Mỹ: Vị chánh án đòi xử... chính mình

Thứ Hai, 26/03/2012, 17:55

Trong những ngày này, truyền thông Mỹ và thế giới đua nhau đăng tải một sự kiện hy hữu chưa từng xảy ra trong lịch sử tư pháp quốc tế, khi một vị chánh án tối cao lại yêu cầu đồng nghiệp mở phiên tòa xử… chính mình. Bao trùm lên hết thảy là một vấn đề nhạy cảm giữa thời đại văn minh, cùng quan điểm khác chủng tộc dễ gây ra sự bất bình đối với người trong cuộc.

Hôm 20/2 vừa qua, thông qua hộp thư điện tử công vụ, Chánh án Tòa án Liên bang ở tiểu bang Montana, Richard Frank Cebull, đã chuyển tiếp 6 bức e-mail đến những người bạn thân thuộc. Nội dung thư kể về một câu chuyện tiếu lâm mà Cebull vừa nhận được qua e-mail từ người anh trai, chế giễu màu da của đương kim Tổng thống Mỹ - Barack Obama.

Đột nhiên chừng 10 ngày sau, F. Cebull đã đệ đơn khiếu nại hành vi sai trái chống lại chính mình, cụ thể rằng "đó là một động thái không phù hợp cho một người đại diện công lý" như nguyên văn lời nguyên đơn kiêm bị đơn F. Cebull. Vị thẩm phán kỳ cựu 68 tuổi đã gửi đơn kiện đến Tòa Tư pháp số 9 đóng tại  San Francisco (tiểu bang California), được phân cấp theo ngành dọc là nơi phụ trách cả vùng Montana, yêu cầu điều tra các hành động không đáp ứng đúng vị trí đang đảm nhiệm.

Theo đơn thì hành vi của Richard F. Cebull không phù hợp với những quy định liên bang, vi phạm điều 2 - Bộ luật ứng xử dành cho giới tư pháp chuyên nghiệp, trong đó đòi hỏi sự vô tư trong sáng của người cầm cân nảy mực hòng thúc đẩy niềm tin trong công chúng.

Giãi bày với báo giới, Thẩm phán trưởng Montana R. F. Cebull phân trần rằng, ông vốn ngưỡng mộ đảng Cộng hòa nên không có thiện cảm mấy với người đứng đầu Nhà Trắng thuộc đảng Dân chủ. "Thông thường tôi không phát tán bất cứ e-mail nào trong hộp thư điện tử của tòa án, riêng bức thư từ anh trai có nội dung rất thú vị nên tôi đã quyết định gửi cho bạn bè cùng thưởng thức".

Chánh án Richard F. Cebull (trái) trao đổi cùng đồng nghiệp trước một phiên xử quan trọng.

Tuy thừa nhận bức e-mail có nội dung sặc mùi phân biệt chủng tộc, nhưng F. Cebull cho rằng nó chỉ lưu hành trong phạm vi bạn bè với tư cách cá nhân.

"Chung quy lại tôi không bao giờ có ý định muốn nổi danh qua việc xúc phạm đến người khác. Tôi ngỏ lời xin lỗi đến bất cứ ai cảm thấy tự ái vì rất thấu hiểu tâm trạng của họ", ông F. Cebull thổ lộ trên tờ nhật báo USA Today trong số ra gần đây. Đồng thời Chánh án Cebull cũng đích thân gửi thư xin lỗi Tổng thống B. Obama, nhận trách nhiệm về việc phát tán nội dung bức thư kèm lời hứa sẽ không để sự việc đáng tiếc lặp lại. Ngoài ra thẩm phán F. Cebull cũng thông báo với Tổng thống Obama rằng, muốn cấp tốc thành lập một hội đồng tư pháp xem xét hành vi của mình.

"Thành thật mà nói tôi không biết mình có thể mất những gì - F. Cebull viết trong thư gửi người đứng đầu Nhà Trắng - Xin ngài hãy tha thứ cho tôi và một lần nữa xin gửi tới ngài cùng gia quyến lời xin lỗi chân thành nhất". Cho đến thời điểm hiện tại, Nhà Trắng cũng như cá nhân Tổng thống chưa lên tiếng bình luận về vụ này.

"Trong đơn F. Cebull đòi mở một cuộc điều tra xem xét phải chăng động thái của mình là một hành vi không đúng, đồng thời đương sự cũng công khai thừa nhận đã xử sự không thích hợp trong vai trò của một thẩm phán, do vậy cần mở một phiên tòa xét xử thích đáng", đại diện Tòa Tư pháp số 9 cho biết.

Theo luật định thì Tòa Tư pháp có quyền cảnh cáo một thẩm phán liên bang vi phạm quy chế nghề nghiệp, truất quyền xử án có thời hạn, hoặc yêu cầu đương sự tự nguyện từ chức. Nếu có căn cứ để khởi sự thủ tục tố tụng, Tòa Tư pháp sẽ đệ trình trường hợp cần xem xét lên Hội đồng Tư pháp Liên bang, cơ quan tối cao trong hệ thống tư pháp Mỹ. Vụ luận tội và bãi nhiệm gần đây nhất là vào cuối năm 2010, khi Chánh tòa Liên bang tại tiểu bang Louisiana, Thomas Porteous bị cách chức do nghiện rượu và đam mê cờ bạc, dẫn đến việc nhận hối lộ từ các thân chủ qua nhiều vụ án khác nhau.

Luật sư kỳ cựu F.Cebull được Tổng thống W. Bush bổ nhiệm chức vụ Thẩm phán Liên bang vào năm 2001, cũng là người đại diện cao nhất của tư pháp liên bang tại địa danh quy định, đồng đảm nhiệm chức danh Chánh án Tòa án Liên bang ở địa phương ấy. Sau khi được bổ nhiệm, bất cứ vị thẩm phán liên bang tương lai nào cũng phải được Thượng nghị viện Mỹ chấp thuận, thông qua với đa số phiếu y như với quy chế dành cho các thành viên nội các.

Trước những lời chỉ trích về sự kỳ thị chủng tộc qua loạt thư điện tử gửi cho bạn bè, ông F. Cebull đề nghị xem lại tất cả các vụ mà ông thân chinh xét xử hơn 10 năm qua, hòng xác định xem người ngồi ghế chánh án có khách quan hay không. "Các bị đơn gồm cả người gốc Phi, gốc Latinh và nhiều sắc tộc khác xuất hiện tại án đường, nhưng tôi không bao giờ xét xử căn cứ theo màu da", vị chánh án quyền uy nhấn mạnh trong buổi trả lời phỏng vấn mới đây trên Kênh truyền hình CNN

Trần Hồng (theo Newsweek)
.
.