Mỹ: Kế hoạch tiêu diệt ISIS quy mô toàn cầu

Thứ Bảy, 13/09/2014, 05:20

Ngày 10/9/2014, một ngày trước khi nước Mỹ tưởng niệm 13 năm sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ chính thức công bố kế hoạch tổng thể chống Nhà nước Hồi giáo (ISIS) trên phạm vi toàn cầu.

Kế hoạch đã được Tổng thống Obama thông báo tóm lược trong cuộc phỏng vấn ghi âm được phát sóng trên chương trình "Gặp gỡ báo chí" (Meet the Press) của Kênh truyền hình NBC của Mỹ. "Bước tiếp theo hiện nay là tiếp tục các cuộc không kích" - ông Obama nói.

Obama cho biết, trong bài phát biểu của ông vào ngày 10/9 chứa đựng chi tiết về kế hoạch tổng tấn công ISIS. Obama tuyên bố, kế hoạch đó sẽ không có việc đưa quân bộ binh vào chiến dịch "tìm và diệt" hay những chiến dịch đặc biệt "bắt cóc thủ tiêu" các đối tượng nghi là chiến binh ISIS, như cách Mỹ đã làm đối với Al-Qaeda và Taliban.

Ông Obama nhấn mạnh: sử dụng đòn không kích sẽ là phương thức tấn công chủ yếu nhằm phối hợp và hỗ trợ lực lượng quân đội và an ninh trên bộ của Iraq và phiến quân đối lập ở Syria. Ông Obama xác định, cuộc chiến chống ISIS sẽ là cuộc chiến chống khủng bố lâu dài tương tự như các cuộc chiến khác của nước Mỹ kể từ sau sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001.

Chiến dịch chống ISIS sẽ không giống như các chiến dịch quân sự ở Iraq hay Afghanistan. Nhưng ông Obama cũng cần phải thuyết phục dân chúng Mỹ cũng như các thành phần đối lập về tính khả thi và hiệu quả của kế hoạch.

Một chiếc máy bay chiến đấu FA-18 cất cánh từ tàu sân bay USS George Bush ở vùng Vịnh tiến hành không kích ISIS.

Để thực hiện kế hoạch chống khủng bố quy mô lớn này, Mỹ đã xây dựng một liên minh toàn cầu bao gồm 10 quốc gia nòng cốt (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada, Australia, Thổ Nhĩ Kỳ, Italia, Ba Lan và Đan Mạch) và tiếp tục kêu gọi sự tham gia của nhiều đối tác khác.

Liên minh nòng cốt này đã được công bố tại hội nghị cấp cao NATO ở Xứ Wales ngày 5/9 vừa qua. Liên minh 10 quốc gia là một giải pháp trước mắt Mỹ và Anh phải chọn lựa để đối phó những đe dọa an ninh ở Iraq đang khơi dậy những lo ngại về sự lớn mạnh của tổ chức khủng bố mới ISIS vốn được đánh giá là hung bạo và tàn ác hơn hẳn Al-Qaeda. Thế nhưng, trong kế hoạch xây dựng liên minh nòng cốt chống ISIS toàn cầu lại không có các quốc gia Arập trong khu vực.

Đây là một thiếu sót nghiêm trọng, vì các quốc gia Arập đang ngày càng thể hiện tốt vai trò tham gia giải quyết các vấn đề trong khu vực. Những sự việc xảy ra thời gian gần đây như vụ máy bay Ai Cập và UAE ném bom các mục tiêu phiến quân ở Libya (khiến Mỹ bị bất ngờ) hồi cuối tháng 8 vừa qua là một bằng chứng cho thấy các quốc gia trong khu vực hoàn toàn có thể gánh vác những việc mà Mỹ và các đồng minh phương Tây không thể làm được tại đây.

Ngày 9/9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đến Trung Đông để thuyết phục các quốc gia Arập tham gia Liên minh chống ISIS toàn cầu. Trước đó, ngày 7/9, tại một cuộc họp các Bộ trưởng Ngoại giao Liên đoàn Arập (AL), Tổng thư ký Nabil Elaraby đã "ủng hộ" Mỹ bằng cách lên tiếng kêu gọi các quốc gia thành viên AL tích cực tham gia Liên minh chống ISIS do Mỹ và Anh khởi xướng.

