Mỹ: Nỗ lực tìm kiếm và cứu giúp trẻ em bị bắt cóc

Thứ Sáu, 13/06/2008, 08:30

Cả hai viện tại Quốc hội Mỹ vừa thống nhất thông qua một đạo luật dự thảo nhằm cung cấp khoản kinh phí 40 triệu USD cho một chương trình 5 năm để tìm kiếm và cứu giúp những trẻ em bị bắt cóc. Dự thảo luật này – trong đó còn dự kiến thành lập một số cơ quan hành pháp đặc biệt cho mục đích trên - sẽ được Tổng thống Bush phê chuẩn trong thời gian gần nhất…

Tại Mỹ, trung bình mỗi năm có hơn 2.000 trẻ em bị mất tích hay trở thành đối tượng của những âm mưu bắt cóc – đó là số liệu được chính thức nêu ra từ Bộ Tư pháp, bộ phận chính chịu trách nhiệm soạn thảo dự luật trên. Thực trạng này đang gây ra sự chú ý và quan tâm đặc biệt của chính quyền và công luận Mỹ, giúp cho những nỗ lực ngăn chặn loại tội phạm trên đã được đẩy mạnh từ nhiều năm qua.

Vào đúng ngày dự thảo luật nói trên được thông qua tại Quốc hội, Bộ Tư pháp Mỹ cũng tổ chức một buổi lễ trọng thể tôn vinh những nhân viên cơ quan hành pháp hay những người tình nguyện đã từng tham gia vào hoạt động giải cứu trẻ em bị bắt cóc. Một nhân vật đáng chú ý có mặt trong buổi lễ này cùng cha mẹ chính là Elizbeth Smart, hiện đã là sinh viên một trường đại học của Mỹ.

Vào năm 2002, Smart (khi đó 14 tuổi) bị bắt cóc đã được các nhân viên Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) tìm thấy và giải cứu. “Vào cái ngày con gái tôi bị mất tích, cuộc sống của gia đình tôi tưởng như đã ngưng lại hoàn toàn” – ông Edward Smith, cha của nạn nhân kể lại. Và tất cả những người đã giúp giải cứu cho cô con gái được ông Edward gọi là “cứu tinh của cả gia đình”.

Nước Mỹ hiện có một tổ chức mang tên "Trung tâm Quốc gia về trẻ em bị mất tích và bị cưỡng bức" đang hoạt động rất hiệu quả. Trung tâm này được thành lập năm 1984 theo sáng kiến của phóng viên truyền hình Jon Walsh của Mỹ. Những nỗ lực của phóng viên này cùng với sự hợp tác của các cơ quan liên bang và nhiều công ty tư nhân cho đến nay đã giúp cứu vớt cuộc sống của tổng cộng hơn 110 ngàn trẻ em bị bắt cóc từ 16 tuổi trở xuống. Nhưng theo khẳng định của các chuyên gia từ Bộ Tư pháp, những vụ bắt cóc trẻ em vị thành niên chủ yếu diễn ra với mục đích xâm phạm tình dục và thường kết thúc bằng việc thủ phạm sát hại nạn nhân.

Đệ nhất phu nhân Laura Bush và Rae Leigh-em bé đầu tiên được cứu thoát tại Mỹ nhờ hệ thống "Amber Alert" khi mới có 8 tuần tuổi

Chương trình lần này dưới sự bảo trợ của trung tâm và có sự tham gia phối hợp của các đơn vị đặc biệt của Bộ Tư pháp, FBI và cảnh sát địa phương. Ngoài ra, chương trình còn thu hút sự tham gia của hàng chục công ty tư nhân và các tổ chức tình nguyện được thành lập trên khắp 50 bang của Mỹ (số lượng những tổ chức này đã lên tới 65).

“Chương trình 5 năm sẽ giúp mở rộng nguồn nhân tài, vật lực của các cơ quan liên bang và công ty tư nhân trong việc săn lùng, bắt giữ và đưa ra tòa những tên tội phạm hình sự có dính líu vào những tội ác bắt cóc và cưỡng bức trẻ vị thành niên – phát biểu của nghị sĩ Jufie Bigert từ bang Illinois

Ngoài ra dự thảo luật lần này còn xác nhận về tội phạm hình sự đối với bất cứ một cá nhân nào có âm mưu thông qua quảng cáo trên Internet để tìm kiếm cơ hội lạm dụng tình dục đối với trẻ vị thành niên. Các điều kiện ràng buộc về pháp lý của dự thảo còn bắt buộc những kẻ có tiền án bắt cóc trẻ em phải đăng ký công khai trên các trang web của FBI những địa chỉ hộp thư điện tử của mình. Điều này giúp các cơ quan hành pháp có thêm một công cụ bổ sung nữa để giám sát thường xuyên nơi sinh sống của những kẻ có tiền án”.

Một trong những thành phần cơ bản nhất của chương trình 5 năm nhằm tìm kiếm trẻ bị bắt cóc và bắt giữ thủ phạm chính là hệ thống nổi tiếng “Amber Alert” – một phương tiện giúp thông báo hết sức nhanh chóng về các trường hợp trẻ bị bắt cóc. Hệ thống này được điều hành trong phạm vi của Bộ Tư pháp có thể giúp truyền ngay những thông tin cần thiết  với độ ưu tiên cao nhất tới các kênh truyền hình chủ yếu và hàng ngàn trạm phát sóng khắp nơi trên nước Mỹ. Những thông báo khẩn này thường bao gồm các thông tin chi tiết về thời gian và vị trí đứa trẻ bị bắt cóc.

Từ năm 2002, “Ambert Alert” đã phát triển nhanh chóng thành một hệ thống cảnh báo tầm cỡ liên quốc gia (sang cả Canada), với việc phát triển thêm một loạt những bảng điện tử đặt dọc theo những tuyến đường lớn, liên tục phát thông tin chi tiết về những trẻ em bị bắt cóc, dấu hiệu nhận dạng và những kẻ có khả năng là thủ phạm. 

Chỉ tính riêng trong năm 2007, “Amber Alert” đã giúp cho 260 trẻ em vị thành niên bị bắt cóc trở về với gia đình. Hệ thống cảnh báo thông tin khẩn này qua sóng vô tuyến lần đầu tiên được phát đi từ Tp Dallas (bang Texas) với sự hợp tác của các phóng viên truyền hình và cảnh sát địa phương.

Hệ thống được đặt tên là Amber để tưởng nhớ bé gái 9 tuổi Ambert  Hagerman – một nạn nhân xấu số đã bị bắt cóc và sát hại tại Tp Arlington (Texas) vào tháng 1/1996.

Cần nói thêm, thành công và hiệu quả của hệ thống “Amber Alert” đã được các nước quan tâm. Như Malaysia vào tháng 9/2007 cũng triển khai một hệ thống tương tự có tên “Nurin Alert”, cũng lấy tên bé gái 8 tuổi Nurin bị mất tích trước đó ở ngoại ô Kuala Lumpur

Quỳnh Lai (Tổng hợp)
.
.