Mỹ: Chính trường nổi sóng vì vụ “vượt rào đàm phán với quân khủng bố”

Thứ Năm, 19/06/2014, 21:15

Ngày 31/5 vừa qua, Tổng thống Barack Obama thông báo: Trung sĩ bộ binh Bowe Bergdahl đã được trả tự do sau gần 5 năm bị Taliban bắt giữ làm con tin. Đổi lại, Mỹ phải thả 5 tù nhân Taliban bị giam giữ ở căn cứ Guantanamo bấy lâu nay. Ngay tức khắc, tin này trở thành đề tài gây tranh cãi trong chính trường Mỹ. Khinh thường giới lập pháp và vượt rào khi đàm phán với khủng bố là hai "tội" mà Chính phủ Obama đã phạm phải khi thả 5 tên khủng bố khét tiếng để đổi lấy một binh sĩ bị tình nghi đào ngũ.

Câu chuyện bắt đầu 5 năm trước đây khi Bergdahl bị Taliban bắt làm tù binh ở Afghanistan. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, từ đầu năm 2011, Chính phủ Mỹ đã mở một đường dây ngoại giao để nói chuyện trực tiếp với Taliban, xoay quanh đề tài giải quyết cuộc chiến Afghanistan trước khi Mỹ và NATO rút quân khỏi chiến trường này.

Theo quan điểm của Washington và các nước đồng minh, tình hình Afghanistan chỉ thật sự yên ổn nếu Taliban đồng ý buông súng, ngưng các hoạt động khủng bố để tham gia vào chính trường quốc gia. Trong những cuộc điều đình chính trị và quân sự đó, các viên chức ngoại giao Mỹ có nói đến trường hợp của trung sĩ Bergdahl, bảo là "anh thả người của tôi, tôi sẵn sàng thả người của anh đang bị giam giữ ở Guantanamo".

Những tưởng cuộc trao đổi tù binh sẽ được tiến hành ngay sau đó, nhưng không ngờ tháng 3/2012, phía Taliban ngưng tất cả mọi cuộc tiếp xúc, sau đó công khai với giới truyền thông quốc tế là họ có cảm tưởng Mỹ không thật tâm muốn nói chuyện hòa giải. Mãi đến mùa hè năm ngoái, khi Chính phủ Qatar đồng ý cho Taliban mở văn phòng trên lãnh thổ của họ, Washington mới nhờ nước đồng minh này giúp bắt lại nhịp cầu thương thuyết.

Một viên chức tham dự vào chuyện này ngay từ ngày đầu tiên cho biết: "Chúng tôi không ngờ bên Qatar chưa động tĩnh gì thì phía Taliban đã bắn tiếng cho hay sẵn sàng thảo luận tiếp về trường hợp của trung sĩ Bowe Bergdahl. Điều kiện họ (Taliban) đặt ra là phải qua trung gian Qatar và một số nước Trung Đông khác". Mỹ đồng ý, đòi hỏi phải cho biết tin tức đích xác về trung sĩ Bergdahl trước khi hai bên đi tiếp.

Trước đây Taliban thường phổ biến trên mạng hình ảnh, tin tức mà họ muốn công bố, lần này họ giao thẳng cho các viên chức ngoại giao và quốc phòng Mỹ một cuốn video ghi lại một vài sinh hoạt của Bergdahl. Những hình ảnh này cho thấy dù vẫn tự đi lại được nhưng sức khỏe của binh sĩ Mỹ 28 tuổi khá yếu, và dựa theo đó, Washington quyết định đẩy mạnh cuộc thương thuyết để cứu Bargdahl càng sớm càng tốt.

Phải mất gần 9 tháng sau ngày có được cuốn video đó, cuộc thương thuyết mới hoàn tất. Trung sĩ Bergdahl được Taliban trả tự do, phía Mỹ đồng ý trao cho chính phủ Qatar 5 tù binh Taliban đang bị giam giữ ở Guantanamo, kèm theo điều kiện chính phủ Qatar phải cam kết: 5  người này sẽ không bao giờ hoạt động khủng bố hay ủng hộ khủng bố, và trong vòng 12 tháng tới, họ không được phép rời Qatar. Sau thời gian đó, không biết họ sẽ đi đâu, ở lại Qatar hay về Pakistan, Afghanistan, hoặc đi một nước nào khác... không ai biết.

Tổng thống Barack Obama cùng cha mẹ của trung sĩ Bowe Bergdahl tại Nhà Trắng hôm 31/5.

Cuộc trao đổi hoàn tất suôn sẻ, nhưng sóng gió lại nổi lên ở Washington vì hai lý do. Thứ nhất là luật pháp và thứ nhì là đạo đức. Theo luật pháp Mỹ, cơ quan hành pháp có trách nhiệm phải thông báo cho Quốc hội biết ít nhất 30 ngày trước khi di chuyển tù nhân khỏi trại giam Guantanomo. Đằng này, Bộ Quốc phòng chỉ cho Quốc hội biết tin sau khi chuyện xảy ra.

Về mặt đạo đức, theo cách nhìn của một số người, Taliban là một lực lượng khủng bố có liên hệ với Al-Qaeda, nên chính phủ Obama đã điều đình, thương thuyết với khủng bố, đó là điều không thể chấp nhận được, vì đi ngược với nền tảng đạo đức của nước Mỹ, cũng như đi ngược với những gì mà Mỹ từng nói với thế giới là không bao giờ thương thuyết với quân khủng bố cả.

