Một hành động làm phương hại mối quan hệ Trung - Việt hữu hảo

Thứ Ba, 27/10/2009, 16:10
Chiều tối 28/9 vừa qua, để tránh bão số 9, 16 tàu đánh cá cùng khoảng 200 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đã chạy vào đảo Phú Lâm mà ngư dân Việt Nam thường gọi là đảo Trụ Cẩu, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép. Ác hại thay, trong lúc cố tránh thiên tai, họ lại gặp "nhân tai".

Các nhân viên vũ trang Trung Quốc, thay vì giúp họ tránh bão, đã nổ súng đe dọa, rồi đánh đập dã man ngư dân Việt Nam và cướp đoạt nhiều trang thiết bị, ngư cụ, nhiên liệu và hải sản trên các tàu đánh cá này.

Ông Nguyễn Văn Bay, một tài công thoát chết trở về cùng 10 thuyền viên trên tàu QNg-5012, được báo điện tử Vietnamnet dẫn lời, đã kể lại rằng ông tận mắt chứng kiến những người mặc sắc phục hải quân Trung Quốc  nhẫn tâm đánh đập, hành hạ những bạn nghề của ông khi họ vào tránh bão số 9 tại quần đảo Hoàng Sa hôm 28/9.

Theo Vietnamnet, Thuyền trưởng, kiêm chủ tàu QNg-90078-TS, ông Trương Minh Quang, người đồng nạn với ông  Bay, thì mô tả tình cảnh "bão đuổi sau lưng, đạn bắn trước mặt" mà các tàu đánh cá Quảng Ngãi đã gặp phải khi cố chạy vào trú ẩn tại quần đảo Hoàng Sa.

Vẫn theo lời kể của các ngư dân thoát nạn trở về mà báo Vietnamnet dẫn lời, nhân viên vũ trang Trung Quốc đã dùng súng AK, thậm chí cả dao, búa, rìu, xà beng... đe dọa và cướp tất cả những gì trên tàu có thể cướp được, đập phá tất cả những gì chúng nhìn thấy, từ máy móc, thực phẩm, đến thùng chứa nước ngọt. Tài sản gồm máy móc phục vụ đánh bắt cá như máy liên lạc vô tuyến Icom, máy định vị, dây lặn, dầu diesel rồi hải sản đánh bắt được... trên các tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị nhân viên vũ trang Trung Quốc  cướp đoạt trong vụ này, tính bình quân, mỗi tàu bị mất khoảng 80 triệu đồng,  chưa kể những thiệt hại khác không thể tính bằng tiền.

Đây không phải là lần đầu tiên các nhân viên vũ trang Trung Quốc có những hành động vô nhân đạo mang tính "cướp biển" như trên đối với ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trên các vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm giữ trái phép.

Theo thông lệ quốc tế, những tàu thuyền hoạt động trên biển, kể cả khi đang ở vùng biển quốc tế hoặc vùng biển thuộc bất cứ quốc gia nào, nếu gặp thiên tai, hoạn nạn, đều được các tàu khác (trừ tàu của bọn cướp biển) cứu nạn. Trong trường hợp kể trên, những hành động đe dọa và cướp bóc của các nhân viên vũ trang Trung Quốc không những không phù hợp với thông lệ quốc tế mà còn khiến dư luận hết sức khó hiểu trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng anh em, gắn với nhau bằng tình hữu nghị sáng chói 16 chữ vàng.

Rõ ràng, những hành động vô nhân đạo trên đây của các nhân viên vũ trang Trung Quốc là không thể chấp nhận được. Những hành động tàn bạo đó chắc chắn đã gây tổn hại không nhỏ cho tình cảm của nhân dân Việt Nam đối với Trung Quốc và,  hệ quả là tiếp tục làm phương hại mối quan hệ "Trung - Việt hữu hảo" mà Trung Quốc thường nhắc đến.

Dư luận không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nơi trên thế giới đều bày tỏ sự bức xúc trước những hành động mang tính kẻ cướp nói trên của nhân viên vũ trang Trung Quốc.

Phía Trung Quốc cần khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm những nhân viên vũ trang có hành động đối xử thô bạo với ngư dân Việt Nam, trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam, đồng thời có các biện pháp ngăn chặn không để những hành vi tương tự tái diễn, như yêu cầu của Bộ Ngoại giao Việt Nam trong công hàm trao cho Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam ngày 21/10 vừa qua

Lưu Nguyễn
.
.