Mẫu số chung Liên Hiệp Quốc

Thứ Hai, 08/10/2018, 14:08
Khi phiên họp của Đại hội đồng Liên hiệp Quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 73 kết thúc, người ta nhận ra rằng dường như càng ngày LHQ càng đóng vai trò là một mẫu số chung cho rất nhiều vấn đề cần giải quyết.

Từ những thách thức mà nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đặt ra cho các mối quan hệ liên minh, cho những điểm nóng thế giới như Syria, Triều Tiên, đến vấn đề cải tổ cơ cấu mà LHQ đang trăn trở, tất cả đều cần đến vai trò và quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa của LHQ để giải quyết.

Như Chủ tịch ĐHĐ LHQ Maria Fernanda Espinosa Garces đã tổng kết khi bế mạc phiên thảo luận chung: Phiên họp đã phản ánh sự thừa nhận của toàn thế giới đối với vai trò của LHQ và tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương như là giải pháp khả thi duy nhất cho những thách thức mà nhân loại đang phải đối diện.

Hơn bao giờ hết, giờ là lúc mẫu số chung LHQ phát huy sự thừa nhận đó.

“Không phải chuyện đùa”

Không ít nhà phân tích đã nói vậy khi nhận xét về bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại phiên họp lần này. Họ cho rằng phát biểu của ông Trump đang đe dọa trật tự và hòa bình thế giới. Ông Trump nói: “Trong chưa đầy 2 năm, chính quyền của tôi đã đạt những thành tựu nhiều hơn bất kỳ chính quyền nào trong suốt chiều dài lịch sử đất nước”.

Dù câu nói của ông đã bị ngắt giữa chừng bởi những tiếng cười vang lên, song ai cũng hiểu rằng ông Trump có cơ sở để nói vậy.

Nếu tổng kết những gì ông Trump đi ngược lại chính sách của nhiều chính quyền tiền nhiệm thì số đó chắc phải đến 2 con số. Nổi bật nhất vẫn là việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu, Thỏa thuận hạt nhân Iran, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) và mới đây nhất là các thỏa thuận quốc tế liên quan tới Palestine và Iran sau khi Tòa án Công lý Quốc tế ra các phán quyết bất lợi cho Mỹ. Nói cách khác, ông Trump đang tạo ra một hình tượng khó lường, khó đoán định cho hình ảnh của riêng ông và cả nước Mỹ.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng năm 2018 không phải là năm 2013 và Mỹ hiện nay không còn là quốc gia quyền lực nhất trên thế giới mặc dù vẫn có đội quân tinh nhuệ số 1 toàn cầu. Phát biểu về chủ nghĩa đa phương của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres không còn là một khái niệm lý tưởng mà nó xuất phát từ cái nhìn thực tế rằng các cường quốc khác đang vươn lên mạnh mẽ để giành lấy vị thế của mình trong trật tự thế giới mới.

Đã có những ý kiến cho rằng dù ông Trump tự nhận công lao trong những dàn xếp về hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, song đó thực ra là dấu hiệu của sự hợp tác Nga-Trung tại vành đai Thái Bình Dương ở châu Á. Báo chí phương Tây không nhắc nhiều đến Diễn đàn Kinh tế phương Đông được tổ chức tại Vladivostok (Nga) gần đây, nơi Trung Quốc, Nga, Triều Tiên, Hàn Quốc và Nhật Bản cùng đạt đồng thuận về tương lai Bán đảo Triều Tiên. Mỹ và châu Âu có vai trò không lớn trong cuộc gặp quan trọng này cũng như cuộc gặp mới đây giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Tương tự như vậy, thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về việc tạm dừng xung đột toàn diện ở Idlib (Syria), bắt nguồn từ một cuộc thảo luận có cả sự tham gia của Syria và Iran, song, cũng vắng mặt Mỹ và châu Âu. Những diễn biến này cùng các dự án kinh tế mà Trung Quốc đang tiến hành ở châu Á cho thấy một trật tự thế giới mới đang dần hình thành, trong khi Mỹ hầu như chẳng có ảnh hưởng gì trong sự xoay vần này.

Nhiều người nhận ra rằng bài phát biểu của ông Trump “sặc mùi” nguy hiểm khi hàm chứa đầy hận thù với mũi dùi chĩa thẳng vào Iran và Venezuela. Theo giới phân tích, Mỹ không nên đe dọa các quốc gia bằng chiến tranh kinh tế và quân sự. Những đe dọa kiểu này càng tạo ra nhiều bất ổn và hoài nghi, đẩy thế giới vốn mong manh này vào những bất ổn khó lường.

Tất nhiên, ngay tại LHQ, người ta cũng hiểu rằng Mỹ đã không còn có thể dễ dàng làm những gì họ muốn như ở thời điểm năm 2003. Cũng như những lời đe dọa của ông Trump, chiến tranh “không phải chuyện đùa”.

Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc Maria Fernanda Espinosa Garces phát biểu tại Khóa họp 73 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ, ngày 21-9. Ảnh: THX/TTXVN.

Hy vọng dấy lên

Phải thừa nhận LHQ đã rất nỗ lực giải quyết vấn đề Syria, song, kết quả chưa được như ý muốn. Gần 5 năm qua, Staffan de Mistura - đặc phái viên của LHQ về vấn đề Syria - đã rất kiên nhẫn đối mặt với những thách thức khó lường tại Syria nhưng tiến trình hòa bình của LHQ chưa có dấu hiệu thành công. Những người ủng hộ nhà ngoại giao kỳ cựu này hoan nghênh sự linh hoạt và sáng tạo của ông trong khi phải đối mặt với chế độ Assad. Song, câu hỏi đặt ra hiện nay là nỗ lực hòa bình LHQ sẽ đi về đâu khi mà chưa thấy đâu “ánh sáng cuối đường hầm”.

Ông De Mistura đã rất mềm mỏng khi tiến hành việc thành lập một ủy ban sửa đổi Hiến pháp Syria, ý tưởng được đưa ra tại các cuộc đàm phán riêng rẽ tại Sochi (Nga) giữa 3 nhà lãnh đạo Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Ông đã bày tỏ hy vọng ủy ban này sẽ được thông qua tại phiên họp lần này của ĐHĐ LHQ. Nhưng kế hoạch không như ý muốn.

Văn phòng của ông đã bảo vệ nỗ lực cải cách hiến pháp, coi đó như một "cột mốc quan trọng để những cải cách khác được thực thi", trong đó có cuộc bầu cử được LHQ giám sát, một nguyên tắc cơ bản của tiến trình Geneva.

Nhưng, cũng có ý kiến cho rằng việc nỗ lực thành lập ủy ban trên là “động thái giậm chân tại chỗ”, “là sự lãng phí vật lực và sự tín nhiệm ngoại giao”. Ông De Mistura cho biết Hội đồng An ninh chính phủ và phe đối lập đã không đồng ý thành lập ủy ban này. Do vậy, việc sửa đổi Hiến pháp Syria vẫn chưa diễn ra trong khi nhiệm vụ nặng nề hơn của LHQ trong việc đàm phán tiến trình "chuyển giao chính trị" tại Damascus cho thấy những dấu hiệu thụt lùi.

Giới phân tích nhấn mạnh dù thế nào thì LHQ nên là cơ quan được báo cáo đầu tiên về việc những nỗ lực có đem lại hiệu quả hay không và quan trọng hơn là liệu chúng có đang phục vụ cho lợi ích của người dân Syria hay không.

Theo ông De Misture, không nên “tham vấn” triền miên mà chẳng làm gì cả. Ông cho biết sẽ thúc đẩy nhanh thảo luận về việc "khởi động ủy ban hiến pháp Syria" trong tháng này. Và hy vọng lại dấy lên...

Giá trị riêng biệt

4 năm sau Thế chiến hai, khi được hỏi điều gì đã giúp chấm dứt xung đột, cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill đáp rằng sai lầm lớn nhất sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất là không khai thác phù hợp vai trò của Hội Quốc Liên, một diễn đàn quốc tế của các nước được thành lập năm 1919. Nếu làm tốt điều đó, Thế chiến hai đã không xảy ra.

Khi ĐHĐ LHQ nhóm họp, có ý kiến cho rằng LHQ lại giống Hội Quốc Liên, có nguy cơ “lạc hậu”. Những nỗ lực hàng chục năm qua nhằm cải tổ Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đều tan vào hư vô. Vẫn là 5 thành viên thường trực gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc. Các cường quốc đang nổi khác như Ấn Độ và Brazil muốn trở thành thành viên thường trực của hội đồng này, song, lại không có hoặc ít lộ trình để đạt được mục tiêu trên.

Tuy nhiên, LHQ ngày nay vẫn có những giá trị riêng của mình. Những sứ mệnh của LHQ hiệu quả nhất lại thường do các thể chế nhỏ hơn, các cơ quan và đặc phái viên thực hiện. Ví dụ, mặc dù đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura chưa thể ngăn chặn cuộc chiến ở Syria, song ông và ê-kíp của mình lại giúp duy trì tiến trình đối thoại và điều này là hết sức có ý nghĩa.

