Mỹ Latinh: Vì sao biểu tình ngày càng lan rộng?

Thứ Hai, 07/10/2013, 11:40

Mặc dù là khu vực có nền kinh tế tăng trưởng khá cao thời gian gần đây, nhưng tình trạng bất ổn xã hội đã trở thành một phần thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày ở nhiều quốc gia trong khu vực này. Sau biểu tình và bạo loạn ở Venezuela, Peru, Brazil…thì mới đây nhất là Chile. Các sự kiện này cho thấy, ở Mỹ Latinh gần đây có các phong trào  biểu tình cục bộ bắt lửa từ tầng lớp bình dân.

Xảy ra như cơm bữa

Tại Chile, bạo loạn đã phủ bóng đen lên các cuộc tuần hành và hoạt động tưởng niệm các nạn nhân của chế độ độc tài Augusto Pinochet, dựng lên sau cuộc đảo chính cách đây 40 năm. Giới chức Chile cho biết, đụng độ nổ ra ở ngoại ô thủ đô Santiago mới đây sau hàng loạt sự kiện tưởng nhớ các nạn nhân trong thời kỳ đen tối kéo dài 17 năm dưới chế độ Pinochet. Đã có ít nhất 50 người bị thương, trong đó có 42 cảnh sát, và 264 người bị bắt giữ sau các vụ việc này.

Trước đó cũng tại Chile, những phong trào biểu tình đã kêu gọi cho công lý và bình đẳng xã hội, các sinh viên tiếp tục biểu dương lực lượng của họ, và báo chí đưa tin, ngày càng có nhiều vụ đụng độ giữa các cảnh sát mặc quân phục và những người biểu tình trẻ tuổi.

Sự kiện gần đây nhất đã tạo ra làn sóng chỉ trích lan rộng là việc lực lượng cảnh sát đặc nhiệm đã chiếm giữ tòa nhà chính của Trường đại học Chile, vốn đang bị những người biểu tình nắm giữ. Các sinh viên đang biểu tình đòi sự tự do và nền giáo dục bậc đại học chất lượng cao cho tất cả mọi người, đó là quyền chính đáng của công dân, nhưng cảnh sát đã xông vào tòa nhà và tấn công họ.

Rất nhiều quốc gia cũng đang trong hoàn cảnh tương tự. Tại Bolivia, các cuộc biểu tình đòi tăng lương cũng đã dẫn đến những cuộc xung đột nghiêm trọng giữa cảnh sát với các đại diện của công đoàn Bolivia.

Cảnh bạo loạn tại Chile.

Ở phía bắc vùng Cajamarca của Peru, các cuộc biểu tình tiếp tục chống lại dự án khai thác mỏ Conga được quản lý bởi Công ty Yanococha. Hàng trăm người đã dựng lều trại bên bờ của đầm phá El Perol, nơi đang bị dự án này làm ô nhiễm.

Ở Venezuela, các biện pháp mà chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro đã đưa ra nhằm trấn an và kiểm soát tình trạng thiếu lương thực đã gây ra những cuộc tranh cãi nghiêm trọng và bất đồng.

Cuối cùng là Brazil. Mọi người đã thấy các cuộc biểu tình hàng loạt được tổ chức trên các trang mạng xã hội, diễn ra nhằm chống lại sự quản lý không đạt yêu cầu của Ban tổ chức World Cup  2014. Tham nhũng, lạm phát, chi phí vận chuyển công cộng tăng giá và một loạt các khiếu nại đã dẫn đến việc Tổng thống Dilma Rousseff  bị la ó khi bà khai mạc giải Cofederations Cup.

Trước đây, các sự việc tồi tệ có thể bị bỏ qua, nhưng giờ đây những thiết bị thông tin liên lạc nhiều hơn, nên tất cả mọi người đều có thể lên tiếng và bày tỏ sự bất mãn của mình về những vấn đề trải rộng trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị cho tới môi trường. Tiếng nói của các cộng đồng giờ đây đang vang dội khắp cả nước và nhấn mạnh vào những sự thật không thể lảng tránh: Những vấn đề đang ảnh hưởng tới tất cả mọi người, bất chấp khoảng cách về địa lý.

Biểu tình vẫn đang lan rộng ở nhiều nước Nam Mỹ.

Căn nguyên của biểu tình

Để hiểu điều này, 4 đặc trưng của cộng đồng địa phương phải được xem xét tới. Đầu tiên, khu vực địa phương là nhân tố quan trọng nhất trong việc xác định danh tính của một người dân. Thứ hai, cộng đồng địa phương là trung tâm của tất cả các tầng lớp xã hội. Thứ ba, xã hội đương đại được biểu thị bởi tính chất đô thị của nó và do đó thành phố đã trở thành tâm điểm của xã hội hiện đại. Và cuối cùng chính sách phúc lợi nhà nước được xây dựng để giải quyết các vấn đề của xã hội, và sự phát triển của nó xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực địa phương.

Thực tế, tầm quan trọng của chính sách phúc lợi xã hội đã tạo ra gia tăng của các cư dân thành thị với vai trò là người cung cấp các dịch vụ cho cộng đồng địa phương, trong khuôn khổ của các thể chế chính trị ở mỗi quốc gia. Chẳng hạn, sự tăng giá chi phí vận chuyển ở Brazil đã làm bùng phát những cuộc biểu tình bạo lực.

Hai học giả Jordi Borja và Manuel Castells từng cho rằng, trong cộng đồng địa phương, các không gian có thể được tạo ra để cho phép công dân tham gia vào các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa... Điều này không chỉ vì cộng đồng địa phương bao gồm một nhóm người dân và một tập hợp lựa chọn đa dạng các hoạt động, mà còn do mối quan hệ cộng sinh xuất hiện khi người dân lồng ghép các nền văn hóa. Từ đó, cộng đồng địa phương có thể trở thành một nơi để giải quyết các thách thức của kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa mà thời đại chúng ta gặp phải.

Theo Borja và Castells, môi trường cộng đồng địa phương tạo điều kiện để các bên liên quan tương tác và đi đến thỏa thuận về các quyết định của nhóm.

Do đó, một trong những chức năng của chính quyền địa phương là phải xác định chỗ đứng của các bên liên quan, khuyến khích sự tham gia của họ và cung cấp không gian để cho họ được đáp ứng và đối thoại. Chính phủ cũng phải hỗ trợ việc xây dựng các kênh thông tin liên lạc thường xuyên để cho phép các đảng phái liên quan và giữa đảng phái với chính phủ cùng đàm phán theo một cách thức nào đó để tối ưu hóa quá trình ra quyết định. Chỉ sau đó mới có thể khiến tình trạng bất ổn chính trị hiện nay thay đổi và đi đến ổn định lâu dài

V.Nguyễn - Hải (theo WC)
.
.