Vì thế, ngay sau khi được báo tin, dân biểu Howard McKeon (Cộng hòa), Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện, và thượng nghị sĩ James Inhofe (Cộng hòa), nhân vật cao cấp nhất của đảng Cộng hòa ở Ủy ban Quốc phòng Thượng viện, cho công bố bản tuyên bố chung, trong đó quan trọng nhất là đoạn nội dung cho rằng cuộc trao đổi này đã tạo cơ hội và lý do cho khủng bố bắt giữ công dân Mỹ vì họ nghĩ rằng, sớm muộn gì chính phủ Mỹ cũng sẽ điều đình với họ.

Trung sĩ Bowe Bergdahl (trái) đã bị lực lượng Taliban bắt giữ từ năm 2009.

Cũng phải nói thêm ở đây là cả 5 người mới được cphủ Mỹ trao cho Qatar đều là những nhân vật từng giữ các chức vụ, vai trò quan trọng, có người từng điều khiển hệ thống quân đội của Taliban, có người từng làm trong ban tham mưu, có người từng chuyên lo tình báo, cũng có người từng bị Liên Hiệp Quốc lên án vì chủ mưu giết chết cả ngàn người Hồi giáo Shiite.

Do đó, hầu như chẳng ai ngạc nhiên khi thấy thượng nghị sĩ John McCain (Cộng hòa) có đưa ra bản tuyên bố chỉ trích ông Obama đã điều đình và trả tự do cho quân khủng bố, những người mà bàn tay nhuốm đầy máu của binh sĩ Mỹ và máu của người dân Afghanistan.

Đáp lại, đầu tiên, một cố vấn của Tổng thống Obama nói rằng, lý do tại sao không thể báo cho Quốc hội biết trước 30 ngày vì "thấy có cơ hội để cứu Bergdahl thì phải làm ngay". Sau đó, tới lượt Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel lên tiếng vì tình trạng sức khỏe của trung sĩ Bergdahl nên phải quyết định tức khắc, không thể để chậm trễ hơn được.

Ngoài ra, trước những chỉ trích nói là Nhà Trắng thương lượng với khủng bố thì một viên chức của Hội đồng An ninh Quốc gia có nói với báo chí rằng, khi thảo luận với Chính phủ Afghanistan về kế hoạch rút quân, cả Mỹ lẫn Kabul đều đồng ý là tình hình Afghanistan sẽ yên ổn hơn nếu có sự tham dự của Taliban trong chính trường. Viên chức này cũng đề cập  rằng, những người mới được trả tự do đều là những người chính Tổng thống Hamid Karzai của Afghanistan từng yêu cầu Tổng thống Obama trả tự do cho họ.

Đang công du tại Varsava, Ba Lan, ngày 3/6, Tổng thống Mỹ đã phải lên tiếng giải thích về vụ trao đổi tù binh với Taliban với hy vọng dập tắt mọi chỉ trích từ phe Cộng hòa. Ông khẳng khái tuyên bố: "Mỹ luôn có một nguyên tắc thiêng liêng: chúng ta không bỏ lại bất kỳ quân nhân nào, dù đó là phụ nữ hay đàn ông. Nếu như có một công dân Mỹ bị bắt cóc, chúng ta phải đem họ trở về".

Lập luận đó không được giới lập pháp chấp nhận. Ngày 4/6, Nhà Trắng đồng ý cử người sang Thượng viện để trình bày cho các vị dân cử lưỡng đảng biết tất cả mọi chuyện dẫn đến cuộc trao đổi đang gây nhiều tranh cãi đó. Vì đây là cuộc họp kín, nên hai phía đều không tiết lộ những điều được nói tới trong phiên họp, nhưng chỉ nhìn các khuôn mặt nghiêm nghị của các vị nghị sĩ khi bước vào phòng họp và với khuôn mặt đăm chiêu lẫn bực bội khi họ rời phòng họp, đủ cho mọi người hiểu cuộc gặp diễn ra trong bầu không khí đầy căng thẳng.

Giới lập pháp Mỹ đặc biệt không hài lòng về chuyện Nhà Trắng xé rào không thông báo trước 30 ngày như luật định, cũng như không hài lòng với việc đổi 5 tên khủng bố thuộc hàng cao cấp nhất của Taliban lấy một binh sĩ Mỹ, nhất là quân nhân được đánh đổi lại là người bị chính các đồng đội tố cáo là đào ngũ, không xứng đáng để được quốc gia đón chào như những anh hùng quân đội đã cầm súng chiến đấu trước khi họ bị địch quân bắt làm tù binh. Đồng đội của Bergdahl còn nói rằng, Bergdahl phải chịu trách nhiệm về cái chết của những binh sĩ đã hy sinh trong những cuộc hành quân được thực hiện để tìm và giải cứu anh ta.

Bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết sẽ mở cuộc điều tra để tìm hiểu sự thật về chuyện này. Thượng nghị sĩ Jon Tester lớn tiếng phê phán: lẽ ra Bộ Quốc Phòng phải mở cuộc điều tra ngay từ ngày đầu khi Bergdahl vừa bỏ trại, vì "nếu anh ta đào ngũ mà chúng ta chấp nhận trao đổi những tên khủng bố để lấy một anh lính đào ngũ thì đó quả là điều quá tệ".

Theo giới phân tích, vụ lùm xùm trên của chính quyền Obama sẽ kéo dài và ảnh hưởng đến cả cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2016

Đan Kô (tổng hợp)
.
.