Luật cấp quốc tịch mới làm Ấn Độ "dậy sóng"

Thứ Sáu, 20/12/2019, 10:39
Vừa qua, Hạ viện Ấn Độ đã bỏ phiếu thông qua luật cấp quốc tịch cho công dân một số nước láng giềng sống tị nạn tại Ấn Độ, với 311 phiếu thuận, 80 phiếu chống. Sau khi luật được thông qua, trong phút chốc đã biến nhiều thành phố Ấn Độ thành những biển người biểu tình.


Ngoại trừ người Hồi giáo

Theo luật này, công dân ba nước Afghanistan, Bangladesh và Pakistan - là người theo Ấn Độ giáo, đạo Sikh, đạo Phật, đạo Thiên Chúa hay Hỏa Giáo có thể được nhập quốc tịch Ấn Độ nếu sống tại Ấn Độ từ 6 năm trở lên. 

Đối với những người nước ngoài khác, thời gian đòi hỏi là 11 năm. Tuy nhiên, người Hồi giáo tị nạn không được cấp quốc tịch. Ba nước láng giềng nói trên là nơi dân cư đa số theo Hồi giáo. Luật mới về cấp quốc tịch thay thế cho luật quốc tịch năm 1955, cấm cấp quốc tịch cho dân nhập cư bất hợp pháp.

Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ ca ngợi luật vừa được thông qua: "Giấc mơ của hàng triệu người là nạn nhân và bị loại trừ giờ đây đã trở thành hiện thực". Phe dân tộc chủ nghĩa theo Ấn Độ giáo cầm quyền khẳng định luật này có mục tiêu bảo vệ các cộng đồng theo tôn giáo thiểu số ở ba quốc gia là Afghanistan, Bangladesh và Pakistan. Theo phe đối lập tại Ấn Độ, đây là một biện pháp để ngăn cản những tín đồ Hồi giáo trong khu vực được cấp quốc tịch Ấn Độ. 

Với luật mới này, Chính phủ Ấn Độ sẽ cấp quyền công dân cho những người nhập cư không theo đạo Hồi vào nước này bất hợp pháp trước ngày 31-12-2014. Các đảng đối lập và các thành viên xã hội dân sự chỉ trích dự luật là trái với các nguyên tắc thế tục được ghi trong Hiến pháp Ấn Độ, bởi luật không áp dụng với người Hồi giáo.

Biển người biểu tình ở một số thành phố của Ấn Độ.

Đối với nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền hay Hồi giáo, đây là một nỗ lực mới của chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi nhằm gạt cộng đồng Hồi giáo tại Ấn Độ sang bên lề. Các nhà phê bình cho rằng, việc Ấn Độ tuyên bố rằng luật công dân mới nhằm bảo vệ các nhóm thiểu số tôn giáo chỉ là "thùng rỗng kêu to" vì nó loại trừ các nhóm người thiểu số Hồi giáo phải đối mặt với cuộc đàn áp ở các nước láng giềng, bao gồm Ahmadiyya từ Pakistan, Rohingya từ Myanmar và Tamil từ Sri Lanka.

Tuy vậy, Chính quyền Thủ tướng Modi vẫn phủ nhận. Chính phủ Ấn Độ phủ nhận họ có thành kiến về tôn giáo, cho rằng người Hồi giáo không được bảo vệ bởi luật mới vì họ không phải là tôn giáo thiểu số, và do đó không cần sự bảo vệ của Ấn Độ. Theo Chính phủ Thủ tướng Modi, luật mới không liên quan đến tín đồ Hồi giáo sinh sống tại Ấn Độ. Tuy nhiên, dự luật gây lo ngại tại nhiều bang Ấn Độ, những người phản đối lo ngại làn sóng tị nạn người Ấn Độ giáo từ nước láng giềng tràn sang, dẫn tới các cuộc biểu tình.

Những ngày qua, các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp Ấn Độ nhằm chống lại luật cấp quốc tịch mới bắt đầu có hiệu lực vào đầu tháng 12-2019. Trong ngày 15-12, hơn 100 nhà hoạt động biểu tình chống lại luật cấp quốc tịch mới của Ấn Độ đã bị thương vì đụng độ với cảnh sát khi lực lượng cảnh sát sử dụng hơi cay và dùi cui để giải tán những người biểu tình ở một trường đại học lớn. 

