Hậu động đất kinh hoàng tại Trung Quốc:

Mạnh dạn bổ nhiệm, điều động cán bộ tới cơ sở

Thứ Ba, 08/07/2008, 14:30
Trận động đất mạnh 8 độ richter hôm 12/5 tuy đã cướp đi sinh mạng của khoảng 80.000 người (hơn 69.180 người chết và gần 8.500 người mất tích) và làm bị thương hơn 374.170 người. Sau sự cố này lãnh đạo các cấp đã bổ nhiệm, đề bạt, điều động một lượng cán bộ lớn.

Đổi mới công tác bổ nhiệm, đề bạt cán bộ

Theo thống kê, thiên tai đã khiến cho Tứ Xuyên thiếu tới 795 cán bộ lãnh đạo các cấp bởi những người này hoặc tử nạn, mất tích hoặc bị thương đang phải điều trị, không hoặc chưa thể làm việc. Trường hợp đề bạt và điều động của Phó chánh án Tòa án nhân dân thành phố Quảng Nguyên là ví dụ điển hình.

13h ngày 29/5, Lý Thư Cần, một cán bộ của Tòa án nhân dân tỉnh nhận được điện thoại của lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh Tứ Xuyên và ông phải trả lời yêu cầu trước 14h cùng ngày. 10h ngày 30/5, Lý Thư Cần nhận được tin báo, ông đã trúng tuyển – tới phục vụ tại khu vực bị thiên tai trong thời gian 1,5 năm.

Chiều 30/5, lãnh đạo tỉnh Tứ Xuyên có cuộc nói chuyện với Lý Thư Cần và sáng 31/5, ông có mặt, nhận nhiệm vụ tại thành phố Quảng Nguyên. Đi cùng Lý Thư Cần tới khu vực thiên tai nhận nhiệm vụ hôm 31/5 còn có 79 lãnh đạo từ cấp phó phòng và 3.100 cán bộ cơ sở đến từ các thành phố, huyện và thị trấn khác.

Bí thư chi bộ cơ sở thị trấn Kiều Trang, ông Khương Dung đã được đặc cách đề bạt làm Phó thị trấn sau khi tổ chức thành công cho hơn 6.000 cư dân địa phương lánh nạn sau trận động đất - chỉ 8 người chết và hơn 20 người bị thương.

Phó thị trấn Tuân Đạo, Lâm Kiến Hoa đã được bổ nhiệm làm Bí thư sau khi người tiền nhiệm tử nạn và lập thành tích xuất sắc trong trận động đất. Mã Hiểu Yến tuy mới 27 tuổi nhưng đã nhanh chóng được đề bạt làm Bí thư Đoàn thanh niên huyện Bắc Xuyên sau khi thể hiện xuất sắc trong công tác cứu nạn vừa qua. Trước đó Mã Hiểu Yến đã là Phó bí thư Đoàn thanh niên huyện Bắc Xuyên.

Nhiều người nói rằng, Phó bí thư Đoàn thanh niên huyện Bắc Xuyên tuy là phụ nữ nhưng 9 ngày sau động đất cô không tắm gội, thay quần áo và mỗi ngày chỉ nghỉ chưa tới 5 tiếng – toàn bộ thời gian Mã Hiểu Yến dành cho cứu hộ. Những gương quên mình vì người khác cũng như công việc đã và đang được tuyên truyền rộng rãi để mọi người noi theo.

Huyện trưởng Bắc Xuyên, Kim Đại Trung mặc dù bị thương nhẹ sau vụ động đất, nhưng vẫn có mặt tại Trung tâm chỉ huy cứu hộ bất chấp 6 người thân đều gặp nạn – 3 người chết, 3 người không rõ tung tích.

Thành phố Miên Dương cũng chủ động cử 102 cán bộ tới huyện Bắc Xuyên công tác với thời hạn 1 năm. Theo thống kê, trước động đất huyện Bắc Xuyên có tổng cộng 1.900 cán bộ, nhưng sau động đất thiếu tới 428 người (chết hoặc mất tích).