Thực tế, thành tựu lớn lao duy nhất của LHQ là đã duy trì và xây dựng được tinh thần hợp tác quốc tế. Đây là điều rất quan trọng. Không có LHQ, thế giới đã không thể có các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, giúp định hình tư duy về xóa đói giảm nghèo toàn cầu. Tương tự với đó là tiến trình đạt được Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Các cơ quan của LHQ như Chương trình Lương thực thế giới, Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Lương Nông thế giới cũng như các cơ quan khác đều đối mặt với chỉ trích, song đây lại là những cơ quan "xương sống" cung cấp hỗ trợ nhân đạo thế giới mà không một nhóm đơn lẻ nào có thể tự làm được, ngay cả tổ chức phi chính phủ Chữ thập đỏ. Không có các cơ quan này, việc đối phó với các thảm họa như dịch Ebola 2014 hoặc cuộc khủng hoảng di cư ở Trung Đông và châu Âu sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Các sứ mệnh hòa bình của LHQ chỉ có thể được thực hiện khi các cường quốc thế giới đồng lòng nhất trí. LHQ có thể khẳng định thành công ở lĩnh vực này, nhất là trong nỗ lực giám sát quá trình chuyển giao từ nội chiến sang hòa bình ở một số nước như Mozambique, Campuchia, Guatemala và Tajikistan.

Xét cho cùng, vai trò quan trọng nhất của LHQ là đảm bảo các thế lực mạnh nhất, các cường quốc mạnh nhất trên thế giới duy trì đối thoại thường xuyên về những vấn đề liên quan. Và LHQ vẫn làm tốt.

Có nên cải tổ?

Sau Thế chiến hai, những người đứng về phe những người thắng cuộc đã được trao tư cách ủy viên thường trực HĐBA LHQ và đặc quyền phủ quyết. Đây chính là lời giải thích hợp lý cho lý do tại sao Ấn Độ và Brazil, hai nước có dân số đông với nền kinh tế lớn và đang phát triển, không phải là thành viên thường trực của HĐBA LHQ.

Trên thực tế, đâu đó đã có những ý kiến về việc lạm dụng quyền phủ quyết, thiếu trách nhiệm giải trình và cơ cấu đại diện bất bình đẳng trong HĐBA, chẳng hạn không một quốc gia châu Phi hay Nam Mỹ nào là ủy viên thường trực HĐBA, làm suy yếu một tổ chức có tầm quan trọng trong việc duy trì luật pháp quốc tế và gìn giữ hòa bình và an ninh toàn cầu. Đây là hệ lụy của mô hình LHQ từ khi thành lập.

Thực tế cho thấy thời điểm LHQ được thành lập không phải để giải quyết các vấn đề chiến tranh hay an ninh toàn cầu, mà đúng hơn là để đáp ứng nhu cầu về một mô hình quyền lực mới phục vụ những người đầu tư nhiều nhất cho sự tồn tại của tổ chức dưới hình thức hiện nay.

Ngay sau khi LHQ được thành lập, Mỹ và các đồng minh của họ đã vươn lên chi phối chương trình nghị sự toàn cầu. Kinh nghiệm cho thấy Mỹ đã tận tâm với LHQ khi tổ chức quốc tế này phục vụ chương trình nghị sự của Mỹ, nhưng không tự ràng buộc hay gánh vác trách nhiệm bất cứ khi nào tổ chức này không đáp ứng được kỳ vọng của Washington. Ví dụ, cựu Tổng thống George W. Bush đã liên tục chỉ trích LHQ vì không ủng hộ các nỗ lực phát động cuộc chiến tranh xâm lược Iraq.

Sau Thế chiến hai, LHQ đã bị phân chia giữa các xu hướng chính trị và hệ tư tưởng do kết quả của Chiến tranh Lạnh. Vào cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, LHQ đã chịu tác động đáng kể của Mỹ và phản ánh mục tiêu thống trị toàn cầu của Mỹ.

Kể từ năm 2003, LHQ đã bước vào một kỷ nguyên mới, trong đó Mỹ không còn là siêu cường bá chủ duy nhất. Sự trỗi dậy của Trung Quốc và Nga như các trung tâm kinh tế và quân sự, cùng với sự xuất hiện của các liên minh kinh tế và liên minh khu vực ở những nơi khác, đang tạo ra một thách thức lớn hơn và ngày càng tăng đối với Mỹ tại HĐBA và các cơ quan khác của LHQ.

Thế giới đang thay đổi nhanh chóng và Mỹ cũng đang thay đổi khi muốn trở lại thời kỳ hoàng kim. Liệu đã đến lúc LHQ cần cải tổ?

77 nguyên thủ quốc gia và 44 người đứng đầu chính phủ cũng như những đại diện cấp cao khác đã tham gia các cuộc thảo luận tại ĐHĐ LHQ. Những vấn đề liên tục được các đại biểu nêu bật là bảo vệ chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, kỷ niệm 70 năm Ngày Tuyên bố toàn cầu về nhân quyền; đầu tư vào ngăn chặn và trung gian hòa giải để giải quyết xung đột.
Vũ Quang
.
.