Nhà Trắng giờ đây đánh giá các quốc gia Arập trong khu vực có thể đóng vai trò then chốt trong việc ngăn chặn sự lan rộng của ISIS, và xa hơn là có thể góp sức vào việc tiêu diệt lực lượng khủng bố nguy hiểm này.

Ngày 7/9, không quân Mỹ tiếp tục các đợt không kích lực lượng ISIS đang vờn quanh, đe dọa đập thủy điện Haditha ở gần thành phố Mosul (Iraq). Ở Syria, máy bay của quân đội Chính phủ Syria cũng liên tiếp tấn công vào các vị trí mục tiêu ISIS tại tỉnh Raqqa, miền Bắc Syria.

Tuy nhiên, hoạt động quân sự của Mỹ chỉ làm cho ISIS chậm bước tiến, tạm thời rút khỏi những vị trí mà Mỹ thấy cần bảo vệ. Bom đạn Mỹ vẫn không thể ngăn được việc ISIS bắt giữ và hành quyết hàng trăm binh sĩ quân đội và an ninh Iraq. Đó là chưa kể những con tin phương Tây bị ISIS bắt giam ở Syria đang lần lượt trở thành vật tế thần trong cuộc "thách đấu" giữa ISIS với phương Tây.

Phiến quân ISIS tung hoành trên đất Syria.

Thời gian gần đây, trên báo chí quốc tế cũng liên tiếp vang lên những lời cảnh báo về làn sóng thánh chiến quân người phương Tây sau khi tham gia chiến đấu ở Iraq và Syria trở về nước sẽ trở thành mối họa lâu dài, có nguy cơ sẽ gây ra những cuộc tấn công khủng bố ngay trong lòng các quốc gia phương Tây.

Khi nói về mối đe dọa của ISIS đối với an ninh quốc gia Mỹ, Tổng thống Obama cho rằng, ISIS ở Iraq và Syria không trực tiếp đe dọa an ninh Mỹ mà tạo ra mối họa về lâu dài thông qua lực lượng thánh chiến quân hồi hương. Đây là lý do chính được Tổng thống Obama nêu ra để làm cơ sở xây dựng và triển khai kế hoạch liên minh chống ISIS toàn cầu.

Có một thực tế mà nước Mỹ đang cố tình bỏ qua khi xây dựng Liên minh chống ISIS, đó là sự tham gia của Syria - quốc gia đang trực tiếp đối đầu với ISIS ngay trên lãnh thổ của mình. Để xây dựng lực lượng trên mặt đất trực tiếp chống ISIS, Tổng thống Mỹ Obama chỉ quan tâm và đang cố gắng thuyết phục Quốc hội Mỹ phê duyệt một khoản chi ngân sách 500 triệu USD để tài trợ và trang bị khả năng chiến đấu cho lực lượng đối lập chống Chính phủ ở Syria, nhưng trên thực tế lực lượng này đang khá yếu thế vì vừa phải chống trả khá mệt mỏi với quân đội chính phủ lại vừa chiến đấu với ISIS vốn mạnh hơn và thiện nghệ hơn về kỹ thuật và năng lực quân sự.

Trong khi đó, quân đội Syria hoàn toàn có khả năng chiến đấu một cách hiệu quả với ISIS, thậm chí có khả năng khống chế và tiến tới tiêu diệt dần ISIS nếu có sự phối hợp từ nhiều phía. Hiện Chính phủ Syria đang để ngỏ khả năng hợp tác nếu Mỹ muốn.

Nhưng nếu Washington tiếp tục theo đuổi chính sách "Assad phải ra đi" vào thời điểm này, khả năng thành công của kế hoạch tiêu diệt ISIS sẽ không cao, thậm chí còn có thể gây ra họa lớn hơn nếu ông Assad bị lật đổ, không còn lực lượng đủ mạnh để chống ISIS trên bộ, khi đó Mỹ buộc phải làm điều không có trong kế hoạch: Dùng bộ binh. Hậu quả sẽ khó lường

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.