Mỹ: Các nhà khoa học bị gián điệp e-mail

Thứ Năm, 02/08/2012, 14:35

Theo tiết lộ mới đây của báo chí, Cơ quan Quản lý thuốc và dược phẩm Mỹ (FDA) đã bí mật lập ra một bản danh sách thù địch để tiến hành chương trình gián điệp e-mail của các nhà khoa học làm việc cho cơ quan này. FDA được cho là đã thu thập bất hợp pháp hàng ngàn e-mail riêng tư của các nhà khoa học bất mãn với cơ quan gửi đến Quốc hội, các luật sư, nhà báo, quan chức công đoàn và thậm chí Tổng thống Barack Obama. Sử dụng phần mềm gián điệp được thiết kế cung cấp cho các công ty giám sát nhân viên, FDA lén lút chụp màn hình trên các laptop của 6 nhà khoa học.

Theo dõi e-mail để... đảm bảo an toàn cho các thiết bị y tế

FDA sử dụng phần mềm gián điệp chụp lại hình ảnh trên các laptop của 6 nhà khoa học khi chúng được sử dụng tại nhà hay nơi làm việc, theo dõi hoạt động bàn phím, đọc lén e-mail, sao chép dữ liệu trên USB và thậm chí bí mật quan sát thao tác soạn thảo văn bản của những người này. Nhưng các quan chức bảo vệ chương trình gián điệp tuyên bố việc giám sát máy tính chỉ giới hạn đối với 6 nhà khoa học bị nghi ngờ để lộ thông tin mật về độ an toàn và thiết kế của các thiết bị y tế đang được cơ quan xem xét. 

Nỗ lực gián điệp ra đời từ sau vụ tranh cãi kéo dài nhiều năm giữa bộ phận lãnh đạo FDA và một nhóm các nhà khoa học, khi những người này tuyên bố FDA đã phạm nhiều sai lầm trong quá trình xem xét đánh giá dẫn đến việc phê chuẩn các thiết bị chẩn đoán hình ảnh y khoa dùng để chụp ảnh khối u ngực và khám nghiệm ruột kết có thể gây nhiễm xạ ở mức nguy hiểm cho bệnh nhân.

Sau khi nghiên cứu vụ việc vào tháng 5 vừa qua, Văn phòng luật sư đặc biệt (OSC) - tổ chức điều tra độc lập của Chính phủ Liên bang Mỹ chịu trách nhiệm xử lý các đơn thư khiếu nại của nhân viên chính quyền - khẳng định tuyên bố của nhóm các nhà khoa học làm việc cho FDA là có đủ giá trị để tiến hành một cuộc điều tra toàn diện về "mối nguy hiểm có thật và nghiêm trọng đối với sự an toàn của mọi người".

Các dữ liệu thu thập được trong nỗ lực gián điệp của FDA - bao gồm những bức thư mật gửi đến Văn phòng Quốc hội và các ủy ban giám sát, những phác thảo văn kiện pháp lý và đơn khiếu nại, e-mail cá nhân - được một nhân viên hợp đồng phụ trách quản lý tài liệu của cơ quan (được cho là do nhầm lẫn) đưa lên mạng Internet. Năm 2011, các nhà khoa học phát hiện hàng chục e-mail của họ bị FDA đọc lén nên sau đó đã phát đơn kiện vào tháng 9 cùng năm.

Không chỉ theo dõi nội bộ, FDA còn mở rộng chương trình gián điệp đến các đối tượng bên ngoài - các nghị sĩ của cả hai đảng trong Quốc hội nổi giận khi biết rằng thư từ trao đổi giữa họ và các nhà khoa học bị FDA thu thập và phân tích. Dân biểu Chris Van Hollen nằm trong danh sách theo dõi của FDA ở vị trí số 14, còn một trợ lý của Van Hollen ở vị trí số 13. Mới đây, Van Hollen tuyên bố: "Không thể chấp nhận việc FDA theo dõi những nhân viên tiếp xúc với các thành viên Quốc hội để tố cáo sự ngược đãi hay sự sai trái trong các cơ quan chính quyền". Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Charles E. Grassley cũng lên tiếng tố cáo hành động gián điệp của FDA.

