Mưu đồ “cắm mốc chủ quyền mới” với giàn khoan Hải Dương 981

Thứ Sáu, 23/05/2014, 17:55

Vì sao Trung Quốc gây hấn với Việt Nam vào lúc này? Khi kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào chỗ "không có dầu" ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc toan tính điều gì?
>> Thế giới lên án hành vi gây hấn và vi phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc

1. Bất chấp những phản ứng ngoại giao cũng như trên thực địa của phía Việt Nam, cho đến nay Trung Quốc vẫn không chịu rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng chủ quyền của Việt Nam. Thậm chí, họ còn điều thêm nhiều tàu tới bảo vệ.

Phát biểu tại cuộc họp báo tổ chức tại Hà Nội hôm 15/5, ông Nguyễn Văn Trung, Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư, cho biết số tàu của Trung Quốc từ 80 đã tăng lên 99 tàu, bao gồm: 38 tàu hải cảnh, 19 tàu phục vụ, 8 tàu kéo, 4 tàu chiến, 30 tàu cá vỏ sắt và các loại máy bay tuần thám vây quanh khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981. Trong đó đáng chú ý có 2 tàu hộ vệ tên lửa và 2 tàu vận tải đổ bộ số hiệu 998 và 999 được Trung Quốc điều tới chiều ngày 14/5. Hai tàu vận tải đổ bộ này có lượng giãn nước 17.000 tấn. Trên tàu được trang bị một bệ với 8 ống phóng tên lửa đối không, một bệ pháo 76mm, hai bệ gồm 4 khẩu pháo 30mm.

Theo lực lượng Cảnh sát biển, thay vì lập vòng đai quanh giàn khoan Hải Dương 981 trên bán kính từ 8 đến 10 hải lý, đoàn tàu Trung Quốc thu gọn lại trên phạm vi trên dưới 6 hải lý nhưng tăng cường thêm tàu để vòng đai kiểm soát chặt chẽ hơn. Mỗi khi có tàu Cảnh sát biển hay Kiểm ngư của Việt Nam tới gần, họ xua từ 3 tới 6 tàu tới bao vây tấn công một tàu, từ xịt vòi rồng đến đâm thẳng vào tàu.

Khi phía Việt Nam dùng loa phóng thanh bằng ba ngôn ngữ Việt, Hoa, Anh kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam thì họ "triển khai theo thế gọng kìm, tăng cường cản mũi, hú còi, cản trở tàu Việt Nam".

Lực lượng Cảnh sát biển cho biết ngày 14/5, các biên đội của Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục mở hai đợt cơ động tiếp cận sâu vào vị trí phía Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Một số tàu của Việt Nam tránh được sự cố ý đâm tàu của Trung Quốc, tuy vậy, tàu Cảnh sát biển 4032 của Việt Nam đã bị tàu hải cảnh 46001 của Trung Quốc đâm "làm gãy khoảng 10m lan can bên mạn trái, hỏng ba thông gió".

Thậm chí, khi tàu hai phía sát nhau, lính Trung quốc còn "ném vật cứng" sang tàu Việt Nam.

2. Trong mấy ngày qua, làn sóng dư luận quốc tế và trong nước phản đối Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam vẫn diễn ra mạnh mẽ. Ngày 14/5, tờ The Straits Times trích lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói:  Washington muốn thấy một “bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông được thiết lập và tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình thông qua Luật Biển, thông qua tòa án, thông qua bất cứ biện pháp nào không phải bằng đối đầu trực tiếp và hành động xâm lược.

Cùng ngày, tờ Sydney Morning Herald cho biết, Bộ Ngoại giao Australia bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về căng thẳng trên biển Đông, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế, không leo thang căng thẳng, duy trì hòa bình, ổn định trên biển Đông và sớm đạt tiến bộ trong việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC).

Ngày 13/5, tờ Philippines Daily Inquirer dẫn lời Tổng thống Benigno Aquino cho rằng, Hiệp ước Tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) giữa Manila và Washington sẽ ngăn Trung Quốc đưa giàn khoan vào biển Philippines.

Ngày 14/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp đã bày tỏ quan ngại về những vụ đụng độ gần đây và căng thẳng đang diễn ra tại Biển Đông. Paris kêu gọi các bên kiềm chế và giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình và đối thoại.

Giới truyền thông ở Hồng Công cho biết, đảng đối lập tại Đài Loan đã chỉ trích việc Bắc Kinh hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Chủ tịch đảng Dân tiến Tô Trinh Xương cho rằng, việc làm của Bắc Kinh đã gây ra xung đột nghiêm trọng trên biển.

Cùng ngày, các tổ chức hội đoàn dân sự Philippines đã biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila để bày tỏ sự ủng hộ Hà Nội, phản đối nhà cầm quyền Bắc Kinh kéo giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Cũng trong ngày 14/5, trang mạng của Limes, tạp chí địa-chính trị có uy tín nhất Italia đăng bài viết của tác giả Giorgio Cuscito cho rằng, Trung Quốc đang đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực biển Đông và biển Hoa Đông...

Hoạt động xuyên tạc sự thật về vụ Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào lãnh hải Việt Nam, mấy ngày qua vẫn được các cơ quan truyền thông Trung Quốc thực hiện. Ngày 13/5, tờ China Daily đăng bài "Đối mặt với những kẻ gây hấn", với giọng điệu xuyên tạc và phớt lờ sự thật, tác giả bài báo còn cho rằng, Bắc Kinh đã "tôn trọng cam kết sẽ kiềm chế và có những buổi đàm phán với các nước có tranh chấp lãnh thổ". Một cách đầy dụng ý, bài báo còn nói Việt Nam liên tiếp “đổ tội” cho Trung Quốc với sự kích động bởi “bên thứ ba hiểm ác”.

