn... tình hình leo thang bạo lực tại Libya đã khiến chính phủ các nước phương Tây phải kêu gọi công dân nước mình rời khỏi đất nước hỗn loạn đó.

Ít nhất đã có 97 người chết và hơn 400 người bị thương trong vòng 2 tuần nổ ra xung đột tại Tripoli. Những trận đánh nổ ra dữ dội quanh sân bay và tại nhiều khu phố ở phía nam thủ đô này từ ngày 13/7. Tại Bengazhi, 38 người đã thiệt mạng, đa số là binh lính, do đụng độ với  các phe Hồi giáo cực đoan.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, Mỹ đã ngưng các chiến dịch ngoại giao tại Libya trước một "nguy cơ thực sự". "Vì tình trạng bạo lực hiện nay do sự xung đột giữa các nhóm dân quân vũ trang gần Đại sứ quán Mỹ tại Tripoli, chúng tôi đã tạm thời chuyển phái bộ ngoại giao ra khỏi Libya" - một bản tin của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Sau khi các nhân viên ngoại giao Mỹ được di tản vào ngày 26/7, đến lượt Anh, Đức, Hà Lan, Pháp và Italia đã kêu gọi công dân rời khỏi Libya.

"Tình thế tại Libya cực kỳ khó lường" - Ngoại trưởng Đức tuyên bố. Trước làn sóng di tản của các kiều dân nước ngoài, Bộ Y tế Libya đã cảnh báo về sự thiếu thốn nhân lực y tế, nhất là sau khi Philippines tuyên bố sẽ di tản công dân, trong đó có 3.000 bác sĩ và điều dưỡng.

Chính quyền Libya không thể kiểm soát được các nhóm dân quân vũ trang đang làm mưa làm gió trong nước sau khi Gaddafi bị lật đổ vào năm 2011. Những cuộc đụng độ quanh sân bay đã khởi phát ngày 13/7 sau cuộc tấn công của các chiến binh Hồi giáo và phiến quân từ thành phố Misrata nhằm đẩy lui những cựu chiến hữu đến từ Zenten.

Quân vũ trang gần Tripoli.

Theo một nguồn tin quân sự, các nhóm Hồi giáo đã tấn công tổng hành dinh của Lực lượng đặc nhiệm gần trung tâm thành phố Bengazhi ngày 26/7, tiếp theo đó là những cuộc đụng độ với quân đội.

"Hội đồng Choura cách mạng Bengazhi", một liên minh dân quân Hồi giáo thánh chiến đã nhận trách nhiệm về nhiều cuộc tấn công các căn cứ quân sự ở Bengazhi và khẳng định đã kiểm soát được một số căn cứ. Tuy nhiên, vị chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Wanis Abu Khamada tuyên bố binh sĩ của ông có thể đẩy lùi mọi cuộc tấn công chống lại các định chế Nhà nước.

Giao tranh nổ ra quanh sân bay Tripoli.

Trung tâm Y tế Bengazhi ghi nhận, có 28 người, đa số là binh sĩ, đã thiệt mạng trong những cuộc tấn công từ ngày 26, và có cả dân thường trong số các nạn nhân. Bệnh viện Al-Marj cách Bengazhi 100km về phía đông cho biết đã tiếp nhận 2 thi thể binh sĩ và 10 người bị thương. Nhiều gia đình chạy trốn khỏi các cuộc đụng độ trong khi chiến cuộc vẫn tiếp diễn quanh những căn cứ mà phe Hồi giáo chưa chiếm được. Thành phố này gần 2 tuần qua đã biến thành chiến trường giữa quân đội và các nhóm cực đoan, trong đó có Ansar Asharia mà Chính phủ Mỹ đã liệt vào danh sách khủng bố.

Ngày 16/5, vị tướng về hưu Khalifa Haftar chỉ huy chiến dịch chống lại các nhóm khủng bố trong thành phố bị nghi ngờ là có ý định đảo chính nhưng ông ta nhận được sự hỗ trợ của nhiều đơn vị quân đội, trong đó có cả không quân. Song song đó, những cuộc xung đột giữa các nhóm dân quân vũ trang nhằm kiểm soát sân bay Tripoli trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng chính trị và khu vực đã kéo dài từ ngày 13/7.

Tình trạng bạo lực này có nguy cơ đẩy Libya vào một cuộc nội chiến, nhất là khi chính quyền chuyển tiếp còn yếu ớt, chưa thành lập được một lực lượng quân đội và cảnh sát chuyên nghiệp.

Các đặc phái viên của Liên minh châu Phi, EU, Mỹ và nhiều nước phương Tây đã kêu gọi cần có một cuộc ngừng bắn.

"Tình hình tại Libya đã đến giai đoạn cực kỳ nguy hiểm. Chúng tôi rất lo lắng về tình trạng bạo lực trong nước và về hậu quả trên bình diện nhân đạo".

Tối 25/7, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã di tản nhân viên Đại sứ quán ở Tripoli

Mê Linh (tổng hợp)
.
.