Libya lâm vào cuộc khủng hoảng dầu lửa nặng nề

Chủ Nhật, 09/03/2014, 19:55

Ở Trung Đông, trong khi dư luận thế giới đang tập trung theo dõi tình hình Syria và sự đổ vỡ của cuộc đàm phán Geneve II, ít người để ý đến tình trạng nước Libya láng giềng đang chìm sâu vào một cuộc khủng hoảng dầu lửa chưa từng có.

Sau khi được phương Tây ủng hộ lật đổ chính quyền của Tổng thống Gaddafi, tưởng chừng chính quyền của Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) sẽ khẩn trương xây dựng đất nước Libya.

Thực tế đã không diễn ra như vậy. Tình trạng tranh chấp quyền lực giữa các phe nhóm và bộ tộc vẫn tiếp diễn. Lực lượng đối lập mới lại xuất hiện cản trở tiến trình thống nhất và hòa giải dân tộc. Bất ổn chính trị làm cho nền kinh tế Libya dựa vào xuất khẩu dầu lửa là chính lâm vào khủng hoảng trầm trọng.

Từ tháng 7/2013, khi các phe nhóm bạo loạn phong tỏa các đường ống dẫn dầu chính trong nhiều tháng làm cho sản lượng dầu lửa của Libya giảm từ 1,5 triệu thùng/ngày xuống chỉ còn 250.000 thùng/ngày.

Vào đầu năm nay, khi lực lượng chống đối từ bỏ phong tỏa mỏ Al-Charara ở phía nam, sản lượng dầu của Libya đã tăng lên 570.000 thùng/ngày, sau đó lại sụt xuống vào tuần này do người biểu tình phong tỏa mỏ Al-Wafa ở tây nam Libya.

Tình trạng bất ổn chính trị này thực sự nghiêm trọng vì dầu lửa chiếm tới 70% GDP, 95% nguồn thu của nhà nước và 98% xuất khẩu của Libya. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, tình hình trên đã làm Libya bị thiệt hại tới 10 tỉ USD kể từ tháng 7/2013 đến nay.

Thủ tướng Libya Ali Zeidan nhận xét, chính phủ sẽ gặp khó khăn trong việc chi trả lương trong ngân sách năm 2014. Ngân hàng Thế giới cho rằng, năm 2012 Libya đã đạt thặng dư ngân sách, nhưng năm 2013 lại thâm hụt 5% GDP và dự báo năm 2014 thâm hụt 4%. Hiện tại kho dự trữ ngoại tệ của Libya đã suy giảm từ 10 đến 13 tỉ USD.

Libya đang chìm sâu vào một cuộc khủng hoảng dầu lửa.

Tình trạng bất ổn gia tăng do các nhóm nổi dậy bao gồm cả lực lượng bạo loạn cũ áp đặt luật lệ ở nhiều khu vực làm cho các công ty nước ngoài không muốn quay lại, vì thế việc tái thiết đất nước, xây dựng lại hệ thống hạ tầng đã bị tàn phá vào năm 2011 bị trì hoãn. Tình trạng cắt điện diễn ra thường xuyên, nhất là ở khu vực phía tây đất nước.

Tình hình kinh tế khó khăn trên đây diễn ra trong bối cảnh sinh hoạt chính trị Libya đang lâm vào bế tắc. Nội bộ Libya bị chia rẽ sâu sắc. Quốc hội lâm thời Libya đã kết thúc ngày 7/2 vừa qua, nhưng các nghị sĩ Quốc hội đã gia hạn kéo dài nhiệm kỳ để hậu thuẫn cho một Ủy ban đặc biệt soạn thảo Hiến pháp mới, với hy vọng đây sẽ là bước đi then chốt trong quá trình chuyển giao quyền lực tại Libya.

Trong khi đó, hàng ngàn người dân Tripoli đã đổ ra đường biểu tình phản đối quyết định kéo dài nhiệm kỳ của các nghị sĩ Quốc hội. Theo Hãng tin AFP của Pháp, đang có tin đồn sẽ có đảo chính quân sự tại Tripoli

T.T. (Tổng hợp)
.
.