Mùa hè của Tunisia

Thứ Sáu, 30/08/2013, 19:05

Dường như số phận của các chính phủ Tunisia và Ai Cập có liên hệ chặt chẽ với nhau. Sự rơi đài của nhà độc tài Ben Ali vào tháng 1/2011 được tiếp nối bằng sự lật đổ người đồng nhiệm Mubarak tại Ai Cập 1 tháng sau đó. Hai năm sau, thất bại của Huynh đệ Hồi giáo trong việc điều hành đất nước Ai Cập đã khiến quân đội nước này nhân danh người dân hạ bệ Tổng thống Morsi. Đến lượt người dân Tunisia bắt chước theo Ai Cập và sự ra đi của chính phủ Hồi giáo Ennahda chỉ còn là vấn đề thời gian.

Từ ngày 6/8 hàng chục ngàn người đã biểu tình tại thủ đô Tunis để phản đối chính phủ của đảng Hồi giáo Ennahda. Người ta cho rằng chính quyền hiện nay đang sống những giờ phút cuối cùng.

Gần 2 năm sau chiến thắng của Ennahda trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên, việc lèo lái đất nước đã thất bại thảm hại. Phe lãnh đạo thiếu năng lực và khủng hoảng niềm tin nơi người dân đã đưa đất nước Tunisia đến bờ vực không đáy. Quốc hội lập hiến bê trễ, mãi 20 tháng sau công việc soạn thảo Hiến pháp vẫn chưa hoàn tất.

Nhưng sự tụt dốc của người dân Tunisia vẫn chưa chấm dứt tại đấy. Một tình trạng bất ổn mà họ hoàn toàn xa lạ từ 60 năm nay đã xuất hiện. Đó là những vụ ám sát chính trị. Trước tiên là vụ những nhóm dân quân Hồi giáo kích động đã treo cổ Lotfi Nagdh, thành viên của đảng đối lập, vào ngày 18/10/2012. Đến ngày 6/2/2013, xảy ra vụ ám sát bằng súng một nhân vật đối lập, Chokri Belaid.

Tệ hơn nữa, ngay giữa tháng chay Ramadan, ngày 25/7 lúc người dân Tunisia mừng kỷ niệm 56 năm độc lập, một nhân vật đối lập khác và là thành viên Quốc hội lập hiến, Mohamed Brahmi, bị bắn 14 viên đạn.

Người biểu tình trước Quốc hội Tunisia.

Điều nghiêm trọng nhất trong vụ việc là 10 ngày trước đó, một thủ lĩnh của đảng Ennahda là Sahbi Atig đã công khai đưa ra những lời đe dọa trên đường phố nhắm vào bất cứ ai dám phản bác tính hợp pháp của chính phủ hiện hành. Đó là giọt nước làm tràn ly! Các thành viên đối lập trong Quốc hội lập hiến quyết định ngưng hoạt động và tổ chức một cuộc biểu tình ngồi tại vùng ngoại ô Bardo để kêu gọi giải tán Quốc hội và chính phủ lâm thời.

Hành động này đã kích động phong trào đoàn kết của người dân vốn đã quá sức chịu đựng vì sự thiếu năng lực của chính phủ. Mỗi đêm, hàng chục ngàn người đến ngồi trước trụ sở Quốc hội lập hiến để bày tỏ mong muốn giải thể chính phủ. Dựa trên tính hợp pháp lỗi thời, Thủ tướng Ali Larayedh đọc một bài diễn văn đầy đe dọa, gọi nhóm biểu tình là "đảo chính" và ra sức kêu gọi những người ủng hộ đến cứu giúp ông nhằm bảo vệ tính hợp pháp của ông. Dù được chi 9 euro cho mỗi đêm biểu tình nhưng những kẻ ủng hộ chính phủ cũng không mấy đông đảo, chỉ vài chục người, và các lời hô hào, hành động múa may tay chân của họ chỉ là những cơn co giật của một chế độ đang hấp hối.

