Tổng thống Barack Obama thăm châu Á:

Mối quan hệ tay ba Mỹ - Trung - Nhật

Thứ Sáu, 20/11/2009, 14:45
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã dành cả một tuần lễ (từ 13 đến 19/11) trong chương trình làm việc hết sức bận rộn của mình để công du châu Á - nơi "đang dẫn thế giới ra khỏi khủng hoảng" như tuyên bố của lãnh đạo khu vực này được BBC dẫn lại trong một tin phát đi hôm 13/11, khi bình luận về vai trò của châu Á nhân Hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 17 tại Singapore.

Chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm chính thức của Tổng thống Obama tới các nước Đông Á, thật dễ hiểu, là Nhật Bản (NB) - đồng minh số 1 của Mỹ ở khu vực này. Tiếp đó, ông đã tham dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 17 tại Singapore; và bên lề Hội nghị cấp cao APEC, Tổng thống Obama đã có cuộc gặp được đánh giá là lịch sử với lãnh đạo 10 nước ASEAN.

Tiếp đó, từ Singapore, ông sang thăm Trung Quốc (TQ). Hàn Quốc (HQ) là điểm đến cuối cùng trong chuyến công du được coi là "rất quan trọng" đối với lợi ích dài lâu của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương (TBD), nơi Mỹ có nguy cơ bị gạt "ra rìa" nếu "không tích cực gây dựng một trật tự chính trị và kinh tế mới tại khu vực" như bình luận của tờ Thời báo Tài chính (Anh), số ra ngày 11/11 mà TTXVN trích thuật.

Châu Á - TBD, xét về địa chính trị, địa an ninh cũng như địa kinh tế, hiện chiếm vị trí quan trọng số 1 trong chính sách đối ngoại toàn cầu của Mỹ, vì  quyền lợi nhiều mặt của Mỹ đang gắn với khu vực này và thách thức đối với vị trí siêu cường của Mỹ cũng nổi lên từ đây.

Phát biểu tại một cuộc họp báo trước chuyến "Đông du" của Tổng thống Obama, ông Ben Rhodes, một cố vấn cao cấp tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, được BBC dẫn lời, nói: "Ông ấy (Obama) hiểu rằng tương lai thịnh vượng và an ninh của chúng ta gắn chặt với phần này của thế giới".

Tờ Thời báo Tài chính của Anh, số ra ngày 10/11, vẫn theo trích thuật của TTXVN, đã nhận xét rằng chuyến thăm của Obama sẽ nêu bật một thực tế của thế giới ngày nay là "quyền lực đang chuyển từ Tây sang Đông" và Mỹ "đang phải học cách thích nghi với sự chuyển đổi này".

Chính Hãng thông tấn Mỹ AP, trong một tin phát đi từ Bắc Kinh ngày 9/11, đã bình luận rằng "đây là chuyến công du nước ngoài chông gai nhất của Tổng thống Mỹ", vì ông Obama sẽ nhận ra Mỹ không còn giữ thế độc tôn từng tồn tại hơn nửa thế kỷ tại khu vực này và ảnh hưởng của Mỹ đối với tương lai của châu Á có nguy cơ giảm sút. Chính vì vậy, chuyến công du châu Á lần này của ông Obama, theo nguyên văn lời bình của AP, sẽ giống như một chuyến đi cứu đắm.

Trong bối cảnh như vậy, thông điệp chính của Tổng thống Obama đối với châu Á là gì?

Theo BBC, chuyến thăm của ông Obama nhằm gửi đi thông điệp rõ ràng rằng Mỹ vẫn là "một cường quốc có nhiều ảnh hưởng tại khu vực".

Hơn thế nữa, theo lời Jeffrey Bader thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, được BBC dẫn lại, "một trong các thông điệp mà Tổng thống sẽ gửi đi trong chuyến thăm lần này là chúng tôi là một quốc gia châu Á - TBD và chúng tôi sẽ có mặt tại đây về lâu về dài".

