Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ tại Argentina:

Mô hình phát triển kiểu Mỹ không ăn khách

Thứ Hai, 07/11/2005, 09:26

Ngày 5/11, Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ IV tổ chức tại Argentina đã khép lại với việc để lửng câu trả lời cho vấn đề quan trọng nhất là thành lập thị trường tự do châu Mỹ. Như vậy là "cuộc cách mạng xã hội" do Washington đề xuất đã không ăn khách và bị các quốc gia khác cùng châu lục khước từ thẳng thừng.

Nguyên do chính của việc không thống nhất trong vấn đề thành lập thị trường tự do châu Mỹ là các lãnh đạo của 34 quốc gia Tây bán cầu đã không tìm được tiếng nói chung và cũng không ủng hộ cái gọi là chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ. 5 quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất là Brazil, Argentina, Venezuela, Uruguay, Paraguay trong khi 29 quốc gia còn lại, trong đó có  Mexico, Mỹ… tuyên bố sẽ nối lại đàm phán về khu vực mậu dịch tự do châu Mỹ (FTAA). Lý do được đưa ra là một thị trường như vậy có thể gây hại cho các nền kinh tế ở khu vực.

Sự mâu thuẫn sâu sắc giữa các nhà lãnh đạo châu Mỹ còn được thể hiện ở tuyên bố chung. Ngoại trưởng Argentina Rafael Bielsa cho biết, tuyên bố cuối cùng của hội nghị có các bản phụ lục với quan điểm trái ngược nhau: Một bên thì phản đối việc thành lập FTAA, còn một bên thì cho biết sẵn sàng đàm phán vào tháng 12/2005. Trong khi Tổng thống Mỹ George Bush tuyên bố rằng FTAA sẽ mở ra một thị trường mới cho châu Mỹ, mang lại lợi tức và việc làm cho người dân của các  nước thuộc khu vực châu Mỹ và Tổng thống Venezuela, Hugo Chavez, đứng đầu nhóm phản đối thì cho rằng đây chỉ là mô hình kiểu Mỹ, mang lại lợi ích và quyền thâu tóm châu Mỹ Latinh của Nhà Trắng.

Có lẽ chưa bao giờ Tổng thống Mỹ George Bush lại vấp phải sự phản kháng như trong chuyến công du lần này. Ông không chỉ phải đối mặt với tuyên bố “rắn như đá” của Tổng thống Venezuela, Hugo Chavez mà còn bị nghe chính Tổng thống nước chủ nhà Nestor Kirchner công khai chỉ trích chính sách kiểu Mỹ đã gây hại cho nền kinh tế Argentina.

Trước và trong thời gian diễn ra hội nghị, những cuộc biểu tình lớn phản đối Mỹ được tiến hành trên khắp Argentina được đánh giá là có ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định của các nhà lãnh đạo. Và kết quả của hội nghị đã thể hiện một điều rằng Mỹ Latinh đã mang nhiều bản lĩnh hơn, thực hiện theo đúng chiều hướng mà Tổng thống Venezuela mong muốn. Điều đó cũng có nghĩa rằng Mỹ đã không có được sự tin cậy của chính các quốc gia láng giềng và chẳng nước nào chịu làm sân sau của Nhà Trắng khi mà họ biết sân sau ấy cũng có thể sẽ bị những tham vọng quyền lực làm cho lụi bại.

Một thời gian dài, Washington đã lơ là trong chính sách ngoại giao với các nước Mỹ Latinh. Trong khi đó, quốc gia giàu có về dầu lửa Venezuela lại biết vận dụng những cơ hội tốt để lấy lòng láng giềng, tạo dựng một liên minh ở châu Mỹ khiến Nhà Trắng ngày càng trở nên cô độc ngay chính tại khu vực của mình. Hơn nữa, những tham vọng chính trị của Nhà Trắng và thái độ ưa chiến tranh của chính quyền Washington cũng đã khiến nhiều nước Mỹ Latinh "chột dạ" khi đánh bạn với Mỹ.

Một điểm đáng chú ý nữa là các nhà lãnh đạo hiện nay ở Mỹ Latinh đều lên cầm quyền sau khi khu vực bị kiểm soát bởi các nhà độc tài quân sự. Vì thế, họ càng muốn thể hiện rõ ràng tư tưởng chính trị độc lập của mình và thái độ đối lập với chế độ cũ phần lớn được Washington hậu thuẫn

Huyền Chi
.
.