Mỹ - Iran: Bùng nổ cuộc chiến thương mại vũ khí

Thứ Sáu, 30/12/2005, 08:18

Mối quan hệ giữa Mỹ - Iran vốn "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt", nay lại càng trở nên mâu thuẫn khi Chính phủ Mỹ ra lệnh cấm vận đối với 9 công ty chuyên cung cấp cho Iran các thiết bị quân sự.

Theo đó, 6 công ty của Trung Quốc, 2 tập đoàn sản xuất hóa chất của Ấn Độ và một công ty sản xuất vũ khí của Áo sẽ bị cấm các hoạt động kinh doanh, làm ăn với Chính phủ Mỹ cũng như với các công ty của Mỹ trong vòng ít nhất là 2 năm. Không những thế, các công ty này còn không được trao đổi kỹ thuật sản xuất vũ khí với đối tác khác ở Mỹ. Ngoài ra, Bộ trưởng Nội vụ Áo còn phải giải thích về việc Công ty sản xuất vũ khí Steyr-Mannlicher vừa cung cấp cho Iran 800 súng bắn tỉa.

Ngụy biện bằng những lý do rất vô lý, chính quyền Washington cho rằng, quyết định này được đưa ra dựa trên Luật chống phổ biến vũ khí hạt nhân cho Iran năm 2000 và nhằm ngăn chặn khả năng phát triển vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh hóa học và tên lửa đạn đạo của Tehran bởi theo thông tin tình báo của Mossad (Israel), trong vòng 6 tháng tới, Iran có thể sẽ sản xuất được vũ khí hạt nhân, "đe dọa" an ninh trong khu vực. Tính từ năm 2001 đến nay, dựa vào Luật chống phổ biến vũ khí hạt nhân cho Iran, Mỹ đã cấm vận ít nhất 40 công ty có hoạt động giao thương vũ khí với Iran.

Trên thực tế, mục đích chính của lệnh cấm vận là nhằm cô lập Iran trên thị trường vũ khí thế giới, cắt đứt mọi nguồn làm ăn của các công ty nước ngoài với Tehran, gây sức ép buộc Nga và Trung Quốc ủng hộ Mỹ trong việc yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ ra lệnh cấm vận kinh tế đối với Iran. Không chỉ riêng chính quyền Tehran mà ngay cả những đối tác của Iran là Trung Quốc,Ấn Độ và Áo cũng cảm thấy "nóng gáy", tức giận với những động thái gây chiến này.

Giới phân tích thế giới và giới chức châu Âu lo ngại rằng, việc Mỹ ban lệnh cấm vận 9 công ty của 3 quốc gia trên sẽ khiến cho những cuộc đối thoại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Iran trong vấn đề hạt nhân lâm vào bế tắc. Hơn nữa, Nhà Trắng cũng đang tự tạo ra nhiều kẻ thù khi dựa vào sự hậu thuẫn của Israel, liên tục "chọc ngoáy" vào các vấn đề của khu vực Trung Đông

H.C
.
.