Như vậy, mục tiêu tổng quát trong chuyến thăm châu Á lần này của Tổng thống Obama, xét trên bình diện chung toàn khu vực, là rất rõ ràng: trước hết  là vì lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ, đồng thời cũng là để "trấn an các đồng minh của Mỹ đang sợ quyền lực lãnh đạo gia tăng của TQ" như lời nhận xét của Đài BBC trong một tin phát đi hôm 12/11.

Tuy nhiên, khi tính toán những nước cờ của mình trên bàn cờ thế giới nói  chung cũng như ở khu vực châu Á - TBD nói riêng, Mỹ luôn phải "để mắt" đến đối tác và đối thủ tiềm tàng của mình là TQ, vì TQ cũng là "tay chơi cờ xuất sắc và khá kiên nhẫn" như lời nhận xét của một nhà phân tích.

Quan hệ Trung - Mỹ được đánh giá là mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới hiện nay, vì       cặp quan hệ này được coi là sẽ "góp phần hoạch định tương lai của hành tinh ở thế kỷ XXI".

Thật dễ hiểu khi giới truyền thông quốc tế tập trung tiêu điểm vào chuyến thăm TQ của Obama (từ 15 đến 18/11).

Tuần trước, từ Tokyo, Tổng thống Obama đã đánh đi một tín hiệu chắc hẳn làm vui lòng người TQ khi ông nói ông hoan nghênh một nước TQ hùng mạnh.

Theo BBC, trong bài diễn văn đọc tại Tokyo, nơi ông đến thăm ngày 13/11, Tổng thống Obama đã nói, Hoa Kỳ sẽ không tìm cách "hạn chế ảnh hưởng" của TQ khi nước này thăng tiến và đóng vai trò nước lớn trên trường quốc tế.

Còn khi phát biểu trước các sinh viên nước chủ nhà TQ tại Viện Bảo tàng Khoa học công nghệ thành phố Thượng Hải ngày 16/11, theo các nguồn tin phương Tây, Tổng thống Obama đã tuyên bố, TQ và Mỹ không nên là đối thủ của nhau. Ông Obama cũng ca ngợi TQ là một "quốc gia hùng vĩ" và nói "mối quan hệ tốt đẹp giữa Bắc Kinh và Washington có thể đem đến một thế giới hòa bình và thịnh vượng hơn".

Ông Obama đã khéo léo nhắc đến những vấn đề được coi là nhạy cảm đối với TQ mà không làm mất lòng chủ nhà đang thể hiện sự hiếu khách đối với ông. Ông Obama tuyên bố mọi người dân đều cần được hưởng "các quyền lợi chung" như quyền bày tỏ, tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, nhưng tránh không nêu những chi tiết cụ thể mang tính chỉ trích.

Rõ ràng cả Mỹ và TQ đều chủ trương hợp tác thay vì đối đầu, vì họ cần nhau và luôn muốn tranh thủ nhau.

Chính Jeffrey Bader, người phụ trách chính sách châu Á trong Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, được BBC dẫn lời,  đã thừa nhận rằng không vấn đề nào mà Hoa Kỳ có thể thành công "nếu không có sự hợp tác của TQ".

Tuy nhiên, Mỹ vẫn coi sự trỗi dậy của TQ là một thách thức đe dọa vị trí siêu cường số 1 của họ hiện nay.

Theo BBC, một quan chức cao cấp của Mỹ gần đây nói "người TQ ở khắp mọi nơi, công nhân TQ ở khắp mọi nơi, từ Ấn Độ tới Miến Điện, tới Iran".

Jeffrey Bader, vẫn theo trích dẫn của BBC, nói: "Tôi nghĩ quan điểm chung tại khu vực là ảnh hưởng của Mỹ đang đi xuống trong khi TQ lại đang đi lên".

Về phần mình, TQ  thấy "không cần thiết và cũng không đủ sức gạt Mỹ ra khỏi khu vực châu Á" như lời nhận xét của một bài bình luận đăng báo Thái Dương (xuất bản tại Hồng Công), số ra ngày 8/11.