Theo thông báo của Trưởng ban Tổ chức nhân sự tỉnh Tứ Xuyên, ông Kha Tôn Bình cho biết, những vùng bị thiên tai hiện đã bổ sung tương đối đầy đủ cán bộ lãnh đạo các cấp. Tỉnh ủy Tứ Xuyên cũng đã kịp thời bổ nhiệm Thị trưởng thành phố Đức Dương, Miên Dương và A Bá.

Ngoài việc mạnh dạn bổ nhiệm, điều động cán bộ, tỉnh Tứ Xuyên cũng đặt ra một cơ chế quản lý, giám sát cán bộ nghiêm ngặt. Bên cạnh việc linh hoạt và mạnh dạn trong công tác đề bạt, cất nhắc và điều động cán bộ, lãnh đạo tỉnh Tứ Xuyên còn đơn giản hóa trình tự tuyển dụng cán bộ. Nếu chiểu theo đúng quy trình tuyển chọn như trước đây thì khó bổ sung cho số cán bộ đang thiếu tại những khu vực thiên tai.

Xử lý tốt những thắc mắc của dân

Sau 3 ngày nhóm họp (từ 24 đến 26/6), kỳ họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 11 đã bế mạc sau khi nghe và thẩm định báo cáo về trận động đất kinh hoàng ở Vấn Xuyên, Tứ Xuyên, cũng như công tác khắc phục và tái thiết khu vực này của chính phủ.

Trước đó, ngoài việc yêu cầu các ban, bộ, ngành cắt giảm chi tiêu 5% trong năm nay để dành cho quỹ tái thiết các khu vực chịu ảnh hưởng của động đất, chính phủ cũng quyết xử lý nghiêm khắc bất cứ cán bộ nào sử dụng sai mục đích hay trì hoãn việc phân phát tiền, hàng cứu trợ.

Cơ quan chức năng đã cách chức, khiển trách và kỷ luật nhiều quan chức không hoàn thành nhiệm vụ và sử dụng sai mục đích những hàng hóa cứu trợ nạn nhân của trận động đất hôm 12/5.

Để làm tốt công tác xây dựng các trường học vừa đạt chất lượng, vừa kịp tiến độ, đón học sinh trong năm học mới, Bộ Giáo dục đã thành lập một tổ công tác đặc biệt do Bộ trưởng Chu Tế làm tổ trưởng.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục Viên Quý Nhân, Trần Tiểu Á và trợ lý Bộ trưởng Dương Chu Hạ làm tổ phó. Ngoài ra, 10 thành viên của tổ công tác này đều là lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ Giáo dục.

Bộ trưởng Giáo dục Chu Tế đã yêu cầu tất cả các trường học bị tàn phá do động đất thúc đẩy công việc tái thiết để đảm bảo cho toàn bộ học sinh trở lại học tập đúng dịp khai giảng năm học mới.

Bộ Giáo dục cũng thông qua một số chính sách ưu đãi đối với thí sinh thi tuyển đại học tại những vùng bị ảnh hưởng từ động đất. Giám đốc Sở Giáo dục Thành Đô Chu Quang Vinh vừa khẳng định, những ngôi trường xây mới sẽ có khả năng chống động đất tốt hơn nhà dân, hoàn toàn có thể trở thành nơi lánh nạn trong trường hợp nguy cấp.

Bộ trưởng Bộ Nhà ở và Xây dựng Đô thị - Nông thôn Khương Vỹ Tân thì nhấn mạnh, sẽ xử lý nghiêm khắc những người có trách nhiệm nếu phát hiện có vấn đề về chất lượng xây dựng tại các công trình trường học trong khu vực.

Bộ trưởng Giám sát kiêm Cục trưởng chống tham nhũng quốc gia Mã Văn khẳng định, cơ quan chức năng sẽ điều tra về khả năng tham nhũng khi xây dựng tại những trường học ở tỉnh Tứ Xuyên khiến hàng nghìn học sinh và giáo viên thiệt mạng

Quốc Trung
.
.