Mỹ - Afghanistan: “Cây gậy và củ cà rốt”

Thứ Hai, 30/03/2020, 12:50
Vì muốn rút quân khỏi Afghanistan, Mỹ cần có một thỏa thuận êm thấm giữa chính quyền Kabul và phe Taliban. Nhưng, những mâu thuẫn nội bộ chính quyền Afghanistan hiện nay ngăn trở điều này. Để buộc Kabul thực hiện theo đường hướng của mình, Washington một lần nữa lại dùng sách lược “cây gậy và củ cà rốt” nhằm đạt mục tiêu trên địa bàn nóng bỏng và phức tạp Afghanistan.

Ngày 23-3, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố, Mỹ đã cắt giảm 1 tỷ USD viện trợ cho Afghanistan và đe dọa sẽ cắt một khoản tương tự trong năm 2021 nếu Afghanistan không giải quyết được bất đồng về chính trị. Thông báo của ông Pompeo được đưa ra sau chuyến thăm bất ngờ tới Afghanistan và có cuộc gặp với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và đối thủ chính trị của ông là Abdullah Abdullah, nhân vật về thứ 2 trong cuộc bầu cử và cũng tự xưng là tổng thống.

Mặc dù không có bất cứ thông báo nào về nội dung cuộc hội đàm giữa ba vị trên nhưng chỉ thông qua tuyên bố của ông Pompeo sau cuộc gặp, có thể thấy Ngoại trưởng Mỹ đã thất bại trong việc thuyết phục hai ông Ghani và Abdullah gác lại bất đồng để cùng đưa Afghanistan tới hòa bình.

Binh sĩ Afghanistan áp giải các tay súng Taliban bị bắt giữ tại Kunduz.

Đang trong mùa cao điểm của dịch COVID-19 vậy mà Ngoại trưởng Mỹ phải bay nửa vòng trái đất để đến Afghanistan, điều này đủ thấy đây là chuyến đi rất quan trọng với chính quyền Mỹ. Ông Ghani và ông Abdullah rơi vào tình trạng bế tắc trong cuộc tranh giành quyền lực kể từ cuộc bầu cử của Afghanistan hồi tháng 9-2019. Ủy ban Bầu cử nước này tháng trước tuyên bố ông Ghani là người chiến thắng.

Tuy nhiên, ông Abdullah cáo buộc có gian lận bầu cử và đã thách thức kết quả này. Cả hai đều tổ chức các buổi lễ tuyên thệ vào đầu tháng này và ông Abdullah còn tuyên bố sẽ thành lập một chính phủ song song. Thế đối đầu này đã gây khó khăn cho những nỗ lực hòa bình của Mỹ ở Afghanistan, dù Mỹ và phiến quân Taliban đã đạt được một thỏa thuận lịch sử hồi cuối tháng 2. Washington phải hòa giải cuộc tranh giành quyền lực giữa ông Ghani và ông Abdullah vì cần có chính phủ hợp pháp càng nhanh càng tốt ở Afghanistan sau cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi.

Không có chính phủ ổn định ở Afghanistan thì Mỹ không thể thực hiện ổn thỏa hòa ước đã ký với Taliban với nội dung là Mỹ và đồng minh rút quân khỏi Afghanistan còn Taliban chấm dứt đối địch Mỹ, đi vào đàm phán hòa bình, hòa giải và hòa hợp dân tộc với chính phủ và các phe cánh khác ở Afghanistan. Chừng nào chưa có chính phủ mới ở Afghanistan, chừng đó Taliban còn có thể viện cớ để không đàm phán và không thực hiện hòa ước với Mỹ. Chính phủ Afghanistan không ổn định thì Taliban được lợi nhiều nhất.

Việc Mỹ giơ cây gậy với lãnh đạo Kabul nhằm gây áp lực để Afghanistan nhanh chóng bước vào cuộc đàm phán với Taliban, từ đó không đi chệch quỹ đạo hướng tới kết thúc cuộc chiến kéo dài gần 2 thập niên ở quốc gia này. Mỹ hiện đang viện trợ khoảng 4,5 tỷ USD hằng năm cho Lực lượng An ninh quốc gia Afghanistan (ANSF), chiếm 75% ngân sách của lực lượng vũ trang này.

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani (bên phải) tiếp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Kabul, ngày 23-3.

