Tòa án tối cao Mỹ bác đơn của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam:

Một quyết định bất công và phi đạo lý

Thứ Hai, 16/03/2009, 12:45
Ngày 2/3/2009, Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã công bố quyết định không xem xét Đơn Thỉnh cầu của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam liên quan đến vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ sản xuất loại chất độc này cung cấp cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam trước đây.

Đơn Thỉnh cầu của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam được trình lên Tòa án tối cao Hoa Kỳ tháng 10 năm ngoái sau khi Tòa án Phúc thẩm số 2 đã phán quyết bất lợi cho bên nguyên. Việc đệ Đơn Thỉnh cầu và được tiếp nhận, theo thủ tục pháp lý của Mỹ, là một bước đi quan trọng trước khi đưa đơn kháng cáo.

Như vậy, việc Tòa án Tối cao Hoa Kỳ quyết định không xem xét Đơn Thỉnh cầu của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đồng nghĩa với việc tước đi của họ quyền kháng cáo chống lại phán quyết bất công của Tòa án Phúc thẩm số 2, đồng thời tạo điều kiện cho bên bị - 37 công ty hóa chất Hoa Kỳ - chối bỏ trách nhiệm pháp lý đối với hậu quả chết người mà những chất độc hóa học do những công ty này sản xuất được sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam gây ra.

Thật đáng tiếc là trong khi Quốc hội và Chính phủ Hoa Kỳ đã có những động thái ban đầu nhằm góp phần giải quyết những hậu quả chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam, thì Tòa án Tối cao Hoa Kỳ lại đưa ra một quyết định có tính phủ định đối với một vụ kiện dân sự của tập thể những nạn nhân của loại chất độc này - một vụ kiện được dư luận Mỹ và quốc tế ủng hộ rộng rãi trong suốt mấy năm qua.

Đây là một quyết định sai lầm, nhẫn tâm, bất công và  phi đạo lý trước một thực tế hiển nhiên là hơn 3 triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, trong suốt mấy thập kỷ vừa qua, đã và đang phải vật lộn sống với những di hại hết sức nặng nề của loại hóa chất giết người được sản xuất tại nước Mỹ. Cả mấy triệu con người phải chịu những đau đớn tột cùng, cả tinh thần và thể xác, xuyên từ thế hệ cha sang thế hệ con, từ thế hệ ông sang thế hệ cháu.

Rất nhiều phụ nữ Việt Nam từng có mặt trong khu vực bị rải chất độc hóa học của Mỹ đã bị tước đi quyền làm mẹ vì mất khả năng sinh đẻ do bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Biết bao phụ nữ khác có chồng là những người bị ảnh hưởng trực tiếp từ những độc tố của chất độc này, lại sinh ra những đứa con dị dạng, tật nguyền. Hàng vạn  nạn nhân bị ung thư và các căn bệnh hiểm nghèo khác do di chứng của chất độc da cam/dioxin, đã chết trong đau khổ và oán hận vì chưa đòi được công lý.

Đó không chỉ thuần túy là di chứng từ những loại hóa chất độc do Mỹ sản xuất và sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam mà là tội ác.

Trong thời gian 10 năm, từ 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam hơn 80 triệu lít chất độc hóa học do các công ty hóa chất của Mỹ sản xuất, trong đó 61% là chất độc da cam có chứa 366 kg dioxin với độc tố cực mạnh, gây tác hại nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người ở Việt Nam.

Trẻ em bị nhiễm chất độc da cam được chăm sóc tại làng Hòa Bình, Thanh Xuân, Hà Nội.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Trường đại học Tổng hợp Colombia - New York (Mỹ) đăng tải trên tạp chí Nature số 6933 ngày 17/4/2003,  số chất độc hóa học Mỹ rải xuống miền Nam Việt Nam lên tới 100 triệu lít và hàm lượng dioxin chứa trong đó gấp hai lần so với ước tính trước đây. Cũng theo nghiên cứu này, có 3.851 xã bị rải trực tiếp và có ít nhất là 2,1 triệu và có thể đến 4,8 triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp của chất độc này.

Không chỉ người Việt Nam mà cả nhiều cựu binh Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc... từng tham gia trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam trước đây cũng là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin do quân đội Mỹ sử dụng. Chính các công ty hóa chất Mỹ sản xuất ra loại chất độc này, theo một dàn xếp giữa những năm 80, đã phải bồi thường 180 triệu USD cho các cựu binh Mỹ tham gia trong chiến tranh ở Việt Nam bị ảnh hưởng chất  da cam.

Như vậy, phán quyết của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã phủ nhận một thực tế được khoa học chứng minh và chính các công ty hóa chất Mỹ sản xuất ra loại chất độc này cũng đã nhận trách nhiệm khi họ chấp nhận bồi thường cho các cựu binh Mỹ tham gia chiến tranh ở Việt Nam bị ảnh hưởng.

Quyết định sai lầm và bất công này đã gây bất bình không chỉ đối với với nhân dân Việt Nam mà còn đối với cả dư luận thế giới, những người có lương tri ở Mỹ. Bà Merle Ratner, người sáng lập và là đồng Điều phối viên Chiến dịch Cứu trợ và Trách nhiệm đối với các nạn nhân chất da cam Việt Nam (the Vietnam Agent Orange Relief & Responsibility Campaign), đã tuyên bố: "Với tư cách một công dân Mỹ, tôi phẫn nộ trước việc Tòa án Tối cao Mỹ phủ nhận công lý đối với hơn 3 triệu nạn nhân chất da cam Việt Nam".

Trong quá trình giải quyết những hậu quả chất độc da cam/dioxin do Mỹ gây ra ở Việt Nam, ngoài những khía cạnh mang tính pháp lý, còn có vấn đề nhân đạo và đạo lý.

Đâu là công lý và đạo lý khi Tòa án Tối cao Hoa Kỳ quyết định bác Đơn Thỉnh cầu của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam? Hành trình đi tìm công lý của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cực kỳ gian truân, vất vả mà trở ngại lớn nhất hóa ra lại chính là các cơ quan có trách nhiệm phán xét ở Mỹ khi họ bất chấp công lý và đạo lý, quay lưng lại với nỗi đau của hàng triệu nạn nhân do sản phẩm của chính các công ty hóa chất Mỹ gây ra.

Đâu là nhân quyền mà Bộ Ngoại giao Mỹ năm nào cũng "săm soi" để phán xét nước này nước kia vi phạm khi, chính ngay tại nước Mỹ, các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam bị tước mất quyền được công lý bảo vệ?

Nhìn từ góc độ pháp lý, cơ hội giải quyết vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tại các tòa án Mỹ coi như bị khép lại. Nhưng điều đó không có nghĩa  phía Mỹ và nhất là 37 công ty hóa chất Mỹ bị kiện có thể rũ bỏ được trách nhiệm pháp lý và đạo lý trước nỗi đau của hàng triệu con người.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Trần Xuân Thu hoàn toàn có lý khi ông tuyên bố: "Quyết định này (của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ) không làm chấm dứt con đường đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam, không thể kết thúc toàn bộ vấn đề liên quan đến nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam"

Nguyễn Quốc Uy
.
.