Mỹ - Trung: Đối tác hay đối thủ?

Thứ Hai, 19/09/2005, 09:25

Hợp tác trong thận trọng, đối thoại trong cân nhắc và quan hệ “có điều kiện” tiếp tục là cục diện bang giao chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc trong tương lai.

Hai nguyên thủ Mỹ-Trung bắt đầu cuộc gặp song phương bên lề cuộc họp thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc (từ 14 - 16/9/2005). Đây là cuộc gặp khá quan trọng để "chốt" lại những mắc mứu giữa hai cường quốc cũng như nhiều vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên, đâu là trọng tâm của cuộc gặp đầu tiên trong khuôn khổ song phương cấp nguyên thủ giữa Tổng thống Mỹ George W.Bush và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào từ khi ông nhậm chức Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2002?

Quan hệ Mỹ-Trung có thể được tổng hợp bằng ý kiến Wang Jisi (Hiệu trưởng Trường Đảng trung ương, Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế Trung Quốc) viết trên chuyên san ngoại giao Foreign Affairs số mới nhất: “Quan hệ Mỹ-Trung vẫn bị chi phối bởi những khác biệt hơn bất cứ quan hệ song phương nào giữa các cường quốc trên thế giới ngày nay. Đó là quan hệ cực kỳ phức tạp và đối nghịch, với những khác nhau cơ bản trong hệ thống chính trị cũng như lý tưởng...”.

Nói thẳng ra, có thể xem đó là quan hệ bằng mặt nhưng không bằng lòng. Đối với Mỹ, Trung Quốc hiện không chỉ ổn định về kinh tế mà cả thế lực chính trị. Bắc Kinh đã thiết lập quan hệ chính trị đa quốc gia với nhiều nước, cụ thể là mô hình Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO - thành lập tháng 6/2001, gồm Trung Quốc, Nga, Uzbekistan, Tajikistan, Kyrgyzstan và Kazakhstan). Chính Trung Quốc đã chủ trì một cuộc họp thượng đỉnh SCO và lập ra thời gian biểu đề nghị quân đội Mỹ rút khỏi Trung Á.

Tại khu vực Đông Á, Trung Quốc cũng thay dần ảnh hưởng Mỹ. Bắc Kinh là một trong những động lực đằng sau Hội nghị thượng đỉnh Đông Á dự kiến tổ chức tại Kuala Lumpur vào tháng 12/2005 với sự tham dự của 16 nước (Nhật, Ấn Độ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN).

Trên mặt trận kinh tế, quyền lợi Mỹ-Trung có nhiều điểm cạnh tranh tương tự và như vậy cũng là nguyên nhân gây ra chiến tranh mậu dịch. Ngày 1/9/2005, Mỹ quyết định hạn chế một số mặt hàng dệt may từ Trung Quốc (hàng dệt may xuất khẩu Trung Quốc tăng 97% trong 6 tháng kể từ khi hạn ngạch được tháo bỏ, tính đến tháng 1/2005). Tháng 6/2005, CNOOC (một công ty dầu quốc gia Trung Quốc) cũng bị chặn thương vụ mua Hãng dầu Mỹ Unocal.

Con số 73% ý kiến công chúng Mỹ đã cho thấy tiềm lực Trung Quốc không chỉ được Washington xem xét mà cả dân Mỹ cũng bắt đầu nhìn Trung Quốc bằng lăng kính khác. Vài năm gần đây, chẳng khó khăn gì để thấy những bài viết hoặc sách nghiên cứu Mỹ mang tựa đại loại “Trung Quốc - mối đe dọa tăng dần”, hoặc “Làm thế nào chúng ta có thể địch lại Trung Quốc?”...

Và nếu cần chỉ ra một quốc gia mà Mỹ đang xem như đối trọng có giá trị đặc biệt giúp khống chế sức mạnh Trung Quốc thì đó là Nhật. Trong khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản có ảnh hưởng quan trọng trong quan hệ Mỹ-Trung. Từ sau Thế chiến II, quan hệ Washington-Tokyo liên tục được thắt chặt trong khi tình cảm Nhật-Trung liên tiếp sứt mẻ. Washington đã giúp đưa Nhật lên vị trí quốc tế và thậm chí ủng hộ Tokyo giành ghế trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mở rộng. Ở một góc độ nào đó, nếu không “dùi” thêm, Mỹ không dại gì giúp sưởi ấm quan hệ băng giá giữa Nhật và Trung Quốc. Tuy nhiên, một cách tổng quan hơn, về lâu dài, hai quốc gia nên xem nhau như là đối thủ hay đối tác?

Nhất thiết phải là đối tác. Nếu Mỹ thật sự muốn chặn đứng đà phát triển kinh tế Trung Quốc - như Giáo sư John Mearsheimer (Đại học Chicago) từng đề nghị - không chỉ Trung Quốc là nơi duy nhất chịu thiệt. Có rất nhiều công ty khổng lồ Mỹ (và cả Nhật) đang làm ăn tại Trung Quốc; hơn nữa, như Mỹ là động lực cho sự phát triển kinh tế toàn cầu, Trung Quốc cũng đóng vai trò động lực cho sự phát triển kinh tế khu vực.

Về phần mình, Bắc Kinh chắc chắn cũng biết nếu kinh tế Mỹ đổ, một trong những nước bị tác động đầu tiên tất nhiên là Trung Quốc (Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của họ). Nói cách khác, cả hai nước đều có ảnh hưởng chiến lược tương tự. Trong trường hợp này, bình diện toàn cầu đã trở thành yếu tố khách quan khiến hai quốc gia bị “gài thế” vào nhau, càng đối nghịch càng dễ dẫn đến sự mất cân bằng trong sức mạnh riêng

M.Kim
.
.