Lương tâm và lương bổng

Thứ Hai, 07/10/2013, 11:15

Hai cặp từ ấy để chỉ về 2 phạm trù vật thể và phi vật thể. Lương tâm: Theo từ điển "Từ và Ngữ Việt Nam" do Giáo sư Nguyễn Lân biên soạn, thì lương là tốt lành; tâm là lòng. Lòng tốt của người ta do hoàn cảnh xã hội tạo nên khiến người ta hướng về cái tốt, phản đối cái xấu.

Lương bổng: Cũng theo từ điển trên thì lương ở đây là lúa gạo (lương thực), bổng là tiền trả cho người làm - tiền lương của công chức nói chung.

Ngữ nghĩa của 2 cặp từ trên là thế. Song, thời chúng ta đang sống, thời @, iphone, ipad… thì cặp từ lương bổng người ta lại ngầm hiểu với nghĩa rộng hơn. Nó hàm chứa tới 2 khái niệm. Nghĩa của từ “lương” thì vẫn thế. Còn từ “bổng”, lại không phải từ "ăn theo" như trong từ điển (cả nhà sống nhờ lương bổng của người cha) mà nó có nghĩa riêng của nó và ngầm hiểu còn từ "lộc" đi theo (ổng sống sung túc nhờ bổng lộc, chớ lương thì kể làm chi).

Một vị lãnh đạo một tổng công ty hay một công ty nào đó, so với một chị làm công tác văn thư, tạp vụ… họ đều có cái chung là lương (cố nhiên cục tiền lương ấy dày, mỏng khác nhau theo chế độ lương của Nhà nước quy định). Song, cái vế bổng lộc thì lại không thể chung. Không thể có ở cô văn thư, tạp vụ… mà nó chỉ có ở người chức sắc. Nó nằm trong khoản biếu xén, đặc quyền, đặc lợi, trong cái khoản chấm mút những thứ quỹ để ngoài sổ sách thường gọi là "quỹ đen"…

Chưa hết, thời chúng ta đang sống, lại vừa xuất hiện một từ mới, đi sau từ lương, đó là: Lương "khủng". Từ lương thì nghĩa của nó vẫn thế. Còn khủng là gì? Khủng bố chăng? Khủng hoảng chăng? Không phải! Nó chỉ có thể là khủng khiếp. Một sự việc gì đó, khi nhìn thấy hoặc nghe được, khiến người ta ghê sợ, khiếp vía (thật khủng khiếp khi Mỹ dùng B.52 tấn công Thủ đô Hà Nội; Một đợt sóng thần khủng khiếp đã cướp đi hàng vạn sinh linh; Vụ tai nạn xe máy khủng khiếp, cả 4 người trên xe chết tại chỗ, 2 chiếc xe bẹp rúm…).

TP HCM cứ mưa là ngập, trong khi lãnh đạo 4 doanh nghiệp công ích nhận lương “khủng”. Nguồn: Lao Động.

Báo chí mấy tuần qua đã nêu một sự kiện giật gân về các sếp lương "khủng". Nếu chỉ nghe qua lời kể của ai đó: "Ở TP HCM, ông Giám đốc Công ty Thoát nước đô thị, lương 2 tỉ 6 trăm triệu đồng một năm…" thì chắc kẻ viết bài này sẽ bán tín bán nghi, cho là có sự nhầm lẫn. Lẫn sao được, khi nhiều báo đưa tin với nhiều tít bài khác nhau, nhưng tựu trung đều lên án tình trạng "Lương khủng của các sếp công ích".

Đâu phải chỉ một "sếp" mà là nhiều sếp ở một số công ty công ích thuộc thành phố - những nơi mà hàng năm họ vẫn nhận cả ngàn tỉ đồng từ ngân sách nhà nước. Vậy mà những người lãnh đạo ở đây, mỗi người, mỗi năm đang tâm "ẵm" của Nhà nước vài tỉ tiền lương.

Vô địch trong số đó là ông Giám đốc nêu trên (lương 2,6 tỉ). Xin được viết rõ khoản tiền trên bằng số cụ thể: 2.600.000.000 (2 tỉ 6 trăm triệu đồng) bình quân lương mỗi tháng là 216.000.000đ. Thật là khủng khiếp! Sao lại như thế?

Khi lãnh đạo thành phố rờ tới và báo chí nhảy vô, thì lãnh đạo một số cơ quan trên có trả lời phỏng vấn báo chí. Hình như họ đều "tưng tửng, hồn nhiên" như nhau, đều mặc nhiên coi mức lương đó là hợp lý, xứng đáng với tài trí lãnh đạo của họ. Họ giấu nhẹm những trò ma giáo để vơ vét mồ hôi, công sức của những công nhân thuộc quyền. Vậy lương tâm, đạo đức của họ để đâu?

Xót xa thay, họ lại là chủ nhân của những tấm danh thiếp đầy kiêu hãnh: Những Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc, Phó bí thư, Phó tổng giám đốc, Giám đốc… những danh vị mà cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đã căn cứ phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo mà trao cho họ.

Trớ trêu thay, những việc họ làm hàm chứa tính ích kỷ, tham lam, tư lợi, trái với phẩm chất đạo đức của người lãnh đạo, lại diễn ra ngay trong giai đoạn toàn Đảng, toàn dân đang quyết tâm thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương Khóa XI về củng cố và xây dựng Đảng; chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực; chống đặc quyền, đặc lợi; chống suy thoái đạo đức và lối sống. Vậy mà…

Không ngờ, nỗi hoang mang, day dứt của tác giả bài viết này lại sớm được giải tỏa như thế. Chỉ sau mấy tuần lễ, cấp ủy và chính quyền TP HCM đã ra tay theo đúng tinh thần "Những việc cần làm ngay". Hiện tượng trên đã được ngăn chặn và xử lý. Các vị "sếp lương khủng", kẻ bị khai trừ Đảng, sa thải khỏi cơ quan; người bị xử lý kỷ luật Đảng và chính quyền ở mức cao nhất tùy mức độ sai phạm của họ. Cố nhiên phần lương phi lý của các "ông trời con" này phải nộp lại ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, vẫn còn những băn khoăn day dứt:

- Các cơ quan chức năng của thành phố (đơn vị quản lý tài chính các doanh nghiệp; đơn vị quản lý lao động và tiền lương…) ở đâu  mà để xảy ra tình trạng trên? Xử lý những đơn vị, cá nhân đã để xảy ra "những lỗ hổng khổng lồ" như vậy ra sao?

- TP HCM mới "khui" ở 4 doanh nghiệp đã tìm ra "một mớ sâu mọt" như vậy. Thử hỏi, trên phạm vi cả nước, từ trung ương tới các địa phương ra sao, nếu tất cả đều ra tay? Nhất là với những ngành kinh tế đặc thù. Những nơi đã nổi tiếng về lương "khủng", thưởng "khủng"…

- Thử hỏi, ngoài hiện tượng lương "khủng" sẽ còn bao nhiêu thứ "khủng" nữa (lãng phí "khủng"; dự án treo "khủng"; tham ô, tham nhũng "khủng"; thất thoát "khủng"…) mà chưa được làm rõ?

Thuốc trị đã có cả rồi (kể cả thuốc phòng và chống), đó là luật pháp và các văn bản dưới luật; đó là các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Nếu được triển khai triệt để, nghiêm túc thì chắc chắn các "mầm khủng" nêu trên sớm bị tàn lụi. Đó là yếu tố cơ bản để củng cố niềm tin của quần chúng đối với Đảng và Nhà nước - Một Nhà nước của dân - do dân - vì dân

K.T.D.
.
.