Mỹ - Nhật tăng cường hệ thống lá chắn tên lửa

Thứ Sáu, 21/09/2012, 20:25

Trong chuyến công du châu Á đang diễn ra, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã ghé thăm Nhật Bản và Trung Quốc (ngày 17/9) - hai quốc gia đang có hiềm khích vì tranh chấp biển đảo, tiếng là để "xoa dịu" tình hình căng thẳng giữa 2 nước, nhưng thực chất một số hoạt động trong chuyến đi của ông Panetta lại khiến người ta nghĩ đến một nước cờ lợi dụng tình hình bất ổn định trong khu vực theo định hướng có lợi cho Washington.

Kết thúc chuyến thăm Nhật Bản hôm thứ hai 17/9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto đã ra thông báo chung về việc 2 nước đã đồng ý cùng chia sẻ hệ thống lá chắn tên lửa mở rộng (giai đoạn 2) ở khu vực Đông Bắc Á. Phần mở rộng này bao gồm một hệ thống radar trên đất liền để hỗ trợ hệ thống hiện hữu đặt trên đảo Hongshu. Thông báo nêu rõ, một nhóm công tác phối hợp Nhật - Mỹ sẽ bắt đầu việc khảo sát tìm vị trí thích hợp để đặt hệ thống radar mới.

Mặc dù ông Panetta đã cố gắng nêu mục đích của lá chắn tên lửa là để "tăng cường khả năng phát hiện việc phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên", nhưng điều đó không đủ để giúp Bắc Kinh khỏi hoài nghi về ý nghĩa thực sự của động thái này. Bắc Kinh vẫn một mực nghi ngờ rằng có thể sau mục tiêu phát hiện tên lửa CHDCND Triều Tiên, mục tiêu thứ hai sẽ là "kiềm chế" Trung Quốc. Lo lắng của Bắc Kinh là có cơ sở, bởi ngoài khả năng phát hiện tên lửa CHDCND Triều Tiên, hệ thống radar mới còn có thêm chức năng bao quát và phát hiện tàu thuyền lưu thông trong toàn khu vực Đông Bắc Á. Điều này hoàn toàn phù hợp với nhu cầu cấp thiết của các đồng minh Mỹ đang có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc (tức Nhật Bản).

Nhật Bản và Mỹ bắt đầu phối hợp xây dựng hệ thống lá chắn tên lửa từ năm 1999 khi CHDCND Triều Tiên lần đầu tiên thử tên lửa đạn đạo tầm xa Taepodong-1 bay qua bầu trời Nhật Bản và rơi xuống một vùng biển trong Thái Bình Dương. Từ đó, Tokyo cho phép Lực lượng phòng vệ (khi đó chưa là Bộ Quốc phòng) bắn hạ các đầu đạn bay "thù địch" và hợp tác chặt chẽ với Mỹ triển khai hệ thống lá chắn tên lửa (BMD).

Tháng 12/2004, Mỹ-Nhật ký kết thỏa thuận hợp tác rộng rãi trong việc triển khai hệ thống BMD, kể cả việc trao đổi công nghệ qua lại giữa hai nước. Một năm sau (tháng 12/2005), Nhật thông báo sẽ chi trả từ 1/3 đến một nửa chi phí lắp đặt hệ thống lá chắn tên lửa trị giá khoảng 3 tỉ USD. Ngay sau đó, Mỹ tuyên bố Nhật là đối tác quan trọng trong hệ thống lá chắn tên lửa toàn cầu của Mỹ, bao gồm cả hệ thống ở châu Âu và Trung Đông.

Tên lửa đánh chặn Standard Missile – 3.

Hệ thống lá chắn tên lửa Mỹ-Nhật hiện hữu bao gồm 3 bộ phận: lá chắn tên lửa di động trên biển sử dụng tên lửa đánh chặn Standard Missile-3 (SM-3) và hệ thống radar Aegis gắn trên các tàu tuần duyên và khu trục hạm; thứ hai là hệ thống các tên lửa đánh chặn Patriot Advanced Capability-3 (PAC-3) cố định trên đất liền; và hệ thống radar di động bằng tần X mang tên AN/TPY-2 lắp đặt xong vào tháng 12/2006. Đến năm 2010, Mỹ đã cung cấp để Nhật Bản triển khai 36 tên lửa SM-3 trên 4 chiếc khu trục hạm và tuần dương hạm có gắn hệ thống radar Aegis. Cùng thời gian đó, Mỹ - Nhật cũng đã triển khai 124 tên lửa PAC-3.

Việc Mỹ - Nhật thỏa thuận triển khai lá chắn tên lửa mở rộng lần này nằm trong xu hướng chung của các nước trong khu vực đang có đòi hỏi gia tăng hợp tác quân sự với Mỹ. Như Philippines chẳng hạn, nước này cũng đang yêu cầu chính quyền của Tổng thống Barack Obama hỗ trợ một hệ thống radar đất liền tương tự đặt trên đất Philippines nhằm giám sát và thu thập thông tin tình báo về lưu thông hàng hải trên biển Đông (Philippines gọi là biển Tây).

Ngoài ra, quân đội Mỹ cũng đang tăng cường sử dụng máy bay do thám không người lái khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chủ yếu là loại máy bay do thám tầm cao Global Hawk. Nhật Bản cũng đang có nhu cầu và đề nghị Mỹ cung cấp máy bay do thám không người lái Global Hawk, và điều này đã được thảo luận trong cuộc gặp giữa 2 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Nhật hôm 17/9 vừa qua. Còn trước Nhật Bản, Australia cũng đã thông báo kế hoạch trang bị hàng chục máy bay do thám không người lái Global Hawk, Triton và P8 Poseidon để trang bị cho mục tiêu tuần tra các vùng biển xung quanh Australia

Văn Trương (Tổng hợp)
.
.