Chuyện "bạo hành tư pháp" ở sân bay quốc tế

Thứ Sáu, 10/03/2017, 11:05
Sử gia Pháp Henry Rousso chuyên về nạn diệt chủng và sự chiếm đóng Pháp của Đức Quốc xã suýt bị đuổi khỏi nước Mỹ trong khi định đi đến một trường đại học ở Texas.

                  

Ở tuổi 62, Henry Rousso sinh ra tại Ai Cập, là giáo sư đại học và giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS). Ông xác nhận đã có lời mời của ban giám hiệu trường Đại học A&M ở Texas và dự định sẽ đến đấy vào ngày 22-2. Ban gíám hiệu trường đại học đã ngăn cản việc trục xuất giáo sư với sự trợ giúp của giáo sư luật Fatma Marouf chuyên về vấn đề nhập cư.

Giáo sư Henry Rousso từng được mời đến nhiều trường đại học hay trung tâm nghiên cứu, nhất là tại Harvard hay Bảo tàng chứng tích diệt chủng Washington ngoài Đại học A&M ở Texas, và ông đã xuất bản quyển "Hội chứng Vichy" (1987). Website "The Eagle" dẫn lời giáo sư Richard Golsan ở Đại học A&M cho biết, giáo sư Henry Rousso đã bị "tạm giữ do sai lầm" suốt 10 tiếng đồng hồ và suýt bị đuổi trở về nước Pháp vì sự hiểu lầm liên quan đến visa của ông.

Giáo sư Henry Rousso.

Sau đây là lời kể của giáo sư Henry Rousso:

"Ngày 22-2 vừa qua, từ Paris tôi đến phi trường Houston lúc 14h30. Tôi phải đến trường Đại học A&M, nơi tôi được mời đến nhiều lần trong những năm gần đây. Tại quầy nhập cảnh, một viên chức không cho tôi vào và đưa tôi đến phòng bên cạnh để kiểm tra mà không có một lời giải thích. Có khoảng 30 người đang chờ được kiểm tra về quy chế của họ. Tôi quan sát sự ra vào một cách máy móc.

Sau khoảng 45 phút, trong khi đa số những người trong phòng ra về không có vấn đề gì, một sĩ quan cảnh sát đến yêu cầu tôi đi theo anh ta vào một văn phòng đặc biệt. Thế là bắt đầu một cuộc thẩm vấn  không chính thức. Tôi hỏi vì sao tôi phải ở đấy, anh ta đáp: "Kiểm tra bất chợt". Anh ta hỏi tôi đến Mỹ để làm gì và tôi cho anh ta xem thư mời của trường đại học. Việc này có được trả tiền không? Tôi xác nhận - đó là nguyên tắc tại nhiều trường đại học ở Mỹ. Anh ta bảo rằng tôi chỉ có visa du lịch chứ không phải visa làm việc. Tôi đáp rằng tôi không cần vì trường đại học sẽ lo tất cả các thủ tục như thường lệ, và tôi đã làm thế từ hơn 30 năm qua mà không có rắc rối gì.

Quả thật từ tháng 9-2016 đến tháng 1-2017 tôi từng là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Columbia (New York). Anh ta lại kết luận tôi đến làm việc một cách bất hợp pháp với visa đã hết hạn. Dù tôi cố giải thích rằng tình trạng của tôi không có gì bất bình thường, nếu không trường đại học đã không mời tôi, nhưng chẳng hiệu quả. Vì không có bất kỳ chứng từ liên bang nào cho phép tôi làm việc tại Mỹ nên tôi đã vi phạm luật. Quyết định sẽ được cấp trên của anh ta đưa ra sau đó (người mà tôi không thể gặp).

Chúng ta lại bị đảo lộn vào một vũ trụ khác. Viên cảnh sát bắt tôi thề rồi thẩm vấn tôi sâu hơn: về cha tôi, mẹ tôi, tình trạng gia đình, đặt ra hàng chục lần cùng một câu hỏi: "Ai tuyển dụng ông?", "Ông ngụ ở đâu?"… Anh ta lấy dấu vân tay của tôi tuy chúng đã được lưu trong hệ thống như mọi hành khách khác. Anh ta lục soát tôi kỹ lưỡng dù tôi phản đối. Anh ta nói "đó là thủ tục".

Kiểm tra visa và thông hành tại phi trường.

Sau đó anh ta giải thích rằng tôi sẽ bị trả về Pháp trên chuyến phi cơ sắp tới. Anh ta còn nói rằng tôi sẽ không bao giờ được trở lại Mỹ nếu không có visa đặc biệt. Tôi thật ngỡ ngàng nhưng chẳng làm được gì khác hơn là thông báo cho các đồng nghiệp tại trường đại học. Viên cảnh sát hỏi tôi có muốn liên lạc với Lãnh sự quán Pháp tại Houston không, tôi đồng ý nhưng chính anh ấy quay số.

Nhiều giờ sau, khoảng 19h, anh ta gọi cho tổng đài chứ không phải số khẩn cấp nên không có kết quả. Anh ta cũng cho biết không liên lạc được với hãng Air France để lấy vé cho tôi. Đã qua 5 giờ và tôi biết rằng sẽ không có diễn biến gì trước sáng mai.

Thế là tôi chuẩn bị trải qua 10 hay 20 giờ ngồi trên ghế mà không có điện thoại trước khi có được 1 chiếc ghế bành thích hợp cho một người đã trải qua chuyến bay dài. Cứ mỗi giờ, một  nhân viên lại đến hỏi chúng tôi có ăn hay uống gì không, và chúng tôi phải ký vào 1 quyển sổ đã chấp nhận hay từ chối.

