“Món quà” ngày 4 tháng 7 mà Mỹ không muốn nhận

Thứ Hai, 10/07/2017, 13:11
Hãng thông tấn nhà nước CHDCND Triều Tiên KCNA hôm 5-7 đã trích dẫn lời phát biểu của nhà lãnh đạo Kim Jong-un “Đây xem như là món quà dành tặng nhân dịp Quốc khánh Mỹ” khi ông bình luận về vụ thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hôm 4-7.

Đây có lẽ là “món quà” khó tiếp nhận nhất của nước Mỹ dưới thời ông Donald Trump làm tổng thống, tính đến thời điểm hiện nay. Và cũng vì thế mà tình hình trên Bán đảo Triều Tiên cũng đang nóng lên.

Vụ thử tên lửa đạn đạo thành công hôm 4-7 đã khiến cả nước CHDCND Triều Tiên như mở hội ăn mừng, bởi đây là vụ thử tên lửa thành công đầu tiên, mà lại là loại tên lửa tiên tiến, đẳng cấp cao, chỉ có các siêu cường mới có khả năng sản xuất thành công.

Nhiều người dân Triều Tiên hôm 5-7 cho báo chí biết họ rất vui mừng vì từ nay đất nước của họ đã có khả năng tự vệ hiệu quả, không còn lo sợ những đe dọa vũ lực từ nước Mỹ nữa.

Trên bình diện an ninh khu vực và thế giới, vụ thử tên lửa ICBM thành công hôm 4-7 của CHDCND Triều Tiên có thể xem là một bước ngoặt. Các chuyên gia về vũ khí thế giới đánh giá, xét về năng lực và tính hiệu lực thì quả tên lửa ICBM này là một bước tiến quan trọng của CHDCND Triều Tiên trong khả năng chế tạo vũ khí tên lửa. Và bước tiến này đang nâng CHDND Triều Tiên lên một “đẳng cấp” mới, thậm chí là một vị thế mới trong cuộc đối đầu với Mỹ và các đồng minh trong khu vực Đông Bắc Á.

Quả tên lửa ICBM được đặt tên là Hwasong-14, theo tính toán của các chuyên gia, có tầm bay cao 2,802 km và bay xa đến 4.160 km. Điều này có nghĩa là nhiều nơi ở Mỹ có thể nằm trong tầm đe dọa của tên lửa. Hơn nữa, tên lửa ICBM còn có thể mang theo đầu đạn hạt nhân, từ đó khiến cho cuộc đối đầu với Mỹ chuyển biến theo chiều hướng nguy hiểm hơn.

Vẫn còn một số câu hỏi được các chuyên gia đặt ra đối với chương trình vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, chẳng hạn như liệu nước này đã đạt được khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân đủ để có thể gắn lên quả tên lửa ICBM hay chưa, hoặc liệu nước này đã làm chủ được công nghệ chế tạo tên lửa bay xuyên suốt trong bầu khí quyển trái đất chưa.

Một số chuyên gia tin rằng CHDCND Triều Tiên đã có khả năng lắp một đầu đạn hạt nhân lên tên lửa tầm ngắn, có thể bắn đến các mục tiêu ở Hàn Quốc và Nhật Bản, nơi có hàng chục căn cứ quân sự với hơn 80.000 quân của Mỹ.

Jeffrey Lewis, chuyên gia chống vũ khí hạt nhân cho rằng Mỹ phải chấp nhận một thực tế rằng CHDCND Triều Tiên đang gần vượt qua “lằn ranh đỏ” để phát triển một vũ khí hạt nhân có khả năng đe dọa nhiều khu vực ở nước Mỹ. “Cánh cửa đàm phán phi hạt nhân hóa đang dần khép lại” - chuyên gia Lewis nói.

Tên lửa Hwasong-14 được phóng thử hôm 4-7.