Tàu cảnh sát biển Việt Nam bị các tàu Trung Quốc chặn đường và uy hiếp ngày 14/5.

Thậm chí ngày 14/5, tờ Thời báo Hoàn cầu (phụ bản tiếng Anh của tờ Nhân Dân nhật báo) còn đăng bài "Việt Nam nếu muốn nếm lại bài học lịch sử, họ sẽ có ngày được toại nguyện". Một lần nữa "cái loa" này lại giở giọng đe dọa khi cho rằng: Trung Quốc "hiểu rất rõ" và "có rất nhiều kinh nghiệm" trong việc đối phó với Việt Nam!?

Đồng thời tìm cách vu cáo trắng trợn, nhưng không thể giấu nổi dã tâm bành trướng, xâm lược. Bởi bài báo xuyên tạc rằng, Mỹ tập trung bao nhiêu cho biển Đông cũng không thể hỗ trợ nổi "tham vọng lãnh thổ" ở biển Đông của Philippines và Việt Nam; đồng thời hung hăng cho rằng, Trung Quốc sẽ khiến Việt Nam "vỡ mộng"!?

3. Tại cuộc họp báo quốc tế về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam chiều ngày 7/5 tại Hà Nội, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Đỗ Văn Hậu khẳng định: Khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép chưa có phát hiện thương mại nào có thể khai thác dầu khí.

Đứng về mặt kinh tế, những người làm dầu khí của Trung Quốc biết rõ cấu tạo vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa không có dầu khí; và nếu có thì cũng không đủ trữ lượng để khai thác thương mại. Hơn nữa việc thăm dò khai thác được ở vùng biển sâu đến 1.200m đòi hỏi chi phí cực kỳ tốn kém mà không một tập đoàn dầu khí nào trên thế giới dám làm liều. Hiện nay chi phí một ngày cho giàn khoan Hải Dương 981 tại đây là hơn 1 triệu USD. Còn chi phí cho một giếng khoan ở mực nước sâu 1.200m và khoan sâu thêm 3.000m thì cái giá phải là khoảng 500 triệu USD. Đó là chưa kể các chi phí cho hàng chục con tàu bảo vệ và các chi phí dịch vụ khác.

Nếu không có sự yểm trợ của Chính phủ Trung Quốc về kinh phí thì Tổng công ty Dầu khí Hải Dương (CNOOC) không dại gì đổ tiền xuống biển. Rõ ràng, CNOOC đã biến thành công cụ để xâm chiếm nước khác. Và xem giàn khoan Hải Dương 981 thành "lãnh thổ quốc gia di động", một thứ vũ khí chiến lược cho âm mưu cắm mốc "chủ quyền" của Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam.

Đây là động thái mà giới phân tích đã dự liệu từ lâu. Động thái mới này, tuy đột ngột về mặt thời điểm nhưng không phải là một động thái bất ngờ về mặt chiến lược và chiến thuật. Với việc cắm giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam, Trung Quốc đang thực hiện dã tâm từng bước hợp thức hóa đường lưỡi bò.

Bước đầu tiên là cố gắng liên kết các đảo/bãi đá thuộc vùng đảo Hoàng Sa vào thành một cụm (trong khi các điều kiện tự nhiên, địa lý không cho phép làm vậy). Để từ đó coi "cả cụm" Hoàng Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc. Kế đến, khi xác lập chủ quyền "cả cụm" như vậy, Trung Quốc sẽ tiến tới "đớp" luôn 12 hải lý xung quanh làm lãnh hải cho "cụm đảo Hoàng Sa".

Tiếp đó, Trung Quốc cướp luôn 188 hải lý bên ngoài thành "Đặc quyền kinh tế" của mình. Sau khi hợp thức hóa vùng đảo đi xâm chiếm trở thành chủ quyền hợp pháp, Trung Quốc hô biến vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam (và các nước khác) thành vùng chồng lấn và tranh chấp. Và khi liên kết được các đảo/bãi đá ở vùng Hoàng Sa thành "một cụm" Hoàng Sa, chắc chắn Trung Quốc sẽ làm tương tự với Trường Sa, vì nước này đã chiếm nhiều đảo/bãi đá của Việt Nam ở vùng Trường Sa.

Trung Quốc sẽ mở rộng lãnh hải, đặc quyền kinh tế ở "cụm Trường Sa" và dựa vào đó để lấn chiếm về mặt kinh tế, sau đó là về mặt lãnh hải với các đảo mà Việt Nam hiện đang quản lý và tuyên bố chủ quyền ở vùng Trường Sa. Và như thế Trung Quốc đã hợp thức hóa đường lưỡi bò 9 đoạn và nuốt trọn biển Đông.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức vào chiều 15/5 ở Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết, trong bối cảnh các nước trong và ngoài khu vực đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp hòa bình, như thúc đẩy Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), rõ ràng hành động của Trung Quốc đã làm phức tạp thêm tình hình, ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh, ổn định của khu vực.

Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn kiên trì các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Việc sử dụng biện pháp pháp lý là biện pháp hòa bình được quy định trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Vì vậy, Việt Nam sẽ tính đến sử dụng biện pháp này nếu cần thiết. Theo ông Bình, trong thời gian tới, tùy vào diễn biến tình hình, Việt Nam sẽ có những giải pháp phù hợp

Đan Kô - Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.