Mạng lưới khủng bố Al-Qaeda gia tăng hoạt động

Thứ Năm, 10/07/2008, 10:15
Washington vẫn coi Pakistan là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở khu vực Nam Á. Bởi vậy, tình hình lộn xộn ở nước này trong thời gian gần đây làm cho Nhà Trắng hết sức lo lắng.

Hôm 1/7, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Trung Á và Nam Á, ông Richard Baucher đã đến Islamabad để cùng với các nhà lãnh đạo Pakistan xem xét tình hình nội bộ nước này và khu vực, nhất là tình hình tại vùng biên giới giữa Pakistan và Afghanistan.

Trên tờ New York Times thỉnh thoảng lại thấy xuất hiện những bài báo bày tỏ lo lắng về các hoạt động tăng cường của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda ở Pakistan, trong đó thường dẫn các nguồn tình báo Mỹ và những kết luận rất đáng buồn của Nhà Trắng. Các chuyên gia phân tích quốc tế cho rằng, sở dĩ hiện nay Washington vẫn quan tâm đặc biệt tới chiến dịch chống khủng bố ở Afghanistan, đồng thời ra sức tổ chức tái thiết Iraq sau chiến tranh, về thực chất là vì mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đang được khôi phục ở Pakistan.

Gần đây tình hình Pakistan đã làm cho các nhà hoạch định chính sách đối ngoại Mỹ mất ăn mất ngủ, không ngày nào không có tin về các vụ nổ bom khủng bố ở những vùng khác nhau tại đất nước Nam Á này.

Cuộc khủng hoảng chính quyền ở một quốc gia có công nghệ hạt nhân như Pakistan, cho dù chiếc ghế tổng thống của tướng Musharraf có lung lay, cũng chẳng có ý nghĩa gì nhiều lắm, điều Washington lo ngại hơn cả chính là vấn đề “Công nghệ hạt nhân liệu có thể bị lọt vào tay các phần tử Hồi giáo cực đoan”.

Theo các nhà quan sát, thì đương nhiên các trợ lý và cố vấn của Tổng thống Musharraf muốn hạ thấp mối nguy cơ khủng bố của các chiến binh Al-Qaeda nói chung và Taliban nói riêng. Thế nhưng, sau vụ Taliban giết hại 22 tù trưởng ở gần thành phố Zhandol, có lẽ nhận thức của lãnh đạo Pakistan đã có chuyển biến, lần đầu tiên trong nhiều năm gần đây các lực lượng vũ trang nước này đã tiến hành một chiến dịch thanh trừng các phần tử khủng bố ở vùng Đông Bắc.

Taliban cũng đã có phản ứng quyết liệt, một trong những viên chỉ huy chiến trường nổi tiếng là Baitullah Mahsud cuối tháng 6 vừa qua tuyên bố sẽ đình chỉ mọi cuộc hòa đàm với Chính phủ Pakistan. Tại khu vực Haiber đang xảy ra những cuộc giao tranh dữ dội giữa các nhóm vũ trang Hồi giáo địa phương “Lashkar-i-Islam” và “Ansar-ul-Islam”, nơi được coi là bất ổn định nhất ở Pakistan, cũng đã phải ban bố lệnh giới nghiêm.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát quốc tế vẫn cho rằng chính quyền Pakistan đã quá chậm trễ trong việc thanh trừng các toán khủng bố ở Pesharra và các tỉnh ở biên giới Đông Bắc nói chung. Tại khu vực biên giới liền kề với Afghanistan còn hiện diện rất nhiều toán khủng bố có quan hệ mật thiết với Taliban. Chính từ nơi đó chúng đã tổ chức những cuộc thâm nhập, tấn công quân Chính phủ Afghanistan và các đơn vị liên quân NATO.

Nhiều chính khách và dư luận báo chí Washington cho rằng, không phải chỉ riêng vùng Đông Bắc Pakistan, mà cả đất nước Nam Á này đã trở thành một trong những sào huyệt nguy hiểm của các “tổ chức Hồi giáo cực đoan”. Người ta lo ngại nó sẽ càng trở nên nguy hiểm hơn cho cả thế giới, nếu như các phần tử Hồi giáo cực đoan lên nắm chính quyền ở một quốc gia có trong tay công nghệ hạt nhân.

Về vấn đề này, nhiều nhà phân tích phương Tây đặt ra câu hỏi:  “Tương lai của quốc gia hạt nhân “không được kiểm soát” ở châu Á này, nơi mà “Osama bin Laden – kẻ thù chính của nước Mỹ” vẫn đang sống nhởn nhơ, rồi đây sẽ như thế nào?

Bình luận về vấn đề này hôm cuối tháng 6 vừa qua, cựu trợ lý về an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ, ông Zbigniew Brzezinski cho rằng: “Vai trò thủ lĩnh toàn cầu của Mỹ có thể sẽ bị thủ tiêu, nếu như người Mỹ để bị lôi kéo vào cuộc xung đột khu vực ngày càng mở rộng. Rất có thể cuộc xung đột này sẽ lan sang cả khu vực được gọi là “Trung Đông mở rộng”.

Tờ New York Times rút ra kết luận khá thú vị, cho rằng, mạng lưới khủng bố của Osama bin Laden “đã được khôi phục khá thành công” tại các bộ lạc ở Pakistan. Những sai lầm của Washington và Islamabad trong thời gian qua, những bất đồng gay gắt giữa các chính khách, những cuộc tranh chấp nội bộ các cơ quan đặc biệt của Mỹ càng làm cho hiểm họa này trở nên nghiêm trọng hơn. Cho đến nay quân đội Mỹ vẫn chưa được “bật đèn xanh” để tiến hành những chiến dịch lớn tại các bộ lạc và vùng rừng núi ở Pakistan, nơi ẩn náu của các phần tử Hồi giáo cực đoan và rất có thể cả Bin Laden và những chiến hữu thân cận nhất của ông ta.

Theo nguồn tin của một cựu sĩ quan CIA (giấu tên), hiện các lực lượng Al-Qaeda đồn trú tại các căn cứ bí mật ở Pakistan đã lên tới ít nhất là 2.000 người, trong khi 3 năm trước chỉ có khoảng 300-400 tay súng. Cũng theo viên sĩ quan này, giữa các cơ quan CIA ở Kabul (Afghanistan) và ở Islamabad (Pakistan) đã xảy ra cuộc tranh chấp kéo dài. Giữa các nhân viên tình báo trên chiến trường và các sĩ quan làm việc tại Trung tâm chống khủng bố của CIA ở Washington cũng không ít mâu thuẫn.

Trong bối cảnh đó, người ta càng dễ hiểu tại sao cho đến nay và có lẽ cho đến cả khi hết nhiệm kỳ của mình, Tổng thống G.Bush vẫn chưa thể tiêu diệt được Bin Laden, như ông đã hứa trước toàn thể người dân Mỹ và cả thế giới, sau vụ khủng bố tấn công trực diện vào nước Mỹ ngày 11/9/2001

Ngô Gia Sơn (Theo Rossiskaya azeta)
.
.