Chương trình gián điệp của FDA có lẽ đã vượt khỏi những quy định của pháp luật khi cơ quan này thu thập và phân tích thông tin mật được luật pháp bảo vệ đặc biệt, trong đó bao gồm những giao tiếp giữa luật sư và thân chủ, đơn kiện của người tố giác gửi đến Quốc hội và các khiếu nại của nhân viên gửi đến chính quyền.

Stephen Kohn, luật sư đại diện cho nhóm 6 nhà khoa học bị theo dõi, cho biết ông đang có kế hoạch đưa vụ việc ra Tòa án liên bang để yêu cầu một lệnh buộc ngưng bất cứ hoạt động gián điệp nào. Các tài liệu mà FDA ra sức bảo vệ tập trung vào những bí mật thương mại mà các nhà sản xuất thiết bị y khoa và dược phẩm đệ trình lên cơ quan để xin giấy phép lưu hành cho sản phẩm.

Các nhà khoa học của FDA đang làm việc.

Nhóm luật sư của Công ty GE Healthcare buộc tội tờ The Times cho đăng một bài báo vào năm 2010 - của nhà báo Gardiner Harris, người được cho là cũng nằm trong bản danh sách theo dõi của FDA - đã đưa tin về những thiết bị chẩn đoán hình ảnh đã đăng ký độc quyền sản xuất được cho là nhân viên FDA làm lộ ra ngoài.

Sau vụ việc này, các quan chức FDA đã gặp gỡ Tổng thanh tra Bộ Y tế đề nghị mở một cuộc điều tra tội phạm về vụ rò rỉ thông tin nhưng đã bị bác bỏ. Tổng thanh tra cho biết không có bằng chứng về tội phạm, đồng thời lưu ý rằng luật pháp cho phép giới truyền thông đưa tin về "các vấn đề liên quan đến sự an toàn của mọi người". Không nản lòng, FDA bắt đầu triển khai chương trình gián điệp điện tử nhằm vào đội ngũ các nhà khoa học của cơ quan.

Phần mềm được FDA sử dụng để theo dõi các nhà khoa học là sản phẩm thương mại của Công ty SpectorSoft đặt trụ sở tại Vero Beach, bang Florida, có giá 99,95 USD cho đối tượng khách hàng sử dụng cá nhân, hay 2.875 USD để cài chương trình cho 25 máy vi tính. Sản phẩm chủ yếu cung cấp cho các công ty để theo dõi nhân viên, và cho các bậc cha mẹ dùng để giám sát việc sử dụng máy tính của con cái. Nhưng chương trình gián điệp của FDA thậm chí được phát triển mở rộng thêm để phục vụ yêu cầu tìm kiếm và phát hiện những "đối tượng" mới cần được giám sát. Nhờ chương trình này mà các quan chức FDA nhanh chóng phát hiện vụ việc một số nhà khoa học của cơ quan chuẩn bị phác thảo đơn kiện gửi đến OSC vào năm 2010.

Trước khi đơn kiện được gửi đi, FDA đã sa thải 2 tiến sĩ Robert C. Smith và Julian Nicholas, còn nhà khoa học thứ 3 - Paul T. Hardy - bị đình chỉ công tác! Không chỉ theo dõi chặt chẽ đội ngũ nhân viên của mình, FDA còn để mắt tới những thông tin mà giới báo chí chuẩn bị công bố. Ví dụ trong một trường hợp, ban lãnh đạo FDA đọc lén e-mail của Paul T. Hardy và biết rằng nhà khoa học này đang tiếp xúc với Hãng thông tấn PBS để bàn luận về một tài liệu. Ngay sau đó, FDA tìm mọi cách để biết nội dung của tài liệu sắp được công bố để có kế hoạch ngăn chặn.

Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) cam kết không đọc lén e-mail của công dân Mỹ

Hôm 9/7 vừa qua, Tướng Keith Alexander, Giám đốc NSA - cơ quan nghe lén điện tử những cuộc giao tiếp ở hải ngoại, chính thức lên tiếng trấn an người dân Mỹ rằng NSA cam kết sẽ không đọc lén e-mail cá nhân của họ sau khi luật mới về an ninh mạng cho phép các công ty tư nhân chia sẻ thông tin với chính quyền liên bang.

