Liên Hiệp Quốc lên kế hoạch cải tổ

Thứ Ba, 10/05/2005, 10:11

Tháng 9/2005, Liên Hiệp Quốc sẽ có phiên họp Đại hội đồng gồm toàn thể 191 quốc gia thành viên. Một trong những chương trình nghị sự thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia là vấn đề cải tổ cơ cấu LHQ cho phù hợp với trật tự thế giới mới. Để chuẩn bị cho việc này, ngày 23/3/2005 Tổng thư  ký LHQ Kofi Annan đã đưa ra bản dự báo về việc cải tổ cơ quan quốc tế lớn nhất này.

Quả thật cơ cấu của LHQ hiện nay vẫn là những cơ cấu được quy định từ khi LHQ mới hình thành. Đặc biệt là Cơ quan thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) – một cơ quan mà mỗi thành viên đều có quyền phủ quyết bất cứ nghị quyết nào của LHQ – đã được quy định trong bản Hiến chương LHQ rằng, số ủy viên chỉ có 5 nước: Liên Xô (tức Nga ngày nay), Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc.

Tháng 10/1943, khi mà cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 2 đang diễn ra một cách ác liệt thì trong cuộc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của 3 nước Liên Xô, Mỹ, Anh tại Moskva đã thông qua một bản dự thảo có tên “Tuyên bố của 3 nước về một thế giới an toàn” do Mỹ đưa ra, và sau đó được 4 nước (thêm Trung Quốc) ký xác nhận. Tuyên bố nêu rõ: “Chính phủ 4 nước cho rằng cần phải nhanh chóng kiến lập một tổ chức quốc tế có tính rộng rãi bao gồm tất cả các quốc gia yêu chuộng hòa bình dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng chủ quyền lẫn nhau. Tất cả các quốc gia bất kể lớn nhỏ đều có thể gia nhập tổ chức này để cùng nhau duy trì an ninh và hòa bình thế giới”.

Tiếp đó, từ ngày 28/11 đến ngày 1/12/1943 tại Teheran (Iran) đã diễn ra cuộc gặp những người đứng đầu chính phủ các nước Liên Xô, Mỹ và Anh là: Đại nguyên soái Josef Stalin, Tổng thống D.Roosevelt và Thủ tướng Winson Churchill. Tại cuộc gặp này Tổng thống Mỹ đã đưa ra một bản kế hoạch cụ thể về vấn đề thành lập một tổ chức quốc tế đã được thông qua tại Moskva tháng 10/1943. Theo bản kế hoạch này thì tổ chức quốc tế sẽ được thành lập và mang tính toàn cầu chứ không mang tính khu vực, và đã được Stalin cũng như Churchill đồng ý.

Ngày 29/11, Tổng thống D.Roosevelt long trọng tuyên bố: “Bốn nước đồng minh là Anh, Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ đại diện cho hơn 3/4 dân số toàn thế giới, chỉ cần 4 quốc gia có tiềm lực quân sự lớn này đoàn kết nhất trí, quyết tâm bảo vệ hòa bình thì nhất định sẽ không thể để xảy ra khả năng một quốc gia nào đó phát động một cuộc chiến tranh thế giới mới”. Lời tuyên bố này có thể được coi như mở đầu cho tư tưởng “4 viên cảnh sát của thế giới mới”, mà sau này được gọi là các Ủy viên thường trực HĐBA LHQ. Đây cũng chính là cơ sở để thành lập ra Ủy ban thường trực HĐBA LHQ.

D.Roosevelt cho rằng, tổ chức LHQ trong tương lai sẽ được tạo lập nên bởi cơ cấu “3 cấp”. Cấp thấp nhất là toàn thể hội đồng (Đại hội đồng), bao gồm 35 nước thành viên hiện đang đứng trong hàng ngũ Đồng minh chống lại trục phát xít Đức – Italia – Nhật. Đại hội đồng sẽ họp định kỳ tại một địa điểm nào đó, và tất cả các nước đều có quyền bình đẳng trong việc phát biểu ý  kiến của mình, đồng thời có thể đưa ra những kiến nghị đối với những tổ chức nhỏ hơn. Cấp trung gian được gọi là HĐBA LHQ sẽ bao gồm 4 nước là Liên Xô, Anh, Mỹ, Trung Quốc và thêm vào đó là 2 quốc gia ở châu Âu, một quốc gia ở Nam Mỹ, một quốc gia vùng Trung Cận Đông, một quốc gia vùng Viễn Đông, một quốc gia nằm trong khối Liên hiệp Anh, tổng cộng sẽ có từ 10 tới 11 thành viên. Hội đồng này có quyền xử lý tất cả những vấn đề ngoài quân sự, những quyết định mà nó đưa ra sẽ có tính ràng buộc nhất định với tất cả các nước là thành viên LHQ. Tổ chức cao nhất, có quyền lực tối thượng chính là “4 cảnh sát”  bao gồm Liên Xô, Anh, Mỹ, Trung Quốc. Tổ chức này có quyền ra các quyết định để giải quyết các vấn đề về quân sự khi hòa bình thế giới bị uy hiếp.

J.Stalin đồng ý với D.Roosevelt về chủ trương tăng cường quyền chế tài của các nước lớn. J.Stalin cho rằng cơ quan cấp cao nhất của LHQ không những có quyền đưa ra những quyết định mà còn có quyền khống chế những cứ điểm quân sự trọng yếu nhất của Đức và Nhật để đề phòng khả năng hai nước này lại gây ra cuộc chiến trong tương lai.

