Mạng người đâu phải để thách đố!

Thứ Tư, 03/03/2010, 16:15
Công trình tòa nhà Keangnam nằm trên đường Phạm Hùng, Hà Nội được nhà đầu tư cho là công trình xây dựng cao nhất Việt Nam đã liên tục gây ra sự chú ý với dư luận. Đầu tiên là vụ cá cược 100 tỉ đồng về tiến độ xây dựng, và liên tục sau đó là những vụ tai nạn lao động kinh hoàng.

Keangnam đang chạy đua với thời gian để kịp với thời điểm cả nước đón mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhưng tại công trình này lại có nhiều “chuyện buồn" như vậy.

Nổi lên nhờ... cá cược

Ấn tượng nhất với những phóng viên thực hiện việc đưa tin bài về công trình xây dựng được quan tâm này là việc Công ty Keangnam toàn đưa "sếp" người nước ngoài ra để... trả lời báo chí. Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn làm chết người trên công trường, các phóng viên đến liên hệ làm việc, nhân viên lễ tân đã "hỏi khó" chúng tôi: "Nếu gặp giám đốc, các anh có nói được tiếng Hàn Quốc không? Nếu không được thì phải chờ bố trí người phiên dịch". Chính sự cách biệt về ngôn ngữ, văn hóa, giao tiếp đã hạn chế phần nào sự trao đổi cởi mở của những người làm công trình này với dư luận.

Ngay cả đối với các đoàn kiểm tra của các cơ quan chức năng, sự gây khó khăn không phải là không có. Trung tá Nguyễn Hải Tiến, cán bộ Đội Điều tra hình sự Công an huyện Từ Liêm cho biết: Những vụ tai nạn đầu tiên của công trình này, các đoàn kiểm tra cũng rất khó tiếp cận hiện trường hoặc tiếp cận mà không nhận được thái độ hợp tác nhiệt tình cho lắm. Phải chờ đến khi có ý kiến của các cơ quan chức năng, áp lực của báo chí, dư luận thì các cán bộ kiểm tra mới thoải mái làm việc.

Dự án Hanoi Landmark Tower do Công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina làm chủ đầu tư, nhà thầu chính là Công ty Keangnam Enterprises Ltd. Theo thiết kế, tòa nhà này có chiều cao 70 tầng, được khởi công xây dựng từ năm 2007 với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỉ USD.

Công bằng mà nói, mặc dù được cho là công trình cao nhất Việt Nam nhưng dự án tòa nhà Keangnam chưa được nhiều người biết đến cho đến khi có một vụ cá cược "chẳng biết do ai nghiên cứu ra" giữa báo Người cao tuổi và Công ty Keangnam. Vụ việc thu hút sự chú ý của dư luận bởi số tiền khá "ngợp" cho một cuộc cá cược công khai: 100 tỉ đồng. Báo chí, truyền thông nhảy vào đưa tin và tự nhiên công trình này trở nên nổi tiếng, đồng nghĩa với việc giá bán căn hộ ở đây cũng lên như diều gặp gió. Rốt cục là vụ cá cược này cũng chẳng đến đâu như dự đoán của nhiều người. Cho đến bây giờ,  không ít người vẫn cho rằng đây là một "chiêu" PR thượng hạng, còn báo chí vô tình quảng cáo không công.

Sau cá cược là... 6 mạng người

Ngay sau khi vụ cá cược 100 tỉ đồng lắng xuống, Keangnam lại nổi lên như một công trình lâu lâu lại... rớt một người. Như Trung tá Nguyễn Hải Tiến, Công an huyện Từ Liêm thì "số lượng người gặp tai nạn lớn chưa từng có so với bất kỳ công trình nào từng thi công trên địa bàn". (Công trình SVĐ Quốc gia Mỹ Đình cũng nằm trên địa bàn huyện này).

Tháng 7/2009, có thể xem là "đại họa" với công trình này, đầu tiên là vào ngày 21/7, anh Hoàng Văn Tạo (43 tuổi) và anh Bùi Văn Dương (22 tuổi) đều quê ở Hòa Bình tử vong do rơi từ tầng 13 tòa nhà Keangnam.

Người lao động trên công trường này chưa hết bàng hoàng thì sau đó một ngày, 22/7, anh Lâm Văn Hiền (23 tuổi, Nam Định) và anh Võ Ngọc Hường (41 tuổi, Quảng Nam) tử vong do rơi từ tầng 5 xuống tầng 4.

4 mạng người chỉ trong vòng 2 ngày, đấy là chưa kể 3 người khác bị thương đã khiến công trình này bị tạm đình chỉ xây dựng trong thời gian ngắn. Sau khi được thi công trở lại, đầu năm 2010, lại có thêm 2 người nữa chết trên công trình này, cũng do tai nạn lao động.

Đáng chú ý, như vụ tai nạn ngày 3/2/2010, sau khi xảy ra tai nạn, những người có trách nhiệm tại công trường đã không... kịp thời trình báo cơ quan chức năng.

Trong khi vận hành máy bơm bêtông tại tầng 1, anh Lê Đức Thắng (36 tuổi, ở Trực Ninh, Nam Định) bất ngờ bị một đoạn ống thép nối đường ống dẫn văng ra, đập vào người. Anh Thắng được đưa vào Bệnh viện 19-8 cấp cứu nhưng đã tử vong.  Anh Thắng có ký hợp đồng lao động thời vụ với Công ty Máy móc và Xây dựng (trụ sở tại CT5 Mỹ Đình - Sông Đà), là công ty của Hàn Quốc.

