MERS có thể bùng phát ngoài dự đoán

Thứ Hai, 22/06/2015, 20:20
Được phát hiện từ năm 2012 nhưng dịch MERS đang được đặc biệt chú ý vì số lượng người tử vong và sự lây nhiễm liên tục của siêu virus trong những ngày qua. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo quốc tế cần cấp thiết phải có một sự chuẩn bị khẩn trương hơn để đối phó với các dịch bệnh truyền nhiễm như MERS.

Trong khi hàng ngày vẫn có thêm người ở Hàn Quốc tử vong và nhiễm mới siêu virus MERS thì tại nhiều quốc gia từ châu Á sang châu Âu tới châu Phi lại liên tục phát hiện bệnh nhân mới nhiễm MERS.

Mới nhất, ngày 18/6, Bộ Y tế Thái Lan thông báo ca mắc siêu virus MERS đầu tiên đã được phát hiện tại nước này. Nạn nhân là một người đàn ông 75 tuổi, người Trung Đông, tới Bangkok ngày 15/6 để điều trị bệnh tim. Ba thành viên gia đình đi cùng ông cũng đã được cách ly theo dõi tại bệnh viện chuyên về các bệnh lây nhiễm Bamrasnaradura ở Bangkok.

Một quốc gia châu Á khác là Arập Xêút ngày 15/6 đã xác nhận thêm 2 trường hợp tử vong do siêu virus MERS và một ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm MERS tại nước này lên 1.304 người, trong đó có 456 người thiệt mạng.

Theo Bộ Y tế Arập Xêút, 2 trường hợp tử vong nói trên là bệnh nhân nam 45 và 65 tuổi, sống tại thành phố Hofoof, cách thủ đô Riyadh khoảng 330km về phía đông. Trong khi đó, trường hợp nhiễm mới nhất tại quốc gia vùng Vịnh này là một phụ nữ 69 tuổi cũng sinh sống tại Hofoof. Hiện bệnh nhân đang được điều trị trong tình trạng ổn định.

Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố: "Tất cả các nước phải luôn chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với các dịch bệnh có thể bùng phát ngoài dự đoán, và các dịch bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng như MERS".

Còn tại châu Âu, chỉ trước phát hiện ở Thái Lan hai ngày, Bộ Y tế bang Hạ Saxony của Đức xác nhận một người đàn ông 65 tuổi ở nước này đã tử vong hôm 6/6 do bị biến chứng sau khi mắc MERS trong chuyến đi tới Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) hồi tháng 2/2015. Người đàn ông nằm điều trị tại Bệnh viện Ostercappeln phía tây nước Đức là ca nhiễm MERS đầu tiên tại Đức trong năm nay.

Đức không phải là quốc gia châu Âu duy nhất bị siêu virus MERS tấn công. Ngày 13/6, một người Hàn Quốc bị phát hiện nhiễm MERS khi đang được điều trị tại một bệnh viện ở thủ đô Bratislava của Slovakia.

Theo giới truyền thông địa phương, người này đến Slovakia ngày 3/6 để làm việc cho một nhà thầu phụ của Hãng sản xuất xe hơi KIA của Hàn Quốc tại thị trấn miền Bắc Zilina.

Trở lại tâm điểm của dịch MERS tại châu Á hiện nay, ngày 18/6, Hàn Quốc ghi nhận thêm 3 trường hợp tử vong do MERS, đưa tổng số ca tử vong do dịch này tại đây lên con số 23, đồng thời xác nhận thêm 3 ca nhiễm mới và như vậy đến nay Hàn Quốc đã có 165 người nhiễm virus MERS. Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho biết, trong 3 ca nhiễm mới có 2 người là y tá tại 2 bệnh viện đang tham gia điều trị cho các bệnh nhân MERS.

Từ trước tới nay, hầu hết các vụ lây nhiễm đều xuất phát từ các bệnh viện. Trong một tuyên bố đưa ra ngày 17/6, WHO cũng ghi nhận không có việc MERS lây nhiễm trong cộng đồng tại Hàn Quốc. Kể từ trường hợp nhiễm MERS đầu tiên được ghi nhận ở Hàn Quốc ngày 20/5 đến nay đã có tới 6.729 người ở Hàn Quốc bị cách ly do có khả năng lây nhiễm sau khi tiếp xúc với các bệnh nhân MERS; 24 người được xuất viện sau khi hồi phục hoàn toàn.

Khách du lịch đeo khẩu trang để đề phòng bệnh MERS ở Seoul, Hàn Quốc.

Mặc dù vậy, ngày 17/6, WHO khẳng định: tình hình nhiễm MERS hiện nay tại Hàn Quốc chưa đủ điều kiện để tuyên bố tình trạng y tế công cộng khẩn cấp. Tuyên bố được đưa ra tại cuộc họp lần thứ 9 của Ủy ban khẩn cấp thuộc WHO, được triệu tập tại Geneva (Thụy Sĩ) nhằm đánh giá về tình trạng bùng phát MERS tại Hàn Quốc từ tháng 5/2015.