Tháng 4/2012, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật cho phép chính quyền và các công ty chia sẻ thông tin về hoạt động của bọn hacker. Nhưng Nhà Trắng và các nghị sĩ đảng Dân chủ Thượng viện muốn có những quy định mở rộng hơn nữa.

Dù sao người dân Mỹ vẫn lo lắng về NSA, cơ quan cũng có nhiệm vụ bảo vệ các mạng máy tính của chính quyền Mỹ, vẫn tiếp tục bí mật đọc lén những e-mail riêng tư bất chấp có luật cấm. Tuy nhiên, tướng Keith Alexander khẳng định trong diễn văn đọc tại Viện Thương mại Mỹ (AEI), rằng NSA có thể bảo vệ quyền tự do công dân, sự riêng tư và việc bảo vệ an ninh không gian mạng không đòi hỏi phải đọc lén e-mail của công dân Mỹ (được cho là vào khoảng 30 nghìn tỉ/năm).

Người ta cho rằng để ngăn chặn những cuộc tấn công mạng nhằm vào các mạng lưới điện, hệ thống giao thông hay mạng máy tính của các công ty Mỹ để đánh cắp thông tin, NSA đã tạo ra những công cụ đặc biệt có thể đe dọa đến sự riêng tư của công dân Mỹ.

Trong tháng 3/2012,  báo chí đưa tin về việc NSA đang tiến hành xây dựng một trung tâm dữ liệu khổng lồ ở Camp Williams, bang Utah, nhằm mục đích lưu trữ và phân tích cả núi thông tin giao tiếp được thu thập từ trong nước và hải ngoại. Nhưng tướng Keith Alexander nhấn mạnh: Trung tâm mới này không "lưu trữ dữ liệu về công dân Mỹ". Trung tâm này có diện tích gần 100 hecta với không gian chứa thiết bị máy tính rộng khoảng 10km2 dự kiến hoàn thành vào năm 2013. Tướng Keith Alexander thậm chí gọi sự hoài nghi về việc thông tin cá nhân bị lưu trữ ở trung tâm Utah là "vớ vẩn", đồng thời nhấn mạnh điều đó hoàn toàn không đúng với sự thật!

Về phía mình, các quan chức Mỹ cho biết Trung tâm Dữ liệu Utah được xây dựng  nhằm mục đích hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ An ninh nội địa (DHS), cung cấp thông tin tình báo và cảnh báo về những mối đe dọa trên mạng cũng như tiến hành những chiến dịch an ninh mạng cần thiết. Họ cũng nói thêm rằng, Trung tâm Utah cũng gánh vác sứ mạng bảo vệ các hệ thống máy tính của Lầu Năm Góc trước những nguy cơ tấn công mạng.

Từ năm 2006, người dân Mỹ đã biết chuyện NSA (liên kết với các công ty viễn thông như AT&T) bí mật thu thập thông tin cá nhân của hàng triệu công dân nước này. Và không lâu sau đó, Tổ chức Ranh giới thông tin điện tử (EFF) - một tổ chức bảo vệ quyền lợi người dùng máy tính ở Mỹ - đã có những cố gắng nhằm ngăn chặn tình trạng này.

Quan chức EFF cho biết, NSA thành lập một "phòng bí mật" bên trong cơ sở của AT&T ở San Francisco, nằm cách Văn phòng của EFF chưa đến 1km, để truyền trực tiếp những dữ liệu Internet, các cuộc gọi điện thoại và e-mail của công dân Mỹ về trụ sở của NSA.

Năm 2009, sau khi Tổng thống George W. Bush rời Nhà Trắng, tạp chí New York Times đưa tin, NSA vẫn tiếp tục bí mật thu thập "có hệ thống" những thông tin cá nhân của người dân với số lượng "đáng kể".

Năm 2010, tờ Washington Post báo cáo: Mỗi ngày, các hệ thống thu thập thông tin của NSA nghe lén và lưu trữ khoảng 1,7 tỉ e-mail, cuộc gọi điện thoại và các hình thức giao tiếp khác của người dân Mỹ!

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.