Mỹ-Iran: “Chỉ cần một viên gạch bị rút, cả tòa nhà có thể sụp đổ”

Thứ Tư, 27/09/2017, 17:44
Quan hệ Mỹ-Iran leo thang căng thẳng sau những cuộc đấu khẩu ngoại giao giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani tại Đại hội đồng LHQ hôm 19 và 20-9. Liệu Mỹ có thể đơn phương xé bỏ thỏa thuận hạt nhân về Iran và đâu là động cơ thực sự của chính quyền Washington khi làm căng vụ việc này?

Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại

Ngày 23-9, tức 3 ngày sau khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani có bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ phản bác cách Tổng thống Trump gọi Iran là nhà nước “côn đồ”, Tehran đã bắn thử tên lửa tầm trung mới và nói rằng, Iran sẽ tăng cường chương trình tên lửa của mình mà không cần xin phép bất kỳ nước nào.

Đây được coi là sự thách thức bằng hành động và thể hiện rõ thái độ cứng rắn “truyền thống” của Iran với Mỹ dù dưới bất kỳ chính phủ nào, Cộng hòa hay Dân chủ. Nhưng chính quyền ông Trump cũng không phải dễ bị hù dọa. Ngay trong ngày 23-9, Tổng thống Donald Trump đề nghị xem xét lại thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết năm 2015, đồng thời cáo buộc Iran câu kết với Triều Tiên.

Trên trang mạng Twitter, Tổng thống Mỹ viết: “Iran vừa thử nghiệm một tên lửa đạn đạo có khả năng bắn đến lãnh thổ Israel. Chính quyền Iran còn hợp tác với Triều Tiên. Chúng ta thật sự chưa đạt được một thỏa thuận”.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani (giữa) chủ trì cuộc duyệt binh kỷ niệm 37 năm sự kiện Iraq xâm lược Iran ngày 22-9.

Phản ứng trước tuyên bố này, ngày 25-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Ghasemi khẳng định: “Không có nét tương tự hay tương đồng nào” giữa tên lửa của nước này với các hoạt động của Triều Tiên, và nhấn mạnh cáo buộc của nhà lãnh đạo Mỹ khi cho rằng, hai nước đang hợp tác cùng nhau trong chương trình phát triển tên lửa đạn đạo là “một sự dối trá trắng trợn”.

Phát biểu với báo giới, đại diện Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố: “Đây rõ ràng là một cáo buộc vô lý và không có căn cứ”. Trước đó, ngày 24-9, Mỹ đã gia hạn lệnh cấm nhập cảnh với công dân Iran. Hồi tháng 6-2017, Tổng thống Trump ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân từ các nước từ chối chia sẻ thông tin với Mỹ hoặc chưa thực hiện các biện pháp an ninh cần thiết, trong đó có Iran. Ngày 24-9 lệnh cấm trên hết hạn và ngay lập tức được chính quyền Mỹ gia hạn...

Ngày 25-9, kênh truyền hình nhà nước IRIB của Iran đưa tin Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã lên tiếng chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump vì lệnh cấm nhập cảnh mới mà chính quyền Mỹ áp đặt lên Iran.

Những leo thang căng thẳng này đang đe dọa tới thỏa thuận hạt nhân giữa 6 cường quốc thế giới, trong đó có Mỹ dưới thời Barack Obama, ký với Iran năm 2015. Nhân khóa họp thường niên Đại hội đồng LHQ lần thứ 72, Ngoại trưởng Iran và 6 cường quốc tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân (Anh, Nga, Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Đức) đã có phiên họp đầu tiên kể từ sau thắng lợi bầu cử của ông Donald Trump.

Cuộc họp kéo dài một giờ, nhưng các bên đã không giải tỏa được bế tắc trước lời đe dọa ngày càng quyết liệt của Tổng thống Trump đòi hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran mà chính quyền Barack Obama đã ký.

Đây cũng là lần đầu tiên hai ngoại trưởng Rex Tillerson của Mỹ và Mohammad Javad Zarif của Iran gặp nhau và có những “trao đổi trực tiếp” khá lâu. Tuy nhiên, AFP nhận thấy cho dù “cần thiết” lắng nghe quan điểm của các bên, như lời Ngoại trưởng Mỹ, cuộc họp hôm 20-9 vẫn không xóa tan được mối ngờ vực về các dụng ý của Mỹ.

Theo Ngoại trưởng Mỹ, thỏa thuận hạt nhân Iran “có nhiều vấn đề lớn”. Tổng thống Trump vẫn luôn khẳng định đây là “một trong những hiệp định tồi tệ nhất mà Hoa Kỳ từng tham gia” và ông nhiều lần đe dọa hủy bỏ văn bản này.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc ngày 20-9.