Cảnh sát đã tìm cách kiềm chế hàng nghìn người biểu tình, bao gồm người dân địa phương và sinh viên, những người đã tụ tập gần Đại học Islamia Millia ở phía Đông Nam thủ đô New Delhi. Các nhà chức trách nói rằng những người biểu tình đã đốt phá xe buýt, ô tô và xe máy. Hai bệnh viện địa phương cho biết hơn 100 người bị thương đã được đưa tới bệnh viện sau khi xảy ra các vụ đụng độ.

Mong muốn giữ bản sắc dân tộc

Người biểu tình cầm biểu ngữ và hô vang khẩu hiệu phản đối dự luật. Người dân ở đây muốn dự luật phải được bãi bỏ, vì họ cho rằng bản sắc dân tộc và văn hóa của họ đang bị đe dọa bởi những người di cư bất hợp pháp. Về cơ bản, họ không muốn bất kỳ người di cư nào, bất kể tôn giáo, được phép đi vào tiểu bang.

Các cuộc biểu tình diễn ra gay gắt ở một số bang phía Đông như Assam, Tripura và Tây Bengal, nơi nỗi oán giận của người dân địa phương với những người nhập cư Bangladesh đã kéo dài nhiều thập kỷ qua. Các nhà chức trách đã cắt mạng internet ở nhiều khu vực của các bang bị ảnh hưởng nhằm duy trì trật tự và luật pháp.

Phát biểu trong một buổi tụ họp tại bang Jharkhand ở miền Đông hôm 15-12, Thủ tướng Modi đã cáo buộc đảng Quốc đại đối lập và các đồng minh của đảng này kích động bạo lực chống lại luật cấp quốc tịch mới. Trong khi đó, đảng Quốc đại cáo buộc đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của Thủ tướng Modi trên Twitter, nói rằng chính phủ đã không thực hiện được nhiệm vụ của mình là duy trì hòa bình của đất nước.

Các nhà chức trách địa phương yêu cầu tất cả các trường học ở phía Đông Nam New Delhi tiếp tục đóng cửa trong ngày 16-12. Trường Đại học Jamia Millia ngày 14-12 đã thông báo rằng trường sẽ nghỉ kỳ nghỉ đông sớm. Trường Đại học Hồi giáo Aligarh ở bang Uttar Pradesh cũng thông báo nghỉ kỳ nghỉ đông sớm sau khi các sinh viên biểu tình đụng độ với cảnh sát hôm 15-12. 

Hàng trăm các nhà hoạt động đã tụ tập bên ngoài các trụ sở cảnh sát ở New Delhi tối 15-12 để phản đối hành động tàn bạo của cảnh sát và việc cảnh sát bắt giữ các sinh viên. Một luật sư đang cố đàm phán thả các sinh viên bị bắt cho biết rằng ít nhất 28 người đang bị giam giữ trong một đồn cảnh sát ở phía Nam thủ đô New Delhi.

Trong khi đó, các cuộc biểu tình chống lại luật quốc tịch mới tiếp tục diễn ra ở miền Đông của Ấn Độ. Một đường cao tốc nối bang Tây Bengal với bang Assam đã bị chặn ở nhiều nơi hôm 15-12, khi những người biểu tình đốt lốp xe, yêu cầu hủy luật quốc tịch mới. Bạo lực cũng xảy ra ở thủ phủ Patna của bang Bihar miền Đông Ấn Độ.

Năm 2018, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah đã từng nhấn mạnh rằng những người nhập cư Hồi giáo và người xin tị nạn từ Bangladesh là "mối mọt" và hứa sẽ loại bỏ quyền công dân của họ. New Delhi lập luận, luật công dân mới sẽ bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số trốn sang Ấn Độ tránh bị đàn áp bằng cách cho phép họ trở thành công dân nước này. 

Thủ tướng Modi cũng khẳng định, dự luật, "phù hợp với đạo đức và niềm tin hàng thế kỷ qua của Ấn Độ vào các giá trị nhân đạo".

Sau khi luật mới được công bố, Mỹ ngay lập tức đã lên tiếng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: "Chúng tôi đang theo sát các diễn biến liên quan đến luật cấp quốc tịch mới của Ấn Độ. Tôn trọng tự do tôn giáo và đối xử bình đẳng theo luật pháp là những nguyên tắc cơ bản của hai nền dân chủ của chúng ta. Mỹ kêu gọi Ấn Độ bảo vệ quyền của các nhóm tôn giáo thiểu số phù hợp với Hiến pháp và các giá trị dân chủ của Ấn Độ".

Hà Phương (tổng hợp)
.
.