Phía Liên Xô chủ trương cơ quan “cảnh sát quốc tế” sẽ chỉ bao gồm 3 nước là Mỹ,  Anh và Liên Xô; Trung Quốc không được tham gia (lúc này chính quyền Trung Quốc nằm trong tay Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch - ND).

Tuy nhiên, C.Hull - Ngoại trưởng Mỹ - vẫn kiên quyết trong việc đưa Trung Quốc vào danh sách các nước khởi thảo bản tuyên bố. Cuối cùng Molotov - Ngoại trưởng Liên Xô cũng đã đồng ý, nhưng vẫn nói thêm rằng “vấn đề về Trung Quốc sau này sẽ được tiếp tục thảo luận”. Vì vậy, lần này J.Stalin đã suy nghĩ đến khả năng Mỹ sẽ lôi bằng được chính quyền của Tưởng Giới Thạch trở thành một trong 4 “cảnh sát thế giới”, cho nên đã đưa ra phương án lập ra hai tổ chức “cảnh sát thế giới”: Phương án thứ nhất bao gồm 3 nước Mỹ, Anh, Liên Xô và có thể thêm một nước nữa; phương án thứ hai là, lập ra “cảnh sát vùng Viễn Đông”, hoặc “cảnh sát thế giới”, hoặc là “cảnh sát châu Âu” cộng thêm “cảnh sát Viễn Đông”, hoặc một  cơ quan “cảnh sát châu Âu” cộng thêm với “cảnh sát thế giới”. Phương án của J.Stalin đưa ra là rất tỉ mỉ, chặt chẽ và ngôn từ cũng rất uyển chuyển, mà mục đích cuối cùng là ngăn cản không cho Trung Quốc đứng vào tổ chức “cảnh sát thế giới”.

Vấn đề này được Anh đồng tình. Chính phủ  Anh lúc đó cũng chỉ muốn có “3 cảnh sát thế giới” mà thôi. Nhưng D.Roosevelt cũng vẫn kiên trì, ông giải thích: “Trong tương lai, một nước Trung Quốc bất khả chiến bại không những có vai trò rất lớn trong việc duy trì hòa bình và sự giàu có  cho vùng Đông Á mà còn cho toàn thế giới”. Và việc để cho Trung Quốc trở thành một thành viên “cảnh sát thế giới” LHQ sẽ khiến cho tổ chức này mang đậm tính toàn cầu. Điều này có lợi cho việc kích thích để châu Á vùng lên, và khiến cho châu Á càng thêm tôn trọng và tuân theo các thể chế của LHQ”.

Tiếp đó, trong cuộc họp kéo dài từ ngày 21/8 đến 7/10/1944 tại  Washington bao gồm đại biểu của 4 nước Mỹ, Liên Xô, Anh và Trung Quốc đã vạch ra những nét khái quát cơ bản nhất của Hiến chương LHQ, giải quyết những vấn đề khúc mắc nhất để tiến tới việc thành lập tổ chức này.

Tháng 2/1945, các nước trong phe Đồng minh chống phát xít họp tại Yanta đã nhất trí Ủy viên thường trực HĐBA LHQ gồm 5 nước là Liên Xô, Mỹ, Anh, Trung Quốc và Pháp (lúc này Pháp đã thành lập Chính phủ lâm thời do tướng Charles de Gaull đứng đầu) và quyết định sẽ tổ chức cuộc hội nghị bao gồm tất cả các nước tại San Fransco để chính thức thành lập LHQ.

Ngày 26/6/1945, Hội nghị San Fransco thành công mỹ mãn và kết thúc với việc các quốc gia chính thức ký vào Bản hiến chương LHQ. Điều thứ 23 của Bản hiến chương đã được ghi rõ như sau: 5 nước Ủy viên thường trực của HĐBA LHQ là Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp. Ngoài ra, Bản hiến chương cũng đề ra nguyên tắc “về sự thống nhất giữa các cường quốc”, đó là: Khi HĐBA hoặc Đại Hội đồng LHQ muốn thông qua một nghị quyết nào đó, chỉ cần một trong 5 nước Ủy viên thường trực không đồng ý thì bản nghị quyết đó cũng không có hiệu lực. Đây được gọi là “quyền phủ quyết của các nước là Ủy viên thường trực HĐBA”.

Cùng với sự phát triển về số hội viên gia nhập LHQ và tình hình ngày một phức tạp về mặt an ninh của rất nhiều khu vực trên thế giới. LHQ không thể không tiến hành những cải cách để phù hợp với tình hình thế giới mới, và một trong những vấn đề cần cải cách nhất nhưng cũng khó khăn nhất, đó là cải cách thành phần của Ủy viên thường trực HĐBA. Vấn đề này đã được Tổng thư ký LHQ Kofi Annan đề cập nhiều lần. Người ta còn nhớ trong bài diễn văn đọc tại San Tiago  (Chile) vào ngày 7/11/2003 ông Kofi Annan đã nhấn mạnh: “Cải cách quyết không phải là tước bỏ những quyền lực của các ủy viên thường trực HĐBA hiện nay, mà nhằm để cho những nghị quyết mà HĐBA thông qua càng mang tính rộng rãi và tính hợp pháp, như vậy càng dễ dàng nhận được sự đồng tình của nhân dân toàn thế giới. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ người ta đã thấy có rất nhiều quan điểm không thống nhất của các nước thành viên LHQ đối với bản dự thảo. Chắc chắn đây sẽ là một thử thách không nhỏ cho tổ chức lớn nhất thế giới này

Nguyễn Tiến Cử (Theo China)
.
.