Mỹ: Cấm súng, nhưng không cấm được tội ác

Thứ Năm, 03/04/2008, 11:00
Ngày 24/9/1976, một trong những bộ luật cấm súng chặt chẽ nhất ở Mỹ bắt đầu có hiệu lực tại quận Columbia (gọi tắt là DC, nơi đặt thủ đô Washington, Mỹ). Luật này không cho phép công dân sở hữu riêng bất kỳ khẩu súng ngắn nào - dù rằng thành phố vẫn còn đầy rẫy bạo lực.

Chỉ ít tuần tiếp theo đó, một người đàn ông cầm khẩu súng ngắn khống chế nhân viên một văn phòng liên bang trong một khu phố thương mại - ngay giữa ban ngày ban mặt. Chưa hết, một tài xế taxi bị bắn vào đầu và một thượng nghị sĩ bị 3 thiếu niên mang theo một khẩu súng ngắn tấn công và cướp ở gần tòa nhà Quốc hội Mỹ.

Kể từ khi luật cấm súng cá nhân được thông qua, hơn 8.400 nạn nhân bị giết chết tại quận Columbia, nhiều người trong số đó bị giết bằng súng ngắn. Gần 80% trong 181 vụ giết người vào năm 2007 có liên quan đến súng. Tòa án Tối cao Mỹ đang tiến hành xem xét lại những tranh cãi quanh việc thi hành luật cấm súng không thực sự hiệu quả.

Tuy nhiên, giới lãnh đạo quận Columbia cho rằng luật có hiệu lực trong việc giảm bớt sự nhiễu nhương của súng ống ngoài đường phố, và rằng bạo lực sẽ lại bùng phát nếu hủy bỏ luật này. Súng ngắn vẫn còn lưu hành rầm rộ tại các tiểu bang như Maryland và Virginia, nhưng các viên chức tại Columbia khẳng định luật cấm súng giúp giảm số lượng súng ngắn sở hữu hợp pháp bị đánh cắp và sử dụng trong các vụ thanh trừng và giết hại nhau ngay trong khu vực của họ.

Một số người tin rằng số liệu mà họ thu thập được chứng tỏ điều ngược lại: Bạo lực tiếp tục vô phương kiểm soát bất kể luật cấm. Và trong lúc bọn tội phạm dễ dàng kiếm vài khẩu súng để phạm pháp, người dân vô tội lại bị từ chối có phương tiện tự vệ cho bản thân.

Shelly Parker, người bị một tay buôn lậu ma túy uy hiếp và đe dọa tại căn nhà cũ (gần tòa nhà Quốc hội Mỹ) của chị, cho biết: “Thật vô lý khi bọn tội phạm cứ mang súng tấn công thường dân, trong khi chúng tôi không tự bảo vệ được mình, vì bất cứ ai sở hữu súng là có tội".

Những người từng sống chung với bạo lực súng ống trên các đường phố Washington, một số trong họ còn rất trẻ, mô tả lại một bức tranh ô uế mà theo cách gọi của họ là "Có khẩu súng ngắn trong tay dễ lắm!". Người ta có thể mua một khẩu súng chỉ với vài trăm USD và vài cuộc gọi điện thoại “đúng chỗ”! Maurice Benton, một thanh niên 19 tuổi chưa từng có súng, trở thành nạn nhân của một băng nhóm bụi đời, khi anh ra về sau một bữa tiệc hồi năm 2006.

Lệnh cấm súng ở Washington vào thời đó được xem như “vị cứu tinh cho thủ đô”. Khởi nguồn từ những cuộc bạo loạn xảy ra năm 1968, tình trạng phạm pháp bạo lực cứ mãi gia tăng, đến mức công dân quận Columbia bỏ chạy qua các bang lân cận. Năm 1974, tức 2 năm trước khi lệnh cấm có hiệu lực, hơn phân nửa tổng số vụ giết người đều có liên quan đến súng ngắn.

Uớc tính có 22.000 người sở hữu súng có giấy phép tại đây vào năm 1976, nhưng cuộc điều tra dư luận của Trường đại học Georgetown cho thấy chỉ có 3 trong 4 cư dân thành phố ủng hộ bộ luật này.

Luật cấm mọi hình thức sở hữu riêng súng ngắn, ngoại trừ các viên chức hành pháp và những người có giấy phép sử dụng súng trước thời điểm lệnh cấm có hiệu lực. Súng săn và súng trường là hợp pháp, nhưng chúng phải được tháo rời hoặc cất trong kho trong tình trạng khóa cò súng.

Chỉ trong vòng vài năm sau, các vụ giết người trong khu vực thủ đô giảm đáng kể, một phần cung nhờ tỉ lệ tội phạm trên toàn nước Mỹ giảm nhanh chóng. Năm 1977, Hội nghị các thị trưởng và thống đốc Mỹ thông báo rằng cướp bóc, tấn công cướp giật và giết người bằng súng ngắn (cá nhân) tại DC đã giảm, coi thành phố này như tấm gương điển hình về chống tội phạm và trọng án có súng.

Thế nhưng, không lâu sau đó, vào cuối thập niên 80 đầu 90 thế kỷ trước, những vụ giết người tại thủ đô Washington - cũng như các thành phố khác trên nước Mỹ - bắt đầu gia tăng vì... đại dịch ma túy. Chẳng hạn năm 1991, có tới 479 vụ giết người cướp của, tức 81 người chết/100.000 dân, đẩy DC lên hàng báo động đỏ “Thủ đô giết người của nước Mỹ”.

Mãi cho đến cuối thập niên 90 thế kỷ trước, số vụ người chết hàng năm vì súng đạn bắt đầu giảm theo đà giảm của "dịch bệnh" ma túy. Trong 10 năm qua, một số khu lân cận của thủ đô Washington và DC bắt đầu lấy lại sức sống mới, thu hút ngày một nhiều cư dân các nơi khác trở lại làm ăn.Năm 2007, cảnh sát cho biết chỉ còn có 187 vụ giết người chủ yếu do thanh trừng lẫn nhau giữa các băng nhóm đường phố.

Nhưng vị trí địa lý của DC vẫn còn nhiều trở ngại trên mặt pháp luật. Không thể thả lỏng lệnh cấm, vì Washington giáp với 2 tiểu bang Virginia và Maryland, nơi súng cá nhân được xem là hợp pháp và người ta có thể mua súng dễ dàng bên tiểu bang láng giềng.

Số lượng súng bị cảnh sát thu giữ trong những năm gần đây tăng phi mã, đạt mức 2.924 khẩu trong năm 2007, nghĩa là hơn gần 1.000 khẩu súng so với năm 2003. Hầu hết những khẩu súng đó không mang mục đích phòng vệ bản thân, mà là để gây tội ác...

Lệ Đào (tổng hợp)
.
.