Yêu cầu ngân sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump cho năm tài chính 2021 bao gồm khoảng 4 tỷ USD để viện trợ cho ANSF. Không có viện trợ tài chính và quân sự của Mỹ, Chính phủ Afghanistan không thể tồn tại được. Cắt viện trợ là cú đòn chí mạng mà Mỹ có thể giáng vào ông Ghani và ông Abdullah. Hơn nữa, Mỹ hợp tác càng chặt chẽ với Taliban thì Taliban càng tăng được vị thế và càng thêm bất lợi cho Chính phủ Afghanistan, bất kể ai làm tổng thống.

Một khi thấm đòn thì hai người này sẽ phải thỏa hiệp với nhau. Ngay sau khi không thuyết phục được “2 tổng thống” Afghanistan, do lo sợ thành quả của mình với Taliban sụp đổ, Ngoại trưởng Pompeo đã bay tới Qatar và có cuộc gặp với nhà đàm phán hàng đầu của Taliban là ông Mullah Baradar.

Ông này cho biết Taliban vẫn giữ các cam kết theo như thỏa thuận đã ký. Ông Pompeo cho biết dù thế nào Lầu Năm Góc cũng sẽ bắt đầu rút 1/3 trong số 13.000 binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan và số còn lại sẽ rút dần.

Giường như cây gậy của Washington đã có chút phát huy tác dụng. Theo một thông báo đăng trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Qatar, Chính phủ Afghanistan và Taliban ngày 25-3 đã tiến hành đàm phán trực tuyến lần thứ 2 với sự tham gia của Qatar, Mỹ và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế.

Phát biểu trên mạng xã hội, đặc phái viên của Mỹ về hòa giải tại Afghanistan Zalme Khalilzad cho biết, Chính phủ Afghanistan và Taliban đã nhất trí về việc trao đổi tù nhân giữa hai bên, bắt đầu từ ngày 31-3. Ông nói, đàm phán giữa hai bên sẽ tiếp tục được tiến hành nhằm đảm bảo việc trao đổi tù nhân diễn ra suôn sẻ.

Mặc dù Mỹ đã đạt được thỏa thuận với Taliban nhưng tình hình Afghanistan lúc này vẫn rất hỗn loạn. Ngày 25-3, ít nhất 25 người thiệt mạng và 8 người bị thương trong vụ tấn công nhằm vào đền thờ đạo Sikh - Hindu tại trung tâm thủ đô Kabul.

Bộ Nội vụ Afghanistan cho biết, 25 người thiệt mạng là dân thường và 1 kẻ tấn công đã tử vong. Vào thời điểm vụ việc xảy ra, có khoảng 150 người đang cầu nguyện trong đền thờ. Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã thừa nhận thực hiện vụ tấn công. Trong khi đó, phiến quân Taliban tuyên bố không dính líu tới vụ việc.

Chính trường Afghanistan hiện nay giống như những gì diễn biến sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2014 với chiến thắng dành cho ông Ghani và vấp phải sự phản đối của ông Abdullah. Căng thẳng gia tăng đã buộc Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là ông John Kerry phải đứng ra làm hòa giải, hướng đến một chính phủ đoàn kết. Theo đó, ông Ghani làm tổng thống và lần đầu lập ra một chức danh đặc biệt là “nhà điều hành cấp cao” của chính phủ dành cho ông Abdullah.

Mối quan hệ trắc trở giữa hai nhà lãnh đạo này và sự phân cực trong quốc hội Afghanistan gần 6 năm qua sẽ là câu hỏi để ngỏ về tương lai của quốc gia Nam Á này nếu kịch bản chính trị này một lần nữa được lặp lại.

Phó Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp quốc Cherith Norman Chalet cảnh báo, giải quyết bất đồng chính trị là điều kiện quan trọng cho hòa bình của Afghanistan: “Chúng tôi đang mong chờ các bước tiếp theo cho tiến trình hòa bình mặc dù có những vấn đề có thể ảnh hưởng đến con đường đó, đặc biệt là bất đồng chính trị tại Afghanistan và các vụ tấn công bạo lực do Taliban thực hiện đã không giúp các cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan diễn ra đúng dự kiến. Ưu tiên hiện nay là một Chính phủ Afghanistan đoàn kết và thống nhất - đấy là điều quan trọng cho tương lai cũng như hòa bình của Afghanistan”.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.