Loài trai vằn đang tấn công... Ngũ Hồ

Thứ Ba, 24/04/2007, 13:00
Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì 10.000 tàu thuyền bị đắm dưới lòng Ngũ Hồ và những loài sinh vật sinh sống ở đây sẽ bị hủy diệt bởi loài trai vằn. Sự sinh sản nhanh vô kể của "kẻ nhập cư" này khiến cho Mỹ phải mất 10 năm và tốn kém tới 5 tỉ USD để tiêu diệt chúng.

Great Lake hay còn gọi là Ngũ Hồ ở Bắc Mỹ là hệ thống hồ nước ngọt lớn nhất trái đất, với chiều dài tổng cộng hơn 10.000 dặm, chứa khoảng 20% lượng nước ngọt trên bề mặt hành tinh.

Ngũ Hồ do 5 hồ lớn nhập thành (bao gồm hồ Superior, Huron, Michigan, Erie và Ontario). Chúng được hình thành cách đây 14 nghìn năm, tức vào thời kỳ sông băng mở rộng xuống phía nam và bị phân dã.

Theo tính toán của các nhà khoa học, Ngũ Hồ chứa khoảng 6 nghìn triệu triệu galông nước, nó nổi tiếng là một hồ nước nguy hiểm nhất trên thế giới. Trong hơn 150 năm kể từ khi con người hiện đại qua lại trên Ngũ hồ thì ước tính có khoảng 10.000 tàu thuyền đã bị đắm.

Các nhà hải dương học cũng không loại trừ khả năng là Ngũ Hồ có chứa hàng chục ngàn bộ xương của những người bị chết trong các vụ đắm thuyền hay bị giết bởi bọn cướp và những xác chết bị ném xuống trong các cuộc nội chiến ở Mỹ.

Nước ngũ hổ ngày càng trở lên trong hơn.

Gần đây, các nhà thám hiểm còn tìm thấy nhiều đống xương người nằm ngay cạnh các con tàu bị đắm. Nước ngọt và độ lạnh của Ngũ Hồ đã bảo vệ rất tốt xác những con tàu.

Những tàu thuyền này trở thành nơi trú ngụ cho nhiều loài sinh vật. Đó là các loài: hải miên nước ngọt, thủy tức và đặc biệt là “kẻ mới nhập cư” - loài trai vằn (zebra mussel). Chúng làm cho nhiều con tàu và thuyền đắm đang bị tàn phá thảm hại, ngoài ra loài trai vằn này còn ăn hết các tạp chất trong nước, chính vì vậy mà chỉ trong vòng chưa đầy một thập kỷ qua, nước ở Ngũ Hồ đã trong lên đột ngột, một số nơi có thể nhìn thấy đáy ở độ sâu 100 feet (hơn 30m).

Khi các nhà khoa học xuống nghiên cứu thì thấy một con thuyền đắm ở hồ Michigan có tới hàng triệu con trai vằn đeo bám vào. Loài sinh vật này bám vào các tàu thuyền kín mít, tạo thành một lớp dày 3 inch (khoảng 8cm).

Do đó, mà chúng rất nguy hiểm cho những thợ lặn và các dụng cụ nghiên cứu vì vỏ của chúng rất sắc và bám chắc vào thân tàu. Những chiếc tàu thuyền đắm đang bị tàn phá bởi những sinh vật lạ và chẳng bao lâu nữa, con người khó có thể nhận dạng ra những con tàu bị đắm có nhiều giá trị lịch sử này.

Loài trai vằn được mang đến Biển Đen và biển Caspian của châu Âu bằng những con tàu chở hàng xuyên đại dương. Những thủy thủ đã đựng chúng bằng các thùng  kim loại để làm thực phẩm trong quá trình đi biển, nhưng khi đi đến các cửa sông Ngũ Hồ, có một số con thuyền bị đắm đã khiến chúng thoát ra ngoài và sinh sôi nảy nở rất nhanh.

Một số con khác thì đến được Ngũ Hồ bằng cách bám vào gầm của những con tàu chở hàng. Và chúng đã thành công trong việc thích nghi với môi trường mới bởi vì đây là nơi duy nhất chúng có thể mở rộng địa bàn sinh sống và giảm nguy cơ bị ăn thịt bởi các loài động vật khác cũng như con người (Ngũ Hồ có rất ít động vật sinh sống).

Lần đầu tiên loài trai vằn được phát hiện ở nhánh sông St. Clair vào mùa xuân năm 1988, nhưng chẳng bao lâu sau thì chúng đã có mặt khắp Ngũ Hồ, sông Mississippi và nhiều Hồ ở Trung và Tây nước Mỹ cũng như ở Canada.

Một vấn đề lo lắng nữa là sự phát triển của trai vằn nhanh sẽ làm cho một số loài sinh vật khác bị tổn hại, trong đó có loài cá hồi, tôm và một số loài thủy sinh khác do không kiếm được thức ăn. Các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và các nhà môi trường Mỹ đang cố gắng ngăn chặn phát triển của loài trai vằn nhưng họ vẫn chưa tìm ra một giải pháp hợp lý.

Cục Nghiên cứu động vật hoang dã Mỹ cho biết, để tiêu diệt được số lượng lớn trai vằn ở nước này thì họ phải chi phí tới 5 tỉ USD trong vòng 10 năm. Giáo sư Adray Poliey, một nhà bảo vệ môi trường ở Chicago bật mí: “Mọi người cần phải cố gắng ngăn chặn sự phát triển của loài trai vằn, nếu không những tàu thuyền và các loài động vật trong Ngũ Hồ chẳng bao lâu nữa sẽ biến mất”

Văn Nguyễn (theo TD)
.
.