Mỹ: Lật lại vụ án giết người sau hơn 18 năm

Thứ Ba, 20/09/2011, 09:45

Năm 1993, dư luận nước Mỹ được một phen rúng động trước tội ác giết người man rợ tại thị trấn nhỏ West Memphis, phía tây Arkansas. Ba bé trai được tìm thấy chết trong một đầm lầy trong tình trạng bị trói chặt chân tay bằng dây buộc giày, cơ thể trần truồng và bị cắt bộ phận sinh dục. Có ba thanh niên bị kết tội đã ra tay sát hại ba cậu bé, một người lĩnh án tử hình, hai người chịu án chung thân. Nhưng bất ngờ cách đây 2 tuần, sau 18 năm 2 tháng 18 ngày, họ được trả tự do...

Vụ án bắt đầu vào tối ngày 5/5/1993, khi ba cậu bé cùng 8 tuổi là Steve Branch, Michael Moore và Christopher Byers không về nhà. Bố mẹ bọn trẻ lo sợ con mình bị bắt cóc và đã báo cảnh sát. Một số người dân ở khu vực thị trấn cho biết lần cuối cùng họ nhìn thấy ba đứa trẻ đi xe đạp vào khu vực đồi Robin Hood. Một cuộc tìm kiếm được tiến hành ngay trong đêm và đến ngày hôm sau, thi thể của ba cậu bé đã được tìm thấy.

Cảnh sát nhanh chóng vào cuộc để truy tìm kẻ sát nhân tàn ác và đặc biệt chú ý đến một thanh niên có tên là Damien Echols. Điều tra mở rộng trong số bạn bè của Echols có hai thanh niên bị xếp vào diện nghi vấn là Jason Baldwin và Jessie Misskelle. Cả ba đã bị bắt giữ ngay sau đó. Jessie Misskelley đã khai nhận việc giết chết ba đứa trẻ trong khi hai người kia thì luôn khẳng định rằng mình vô tội.

Ở những phiên tòa sau đó, có rất ít bằng chứng được đưa ra và cảnh sát không tìm ra hung khí giết người có liên quan đến ba thanh niên đang bị bắt giữ. Ngay cả lời khai của Misskelley cũng có nhiều mâu thuẫn và nhiều thông tin không chính xác. Trong khi vụ việc vẫn chưa được làm rõ thì năm 1994, cả ba thanh niên vẫn bị kết tội giết người. Echols lĩnh án tử hình còn Baldwin và Misskelley lĩnh án tù chung thân.

Vào năm 2007, 14 năm sau vụ giết người, sự việc được lật lại nhờ vào một bằng chứng pháp lý mới. Sau một loạt các cuộc thử nghiệm, kết quả cho thấy mẫu ADN thu được tại hiện trường vụ án không liên quan đến bất cứ người nào trong ba người bị kết án nhưng lại có liên quan đến Terry Hobbs, cha dượng của một trong các nạn nhân, cùng với người bạn của ông ta.

Bằng chứng mới này dự kiến sẽ được trình bày tại một phiên điều trần vào cuối năm 2011 này, tuy nhiên cuối cùng đã diễn ra trước dự kiến vào ngày 19/8 vừa qua tại Tòa án quận Craighead. Vậy là sau 18 năm 2 tháng 18 ngày bị giam giữ, họ - giờ đây đã là những người đàn ông 30 tuổi - được thả tự do với mức án treo 10 năm. Đây được xem là trường hợp hi hữu gây xôn xao dư luận nước Mỹ.

Từ trái qua: Misskelley, Echols và Baldwin cách đây hơn 18 năm (hàng dưới) và hiện tại.

Để tìm lại tự do, ba người đàn ông đã liên tục kêu oan và kiên trì kháng án. Damien Echols cho rằng, sở dĩ anh ta bị nghi ngờ và sau đó bị kết tội là thủ phạm giết ba đứa trẻ vì người ta đã dựa vào tiểu sử có phần khác người của anh: thích đọc truyện ma cà rồng, nghe nhạc rock, đã hơn một lần anh có ý định tự tử, và đáng chú ý là anh ta bị cho là có liên quan đến giáo phái Satan. Việc ba bé trai bị sát hại dã man khiến dư luận suy diễn rằng vụ việc có liên quan đến một lễ hội ma quỷ của giáo phái này trong đó có nghi lễ Satanic - nghi lễ cắt bộ phận sinh dục.

Còn Jessie Misskelley nói rằng anh ta đã bị cưỡng chế nhận tội giết người. Trong vụ án này ba chàng trai không đơn độc trong cuộc hành trình tìm lại công lý. Có hàng ngàn công dân Mỹ tin Misskelley, Baldwin và Echols đã bị kết án sai và hỗ trợ họ đấu tranh dưới nhiều hình thức. Sự hỗ trợ ngày càng mở rộng, có cả những chuyên gia hình sự và những người đại diện cho pháp lý cũng tham gia minh oan cho ba chàng trai.

Nhiều diễn đàn trên mạng Internet được lập nên để kêu gọi mọi người hãy đấu tranh cho công lý. Họ tự đi tìm những bằng chứng chứng minh rằng ba thanh niên có bằng chứng ngoại phạm trong thời điểm vụ án xảy ra. Những hoạt động của họ đã thu hút sự chú ý của dư luận và lôi cuốn được cả những người nổi tiếng tham gia. Chính nhờ vào sự tích cực này mà quá trình kháng án được kéo dài thêm.

Năm 2010, nhà hoạt động chính trị Eddie Vedder đã tổ chức một buổi hòa nhạc ở Little Rock thuộc tiểu bang Arkansas với sự góp mặt của những ngôi sao nhạc rock là Johnny Depp và Patti Smith nhằm gây quỹ giúp ba chàng trai. Đạo diễn của bộ phim "Chúa tể của những chiếc nhẫn", ông Peter Jackson, đã đứng ra trả phí pháp lý cho ba người này trong thời gian kháng cáo.

Dư luận thời gian gần đây đặt nhiều nghi vấn về việc kết án sai của cơ quan pháp luật Arkansas. Và trung tâm của vấn đề được cho là có liên quan đến những tham vọng chính trị. Ở Arkansas, công tố viên, thẩm phán và các luật sư được quyền tham gia ứng cử. Vì vậy, để giữ vững hoặc tăng uy tín, đôi khi luật pháp nghiêm minh lại trở thành sự bất công với người dân vô tội khi cơ quan luật pháp muốn nhanh chóng phá được án, nhanh chóng tìm ra người nhận tội. Ba chàng trai cũng như những người ủng hộ họ muốn có một lời xin lỗi từ đại diện cơ quan luật pháp ở Arkansas.

âu trả lời nhận được là lời xin lỗi chỉ được đưa ra khi nào ba người đã lãnh đủ án treo hoặc có chứng cứ mới về kẻ giết người. Vụ việc có vẻ sẽ tiếp tục ám ảnh người dân Arkansas trong nhiều năm nữa

Huyền Châm - Phương Hiếu (tổng hợp)
.
.