Bất chấp sự căng thẳng, tôi vẫn quan sát những gì diễn ra tại nơi khác thường này, vừa là phòng chờ vừa là chỗ tạm giam. Trong khi đa số cảnh sát có thái độ nghiêm chỉnh và lịch sự, một vài người khác lại kín đáo cười cợt khi quan sát đám người "hổ lốn" này. Một nữ cảnh sát la mắng một phụ nữ vì đứa con 3 tuổi của bà ta chạy khắp nơi. Một người đàn ông đứng lên để hỏi về tình trạng của ông ta. Ba viên cảnh sát hét lên ra lệnh cho ông ta ngồi xuống ngay.

Đến 21 giờ, trong phòng còn lại khoảng 6 người đang buồn ngủ và lo lắng, tôi là người châu Âu, người "da trắng" duy nhất. Lúc ấy có 2 sĩ quan cảnh sát đi vào và tiến đến người đàn ông ngồi phía trước tôi, có lẽ là một người Mexico. Họ chìa cho ông xem chiếc vé phi cơ và cho biết sẽ đưa ông đi. Họ bảo ông đứng lên rồi còng tay, mắc xích vào người và cổ chân. Tôi không thể tin vào mắt mình.

Những hình ảnh về nô lệ lướt qua tâm trí tôi. Cô cảnh sát đang còng chân ông ta có vẻ khó chịu, có lẽ cô ấy là người Mỹ gốc Phi. Tôi tự hỏi phải chăng tình cảnh đó đang chờ đợi tất cả chúng tôi. Tôi muốn nghĩ rằng ông ta đã phạm phải một tội lỗi nghiêm trọng. Nhưng sau đó tôi biết rằng đấy là "thủ tục". Cách làm không thích đáng đó đã được các công ty hàng không yêu cầu.

Sự chờ đợi tiếp tục, lần này có thêm nỗi lo âu. Đến 1h30 sáng - tôi rời nhà ở Paris đã hơn 26 giờ- một nữ cảnh sát tiến đến phía tôi và hỏi xem có ai chờ tôi ở phi trường không. Tôi trả lời với  chút bực tức rằng người tài xế của trường đại học có lẽ đã bỏ về. Cô ấy yêu cầu tôi đừng ngủ vì có thể tôi sẽ được gọi.

Vài phút sau, một cảnh sát có thái độ thiện cảm đến trả lại tôi chiếc điện thoại và giấy thông hành đã đóng dấu rồi tuyên bố tôi đã được vào nước Mỹ. Anh ta bảo rằng người cảnh sát trước đó "thiếu kinh nghiệm" nên không biết đến một số hoạt động như nghiên cứu và giảng dạy được hưởng  chế độ ngoại lệ, chỉ cần  visa du lịch.

Tôi sững sờ và bảo rằng đấy là một sai lầm nhưng anh ta không trả lời. Anh ta chỉ nói rằng với kinh nghiệm, anh ta chỉ biết đến tình hình khi thay ca đêm. Anh ta tiễn tôi ra cổng phi trường vắng ngắt và cho tôi địa chỉ một khách sạn trong khu vực. Chưa lúc nào anh ta và các đồng nghiệp ngỏ lời xin lỗi tôi.

Thật ra việc tôi được trả tự do không phải là tình cờ. Đó là nhờ sự can thiệp của 1 đồng nghiệp với hiệu trưởng trường A&M, một nữ giáo sư luật chuyên về vấn đề nhập cảnh và nhiều luật sư, nếu không tôi cũng bị còng tay xích chân và đưa lên phi cơ trả về nước".

Ngày càng có nhiều sự cố loại này xảy ra gần đây. Ngày 25-2, con trai của tay boxing lừng danh Mohamed Ali (Cassius Clay) đã bị giữ tại phi trường trong 2 giờ khi vào Mỹ. "Anh có tên này từ đâu? Anh là người Hồi giáo à?" Đấy là bản thẩm vấn mà con trai của Ali phải trải qua khi trở về từ Jamaica. Giới truyền thông cho biết anh ta đã bị cảnh sát giữ và thẩm vấn suốt 2 giờ vì cái tên có âm ngữ Ả Rập. Mohamed Ali Jr., 44 tuổi, chào đời tại Philadelphia (Pennsylvania), đi cùng với mẹ, bà Khalilah Camacho-Ali, vợ cũ của đấu sĩ boxing qua đời năm 2016.

Giáo sư Henry Rousso nhận định: "Là sử gia, tôi tránh việc suy luận hấp tấp. Nhưng sự cố này đã khiến tôi thấy khó chịu. Tôi không thể không nghĩ đến những người phải chịu sự sỉ nhục đó và việc bạo hành tư pháp mà không có được sự bảo vệ như tôi. Thuở nhỏ tôi đã từng chịu cảnh trục xuất và lưu vong. Trường hợp của tôi là một "vấn đề".

Có lẽ đó là do nơi sinh của tôi là Ai Cập, có lẽ là do quy chế giáo sư đại học hay visa đã hết hạn hoặc cũng do quốc tịch Pháp của tôi. Nhưng dù tôi có mắc sai lầm gì, liệu có cần phải đối xử với tôi như thế không? Làm sao giải thích sự năng nổ của viên cảnh sát kiểm tra tôi và cấp trên của anh ta nếu không phải là do chỉ tiêu để biện minh cho việc kiểm soát tích cực đó? Giờ đây châu Âu phải đối phó với nạn độc đoán và hoàn toàn thiếu năng lực. Tôi không biết thứ nào là tệ hơn. Điều tôi biết, dù luôn yêu mến đất nước này, là nước Mỹ không hoàn toàn là nước Mỹ nữa".

Minh Luân (theo Huffington Post)
.
.