Một yếu tố khác cũng đang chi phối mối quan hệ Mỹ - Trung mà TQ ở thế "thượng phong". Kể từ thời Clinton, giá trị tài sản tính bằng USD của Mỹ mà TQ nắm giữ thông qua việc mua trái phiếu Hoa Kỳ đã tăng vọt và hiện lên tới hơn 800 tỉ USD. Tình hình này, theo bình luận của tờ Thời báo Tài chính, đã khiến TQ trở thành nước được ra yêu sách lớn nhất đối với Mỹ, vì "những con nợ thường không thể lên lớp các ông chủ cho vay".

Cặp quan hệ Mỹ - Trung rõ ràng là có tầm quan trọng bậc nhất đối với hai nước này, xét cả trên bình diện quan hệ song phương và đa phương tại khu vực châu Á - TBD. Tuy nhiên, nó không thể tách rời mối quan hệ tay ba Mỹ - Trung - Nhật cũng như không thể "biệt lập" với các cặp quan hệ song phương trong bộ ba này cũng như các mối quan hệ song phương và đa phương khác mà Ấn Độ, Nga, ASEAN và bán đảo Triều Tiên là những "tọa độ" không thể xem thường trong mắt các nhà hoạch định chiến lược của cả Mỹ và TQ.

Trước hết, Mỹ vẫn rất coi trọng mối quan hệ với đồng minh chiến lược số 1 của họ ở khu vực này là NB, vì nhiều quan chức trong chính quyền Mỹ lo ngại nếu quan hệ Mỹ - Nhật "lung lay" thì toàn bộ chiến lược Đông Á của Mỹ sẽ gặp nguy hiểm, như nhận xét của báo Asahi của NB mà TTXVN trích thuật.

Sự lo ngại của Mỹ không phải là không có cơ sở. Trong một tin phát đi từ Bắc Kinh ngày 9/11, Hãng tin AP nhắc lại việc tân Thủ tướng NB Yukio Hatoyama, ngay sau khi lên nắm quyền hồi tháng 9 năm nay, đã đề xuất cùng với đối thủ TQ thành lập khối thương mại Đông Á mới mà không có Mỹ. Mặc dù sau đó vấn đề này đã được gác lại, nhưng nhiều ý kiến tại Washington vẫn coi đó là "sự sỉ nhục của NB đối với Mỹ". Mặt khác, vẫn theo AP, tân Thủ tướng NB đã bắt đầu xem xét lại liên minh Mỹ - Nhật vì trong liên minh đó, Tokyo luôn cảm thấy bị lép vế.

Mỹ luôn quan ngại trước mọi khả năng tiến triển của mối quan hệ Trung - Nhật theo tinh thần "Đông Á".

Rõ ràng không phải vì lý do địa lý mà Tổng thống Obama chọn NB là nơi đến thăm đầu tiên trong chuyến công du châu Á lần này. Ông khẳng định Washington coi quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ và NB là "nền tảng" cho an ninh và thịnh vượng của hai nước, đồng thời nhấn mạnh không thay đổi những cam kết của Mỹ đối với an ninh của NB.

Về phần mình, Bắc Kinh luôn biết lợi dụng sự có mặt của người Mỹ ở khu vực này. "Sự có mặt của Mỹ ở châu Á đã kiềm chế NB, kiểm soát "tham vọng" muốn trở thành nước lớn về chính trị và quân sự của NB..." và "TQ sẽ được lợi nhiều từ đó" (Báo Thái Dương số ra ngày 8/11).

Hàn Quốc - một đồng minh khác của Mỹ - cũng  luôn là điểm nhấn mà Mỹ quan tâm trong chiến lược của họ ở khu vực này, nhất là trong nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Việc chọn NB và Hàn Quốc để mở đầu và khóa đuôi chuyến công du châu Á của Tổng thống Barack Obama rõ là sự tính toán có chủ ý của Nhà Trắng.

Mỹ muốn làm yên lòng các đồng minh của họ ở Đông Bắc Á.

Dẫu là "chông gai" như bình luận của Hãng tin AP, chuyến công du châu Á lần này của Tổng thống Obama vẫn được đánh giá là thành công, nếu nhìn từ góc độ Mỹ muốn khẳng định vai trò của mình tại một khu vực đang là tâm điểm chú ý của toàn thế giới

N.Q.U.
.
.