Như để trấn an Mỹ, một số nước, trong đó có Pháp, đề xuất thương lượng lại về một vài thời điểm áp dụng các nội dung của thỏa thuận, cũng như các chủ đề phụ có liên quan như vai trò của Iran tại Trung Đông. Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, các bên không hẳn là “thương thuyết lại” thỏa thuận, mà chỉ là “bổ sung” thêm. Thế nhưng, trên diễn đàn Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Iran Hasan Rohani đã dập tắt mọi hy vọng mở lại đàm phán.

Ông cho rằng thảo luận với một Chính phủ Mỹ chuyên “chà đạp các cam kết quốc tế của chính mình chỉ làm phí thời gian”. Tổng thống Iran nhắc lại: “từng chữ từng câu” trong thỏa thuận đã được các bên tham gia ký kết tranh luận gay gắt, đồng thời cảnh báo nguy cơ “chỉ cần một viên gạch bị rút, cả một tòa nhà có thể sụp đổ”.

Từ đây đến ngày 15-10-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải đưa ra đánh giá về việc Iran có tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận hay không. Nếu người đứng đầu Nhà Trắng ra quyết định phủ nhận, Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để quyết định việc áp đặt trở lại những biện pháp trừng phạt đã được miễn trừ cho Iran theo thỏa thuận ký năm 2015 và hành động này được coi như là “khai tử chính trị” thỏa thuận, theo nhận định của các nhà ngoại giao.

Chính sách “hai mặt”

Theo Reuters, ngày 20-9, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini khẳng định tất cả các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc trên thế giới được ký vào tháng 7-2015, đều đang thực thi thỏa thuận này. Nội dung thỏa thuận hạn chế Iran phát triển các cơ sở hạt nhân để đổi lại việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận.

Phát biểu tại LHQ sau khi các bên ký thỏa thuận tiến hành một cuộc họp, bà Mogherini nhấn mạnh: bất cứ vấn đề nào bên ngoài phạm vi thỏa thuận hạt nhân cần được giải quyết trong một diễn đàn khác. Bà cũng cho hay, Mỹ - nước vốn hoài nghi về giá trị của thỏa thuận này - đã nhất trí rằng Iran đang thực thi đầy đủ thỏa thuận nói trên.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 21-9 cho biết những căng thẳng mới đây trên Bán đảo Triều Tiên đã cho thấy tầm quan trọng của Thỏa thuận hạt nhân Iran hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Ông Vương Nghị nhấn mạnh, Trung Quốc ủng hộ và sẽ bảo vệ JCPOA.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho rằng, việc Mỹ rút khỏi JCPOA sẽ ngăn cản những cường quốc khác như Triều Tiên tham gia các cuộc đàm phán quốc tế về việc chấm dứt chương trình hạt nhân. Theo ông Gabriel, các cường quốc thế giới đều quan tâm đến việc duy trì Thỏa thuận hạt nhân Iran và cần nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới để kéo dài hiệu lực của thỏa thuận này.

“Sẽ là một bi kịch khi JCPOA đứng trước nguy cơ đổ vỡ vào thời điểm những quốc gia khác như Triều Tiên đang phát triển chương trình hạt nhân và chúng ta cần những thỏa thuận như vậy hơn bao giờ hết”.

Cũng liên quan đến vấn đề trên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tái khẳng định cam kết của Nga tham gia JCPOA và cho biết sẽ tiếp tục ủng hộ thỏa thuận này. Theo ông Lavrov, các bên tham gia đã xem xét báo cáo mới nhất của Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano khẳng định việc Iran tuân thủ đầy đủ các điều khoản của JCPOA.

Theo giới quan sát quốc tế, nhìn bề ngoài, có vẻ như là số phận của thỏa thuận hạt nhân Iran đang bị đe dọa nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu xét về lợi ích của Mỹ lẫn Iran thì chuyện không hẳn nghiêm trọng đến thế. Đúng là ông Trump từng dọa “xé nát” cam kết của chính quyền Obama nhưng hiện không có bằng chứng gì. Đây không phải là thỏa thuận song phương giữa Mỹ với Iran mà là một thỏa thuận đa phương.

Ngày 22-9, Iran phóng thử tên lửa Khorramshahr có tầm bắn 2.000 km và có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân.

Hậu thuẫn cho thỏa thuận hạt nhân Iran hiện nay ngoài Nga còn có Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức và cả EU nói chung. Hơn nữa, Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế và Bộ Ngoại giao Mỹ đều xác nhận Tehran đang nghiêm túc thực hiện cam kết. Đa phần dư luận Mỹ lẫn trên thế giới đều ủng hộ thỏa thuận này.

