Món quà không mong muốn từ Cameron

Thứ Bảy, 04/07/2015, 14:00
Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) khai mạc từ ngày 25/6 tại Bruxelles với nhiều vấn đề gai góc cần thảo luận, thống nhất ý kiến. Một trong những vấn đề đó là chuyện nước Anh đặt ra yêu cầu thay đổi quan hệ với EU.

Khoảng 20 giờ (giờ địa phương), Thủ tướng Anh David Cameron đã đăng đàn trình bày những yêu cầu của mình trước toàn thể Hội nghị. Thủ tướng Anh đã tuyên bố khởi đầu cho chiến dịch vận động cải cách châu Âu, tái thương thảo hiệp định quan hệ thành viên và tiến trình trưng cầu ý dân ở Anh về vấn đề tiếp tục ở trong EU hay không.

Trong chiến dịch này, nước Anh có một kế hoạch cải cách mà các nước thành viên khác của EU sẽ khó lòng chấp nhận ngay. Bản kế hoạch cải cách bao gồm 4 vấn đề cốt yếu sau: Một là, cấm người nhập cư trong EU đòi lợi ích tại nơi làm việc trong vòng 4 năm; Hai là, nước Anh rút ra khỏi cam kết lịch sử của EU trong Hiệp ước Rome năm 1957; Ba là, tạo ra một cơ chế bảo vệ các thành viên ngoài khu vực đồng euro nhằm bảo đảm họ không bị các thành viên eurozone chèn ép trong thị trường chung; trao cho các nghị viện quốc gia quyền tập hợp lại với nhau để ngăn chặn một đạo luật của EU.

Kết thúc phần trình bày 10 phút của mình, ông Cameron khẳng định, ông muốn các đề xuất cải cách do nước Anh đưa ra phải được thông qua trước thời điểm nước Anh tổ chức cuộc  trưng cầu dân ý, dự kiến vào cuối năm 2017. Hàm ý của ông Cameron được hiểu là một lời mặc cả bắt buộc: “Nếu các ông không cho tôi cái tôi cần, thì quốc gia lớn thứ ba của EU có thể sẽ ra đi”.

Đối với các lãnh đạo quốc gia thành viên EU, đây là lần đầu tiên họ được chứng kiến một lãnh đạo quốc gia thành viên mang đến hội nghị thượng đỉnh khối một thông điệp, một tuyên bố như thế. Không một ai trong bàn hội nghị có phản ứng rõ ràng với bản đề xuất cải cách của ông Cameron, ngoại trừ Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk.

Điều khiến các lãnh đạo EU băn khoăn nhất ở bản kế hoạch của ông Cameron chính là ông không đưa ra các chi tiết rõ ràng cho các đề xuất tổng quát. Giới phân tích đánh giá đây là một “chiêu” của ông Cameron nhằm dẫn dụ các lãnh đạo EU đi vào tình trạng mù mờ về những vấn đề sắp tới họ sẽ phải thảo luận và thống nhất ý kiến.

Trước khi đến Hội nghị Bruxelles, ông Cameron tuyên bố, các thảo luận tại Bruxelles xoay quanh kế hoạch cải cách do ông đề xuất sẽ làm thay đổi “hiện trạng” vốn có lâu nay trong EU theo chiều hướng tốt hơn và sau đó sẽ trao cho người dân Anh một tiếng nói quyết định việc nước Anh đi hay ở trong EU.

Thủ tướng Anh David Cameron tại Hội nghị Bruxelles

Một số ý kiến phản đối các đề xuất cải cách, chẳng hạn như việc hạn chế phúc lợi dành cho người nhập cư. Công dân EU được tự do sinh sống và làm việc ở bất cứ đâu trong khối mà không cần thị thực nhập cảnh, và nước Anh với tiềm lực kinh tế mạnh có sức hút lớn. Một quy định như thế sẽ tạo ra thêm sự bất công.

Sau chiến thắng bất ngờ của đảng Bảo thủ tại cuộc bầu cử Quốc hội Anh hồi tháng 5/2015, Thủ tướng Cameron đã hứa hẹn với cử tri Anh là ông sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc cho dù EU có nhất trí phê chuẩn các thay đổi trong hiệp định thành viên hay không, kế hoạch trưng cầu dân ý về việc Anh “đi hay ở” trong EU vẫn có thể sẽ được tiến hành vào tháng 5/2016.

Điều này có vẻ khác với đề nghị mà ông Cameron đưa ra cho các lãnh đạo EU tại Bruxelles, với thời gian tổ chức cuộc trưng cầu là cuối năm 2017. Công đảng và đảng Độc lập Anh (UKIP) cáo buộc Thủ tướng Cameron đang chơi nước cờ “lập lờ” với cử tri Anh khi đưa ra các mốc thời gian khác nhau khiến cho việc trưng cầu ý dân có thể sẽ diễn ra trước khi EU phê chuẩn kế hoạch cải cách.

Tại cuộc họp báo vào lúc 3h sáng ngày 26/6 (giờ địa phương), Chủ tịch EU Donald Tusk tuyên bố, các cuộc thảo luận kỹ thuật xoay quanh bản kế hoạch cải cách của Thủ tướng Anh vẫn đang diễn ra. Việc đạt được sự nhất trí đối với các đề xuất cải cách đó sẽ không thể diễn ra trong một sớm một chiều, có thể kéo dài sang năm 2016 hoặc lâu hơn nữa.

Giới phân tích cho rằng, nước Anh có thể tìm kiếm một thỏa thuận ràng buộc từ các lãnh đạo khác trong EU để đính kèm thêm một quy ước vào Hiệp ước Lisbon. Tuy nhiên, cái khó cho ông Cameron là một số nước thành viên không thể chấp nhận việc điều chỉnh Hiệp ước Lisbon theo yêu cầu của nước Anh để rồi phải chứng kiến nước Anh trưng cầu dân ý rời khỏi EU.

Một cuộc khảo sát khoảng 3.000 người dân Anh do cơ quan thăm dò dư luận YouGov PLC tổ chức vào đầu tháng 6 vừa qua cho kết quả 42% cho biết sẽ bỏ phiếu ở lại EU, trong khi 35% tuyên bố sẻ bỏ phiếu rời khỏi EU. Như vậy, cho đến giờ phút này, khả năng nước Anh rời khỏi EU vẫn còn xa.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.