Ủy ban khẩn cấp không đề xuất áp dụng những hạn chế về thương mại và du lịch cũng như không cần xem xét biện pháp soi chiếu tại các khu vực nhập cảnh trong thời gian này. Tuy nhiên, WHO lưu ý bệnh MERS bùng phát là “một hồi chuông cảnh tỉnh” đối với tất cả các nước, cho rằng nguyên nhân lây lan MERS là do nhận thức chưa đầy đủ về loại virus này cũng như thiếu biện pháp phòng ngừa tại bệnh viện. WHO cũng khuyến cáo các quốc gia phải luôn sẵn sàng trước nguy cơ xuất hiện virus MERS và các bệnh lây nhiễm nghiêm trọng khác.

Chính phủ Hàn Quốc ban đầu đã bị chỉ trích là chậm chạp trong việc đáp ứng với mối đe dọa y tế công cộng và đã không lập tức công bố tên các bệnh viện,  nơi những ca bệnh MERS được phát hiện. Sau đó thì chính phủ nước này đã tiến hành các biện pháp mạnh để khống chế sự lây lan của virus nguy hiểm và cập nhật hàng ngày về tình trạng bộc phát bệnh.

Trong nỗ lực nhằm hạn chế các tác động tiêu cực của dịch bệnh MERS tới hình ảnh quốc gia, lần đầu tiên Chính phủ Hàn Quốc cũng đã tổ chức cuộc họp để thông báo và cung cấp thông tin chính xác cho ngoại giao đoàn tại Seoul về tình hình dịch bệnh; thiết lập các tổng đài để giải đáp hỗ trợ người nước ngoài đang sinh sống tại nước này, trong đó có một tổng đài bằng tiếng Việt; cam kết hỗ trợ tài chính và gia hạn thời gian cư trú tại Hàn Quốc cho những người nước ngoài bị nghi nhiễm MERS mà tự tiến hành cách ly…

Mới đây, ngày 16/6, Bộ Y tế Hàn Quốc cũng đã cho phép hai bệnh viện tiến hành thử nghiệm điều trị bệnh nhân nhiễm MERS bằng phương pháp sử dụng huyết thanh lấy từ những người nhiễm MERS đã bình phục.

Mặc dù hiện chưa có đầy đủ căn cứ lâm sàng về kết quả của phương pháp điều trị này nhưng Bộ Y tế Hàn Quốc bày tỏ tin tưởng rằng, phương pháp này có thể mở ra hướng điều trị mới đối với loại dịch bệnh vốn chưa có thuốc đặc trị hay vắcxin phòng tránh này.

Những nỗ lực của Chính phủ Hàn Quốc trong cuộc chiến chống MERS bước đầu đã mang lại một số kết quả, đặc biệt giúp trấn an người dân và cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống tại đây, mang lại triển vọng có thể khoanh vùng và khống chế được dịch bệnh chết người này.

Hôm 16/6, giới chức y tế Hàn Quốc cho biết, nếu các biện pháp khống chế mới tiếp tục có hiệu quả thì hy vọng dịch MERS sẽ chấm dứt vào ngày 27/6. Tuy nhiên, theo WHO, dịch MERS tại Hàn Quốc vẫn còn diễn biến phức tạp. Vì vậy cuộc chiến này sẽ còn kéo dài.

Trước tình hình này, ngày 17/6, Bộ Y tế Việt Nam cho biết, để chủ động phòng chống dịch, không để dịch xâm nhập, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, Bộ đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước chỉ đạo tổ chức thường trực chống dịch MERS 24/24 giờ. Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cùng các ban, ngành liên quan phối hợp với Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp, công trường xây dựng tăng cường tuyên truyền đối với công dân Hàn Quốc và các nước vùng Trung Đông đang lao động, làm việc về các biện pháp phòng chống dịch MERS thông qua các hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở, các cuộc họp chuyên đề, chương trình phát thanh, tờ rơi, áp phích...

Các tỉnh, thành phố yêu cầu những người trở về từ vùng dịch bệnh chủ động khai báo y tế tại cửa khẩu và tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu xuất hiện các dấu hiệu ho, sốt, viêm đường hô hấp phải thông báo ngay cho cơ sở y tế hoặc số điện thoại đường dây nóng. Các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền địa phương; đặc biệt các xã phường, thị trấn thống kê lập danh sách các hộ gia đình có người thân sinh sống, học tập, làm việc tại Hàn Quốc và công dân Hàn Quốc đến làm ăn và sinh sống trên địa bàn để có kế hoạch tiếp cận, tư vấn, tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.