Nhưng điều quan trọng hơn cả là chừng nào lò lửa hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên còn chưa nguội thì chừng đó ông Trump chưa thể hoặc không dám đồng thời đối phó vấn đề hạt nhân ở hai nơi trên thế giới. Nếu Mỹ trở mặt trong hồ sơ Iran sẽ gây ra những tác động tiêu cực: Khả năng lôi kéo Triều Tiên trở lại bàn đàm phán phi hạt nhân hóa càng thêm xa vời.

Các chuyên gia về Triều Tiên cảnh báo: Bình Nhưỡng theo dõi sát sao xem “hồ sơ Iran được xử lý ra sao”, để có thể dự báo được “số phận của chính họ nếu như nước này một ngày nào đó phải chấp nhận từ bỏ vũ khí hạt nhân”.

Vậy thì vì sao chính quyền Trump tìm cớ làm căng trong vấn đề hạt nhân Iran? Đài Sputnik của Nga ngày 21-9 dẫn lời Muhammad Salimi, chuyên gia về Trung Đông đồng thời cũng là giáo sư chuyên ngành khoa học vật liệu và công nghệ hóa học thuộc trường Đại học Nam California, nhận định ông Trump có những động cơ ngầm khi làm căng với Iran.

Theo ông Salimi, không có một từ nào trong thỏa thuận hạt nhân nhắc đến chương trình tên lửa của Iran hay sự hiện diện của nước này ở Iraq và Syria. Chuyên gia cho biết, thậm chí nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an LHQ cũng chỉ “yêu cầu” Iran kiềm chế thử tên lửa. Ông nói: “Cái Mỹ luôn muốn là một Iran không phòng vệ để nước này có thể tùy ý tấn công”.

Ông Salimi cũng nhắc lại trong khi Iran chuẩn bị tự phòng vệ thì Mỹ vẫn tiếp tục trang bị vũ khí đầy đủ cho các quốc gia mà nước này lo sợ là Arập Xêút và Israel với những hệ thống vũ khí tấn công. Cụ thể, Washington đã bán vũ khí trị giá hơn 200 tỷ USD cho Arập Xêút và các quốc gia Arập vùng Vịnh, ngoài ra là khoản viện trợ quân sự hơn 3 tỷ USD cho Israel hằng năm.

Chuyên gia này giải thích chính quyền Trump muốn tiếp tục chính sách truyền thống là kích động nỗi lo sợ khu vực đối với Iran nhằm mục đích khiến những quốc gia Trung Đông phải mua những số lượng lớn vũ khí đắt đỏ từ các nhà thầu quốc phòng Mỹ.

Tháng 7 năm nay, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới lên Iran vì chương trình tên lửa đạn đạo của nước này. Washington còn chỉ trích Tehran góp phần gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh. Trong khi đó, Iran cho rằng hợp đồng quân sự trị giá 110 tỷ USD giữa Mỹ và Arập Xêút được ký kết hồi tháng 5-2017 là một mối đe dọa tới Tehran. Giữa lúc hai bên liên tục đáp trả qua lại thì Tehran lại tiến hành sản xuất một loại tên lửa mới.

Tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Iran mới đây khẳng định, tên lửa này đạt độ cao 27 km và bay khoảng 120 km, có thể nhằm vào các mục tiêu như chiến đấu cơ, các phương tiện máy bay không người lái, tên lửa hành trình và trực thăng. Tất cả những diễn biến này đẩy quan hệ ngoại giao Mỹ và Iran vào vòng xoáy căng thẳng.

Cho đến nay, qua hai lần sát hạch kiểm tra việc thực thi thỏa thuận, mặc dù chính quyền Tổng thống Trump khẳng định Iran đang tuân thủ theo thỏa thuận hạt nhân nhưng chưa đủ và cần đánh giá lại thỏa thuận một cách toàn diện.

Việc vừa thừa nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân vừa đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế mới cho thấy Mỹ đang thực hiện chính sách “hai mặt” đối với Iran. Một mặt cố gắng tăng áp lực lên Iran trong khi vẫn giữ thỏa thuận giữa Tehran và 6 cường quốc thế giới.

Nhà hoạt động chính trị David Swanson thì nhận định thỏa thuận hạt nhân Iran có thể vẫn tồn tại nếu người dân Mỹ và các chính phủ trên thế giới bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ và Tehran có thể yêu cầu cộng đồng thế giới ủng hộ thỏa thuận lịch sử này.

Mộc Thạch - Quang Học (tổng hợp)
.
.