Mỹ: Tấn công Nhà nước Hồi giáo – Lộ trình không bằng phẳng

Thứ Hai, 15/09/2014, 21:35

Tổng thống Obama cuối cùng buộc phải đưa ra một kế hoạch hành động mạnh mẽ hơn để chống lại IS. Sau nhiều cuộc thương thảo với các đồng minh phương Tây và những quốc gia Hồi giáo để thành lập một liên minh quốc tế, Tổng thống Obama nhắc lại mục tiêu đã được hoạch định rõ rệt những ngày vừa qua: làm suy yếu rồi phá tan phong trào Hồi giáo cực đoan đó. Kịch bản tổng quát cũng đã được vạch rõ: gia tăng các cuộc oanh kích đã bắt đầu từ giữa tháng 8 để hỗ trợ cho hoạt động của quân đội Iraq và Kurd trên mặt đất.

Chi tiết của kế hoạch không được công bố rõ rệt trong bài diễn văn ngày 10-9 trình bày trước giới chính trị gia và công luận, nhưng đó là một lộ trình hợp lý mà theo Tổng thống là để đối phó với mối đe dọa trực tiếp đến Mỹ. Tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm khiến người ta thắc mắc.

Ta biết rằng Chiến lược của Tổng thống Mỹ phần lớn dựa vào sự hậu thuẫn của các nước phương Tây và những quốc gia trong khu vực đã ký thỏa thuận về nguyên tắc. Người ta không biết về vai trò của từng quốc gia nhưng nhiều chuyên gia cho rằng các quốc gia Arập sẽ được yêu cầu trợ giúp về tình báo, ảnh hưởng đối với các bộ tộc Sunni và kiểm soát nguồn tài chính của những tập đoàn tư nhân tài trợ cho IS. Các nước phương Tây có thể hỗ trợ bằng việc cung cấp vũ khí và giúp đỡ người tị nạn. Người ta ước tính có đến 3 triệu người Syria đã rời bỏ quê hương sang các nước láng giềng. Tại Iraq số người tản cư cũng có đến hàng triệu.

Mọi chuyên gia đều nhất trí rằng, muốn chiến thắng IS phải mất rất nhiều năm xét theo sức mạnh quân sự, chính trị và tài chính của phong trào này. "Công cuộc có thể mất 1 hoặc 2 hoặc 3 năm" - Ngoại trưởng John Kerry thừa nhận. Chiến dịch này sẽ phức tạp hơn so với khi chống lại Al-Qaeda tại Yemen và Pakistan. Tổng thống Obama cho rằng Mỹ sẽ phải tiêu tốn nhiều hơn so với ngân sách hiện nay dành cho khu vực.

Một năm sau khi hoãn kế hoạch tấn công quân đội Syria sau vụ sát hại dân thường bằng vũ khí hóa học, Nhà Trắng có thể xem xét lại giả thuyết về một chiến dịch trên lãnh thổ Syria. Cho đến nay Chính phủ Mỹ không lên tiếng về khả năng tấn công Syria, nơi mà phe thánh chiến cũng đã cát cứ vững chắc. Nếu lần này quyết định như thế, đây sẽ là một sự leo thang khác thường về sức mạnh trong chiến lược của Mỹ. Nhưng chọn lựa này là một nỗi đau đầu đối với Tổng thống Obama.

Theo tướng Martin Dempsey, phe thánh chiến có thể bị thất thủ với điều kiện bị tấn công cả tại Syria chứ không chỉ ở Iraq. Nhưng chính quyền Mỹ có thể trông cậy vào ai? Phe nổi dậy ôn hòa đang ở thế yếu và đồng minh khả dĩ chỉ có thể là Tổng thống Al-Assad. Nhưng dựa vào ông ta là một giả thuyết bị Mỹ và Pháp cực lực bác bỏ. Liệu Mỹ và đồng minh có thể tấn công các cứ điểm của IS trên lãnh thổ Syria mà không có sự đồng ý của Tổng thống Al-Assad không?  

Dù sao Tổng thống Obama cũng có thể ra lệnh oanh kích tại Syria mà không cần chờ sự chấp thuận của Thượng viện. Tổng thống Obama dự tính "sẽ mở một chiến dịch lâu dài, phức tạp hơn là các vụ không kích Al-Qaeda tại Yemen và Pakistan hay nơi khác". Cho đến nay các vụ không kích chỉ nhắm vào một số vị trí và cứ điểm của bọn khủng bố. Để chiến thắng Al-Qaeda hay các nhóm khủng bố như Shebab ở Somalia, quân đội Mỹ không ngần ngại mở những cuộc tấn công để giết các thủ lĩnh.

Hiện nay cái đầu của thủ lĩnh Al-Qaeda là Ayman Al-Zawahiri có giá 25 triệu USD, và FBI sẽ thưởng 10 triệu USD cho cái đầu của Al-Baghdadim, thủ lĩnh IS. Tiền thưởng sẽ còn tăng cao nếu Mỹ cho rằng việc bắt được hắn là ưu tiên số 1. Vấn đề là những thủ lĩnh chính của IS hiện không rõ tung tích.

Chuyên gia Paul Cruickhank giải thích: "Mỹ không có đủ mạng lưới nhân lực tình báo tại Syria. Cố thâm nhập vào một nhóm khủng bố tàn ác như IS quả là cực kỳ khó khăn và nguy hiểm".

Cựu nhân viên CIA Robert Baer nói thêm rằng, các thành viên của IS rất thận trọng tránh những cuộc điện đàm. Bằng chứng là sự thất bại trong chiến dịch giải cứu các con tin Mỹ tại Syria.

Theo các chuyên gia, trừ khử được cái đầu của một mạng lưới thường giúp làm suy giảm ảnh hưởng của bọn khủng bố trên thế giới, cho dù cái đầu đó luôn được thay thế. Điều đó có thể tạm thời làm rối loạn mạng lưới do chúng bị mất đi khả năng hành động nhưng rồi chúng lại nhanh chóng củng cố đội hình và hành động rất khó đoán trước

Minh Luân (theo Nouvel Observateur)
.
.