Vụ thử tên lửa đang làm nóng thêm bầu không khí Đông Bắc Á, vốn đã sôi sục từ nhiều tháng qua với những vụ thử hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên, đan xen với những động thái đe dọa vũ lực quân sự của Mỹ và các đồng minh. Ngay thời điểm diễn ra vụ thử tên lửa ICBM, Mỹ và Hàn Quốc cũng đang tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật nhằm mục đích “răn đe” CHDCND Triều Tiên.

Ngay sau khi CHDCND Triều Tiên thử tên lửa ICBM thành công, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đồng loạt yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn cấp. Tại cuộc họp này, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley tuyên bố vụ thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên là một sự “leo thang quân sự rõ rệt” và cảnh báo rằng hành động của CHDCND Triều Tiên đang khiến cho giải pháp ngoại giao thu hẹp dần. Trước mắt, Mỹ và đồng minh đang tìm kiếm sự đồng thuận cho những biện pháp trừng phạt mạnh hơn đối với Bình Nhưỡng sau vụ thử tên lửa ICBM.

Giới chuyên gia cho rằng, vụ thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên đang đặt các cường quốc vào thế khó, không có nhiều lựa chọn tốt để ứng phó. Hôm 4-7, Tổng thống Donald Trump dùng phương tiện mạng xã hội Twitter để phát đi thông điệp căng thẳng như thường lệ.

Ông Trump đã chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc vì nước này đã dung dưỡng CHDCND Triều Tiên trong thời gian qua, vẫn duy trì quan hệ mậu dịch với CHDCND Triều Tiên mặc dù đã có lệnh cấm vận của LHQ. Ông Trump đã tố cáo Nga, Trung Quốc đã “nắm tay” nâng đỡ CHDCND Triều Tiên để nước này ỷ lại vào sự giúp đỡ đó thực hiện hàng loạt hành động khiêu khích trước khi tiến hành vụ thử tên lửa táo bạo này.

Ông Trump dọa, Mỹ sẽ có hành động “nghiêm khắc”, thậm chí có thể dùng vũ lực để đáp trả hành động thử tên lửa ICBM của CHDCND Triều Tiên.

Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Liu Jieyi đã gọi vụ thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên là một sự “vi phạm trắng trợn” các nghị quyết của LHQ. Tuy nhiên, ông Liu không tỏ thái độ kiên quyết nào đối với CHDCND Triều Tiên, cũng không thể hiện sự đồng tình với cách phản ứng của Mỹ.

Trước phản ứng quyết liệt của Mỹ, cả Trung Quốc và Nga đều kêu gọi các bên kiềm chế, phê phán việc sử dụng vũ lực quân sự để đáp trả, đồng thời kêu gọi Mỹ dừng triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD trên Bán đảo Triều Tiên.

Đối với Trung Quốc, hành động mới nhất của CHDCND Triều Tiên đang đặt nước này vào thế “lưỡng nan”. Từng là đồng minh quan trọng nhất của CHDCND Triều Tiên, thậm chí được xem như kẻ “chống lưng” cho Bình Nhưỡng trong cuộc đối đầu với Mỹ và các đồng minh, nhưng thời gian gần đây, nhất là kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-il qua đời năm 2011, Bắc Kinh đã dần dần giảm bớt mức độ hậu thuẫn, và đã có những động thái thể hiện sự bất đồng quan đểm với Bình Nhưỡng.

Gần đây, CHDCND Triều Tiên đã có dấu hiệu “bất tuân lệnh” Trung Quốc trong vấn đề thử tên lửa và hạt nhân, khi Trung Quốc trước áp lực của cộng đồng thế giới buộc phải lên tiếng cảnh báo CHDCND Triều Tiên.

Mặt khác, với viêc thử tên lửa ICBM thành công, CHDCND Triều Tiên có khả năng tấn công bất cứ quốc gia nào trong khu vực, kể cả Trung Quốc. Và trong tương lai, nếu nước này chế tạo thành công đầu đạn hạt nhân thì hậu quả sẽ càng nghiêm trọng hơn gấp bội.

An Châu (tổng hợp)
.
.