Mặc dù những người có trách nhiệm tại công trường không kịp thời trình báo cơ quan chức năng nhưng nhờ công tác nắm tình hình, chiều cùng ngày, Công an huyện Từ Liêm đã vào cuộc điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.

Có quá nhiều vụ tai nạn lao động trên công trường tòa nhà Keangnam.

Vụ tai nạn nghiêm trọng gần đây nhất xảy ra vào chiều ngày 22/2 vừa qua, một kỹ sư trẻ tử nạn khi đang làm việc tại công trường xây dựng tòa nhà Keangnam. Nạn nhân là kỹ sư Vũ Tiến Lâm (25 tuổi, quê phường Cửa Nam, TP Vinh, Nghệ An). Anh Lâm được đưa vào cấp cứu trong tình trạng sốc đa chấn thương nặng. Các bác sĩ tại Phòng Cấp cứu (Bệnh viện Việt -  Đức) cho biết, đây là trường hợp đặc biệt nên đã chuyển gấp vào phòng mổ. Tuy nhiên, sau khi mổ xong, ra phòng cấp cứu, nạn nhân bị tử vong lúc 2h sáng ngày 23/2.

Được biết, tai nạn xảy ra khoảng 17h30 phút nhưng mãi đến 18h30 phút nạn nhân mới được xe của công ty đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện E, dù nơi xảy ra tai nạn cách Bệnh viện 19-8, bệnh viện gần nhất chưa đầy 2km. Trong quá trình chờ đi cấp cứu, nạn nhân gần như không được sơ cứu.

Một người nhà của nạn nhân Vũ Tiến Lâm bất bình kể với các phóng viên: "Khi xảy ra tai nạn, phía công ty không hề thông báo cho gia đình, không lập biên bản hiện trường ngay. Chúng tôi thấy có nhiều mờ ám trong vụ tai nạn này. Đề nghị cơ quan chức năng phải làm rõ".

Một vụ tai nạn như vậy, vì sao các đơn vị thi công ở đây lại không ngay lập tức thông báo rõ ràng cho Cơ quan Công an ngay khi xảy ra? Những nghi ngờ về việc công ty này có thể không muốn rò rỉ thông tin gây mất uy tín nên chủ động giải quyết nội bộ hoàn toàn không phải là không có cơ sở.

Vì chạy đua tiến độ?

Trong kiến nghị gửi chủ đầu tư và nhà thầu chính công trình Keangnam, ngay sau tai nạn của công nhân Lê Đức Thắng, Cơ quan CSĐT Công an huyện Từ Liêm đã chỉ ra những sai phạm dẫn đến việc tai nạn thường xảy ra tại công trình là do "Quá chú trọng tới tiến độ, thiếu đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm an toàn lao động cho công nhân. Không bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác an toàn vệ sinh lao động hoặc có bố trí nhưng chỉ là danh nghĩa, hình thức...".

Một số nguyên nhân nữa được nêu ra như phần lớn những người  bị tai nạn lao động đều là lao động phổ thông, luôn được ký dạng "hợp đồng thử việc" để không mua bảo hiểm. Thực tế là một nhóm người tự phát thành tổ, không có đào tạo cơ bản về kiến thức xây dựng, kiến thức an toàn lao động...

Qua đó, Công an huyện  Từ Liêm cũng kiến nghị và cảnh báo: chủ đầu tư và nhà thầu không nên vì áp lực tiến độ, hạ giá thầu nhận công trình mà buông lỏng công tác kiểm tra, đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất đảm bảo an toàn lao động. Các cán bộ kỹ thuật, công nhân ký hợp đồng phải được tổ chức tập huấn, tập huấn lại để cấp chứng chỉ về an toàn vệ sinh lao động; không ký hợp đồng khoán trắng khối lượng phần nhân công đối với nhóm, tổ thợ lao động tự do...

Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Phan Văn Tuấn cho rằng: Trong trường hợp tại Keangnam không phải dừng tất cả công trình, vì Keangnam chỉ là chủ đầu tư và thuê lại các nhà thầu phía Việt Nam thực hiện các gói thầu cụ thể. Hơn nữa, họ không phải trực tiếp thi công công trình. Như vậy, trách nhiệm gần như được chuyển sang cho các nhà thầu phụ.

Trong khi đó, khi chúng tôi liên hệ để làm việc về vấn đề an toàn lao động trong công trình với một trong những nhà thầu phụ là Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 (Cofico) thì người phụ trách đối ngoại của công ty này cho rằng: Phải xin ý kiến nhà thầu chính.

Trong khi chờ các cơ quan chức năng xử lý vụ việc, có lẽ chúng ta phải bàn thêm về việc Keangnam đang chạy đua với thời gian để kịp với thời điểm cả nước đón mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đẩy nhanh tiến độ cũng là một việc đáng hoan nghênh nhưng công bằng mà nói: việc được ra mắt trong một ngày lễ lớn như vậy cũng là một cách quảng bá tốt cho chính công trình của mình.

Thiết nghĩ, một công trình xây dựng lớn là quan trọng với bộ mặt thành phố nhưng trong đại lễ của dân tộc, có lẽ không ai lại muốn có sự góp mặt của một công trình nhiều "chuyện buồn" như vậy

Hoàng Thắng
.
.