Một chỉ huy tình báo Iran bị tình báo phương Tây truy sát

Thứ Sáu, 12/12/2008, 14:30
Đơn vị Hành động đặc biệt (GDSO) được đánh giá là một trong những bộ phận quan trọng của Cơ quan An ninh tình báo Iran (VEVAK), do Mohammad-Reza Iravani chỉ huy. Kể từ khi được thành lập năm 1990 đến nay, GDSO đã thực thi hàng trăm sứ mạng bí mật, chủ yếu là trừ khử các nhân vật bị buộc tội chống lại Nhà nước Hồi giáo Iran cả trong và ngoài lãnh thổ Iran.

Dưới sự lãnh đạo của Iravani, các điệp viên của GDSO đã gây ra hàng loạt các vụ ám sát táo bạo tại nhiều quốc gia châu Âu như Áo, Pháp, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, Anh và Thụy Điển làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự xã hội của các quốc gia này. Thậm chí Iravani còn trực tiếp tham gia một số điệp vụ quan trọng. Bị buộc tội là người chịu trách nhiệm chính, Iravani trở thành đối tượng bị săn tìm và giết hại bởi các cơ quan tình báo phương Tây.

Mohammad-Reza Iravani sinh năm 1958 tại thành phố Karmen ở miền Trung Iran. Năm 1980, Iravani tham gia Lực lượng vệ binh Hồi giáo và thăng tiến rất nhanh vì là một quân nhân mưu lược, gan dạ trong cuộc chiến tranh biên giới Iran - Iraq. Đây là lý do khiến Iravani được VEVAK chú ý và chính thức tuyển dụng vào năm 1988. Khi đó Iravani đã mang quân hàm thiếu tá.

Từ cuối thập niên 80, tại Iran xuất hiện một số phong trào đòi  thực thi cải cách dân chủ, bãi bỏ một số luật lệ Hồi giáo hà khắc và chống đối chính quyền. Nhiều chính trị gia đối lập, nhiều nhân vật có quan hệ với chế độ quân chủ trước đây tìm cách bỏ trốn ra nước ngoài tị nạn tại một số quốc gia châu Âu, sau đó thành lập các tổ chức chống phá lại Nhà nước Hồi giáo ở Iran. Để trấn áp các hoạt động được đánh giá là gây phương hại đến an ninh của Iran này, VEVAK quyết định thành lập Đơn vị Hành động đặc biệt và giao cho Iravani phụ trách. GDSO có toàn quyền triển khai các biện pháp cần thiết với yêu cầu là phải phá tan hoạt động của các tổ chức này và trừ khử bất cứ ai gây phương hại đến an ninh quốc gia cả trong và ngoài lãnh thổ Iran.

Năm 1990, vụ trừ khử Kazem Sami - Bộ trưởng Y tế đầu tiên của Nhà nước Hồi giÁo Iran, bị bãi nhiệm vào năm 1984 do phản đối việc bóp nghẹt dân chủ tại Iran do Iravani trực tiếp chỉ huy và là vụ mở đầu cho hàng loạt vụ trừ khử tiếp theo kéo dài đến tận năm 2000 của GDSO nhắm vào đối tượng là các nhân vật có hành động chống đối lại Nhà nước Hồi giáo.

Không chỉ tổ chức các vụ thanh toán bên trong lãnh thổ Iran mà GDSO còn triển khai các điệp vụ  tương tự ở nước ngoài, mở đầu bằng vụ giết hại Karim Mohammedzadegh tại Thụy Điển vào tháng 6/1990. Karim Mohammedzadegh là một lãnh đạo người Kurd rời Iran đến tị nạn chính trị tại Thụy Điển vào năm 1988. Tại đây, Karim thành lập một tổ chức đấu tranh đòi tự trị cho cộng đồng người Kurd tại Iran và phục hồi chế độ quân chủ tại Iran. Sau đó hàng loạt các hành động tương tự của GDSO đã được tiến hành trên lãnh thổ nhiều quốc gia phương Tây.

Tình báo phương tây nắm bắt được danh tính của Iravani, Chỉ huy GDSO và là người lên kế hoạch trừ khử các chính trị gia người Iran lưu vong ở phương Tây, là vào năm 1993 khi xảy ra vụ giết hại một nhóm chính trị gia người Iran gốc Kurd gồm Sadegh Sharafkandi, Fattah Abdoli, Homayoum Ardalan và Noori Dehkordi. Những nhân vật này đang sống lưu vong tại thủ đô Berlin của Đức. Tối 17/9/1993, khi những nhân vật này đang ăn tối tại một nhà hàng thì bị một toán điệp  viên của GDSO bắn chết. Việc điều tra nhanh và hiệu quả đã giúp phản gián Đức bắt giữ được 2 trong số 4 điệp viên GDSO ra tay vào tối ngày 17/9/1993. Từ khai báo của 2 điệp viên bị bắt giữ này, tình báo phương Tây biết rằng chính Iravani đã đứng sau hàng loạt các vụ ám sát các chính trị gia người Iran lưu vong tại nhiều quốc gia châu Âu.

Ahmad Mir Alaci.

Tuy nhiên phải đợi đến khi Ahmad Mir Alaci, một cựu bộ trưởng dưới thời Vua Shah Palhavi sống lưu vong tại thủ đô Paris của Pháp bị một điệp viên GDSO bắn chết vào ngày 24/10/1995 thì tình báo phương Tây mới quyết định hành động. Theo đó, cơ quan tình báo của các nước Đức, Italia, Pháp, Thụy Điển, Anh và Thụy Sĩ sẽ thiết lập một hệ thống cảnh báo chung để theo dõi và phát hiện sự thâm nhập của các điệp viên GDSO và triển khai các hoạt động phòng chống để bắt giữ ngay. Tình báo phương Tây cũng quy trách nhiệm cho Iravani không những chỉ đạo mà còn trực tiếp tham gia vào một số điệp vụ trừ khử của GDSO tại nhiều quốc gia phương Tây, vì thế một chiến dịch truy sát Iravani cũng được triển khai, trong đó có cả việc cài điệp viên nằm vùng vào bên trong lãnh thổ Iran và hợp tác với một số tổ chức vũ trang Hồi giáo chống phá Nhà nước Iran có căn cứ tại Iraq và Iran.

Vào ngày 18/4/2004, Iravani thoát chết trong gang tấc khỏi một vụ tấn công của tổ chức Mujahedin-e Khalq (MeK) ở ngoại ô thủ đô Tehran. MeK là một tổ chức vũ trang Hồi giáo quá khích yêu sách đòi tự trị cho cộng đồng người Hồi giáo Sunni và có căn cứ đặt tại miền Nam Iran và cả tại Iraq, được cho là có quan hệ với một số cơ quan tình báo phương Tây. Vụ giết hụt Iravani vào ngày 18/4/2004 được cho là một đòn ra tay của tình báo phương Tây trong chiến dịch truy sát viên chỉ huy tình báo Iran này

Văn Hòa (theo CiCentre)
.
.