Libya sẽ là một “Kosovo mới” ở Bắc Phi?

Thứ Tư, 01/06/2011, 20:20

Trong khi liên quân NATO tiếp tục tăng cường bắn phá thủ đô Tripoli của Libya, thì trên báo chí thế giới lại xuất hiện những bài phân tích cho rằng, NATO đang sử dụng lại chiến thuật đã từng được triển khai tại Nam Tư cũ.

Cách đây 12 năm, tại bán đảo Balkan, NATO đã tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược bằng không quân vào Nam Tư. Khi đó, bom thông minh và tên lửa điều khiển từ xa đã được Mỹ và NATO sử dụng để tàn phá thủ đô Belgrade của Nam Tư (nay là Serbia). Mục tiêu khi đó của NATO là buộc nhà lãnh đạo Slobodan Milosevic phải đầu hàng và rút quân khỏi tỉnh Kosovo.

Mục tiêu sâu xa hơn của NATO là lật đổ ông Milosevic nhằm "chặt đứt" một cánh tay đồng minh của Nga ở khu vực Đông Nam Âu. Quân phiến loạn chống lại chính phủ Belgrade khi đó là lực lượng KLA của người gốc Albania ở tỉnh Kosovo. Cuộc chiến ly khai của KLA và người gốc Albania đã dẫn đến xung đột đẫm máu tại tỉnh này làm hàng trăm người chết và tạo cớ để NATO tấn công xâm lược Nam Tư.

Sau khi chiến tranh kết thúc, Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) đã ra lệnh bắt ông Milosevic để xét xử về "tội ác chiến tranh" đã gây ra ở tỉnh Kosovo. Kết quả của màn kịch khôi hài tại La Haye đã không thể buộc tội ông Milosevic nhưng rốt cuộc ông đã chết một cách bí ẩn trong trại giam. Sau đó, Nam Tư tan rã thêm một lần nữa, và tỉnh Kosovo được NATO cưỡng ép tách ra khỏi Cộng hòa Serbia.

Ngay từ khi bắt đầu can thiệp quân sự vào Libya, các nhà lãnh đạo NATO đã mang "mô hình Kosovo" ra đặt lên bàn để thảo luận kế hoạch hành động. Nhìn vào những diễn biến hiện nay ở Libya, người ta thấy có nhiều điểm chung, mặc dù vẫn có những khác biệt giữa 2 cuộc chiến. Thứ nhất, NATO vẫn sử dụng quân bài sức mạnh quân sự để gây sức ép (Asia Times dùng từ "cưỡng bức") về chính trị và tâm lý đối với ông Gaddafi nhằm mục tiêu cuối cùng là "bứng" ông ra khỏi Libya. Chiến thuật này chỉ mới được áp dụng tại Tripoli trong khoảng 1 tháng trở lại đây, với hàng loạt mục tiêu quan trọng bị tấn công bất chấp tính mạng của dân thường.

Vào chiều tối ngày 26/5, loạt tên lửa mới nhất của NATO nã xuống một địa điểm được ông Gaddfi dùng làm nơi đón tiếp các vị khách bộ lạc ở quận Bab Al-Azizya. Trước đó, sáng sớm ngày 24/5, 15 vị trí xung quanh khu dinh thự riêng của ông Gaddafi ở quận Bab Al-Azizya cũng bị trúng tên lửa NATO, 3 thường dân Libya thiệt mạng và khoảng 150 người bị thương. Có khác chăng là ở cuộc chiến Nam Tư năm 1999, NATO đã ngang nhiên hành động không thông qua Liên Hiệp Quốc (LHQ), còn tại Libya năm 2011, NATO đã "xin" được "lá bùa" Nghị quyết 1973. Bây giờ, NATO chỉ chuyên chú vào việc tấn công để nếu không "bứng" được ông Gaddafi thì cũng phải tiêu diệt ông, không cần tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.

Tàu chiến Libya bị NATO đánh chìm.

Tuy nhiên, việc dùng vũ lực của NATO lần này không mạnh mẽ và quyết liệt như năm 1999 vì nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất là những khó khăn kinh tế do khủng hoảng nợ công đang trói chân các thành viên châu Âu, trong khi Mỹ cũng đang bị lấn cấn vì hạn chót ngày 20/5 cho "60 ngày chiến tranh" theo Luật Chiến tranh quy định đã trôi qua mà Tổng thống Barack Obama vẫn chưa trình văn bản "xin phép" Quốc hội "cho tham chiến".

Thứ hai, nếu như năm 1999, NATO bất chấp luật pháp, hậu thuẫn cho tổ chức tội ác KLA tại tỉnh Kosovo chống lại ông Milosevic, thì năm 2011 này, lực lượng tay sai đó là phe nổi dậy bao gồm cả thành phần Al-Qaeda trú đóng ở thành phố Benghazi, miền Đông Libya. NATO đã công khai hỗ trợ cho phiến quân Libya về mọi mặt, còn toan tính lấy tiền của chính quyền Libya để cho phiến quân mua sắm vũ khí chống lại quân đội Chính phủ Libya.

Trong một nỗ lực nhằm tăng cường sự hậu thuẫn và tiến tới hợp thức hóa phiến quân Libya, các quốc gia thành viên NATO đã tổ chức nhiều hoạt động mang tính hình thức nhằm tạo lợi thế ngoại giao và chính trị cho phiến quân, như việc Anh và Pháp trục xuất phái đoàn ngoại giao chính thức của Libya; Tổng thống  Mỹ và Pháp đón tiếp đại diện phiến quân Mahmoud Jibril một cách trọng thể như một nguyên thủ,…

Hôm Chủ nhật 22/5, Ủy viên phụ trách đối ngoại và an ninh của EU Catherine Ashton đã tiến thêm một bước khi đến thăm Benghazi và khai trương Văn phòng đại diện của EU tại thành phố này. Tại đây, bà Ashton tiếp tục tuyên bố: "Ông Gaddafi phải ra đi" và "EU sẵn sàng ủng hộ lâu dài" cho phiến quân Libya.

Để bổ sung thêm một công cụ pháp lý nhằm "bứng" ông Gaddafi, ngày 16/5, Công tố viên ICC Luis Moreno-Ocampo đã yêu cầu ICC phát lệnh bắt giam đối với ông Gaddafi, con trai ông, Saif al-Islam, và con rể ông, Abdullah Al-Sanousi, Giám đốc Cơ quan Tình báo Libya. Hiện các thẩm phán ICC vẫn đang xem xét yêu cầu của công tố viên Moreno-Ocampo. Nếu ICC chấp thuận yêu cầu này và ra lệnh bắt giam ông Gaddafi thì chắc chắn ông sẽ khó tránh khỏi số phận tương tự như ông Milosevic.

Gần cuối cuộc chiến Nam Tư, NATO vẫn không thể buộc được ông Milosevic rút quân và có nguy cơ không biết kết thúc cuộc chiến ra sao, thì bộ binh đã được huy động tấn công vào Nam Tư. Tại Libya, việc tung bộ binh vào trận cũng đã được tính đến từ đầu nhưng chưa thể áp dụng ngay, một phần vì quân đội Libya còn khá mạnh, khả năng kháng cự còn trên 60% (theo báo cáo của Phó đô đốc James G Faggo, phụ trách tình báo G3 của Hạm đội 6, Mỹ), phần khác vì sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Khả năng tung bộ binh vào Libya đã được chính các lãnh đạo NATO (chủ yếu là Anh, Pháp) công khai đề cập ít nhất vài lần. Nếu điều này xảy ra, chiến sự tại Libya sẽ rất khốc liệt

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.