Mỹ - Trung Quốc: Trước nguy cơ đối đầu trên biển Đông

Thứ Hai, 19/10/2015, 17:45
Tình hình căng thẳng trên biển Đông tiếp tục leo thang do những hành động trái phép của Trung Quốc và các tuyên bố can thiệp từ phía Mỹ. Giới quan sát chú ý đến động thái Washington tuyên bố sắp triển khai tàu tuần tra trên biển Đông và khẩu khí đáp trả đầy thách thức của truyền thông Trung Quốc đang đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực.

Sức nóng đã được thổi lên hừng hực với màn đả kích Mỹ mạnh mẽ của truyền thông Trung Quốc. Cụ thể, tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) hôm 15/10 đã đăng một bài xã luận chỉ trích Mỹ kịch liệt do có hành động “khiêu khích không ngừng” trong biển Đông. Tờ báo liên tục đưa ra những lời lẽ nặng nề công kích Mỹ “cưỡng ép”, rồi kêu gọi “Trung Hoa không nên nhẫn nhịn trước việc Hoa Kỳ hung hăng vi phạm các vùng nước của Trung Hoa và các vùng trời kế cận bên trên các đảo mở rộng”.

Tờ báo viết tiếp, quân đội Trung Quốc “hãy sẵn sàng phản công tùy theo mức độ khiêu khích của Washington”, rằng “nếu Mỹ xâm phạm các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, quân đội Trung Quốc sẽ đứng lên và sử dụng vũ lực để ngăn chặn”. Trước khi có bài báo trên Thời báo Hoàn Cầu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng đã lên tiếng “đe nẹt” việc Mỹ lên tiếng chỉ trích Trung Quốc xây dựng, bồi đắp trái phép trên biển Đông, cố tình thay đổi hiện trạng các đảo, đá, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tự do hàng hải trên biển Đông.

Ngôn từ căng thẳng của Thời báo Hoàn Cầu xuất hiện hai ngày sau khi có cuộc họp song phương giữa các quan chức quốc phòng Mỹ và Australia (diễn ra hôm 13/10). Sau cuộc họp này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã đưa ra lời cảnh báo Bắc Kinh rằng Washington sẽ tiếp tục đưa quân đội đến những nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, kể cả trên biển Đông. Tuyên bố của ông Carter đã được Bộ trưởng Ngoại giao Australia đồng thanh ủng hộ.

Hồi tháng 9/2015, trong hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã khẳng định điều đó. Sau tuyên bố của ông Carter, các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ tiếp tục đưa ra kế hoạch triển khai tàu tuần tra trên biển Đông; kế hoạch đã được gửi cho Bộ Quốc phòng Philippines, đối tác an ninh của Mỹ trong khu vực.

Bãi Đá Vành Khăn của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm trái phép và xây dựng các cấu trúc nhân tạo.

Theo kế hoạch đã tuyên bố, tàu chiến của Mỹ dự kiến sẽ đi sâu vào bên trong phạm vi 12 hải lý (19 km) xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam để thể hiện Mỹ không công nhận chúng. Để thực hiện kế hoạch, Lầu Năm Góc đã đưa ra một số phương án để Tổng thống Obama chọn lựa quyết định, từ việc chỉ đưa một tàu vũ trang hạng nhẹ đi vào vùng 12 hải lý cho đến việc triển khai lực lượng mạnh  bao gồm nhiều tàu chiến và máy bay do thám. Tuy nhiên, hiện tại Tổng thống Obama vẫn chưa quyết định mức độ biểu dương sức mạnh đến đâu để thử thách Trung Quốc.

Những lời lẽ căng thẳng, nặng nề và bầu không khí “đối đầu quân sự” trên biển Đông là kết quả tất yếu của những hành động phi pháp kéo dài nhiều tháng, nhiều năm qua của Trung Quốc trên biển Đông nhằm mục tiêu hợp thức hóa cái gọi là “chủ quyền” của Bắc Kinh đối với phần lớn biển Đông, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Bắc Kinh đã hoàn tất việc xây dựng trái phép đảo nhân tạo trên bãi đá Vành Khăn và xây dựng đường băng cất hạ cánh máy bay trên đá Chữ Thập, đồng thời tiếp tục triển khai xây dựng và đã hoàn tất 2 ngọn hải đăng trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Các không ảnh vệ tinh do Mỹ cung cấp cho thấy các đường băng trên đá Chữ Thập có thể phục vụ cho cả máy bay chiến đấu. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho rằng, theo luật pháp quốc tế, các đảo nhân tạo không cấu thành khái niệm “lãnh thổ”, và do đó Trung Quốc không thể sử dụng chúng để tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông. Tất cả những hành động trái phép đó đã nhiều lần bị Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối và yêu cầu Trung Quốc dừng ngay, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng các thỏa thuận, cam kết đã ký giữa lãnh đạo hai nước đối với vấn đề biển Đông.

Trong những tranh chấp trên biển Đông, Trung Quốc luôn thể hiện mức độ hung hăng trong hành động, đồng thời lớn tiếng “la làng” như thể chính mình là nạn nhân của hành động bạo lực. Trên thực tế, ngư dân Việt Nam là những người thường xuyên chứng kiến và trở thành nạn nhân của những hành động bạo lực vô lối, vô luật pháp đó của Trung Quốc.

Tàu khu trục ...

Mới đây nhất, một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị một tàu Trung Quốc cố tình đâm chìm gần quần đảo Hoàng Sa hôm 29/9, khiến 10 ngư dân gặp nạn và đã được một tàu cá khác kịp thời cứu nạn. Theo thống kê, tính từ đầu năm đến nay, đã có 20 tàu cá của ngư dân Việt Nam bị các tàu Trung Quốc đâm chìm, cướp tài sản rồi bỏ mặc, không cứu hộ cứu nạn. Cơ quan chức năng Việt Nam đã nhiều lần phản đối đến cấp có thẩm quyền của Trung Quốc và yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng chưa nhận được phản hồi.

Những hành vi, cách xử sự như thế sẽ hoàn toàn không có lợi cho quan hệ giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng và quốc tế, càng không thể đóng góp gì cho hòa bình, ổn định, an toàn và an ninh hàng hải, hàng không trong khu vực biển Đông.

...có tên lửa dẫn hướng USS Cowpens của Mỹ trên biển Đông.

“Các quốc gia trong và ngoài khu vực đều có trách nhiệm đóng góp vào việc duy trì và tăng cường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực này” – ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói với báo chí hôm 15/10.

Theo ông Lê Hải Bình, những đóng góp của các nước phải dựa trên cơ sở nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), Tuyên bố của các bên ở biển Đông (DOC).

Văn Trương (tổng hợp)
.
.