Tuy nhiên vẫn có những sự cố cho thấy tính mập mờ và chia rẽ trong hàng ngũ đối lập đa dạng. Trước tiên là vấn đề password. Naceur Hidoussi, Giám đốc Công ty cung cấp dịch vụ Internet Hexabyte, đã cung cấp cho những người biểu tình các thiết bị để lập một mạng wifi với password là "Bourguiba" theo tên vị cha đẻ của nền độc lập Tunisia. Nhưng nhiều người khác lại không đồng tình với sự tôn vinh đó vì cho rằng Bourguiba tuy là một người hiện đại nhưng cũng chuyên chế.

Đứng trước sự phản đối đó, password được thay bằng "Tounesna" (Tunisia của chúng ta). Một nhóm thanh niên quen với tự do của kỹ thuật số đã lập ra một mạng khác, và đặt cho nó cái tên của vị dân biểu bị ám sát ngày 25/7: "Brahmi". Mạng này không cần password.

 Tuy không ưa gì nhau nhưng đảng Nida Tounes và Mặt trận Dân tộc đã xích lại gần nhau nhờ cuộc khủng hoảng chính trị. Tuy nhiên, Mặt trận Dân tộc được yêu cầu cất đi biểu ngữ "Không có Ennahda lẫn Essebsi (thủ lĩnh đảng Nida Tounes)". Còn phong trào Tamarrod (nổi dậy), một tổ chức phi chính trị và bắt chước theo khuôn mẫu của Ai Cập, cho biết rằng 9 thành viên của họ đã bắt đầu một cuộc tuyệt thực từ ngày 11/8 trước Quốc hội.

"Họ sẽ ở đó ngày đêm bất chấp những sự quấy rối của phe Ennahda. Họ sẽ ở đó cho đến khi nào những đòi hỏi của chúng tôi, tức sự giải tán Quốc hội và các định chế phát xuất từ đấy, được chấp thuận" - một thành viên Tamarrod nói với phóng viên AFP. Phong trào này cho biết có sự hậu thuẫn của 1,6 triệu chữ ký, nhưng con số này không được kiểm chứng.

Phe đối lập tả và hữu đều bác bỏ mọi sự thương thuyết với Ennahda khi một chính phủ cứu quốc không được thành lập. Ngày 13/8, có hàng chục ngàn người biểu tình tại Tunis. Đây là một bài trắc nghiệm để chứng tỏ khả năng huy động mọi người. Sự lựa chọn ngày đó cũng mang nhiều ý nghĩa vì ngày 13/8 đánh dấu cho việc ban hành một đạo luật vào năm 1956 thừa nhận cho phụ nữ những quyền chưa từng có trong thế giới Arập. Chính phủ Ennahda cũng thường bị tố cáo là muốn rút lại những quyền đó.

Các khẩu hiệu cổ xúy cho nữ quyền và lên án Ennahda, chẳng hạn như: "Phụ nữ Tunisia tự do, Huynh đệ Hồi giáo cút đi" hay "Phụ nữ Tunisia là Hồi giáo nhưng không cực đoan". Bà vợ góa Besma Khalfaoui của nhân vật đối lập Chokri Belaid (bị ám sát) tuyên bố: "Niềm vui của chúng ta chỉ trọn vẹn khi Chính phủ và Quốc hội lập hiến ra đi, và phụ nữ Tunisia sẽ ở tuyến đầu".

Mặt trận Cứu quốc đã ra tuyên cáo bắt đầu chiến dịch "Tránh ra", khẩu hiệu của cuộc cách mạng tháng 1/2011, nhắm đến các quan chức địa phương do Ennahda bổ nhiệm. Liên minh cánh tả - hữu đang chuẩn bị một cuộc xuống đường rầm rộ trong tuần lễ chính phủ ra đi dự tính từ ngày 24/8, đồng thời vẫn kêu gọi giải tán Quốc hội lập hiến và thành lập một chính phủ gồm các nhân vật độc lập. Nhưng Ennahda đã bác bỏ mọi đòi hỏi đó và đề nghị mở rộng chính phủ cho mọi đảng phái

Mặc Lâm (tổng hợp)
.
.