Mục tiêu chính trị của Tổng Thống Bush đằng sau chuyến công du tới châu Á

Thứ Hai, 18/08/2008, 08:00
Tổng thống Mỹ George Bush vừa bắt đầu chuyến công du thứ 9 và cũng là cuối cùng trong nhiệm kỳ của mình tới một số quốc gia khu vực châu Á - Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc. Cho dù mục đích chính của chuyến đi là tham dự lễ khai mạc Olympic tại Bắc Kinh, nhưng giới quan sát đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới những mục tiêu chính trị của ông Bush đằng sau chuyến công du châu Á cuối cùng trên cương vị chủ nhân Nhà Trắng...

Theo lịch trình đã định trước, chặng dừng chân đầu tiên của Tổng thống Bush trong chuyến công du châu Á lần này chính là thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Được coi là một đồng minh thân cận của Mỹ tại châu Á, đồng thời cũng là nước cho phép có sự hiện diện của quân đội Mỹ tại đây (hiện đang có khoảng 28,5 ngàn quân nhân Mỹ đang có mặt tại Hàn Quốc), nhưng quan hệ Mỹ - Hàn Quốc gần đây đã có những trục trặc nhất định.

Chẳng hạn như mới gần đây, vài ngàn người dân Hàn Quốc đã rầm rộ xuống đường biểu tình phản đối việc nhập khẩu thịt bò từ Mỹ, do họ lo ngại có lây nhiễm trực khuẩn của bệnh bò điên. Chính vì vậy, xác định đây là lần thăm Hàn Quốc cuối cùng của ông Bush trước khi rời khỏi Nhà Trắng, Văn phòng Tổng thống và Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó đã rất tích cực trong các bước chuẩn bị và đàm phán sơ bộ để giải quyết một loạt các vấn đề có khả năng tồn đọng.

Chẳng hạn như từ cuối tuần trước, Washington đã lên tiếng thừa nhận quần đảo Dokdo - vùng lãnh thổ đang tranh chấp với Nhật - là thuộc chủ quyền của Hàn Quốc. Còn Tổng thống Lee Myung-bak về phần mình cũng có "món quà" tặng ông Bush với quyết định gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Mỹ.

Cần biết là nguyên thủ Hàn Quốc đã đưa ra quyết định này bất chấp sự phản ứng của dân chúng, những người thậm chí còn "hứa hẹn" sẽ đón tiếp vị khách từ bên kia đại dương bằng nhiều cuộc biểu tình phản đối rầm rộ.

Tuy nhiên, chủ đề bàn bạc chính trong cuộc gặp với Tổng thống  Lee Myung-bak (đã là lần thứ ba trong năm nay) vẫn là nỗ lực đàm phán ký kết một thỏa thuận song phương về thương mại tự do, cũng như về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Tất nhiên, vấn đề quan trọng hàng đầu được cả hai bên quan tâm vẫn là tiến trình giải giáp hạt nhân của CHDCND Triều Tiên được thực hiện dưới sự giám sát của "Bộ 6" các nước trung gian hòa giải, cũng như về mối quan hệ tiếp theo giữa Bắc và Nam Triều Tiên.

Ông Bush khẳng định CHDCND Triều Tiên vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi Mỹ chính thức loại bỏ nước này ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố, trước tiên là Bình Nhưỡng phải chấp nhận các điều khoản hợp tác do nhóm "Bộ 6" đưa ra.

Quốc gia châu Á thứ hai mà ông Bush đặt chân tới là Thái Lan. Sự kiện được nhiều người quan tâm nhất tại đây chính là ông Bush sẽ có bài phát biểu quan trọng về chính sách của Washington tại khu vực Đông Nam Á sau thời điểm kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của ông vào tháng giêng năm sau. Nội dung bài phát biểu đã được ông Bush nhắc tới từ trước, trong đó khẳng định Mỹ sẽ không thay đổi trọng tâm chiến lược của mình tại châu Á, ngay cả khi Nhà Trắng có chủ nhân mới từ đầu năm sau. 

Cuối cùng, chặng dừng chân dài nhất trong chuyến công du châu Á lần này của ông Bush chính là Bắc Kinh, nơi Tổng thống Mỹ sẽ tham gia lễ khai mạc Olympic vào ngày 8/8/2008. Ngoài lễ khai mạc, chương trình hoạt động của ông Bush tại đây chủ yếu vẫn là tham dự vào các hoạt động thể thao.

Chẳng hạn như Tổng thống Mỹ sẽ có những cuộc gặp với các quan chức tổ chức Olympic, hay tham dự vào trận đấu bóng rổ giữa hai đội tuyển Mỹ và Trung Quốc. Cũng vì những lý do này, có nhiều phóng viên đã ví chuyến thăm Trung Quốc lần này là "một kỳ nghỉ hè" của Tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên, bản thân ông Bush trong những tuyên bố ngay trước chuyến đi đã có ý nói rằng, ngoài những mục tiêu xã giao và nghỉ ngơi, sẽ có nhiều chủ đề chính trị quan trọng khác được bàn bạc vào dịp này.

Trong suốt hai nhiệm kỳ vừa qua của mình, Tổng thống Bush đã có tổng cộng 14 lần hội đàm trực tiếp với các nguyên thủ từ Trung Quốc (cuộc gặp sắp tới sẽ là lần thứ 15). Trong những năm qua, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc đã có một loạt những thay đổi bất ngờ.

Chẳng hạn như trong những tháng đầu tiên mới bước vào Nhà Trắng, ông Bush với một bộ sậu gồm nhiều "cố vấn diều hâu" đã gọi Trung Quốc là "một đối thủ chiến lược", đồng thời đưa ra lời cam kết sẽ làm hết sức để bảo vệ Đài Loan.

Tuy nhiên chỉ vài năm sau, Bush lại công khai gây sức ép lên với Đài Loan, mục đích không cho phép họ tuyên bố độc lập. Gần đây nhất, Tổng thống Mỹ còn ra lệnh ngừng cung cấp vũ khí cho Đài Loan.

Nhiều cố vấn của Tổng thống giải thích rằng, những nỗ lực ngoại giao là nhằm lôi kéo Trung Quốc tham gia tích cực hơn trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, trong bối cảnh sức mạnh và ảnh hưởng của Bắc Kinh trên trường quốc tế đang ngày một lớn mạnh.

Trong quan hệ kinh tế song phương, Tổng thống Mỹ sẽ tập trung bàn bạc với Bắc Kinh về việc tăng cường hợp tác, cũng như một số vấn đề vướng mắc khác như tỉ giá tiền tệ hay bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ v.v...

Một "bài toán khó" khác của Tổng thống Bush trong chuyến thăm Bắc Kinh lần này có liên quan đến những phát biểu của ông ngay trước đó về vấn đề nhân quyền và tôn giáo tại Trung Quốc, từ trước vẫn được Bắc Kinh kiên quyết khẳng định là công việc nội bộ của nước này.

Rõ ràng với phương châm "không chính trị hóa Olympic" từ trước đó, đề xuất liên quan đến những chủ đề trên của Tổng thống Mỹ chắc chắn sẽ gây ra những phản ứng gay gắt từ phía nước chủ nhà

Hồng Sơn (Tổng hợp)
.
.